Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch ra sao?

Giai đoạn năm 2023-2030, cảng Liên Chiểu là một trong những dự án được Đà Nẵng ưu tiên đầu tư xây dựng.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, cảng biển là một trong những hạ tầng được ưu tiên đầu tư bên cạnh hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa.

Cụ thể, đối với cảng biển, Đà Nẵng định hướng sẽ đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu là cảng hàng hóa và các bến công vụ, sà lan; công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, tàu container có sức chở đến 8.000 Teu.

Cảng biển Liên Chiểu dự kiến được thực hiện từ sau năm 2023, giai đoạn 2023-2030 theo hình thức kêu gọi đầu tư các bến theo quy hoạch. Với quy hoạch này, Đà Nẵng cũng đinh hướng nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu cảng biển trong tương lai.

Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.

Cùng với việc phát triển cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng cũng ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần cảng Liên Chiểu, ga hàng hóa (hậu cần đường sắt) trong giai đoạn 2023-2030.

Khu bến Tiên Sa sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch quốc tế phù hợp tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.

Đối với khu bến Thọ Quang sẽ tiếp tục giữ nguyên không phát triển, là khu bến tổng hợp, bến công vụ và các bến quốc phòng an ninh; cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ hống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, cảng biển Đà Nẵng thuộc nhóm cảng biển số 3, bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa.

Trong đó, khu bến Liên Chiểu có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước khu vực Liên Chiểu (từ cửa sông Cu Đê đến chân đèo Hải Vân).

Cảng biển nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng và cả nước, tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan. Cỡ tàu cảng tiếp nhận có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Đối với khu bến Tiên Sa có phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước khu vực Tiên Sa (Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng), nhằm phục vụ liên vùng và tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan.

Khu bến Tiên Sa có các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng khách quốc tế. Từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch sau khi đưa vào khai thác khu bến Liên Chiểu.

Khu bến được quy hoạch cho tàu container trọng tải đến 4.000 Teu (50.000 tấn); tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn; tàu khách đến 225.000 GT.

Khu bến Thọ Quang có chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận. Khu bến được quy hoạch có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí, bến công vụ và các bến phục vụ quốc phòng – an ninh, phục vụ cho cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Khu bến Mỹ Khê sẽ gồm các bến phao hàng lỏng, bến du thuyền.

Đối với các bến cảng biển trên quần đảo Hoàng Sa sẽ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh.

Ngoài ra, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải tại Liên Chiểu cho tàu 3.000 – 7.000 tấn cũng sẽ được di dời phù hợp với tiến trình đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu.

Hồ An

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây