‘Cây cầu’ dài 6,5 triệu năm ánh sáng

Cây cầu dài 6,5 triệu năm ánh sáng

‘Cây cầu’ dài 6,5 triệu năm ánh sáng

Các nhà thiên văn học phát hiện một “cây cầu” vô tuyến tần số thấp khổng lồ nối liền hai cụm thiên hà trong giai đoạn đầu của quá trình sáp nhập.

Hai cụm thiên hà ở đầu cây cầu ở cách Trái Đất khoảng 3 tỷ năm ánh sáng, trong cụm Abell 1758. Tại đây, tổng cộng 4 cụm thiên hà sắp va vào nhau. Năm ngoái, dữ liệu tia X hé lộ hai cụm thiên hà ở phía bắc gọi là Abell 1758N đã di chuyển lại gần nhau và tách ra, lõi của chúng đi qua nhau cách đây 300 – 400 triệu năm. Hai cụm thiên hà còn lại ở phía nam mang tên Abell 1758S vẫn đang tiến tới gần nhau lần đầu tiên.

Sử dụng kính viễn vọng vô tuyến tần số thấp LOFAR bao gồm 25.000 ăngten ở 51 địa điểm, các nhà vật lý thiên văn đứng đầu là Andrea Botteon ở Đài quan sát Leiden tại Hà Lan quan sát Abell 1758. Ở tần số 144 megahertz (MHz), họ phát hiện phát xạ vô tuyến kéo dài giữa Abell 1758N và Abell 1758S, tương tự cây cầu dài 3 triệu năm ánh sáng nối hai cụm thiên hà Abell 0399 và Abell 0401 được tìm thấy vào năm ngoái. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm 22/8 trên tạp chí Royal Astronomical Society.

“Chúng tôi xác nhận sự tồn tại của một cây cầu phát xạ vô tuyến nối hai hệ thống trong nghiên cứu ban đầu. Đây là cây cầu vô tuyến thứ hai được quan sát từ trước tới nay. Cây cầu này có thể quan sát rõ trong ảnh chụp của LOFAR ở tần số 144 MHz”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo Botteon và cộng sự, sự phát xạ vô tuyến là bằng chứng về từ trường khổng lồ nối hai cụm thiên hà. Nếu từ trường này đóng vai trò như máy gia tốc hạt, các hạt electron sẽ tăng tốc tới vận tốc tương đối, tạo ra bức xạ có thể phát hiện ở tần số vô tuyến thấp.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy nhiễu động và sóng xung kích có thể sinh ra ở giai đoạn đầu của quá trình sáp nhập. Điều này đặc biệt đúng nếu những cụm thiên hà đang bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn.

An Khang (Theo Science Alert)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây