“Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu sử học nước ngoài khi nhìn nhận và đánh giá chân thực, khách quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
“Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu sử học nước ngoài khi nhìn nhận và đánh giá chân thực, khách quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Những đánh giá như vậy sẽ giúp chúng ta có thêm cái nhìn mới, toàn diện hơn về tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại của Chiến thắng vĩ đại này. Đồng thời, đó cũng là cơ sở quan trọng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng để làm rõ hơn nội dung này.
PV: Thưa Thiếu tướng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên cơn dư chấn trong đời sống chính trị của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ 20. Thiếu tướng có thể cho biết, với người Pháp, đặc biệt là những người trong cuộc, họ nhìn nhận thế nào về sự kiện này?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Trước hết cần khẳng định lại, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Khi Điện Biên Phủ thất thủ cách đó nửa vòng trái đất, cả nước Pháp hầu như chết lặng. Cao ủy Pháp tại Đông Dương – Georges Thierry d’Argenlieu đã gửi ngay cho người Pháp ở Đông Dương một bức thông điệp với lời lẽ chua chát “Điện Biên Phủ không còn nữa, không việc gì mà chúng ta phải giấu giếm cái đòn mà chúng ta phải chịu”. Thất bại ở Điện Biện Phủ đã khiến giới chóp bu của Pháp là những người trong cuộc đã đổ lỗi cho nhau. Hai mươi năm sau Điện Biên Phủ, ông Jean Pouget, tùy viên của tướng Henri Navarre đã cho rằng, sự sụp đổ của người Pháp tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ thực dân và bắt đầu kỷ nguyên của độc lập tự do, không cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nào ở Châu Á, Châu Phi hay Châu Mỹ mà không đề cập đến chiến thắng của tướng Giáp, Điện Biên Phủ đã trở thành cột mốc của giải phóng dân tộc.
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
PV: Trong dịp chúng ta kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014 thì Tiến sĩ Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ) đã cho rằng, trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Thiếu tướng bình luận gì về nhận định này?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là nhận định hoàn toàn xác đáng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa vùng dậy đấu tranh giành độc lập tự do. Từ năm 1954 đến năm 1964 đã có tới 17/22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở Châu Phi năm 1960 đã có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là “Năm Châu Phi”. Không chỉ có vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược quân sự của các nước đế quốc nói chung và đặc biệt là chiến lược toàn cầu của đề quốc Mỹ. Sau Điện Biên Phủ, Mỹ đã lập ra các khối liên minh quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của Điện Biên Phủ ra các nước xung quanh. Như vậy, rõ ràng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động sâu sắc, làm thay đổi thế giới.
PV: Một nhà báo Pháp cũng thừa nhận “Sự thất thủ Điện Biên Phủ đã gây nên nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đây là một trong những thất bại lớn nhất của người Pháp”. Như vậy, thế giới cũng đã thừa nhận chiến thắng của chúng ta. Vậy nhưng vẫn có một số người cố tình xuyên tạc cho rằng, chúng ta đã hao người tốn của để có được chiến thắng này… Thiếu tướng có thể chia sẻ quan điểm của mình?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là một luận điểm xuyên tạc lịch sử hết sức nguy hiểm, và như chúng ta đã biết thì trong suốt chiều dài lịch sử để tồn tại và phát triển, các thế hệ người Việt thường xuyên phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và hơn ai hết, nhân dân ta hiểu rất sâu sắc giá trị của hòa bình. Có một quy luật chung cho thấy rằng, kẻ đi xâm lược thường mạnh hơn chúng ta về vũ khí và phương tiện chiến tranh, chúng không dễ gì từ bỏ mưu đồ của mình, chừng nào mà còn chưa chuốc lấy những thất bại mang tính quyết định, và thực dân Pháp cũng như vậy. Mà Điện Biên Phủ chính là một đòn quyết định đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
PV: Nhiều người còn cho rằng, là nếu ta thỏa hiệp với người Pháp thì sẽ có được độc lập mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh trường kỳ 9 năm gian khổ như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là một quan điểm hoàn toàn không có cơ sở và sai lầm. Như chúng ta đã biết, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, chính thức phát động cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, chúng ta luôn tích cực thiện chí tìm mọi giải pháp thương lượng nhằm giải quyết quan hệ Việt – Pháp, luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước. Ngày 6/3/1946, Chính Phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ và ngày 14/9/1946 ký với Pháp Tạm ước nhằm cố gắng duy trì đàm phán, vãn hồi hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, với dã tâm tái xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã liên tiếp gây hấn, gây ra các vụ xung đột trên phạm vi cả nước ta, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14/9/1946.
Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière đã gửi cho chúng ta 2 tối hậu thư với những yêu sách không thể tiếp tục nhân nhượng. Đêm 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nêu rõ: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Điểm qua những sự kiện như vậy, để thấy rằng, mọi vãn hồi hòa bình của Việt Nam vẫn không thể vượt qua dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Và chúng ta không còn con đường nào khác buộc phải cầm súng để kháng chiến.
PV: Thực tế lịch sử đã rõ ràng như vậy, nhưng vì sao các thế lực thù địch vẫn cố tình đổi trắng thay đen, đưa ra những quan điểm xuyên tạc như vậy?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Ngày nay, chúng ta đang trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế với nhiều thành tựu rất quan trọng, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhưng các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá. Mục đích chủ yếu của chúng là xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những chiến công của quân và dân ta. Tuy nhiên, những luận điệu của chúng không dễ gì thuyết phục, bởi dân tộc Việt Nam đã có truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã thấm sâu vào máu và trở thành động lực to lớn để mỗi người dân Việt Nam cảm nhận, chuyển hóa thành hành động, tự tin vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
PV: Tuy vậy, chúng ta vẫn phải đấu tranh phản bác lại những quan điểm xuyên tạc lịch sử này để cho nhân dân và bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về cuộc chiến chính nghĩa và thắng lợi vinh quang của chúng ta?
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đúng như vậy, trước sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử, tới mọi người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi lẽ, không biết đến những năm tháng bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc là vô cùng nguy hại. Và sẽ là một bi kịch của đất nước nếu như các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, thờ ơ, quay lưng với lịch sử. Không ai muốn đất nước có chiến tranh nhưng khi Tổ quốc cần thì sẽ có lớp lớp các thế hệ người Việt Nam ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đây là một trong những cách hữu hiệu nhất ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử của dân tộc.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.