Uy nghi những cột cờ Tổ quốc
Biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ trên phên dậu Tổ quốc
Dọc theo dải đất hình chữ S của Việt Nam, từ cực Bắc ở Lũng Cú, tỉnh Hà Giang, đến cực Nam ở mũi Cà Mau, không chỉ có núi rừng biển cả, cột mốc chủ quyền quốc gia, mà còn có những cột cờ nổi tiếng bởi sự uy nghi, thiêng liêng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và những giá trị lịch sử. Dưới đây là những hình ảnh tiêu biểu về những cột cờ Tổ quốc trên khắp nẻo biên cương đã trở thành biểu tượng cho ý chí độc lập, tự do, niềm tự hào và khát vọng phát triển đất nước hùng cường của dân tộc trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được khởi công ngày 8-3-2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh, ngày 2-9-2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang bên cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Pô đặt tại khu vực Trạm Biên phòng Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), được khởi công xây dựng vào ngày 26-3-2016 và hoàn thành ngày 16-12-2017. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2, với chiều cao 31,43m – tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô – lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Trong ảnh: Cột cờ Lũng Pô nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào đất Việt.
Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) có chiều cao 38,8m, diện tích lá cờ rộng 24m2.
Cột cờ Tổ quốc không chỉ tạo ra điểm tham quan cho khách du lịch, điểm giao lưu văn hóa, mà còn là biểu tượng của độc lập, là cột mốc vững chắc trên biển. Trong ảnh: Quân và dân trên đảo Cồn Cỏ tại lễ công bố Quyết định mở tuyến du lịch ra đảo và khánh thành cột cờ huyện đảo Cồn Cỏ.
Cột cờ Tổ quốc được xây trên đỉnh núi Thới Lới (ngọn núi cao nhất ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Lá cờ có diện tích 24m2, mặt chính cột cờ ghi thông tin tọa độ, khẳng định cột mốc chủ quyền đất nước Việt Nam. Trong ảnh: Cột cờ trên đảo Lý Sơn.
Cột cờ trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) được khởi công xây dựng từ ngày 17-6-2015 trên diện tích gần 200m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý).
Công trình có 4 phần gồm đài cột, thân đế cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Đài cột cờ có chiều cao 22,6m bằng sắt với kích cỡ lá cờ rộng 24m2. Trong ảnh: Cột cờ trên đảo Phú Quý là nơi tổ chức các buổi kết nạp Đoàn và sinh hoạt chính trị của đoàn viên thanh niên trên đảo.
Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 16-1-2016 và khánh thành ngày 10-12-2019, tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau là một điểm nhấn trong hành trình tham quan vùng đất cực Nam Tổ quốc. Đây vừa là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó giữa các vùng miền trên cả nước, vừa là tình cảm thiêng liêng của người dân Hà Nội đối với Đất Mũi. Trong ảnh: Tổ tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Đất Mũi thực hiện nghi thức chào cờ.
Thu Hà – CTV (Thực hiện)