Bửu sơn kỳ hương – Mã gen truyện kể trên vùng đất Lục Châu – Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm

Cái tên Lý Lan không còn xa lạ với công chúng văn học Việt Nam. Bà là một nhà văn đã thành danh với những tác phẩm như “Ngôi nhà trong cỏ” (1984, Giải thưởng Văn học thiếu nhi), “Là mình” (2005, Giải thưởng Thơ – Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh), “Tiểu thuyết đàn bà” (2008, Giải thưởng Tiểu thuyết – Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh), “Chút lãng mạn trong mưa” (Tập truyện ngắn, 1987), “Đất khách” (Tập truyện ngắn, 1995), “Một góc phố Tàu” (Tập truyện – ký, 2001), “Người đàn bà kể chuyện” (Tập truyện ngắn, 2006), “Miên man trong mưa” (Tùy bút, 2007), “Từ Dòn Mé Sán đến…” (Tùy bút, 2014). Lý Lan còn được biết đến trong vai trò dịch giả của bộ tác phẩm “Harry Potter”.

Nha van Ly Lan min - Bửu sơn kỳ hương - Mã gen truyện kể trên vùng đất Lục Châu - Tác giả: Nguyễn Thanh TâmNhà văn Lý Lan.

Tiểu thuyết “Bửu sơn kỳ hương” xuất bản lần này (2022) đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn với số phiếu bình chọn tuyệt đối (11/11 thành viên Hội đồng chung khảo tán thành) đã phần nào nói lên độ thuyết phục của tác phẩm. Từ một người đọc, hoàn toàn không tham chiếu các quan điểm của Hội đồng sơ khảo – chung khảo, không được tiếp cận đầy đủ các tác phẩm tham dự xét giải, nhưng tôi vẫn nhận thấy, việc trao giải cho “Bửu sơn kỳ hương” là có cơ sở. Cơ sở này đặt trên niềm tin rằng các hội đồng đánh giá từ sơ đến chung đã làm tốt phần việc của mình.

“Bửu sơn kỳ hương” viết về lịch sử vùng đất Lục Châu (Nam bộ) giai đoạn cuối thế kỉ XIX, thông qua biến cố của gia đình họ Huỳnh (Phước Xuân Đường) cùng những người có liên quan tạo nên thời gian – không gian truyện kể vừa rất cụ thể vừa khá dài rộng, bao quát. Đây có lẽ là điểm thuyết phục đầu tiên khi ở đó chúng ta nhận ra quan niệm về tiểu thuyết của tác giả, nhất là tiểu thuyết lịch sử.

Rõ ràng, biến cố của thân phận cá nhân hay một gia đình, một dòng họ đã là hạt nhân của câu chuyện, tỏa ra những mạch nhánh liên kết, dẫn người đọc đến câu chuyện lớn hơn về lịch sử, thời đại, vùng đất hay đức tin, tôn giáo… Cách nhìn này không đặt người đọc vào một đại tự sự có tính chất sử thi vốn hay xuất hiện trong những tạo dựng mang tầm vóc thời đại. Nói cách khác, tiểu thuyết bắt đầu bằng thân phận con người đời thường, soi thời đại qua/ từ cá nhân, gia đình. Giải bỏ áp lực sử thi, xác lập điểm nhìn từ bên dưới, từ các tiểu tự sự, vi lịch sử với tinh thần thế tục hóa, dân sự hóa là điểm cộng cho “Bửu sơn kỳ hương” (Điều này ta sẽ bắt gặp trong các tiểu thuyết thành công trước đó như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh,…).

Xem xét cấu trúc tự sự này, người đọc sẽ bắt đầu với câu chuyện của gia đình họ Huỳnh (Huỳnh Ứng Xương, Huỳnh Tế Xương, Huỳnh Vĩnh Xương) và hiệu thuốc Phước Xuân Đường, theo đó mà lan tới thân bằng cố hữu, thâm sơ (Ông Hòa, Ông Thiềm, Chị Hai, Bình, Thành, Thầy Tỉnh, Người đàn bà bán khoai, Hà Bá Long, Tấn, Tuấn, Ông bà Tứ, Cố Từ…). Mạch chuyện sẽ không dừng lại khi từ biến cố cá nhân – gia đình bắt đầu thấm vào những sự kiện – nhân vật có tính chất lịch sử – thời đại – tôn giáo – văn hóa – lãnh thổ – quốc gia (Lê Văn Khôi, Phan Thanh Giản, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Tây Sơn, Nhà Nguyễn, Pháp, Phật Giáo, Thiên Chúa giáo, Chữ Hán, Chữ Nôm, Chữ Quốc ngữ, Tiếng Pháp, Tân thư, Bắc Hà, Huế, Lục tỉnh, Quảng Châu, Tân Gia Ba, Penang…).

Trên một nền tảng có thể dẫn dắt hư cấu, ta thấy bóng dáng những nhân vật như Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An – Sáng lập Đạo Bửu Sơn Kì Hương), Quản cơ Trần Văn Thành (Thủ lĩnh Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa), thậm chí thấp thoáng Nguyễn Đình Chiểu hay Trương Vĩnh Ký… Người đọc, tùy vào tri thức cá nhân mà tiếp nhận câu chuyện của Lý Lan, để từ đó hình thành một cấu trúc tự sự của riêng mình.

Bia tieu thuyet Buu son ky huong cua nha van Ly Lan min - Bửu sơn kỳ hương - Mã gen truyện kể trên vùng đất Lục Châu - Tác giả: Nguyễn Thanh TâmBìa tiểu thuyết “Bửu sơn kỳ hương” của nhà văn Lý Lan (Giải thưởng Hội Nhà văn, 2022).

“Bửu sơn kỳ hương” hấp dẫn về chuyện. Điều đó được thể hiện ngay từ đầu tác phẩm bằng việc tạo dựng không khí có tính huyền bí về vùng đất và nhân vật. Có thể nói, đây là điểm thành công đáng kể khi Lý Lan đã giữ người đọc ở lại với từng trang viết, từng chi tiết, sự kiện. Lớp màn huyền bí bao quanh nhân vật người núi – Phật Thầy quả đã phát huy tác dụng kích thích trí tò mò của người đọc để từ đó lớp lang của chuyện được khai diễn.

Đuổi theo sự kiện để biết kết cục của nhân vật vốn là sức mạnh của lối tự sự kinh điển (kể cái gì?). Đây là điều Lý Lan đã làm rất tốt trong một tiết điệu chậm rãi, chắc chắn, mạch lạc. Dẫu có đôi lần ngoảnh lại để quá khứ chồng lên hiện tại, nhưng mạch chính của chuyện vẫn theo trật tự thời gian tuyến tính gắn với quá trình: “Gặp nhau, quen nhau, ơn nhau, rồi lạc nhau, tìm nhau, gặp nhau, rồi lại lạc nhau, lại tìm nhau…” (tr. 219). Gió bụi của thời cuộc thổi suốt chiều dài tác phẩm làm nên “vòng xoắn vô tận những hợp tan…”. Tâm thức lưu dân và kí ức lịch sử vùng đất (từ thời mở cõi) cứ chùng chình ẩn hiện, tạo thành không khí truyện kể rất đặc trưng. Điểm này không dễ nhận ra nếu chỉ mải mê theo đuổi sự kiện, nhân vật.

Ngôn ngữ kể không cầu kì mà chân chất, thật thà, nhiều phương ngữ gắn với lời ăn tiếng nói, trang phục, sinh hoạt hàng ngày của cư dân vùng sông nước Lục Châu đã góp phần đắc lực vào việc tạo dựng bầu khí quyển này. Rõ ràng, sự thành công trong việc tạo dựng tính hợp lí của ngôn ngữ kể với câu chuyện, nhân vật, vùng đất… đã cho thấy Lý Lan biết rất rõ vấn đề của câu hỏi: kể như thế nào? Không thể mang ngôn ngữ quá hiện đại, lối tư duy siêu hình hay những cung cách biểu hiện xa lạ cầu kì đặt vào nhân vật, vốn là những kiếp người bé nhỏ, dạt trôi giữa thời loạn lạc này được. Nhân vật của Lý Lan mang mã gen (nhân vật hành động) từ lối viết của Nguyễn Đình Chiểu hay Hồ Biểu Chánh với vẻ dân dã thực thà rất Nam bộ.

Tư tưởng cốt lõi của “Bửu sơn kỳ hương” là đức tin và lòng yêu thương. Đó là thứ “Kì Hương” được gìn giữ trong cơn dâu bể. Không nặng nề đao to búa lớn với những trường đoạn độc thoại, triết lí; mở lòng mình ra cảm nhận những cuộc đời bèo nước hợp tan trên xứ sở này, mới hay rằng, tư tưởng nằm trong những điều thật bình dị, lắm khi không được nói ra (giống như là năng lượng cảm hóa, chữa lành, định tâm tỏa ra từ sự im lặng, bình thản của Phật Thầy).

Sẽ có người chưa hài lòng với “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Chắc chắn là thế. Bản thân người viết bài này, cũng cảm nhận đôi chỗ chưa được. Ví như, những chi tiết hợp tan đôi khi hơi sắp đặt và gượng ép. Nhân vật tỏ ra bị tác giả thao túng khi không dám lên tiếng, không nói ra những câu chuyện mà rất dễ từ đó người ta tìm thấy nhau một cách đỡ nhọc nhằn hơn (Câu chuyện của ông Thiềm với Bình – tr.231 – 232). Có những chi tiết không cần – không nên, như cuộc trò chuyện của Vĩnh Xương và Phật Thầy. Đây là lần duy nhất Phật Thầy bị tước đi lớp màn huyền bí để được gọi bằng một cái tên (Hưng – do Vĩnh Xương tự đặt). Giá thử, cứ để Phật Thầy trong lớp sương huyền bí ấy nói chuyện với Vĩnh Xương, tính chỉnh thể của hình tượng sẽ được duy trì, thậm chí là gia tăng (tr.123 – 124).

Có những đòi hỏi khác, chờ đợi khác mà ta biết rằng rất khó để Lý Lan có thể đáp ứng, ví như một cấu trúc tự sự đa tầng hơn, sâu hơn cùng kĩ thuật viết phức tạp hơn nữa, nhằm mang đến khoái cảm thưởng thức cho người đọc (không chỉ là chuyện mà còn là văn chương, chữ – nghĩa). Tuy nhiên, như đã nói, mã gen truyện kể định hình trên sông nước Lục Châu tự nó tìm đến lối viết, lối kể bình dị này. Trật ra khỏi thổ nhưỡng, khí quyển ấy, có khi “Bửu sơn kỳ hương” lại trở thành làm dáng một cách nông nổi.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây