Chu Văn An – Nhà giáo dục hành động

Chu Văn An – Nhà giáo dục hành động (Ngô Thị Phương Lan)

Chu Văn An – Nhà giáo dục hành động

Ngô Thị Phương Lan

Hơn 600 năm trước, Chu Văn An (1292 – 1370) đã làm rạng danh cho giới sĩ phu, nêu cao khí tiết thanh cao và thể hiện tinh thần chính trực “uy vũ bất năng khuất”. Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo. Khi còn ở quê thì ông mở trường dạy học, khi làm quan ông giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), dạy thái tử và đào tạo nhiều học trò thành những người giữ trọng trách quốc gia. Sau khi từ quan lại trở về quê dạy học. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Chu Văn An luôn được xem là biểu tượng của người thầy mẫu mực cho tinh thần “lương sư hưng q uốc”. Nhân cách thanh khiết, thuần nhã, khí phách, chính trực, kiên cường của Chu Văn An khó ai có thể sánh. Chu Văn An đã mất cách đây gần bảy thế kỷ, thế nhưng những quan điểm về giáo dục của ông vẫn còn những giá trị quý giá để thế hệ nhà giáo hiện tại soi rọi.

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP NHÀ GIÁO CHU VĂN AN

Chu Văn An hay còn gọi là Chu An, tên chữ là Linh Triệt, lúc về ẩn cư xưng hiệu là Tiều Ẩn. Khi mất, được vua phong tước Văn Trinh Công, nên người đời sau mới gọi là Chu Văn An. Ông sinh ra tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sử sách không chép rõ ông sinh năm nào, nhưng theo thần tích tại đình làng Thanh Liệt (nơi thờ ông làm Thành Hoàng) thì ông sinh năm 1292 và mất năm 1370. Mặc dù cho đến nay chưa rõ Chu Văn An lúc nhỏ học với thầy nào, ở đâu, nhưng theo sử cũ chép ông là người học giỏi, nổi tiếng cương trực “ít giao du, sửa mình trong sạch, biết giữ tiết tháo, không cầu danh lợi hiển đạt, ở nhà đọc sách, học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa”.

Thời Chu Văn An, mặc dù nền giáo dục nước ta đã được mở mang so với thời kỳ trước, song vẫn là thời kỳ mới bắt đầu của nền giáo dục dân tộc. Lúc này trường học còn rất hiếm, cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám ở kinh đô dành cho con vua, quan, sau mở rộng cho những người tài trong nhân dân theo học. Trong bối cảnh đó, Chu Văn An đã học và đạt mức “học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa” là trường hợp cực hiếm. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An không đi thi để ra làm quan mà ông ở quê mở một trường tư nhỏ tại huyện Thanh Đàm, lấy tên là trường Huỳnh Cung để dạy học. Trường có lớp, có thư viện và thu nhận tất cả những người ham học, không phân biệt sang, hèn, lai lịch. Có thể nói với việc thành lập trường đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Kể từ đây, bên cạnh trường quốc lập, các trường dân lập đã phát triển hơn, tạo điều kiện cho đông đảo con em nhân dân có nơi học tập. Với học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, tiếng tăm của Chu Văn An ngày càng lan xa, học trò tìm đến theo học ngày càng đông “đến ba nghìn người”. Trong số học trò của Chu Văn An có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan trong triều, tiêu biểu như Tể tướng Phạm Sư Mạnh, Thượng thư Lê Quát…

Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông vời vào kinh thành làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc học trong cả nước. Trong thời gian giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám, Chu Văn An không chỉ có nhiều đóng góp trong việc dạy dỗ các thái tử học tập, mà còn góp phần phát triển, mở rộng Quốc Tử Giám, tiến hành viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, cũng như xây dựng chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Chỉ tiếc rằng, triều Trần dưới thời cai trị của vua Trần Dụ Tông đã bộc lộ sự thối nát. Vua sa đọa, không quan tâm đến chính sự, làm cho triều đình rối loạn. Trong triều bọn quyền gian liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã nổi lên cướp bóc, nhân dân vô cùng đói khổ. Chu Văn An đã nhiều lần khuyên can vua Trần Dụ Tông nhưng không được, quá bất bình, ông đã dâng Thất trảm sớ, xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép

“Trần Dụ Tông thích chơi bời, lười việc chính sự, bọn quyền thần nhiều người làm trái phép, An can Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần đều là người quyền thế vua yêu, người bấy giờ gọi là sớ thất trảm”.

Việc làm của Chu Văn An đã làm chấn động dư luận đương thời, bởi lẽ trong chế độ quân chủ, việc dâng tờ sớ chỉ định rõ để xin trừng phạt những người hầu cận đang được vua tin dùng là một hành động gan dạ, biểu lộ tinh thần khảng khái- một tấm gương tiết tháo bậc danh Nho, không sợ mất lòng người trên, không sợ gây thù oán với bọn gian nịnh. Lê Tung, một sử gia nổi tiếng ở thế kỷ XV đã nhận xét “Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn”, nghĩa là “Tờ sớ thất trảm, nghĩa khí động trời đất ”6.

Sau khi dâng Thất trảm sớ nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An đã từ quan, về vùng đất Chí Linh (Hải Dương) mở trường tiếp tục dạy học. Những ngày dạy học ở Chí Linh, Chu Văn An còn viết sách, làm thơ, trồng cây thuốc, nghiên cứu y học, giúp người dân chữa bệnh. Dù ở xa, nhiều học trò cũ dù đã làm quan vẫn tìm về thăm ông. Đại Việt sử ký viết khi học trò về thăm, ai làm điều gì chưa đúng phép, Chu Văn An vẫn nghiêm khắc dạy bảo.

Tuy đã từ quan, Chu Văn An vẫn chú ý đến việc nước, vẫn trở lại kinh đô dự những ngày lễ lớn hoặc những buổi nghị bàn quan trọng, “vua Dụ Tông muốn uỷ thác trông nom chính sự, ông từ chối không nhận”. Năm 1370, Chu Văn An mất, vua cho quan đến làm lễ tế viếng, đặt tên thuỵ là Văn Trinh nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: Bên ngoài thuần nhã hiền hoà, bên trong chính trực kiên định, đồng thời cho thờ ở Văn Miếu – đây là một vinh dự bậc nhất đối với một trí thức sau khi mất và Chu Văn An cũng là người đầu tiên của nước ta được đưa vào thờ ở Văn Miếu.

QUAN ĐIỂM CỦA CHU VĂN AN VỀ GIÁO DỤC

Có thể nói, trong lịch sử giáo dục Việt Nam thời Trung đại, Chu Văn An đã giành được địa vị cao quý bậc nhất. Từ trước đời Trần, có biết bao nhiêu người thầy với những cống hiến lớn lao, và các triều đại về sau lại càng nhiều những bậc tôn sư đạo cao đức trọng, thế nhưng khó có ai có thể so sánh được với Chu Văn An. Trần Nguyên Đán – một danh sĩ đời Trần đã khẳng định vai trò của Chu Văn An đối với giáo dục đương thời: “Xoay làn sóng biển học làm cho phong tục trở lại thuần hậu. Nhà trường có được bậc đạo đức như Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy. Đọc hết kinh, xem rộng sử, công phu rất lớn. Kính đạo Lão, sùng đạo Nho, chính sự và giáo hoá được đổi mới”. Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), sống sau Chu Văn An không lâu đánh giá ông là con người “cứng rắn và ngay thẳng, thanh cao, nghiêm chính nổi tiếng một thời, lẫm liệt đến thế. Thật là một con người thiện vậy”12. Sử gia Phan Huy Chú (1782 – 1840) khẳng định Chu Văn An đứng đầu bậc danh Nho có đức nghiệp, học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng Nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được.

Thật khó để nghiên cứu đầy đủ về quan điểm giáo dục của Chu Văn An, bởi những tác phẩm của ông đến nay không còn lưu giữ được đầy đủ. Tuy nhiên, qua các di sản văn hóa, sử sách và sự ghi nhận của các trí thức nhiều đời sau,… Chu Văn An luôn được thừa nhận là một nhà giáo dục hành động chứ không phải là một nhà Nho thuần túy sách vở. Chúng ta có thể khái quát một số quan điểm tiêu biểu về giáo dục của Chu Văn An, cụ thể:

Quan điểm của Chu Văn An về người Thầy:

Chu Văn An đã xây dựng 4 quan điểm về đạo đức của nhà giáo, mà cho đến bây giờ những quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Bốn quan điểm đó là: cùng lý, chính tâm, tịch tà và cự bí (cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn, chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng, tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết và cự bế là ngăn ngừa cái dở), tức đề cập đến những vấn đề về kiến thức, về lương tâm đạo đức, về bản lĩnh của người thầy.

Theo Chu Văn An, người thầy phải là tấm gương sáng về đạo đức, uy tín và tài năng, bản thân ông là một nhà sư phạm mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó, tận tụy với nghề dạy học, không ham công danh phú quý mà quên đi công việc “dạy chữ, dựng người”. Việc có nhiều học trò đến xin học và trưởng thành dưới mái trường của ông đã thực sự chứng tỏ uy tín và đạo đức của Chu Văn An. Dùng chính thực học và tài đức của mình mà ảnh hưởng tới nền giáo dục đương thời, Chu Văn An nhận chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám là vì muốn cho đạo học của mình được truyền dạy cho người trị vì tương lai của đất nước, đồng thời là cơ hội để gây dựng nền giáo dục theo “chính đạo”. Đối với Chu Văn An, làm giáo dục không phải vì mục đích tham công danh phú quý, mà do tự học và tự dạy học tại quê nhà khiến ông trở nên nổi tiếng về nhân cách và trình độ. Việc ông không có tham vọng đem tài năng thi thố làm quan mà lại được mời ra làm một chức quan trông coi việc giáo dục cho triều đình đã thể hiện rõ tinh thần của thánh hiền đạo Nho: “Không cầu người biết đến mình mà chỉ lo mình không có tài đức để người ta biết đến”.

Chu Văn An quan niệm nhà giáo dục trước hết phải có nhiệm vụ gây dựng sự thành đạt cho người khác, phải vì dân mà cống hiến, để lại sự nghiệp cho hậu thế. Ông từng dạy học trò: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân hu ệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của nhà Nho chúng ta”. Với quan điểm đó, ông đã thực hiện triết lý giáo dục của Khổng Tử: “Mình muốn lập thì cũng lo cho người được lập, mình muốn thành đạt thì cũng lo cho người thành đạt”.

Với chủ trương dạy học phải theo sát thực tế đời sống của nhân dân, ông hướng học trò phấn đấu đạt tới “bậc chí sĩ nhân dân” và yêu cầu phải biết tôn trọng, kính yêu và sống có trách nhiệm chăm lo đến đời sống của người dân lao động, nếu cần phải hy sinh tính mạng bản thân để cứu dân thì cũng là việc nên làm.

Về nguyên tắc giáo dục:

Chu Văn An chủ trương giáo dục không phân biệt đối tượng, ông đã mở trường tư thục Huỳnh Cung ở quê nhà để thu nhận học trò nghèo có ý chí trau dồi kinh sử. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”. Thực hiện tư tưởng “hữu giáo vô loại” của Khổng Tử, ông nhận dạy tất cả những người cầu học như Thái tử con vua (sau này làm vua); các học trò đỗ đạt cao, làm quan trong triều (như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh) và biết bao nhiêu học trò khác tuy không thành đạt được như vậy nhưng chí ít cũng thấm đẫm tư tưởng và tinh thần của ông mà đem ảnh hưởng đó tác động đến sự thay đổi của xã hội đương thời.

Chu Văn An đã nỗ lực giảng dạy học thuyết kinh điển Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng, Mạnh được khẳng định ở nước ta, trở thành “khuôn vàng thước ngọc” trong việc cai quản dân của giai cấp thống trị, nhưng chủ yếu ông dạy về chữ Nhân. Tương truyền, sinh thời Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Tư tưởng của Văn An An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Theo ông việc dạy học phải dành cho tất cả mọi người: “Việc dạy dỗ của thánh nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào”20, đồng thời “học phải đi đôi với hành”. Theo quan niệm của ông: “Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến bước được, có biết mới có làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”.

Về phương pháp và nội dung giáo dục:

Đề cao sự nghiêm khắc trong giáo dục mà trước tiên là những người Thầy, Chu Văn An khẳng định: “làm Thầy phải nghiêm”. Nghiêm theo quan niệm của Chu Văn An không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà “nghiêm” là thái độ nghiêm trang, mẫu mực trong giáo dục, là việc giảng dạy chặt chẽ, có quy củ, kỷ cương. Sự nghiêm nghị, tiết tháo, thanh cao của ông đã thực sự là tấm gương lẫm liệt tỏa sáng cho học trò noi theo. Những học trò của ông tuy đã làm quan tại triều đến hàm thượng thư như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát những khi về trường thăm thầy vẫn phái khép nép giữ gìn, được thầy khuyên bảo, khen chê đều rất phấn khởi. Ngược lại, có những học trò làm đến quan to nhưng không giữ được phẩm hạnh “thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la thét không cho vào”. Sự nghiêm minh này càng khiến ông được học trò kính mến.

Tấm gương về tính cách kẻ sĩ ở nhà giáo dục Chu Văn An, theo nhận định của sử gia Ngô Sĩ Liên đã góp phần tích cực cải tạo đạo đức xã hội: “Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắng can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao?… Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”. Chúng ta thấy, một sử gia nổi tiếng là khắt khe trong đánh giá l ịch sử, nổ i tiếng là kỹ lưỡng, kén chọn từng chữ từng lời như Ngô Sĩ Liên cũng đã dành lời khen ngợi đủ thấy Chu An được kính trọng đến thế nào.

Chu Văn An luôn quan tâm đến việc biên soạn tài liệu để giúp cho người học có tài liệu học tập. Ông soạn Tứ Thư thuyết ước để giới thiệu, giảng giải một cách tóm lược về Tứ Thư. Với việc soạn cuốn sách này, có thể coi Chu Văn An là nhà giáo khi giảng dạy đã có giáo trình và nhờ đó ông đã gây ảnh hưởng to lớn không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà cả trong văn hóa, tư tưởng và chính trị đương thời. Bên cạnh đó, Chu Văn An còn biên soạn cả những tài liệu về y học trị bệnh cứu người, ông cũng viết hai tập thơ Quốc ngữ thi tập và Tiều ẩn thi tập để bồi bổ thêm tinh thần và kiến thức sâu rộng, toàn diện cho học trò, đặc biệt là tinh thần phụng sự đất nước và tư tưởng sống hài hòa với thiên nhiên.

Nội dung dạy học của Chu Văn An ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng – Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn trên vũ đài chính trị Đại Việt sau đó. Chúng ta biết rằng, dưới thờ i Lý (1010-1225) cũng như thời Trần (1225-1400), đạo Phật là Quốc giáo, nhiều vị vua đi sâu vào Phật học và có những lý thuyết riêng cho Phật giáo Việt Nam, dân chúng cũng rất mộ đạo Phật, chùa chiền được xây dựng trên khắp đất nước.

Trong bối cảnh đó, việc làm cho Nho học có một vị trí lớn trong giáo dục thời bấy giờ không phải là điều đơn giản, nhưng Chu Văn An đã làm được điều này, khiến cho mọi tầng lớp vua quan sùng Nho. Việc ông giảng giải và viết Tứ thư thuyết ước đã chứng tỏ cho mục đích cao nhất là “giáo kính, giáo trung, giáo văn”, nghĩa là dạy sự cung kính, dạy sự trung hậu, dạy sự văn nhã. Chu Văn An dẫn dắt học trò đi theo con đường hành đạo của một nhà Nho chân chính: Sống trong thời loạn lạc, dẫu có thất thế cũng không pha màu u uất, xa lánh trần tục một cách hoàn toàn mà vẫn cứng cỏi trụ vững ở đời. Hành động ông trở về triều mừng vua Trần Nghệ Tông lên ngôi khi đã từ quan về ở ẩn thể hiện rõ quan điểm ông sống không xa rời những biến chuyển của lịch sử.

Triết lí giáo dục hành động của Chu Văn An còn được thể hiện rõ trong phương châm dạy học luôn gắn liền với thực tiễn đời sống của nhân dân. Ông dạy học trò phải biết kính yêu người dân lao động, có trách nhiệm chăm lo đến đời sống của họ. Trên cơ sở coi trọng học trò, ông giáo dục cho họ tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại giúp dân cứu nước, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình và chính ông đã thực hiện điều đó khi thấy quyền thần làm điều trái đạo thì ông can gián và viết thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần. Vua không nghe thì ông lập tức từ quan chứ không màng chi công danh lợi lộc. Chu Văn An làm như vậy là để giữ nguyên đức sáng ngời, làm cho đạo học được thâm sâu hơn ở chính ông và những người được ông tiếp tục đào luyện. Chính phẩm chất thanh cao tuyệt vời ấy mà ông đã được người đương thời và đời sau ca ngợi.

Cho đến nay, không ai biết nội dung bản sớ đó ra sao, ông đòi vua phải chém đầu những tên quyền thần nào nhưng với hành động đó, Chu Văn An đã giáo dục học trò và người đời, cả nhà cả nhà vua khi đó. vua khi đó. Theo nhận định của Lê Quý Đôn, đây không chỉ đơn thuần là hành động mang tính chính trị mà chính là một sự kiện văn hóa giáo dục lớn đối với đương thời và cả với lịch sử dân tộc sau này: “Chu An dâng sớ chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan bỏ mũ về nhà , không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”. Còn Vua Tự Đức trong Việt Sử tổng vịnh viết về hành động Chu Văn An dâng thất trảm sớ như sau:
“Gian tà đâu để tung hoành

Khí cao vằng vặc lưu danh sáng
ngời

Sớ dâng chứng với đất trời

Không đan tâm sống cảnh đời suy vi”.

LỜI KẾT

Chu Văn An là người đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Điều cần nhận thấy trong thực tiễn giáo dục của ông chính là việc thực thi tư tưởng “hữu giáo vô loại”, đem đạo lý Nho gia và cả phương pháp sư phạm mẫu mực truyền dạy cho các thế hệ học trò nhằm biến đổi thời cuộc có lợi cho dân. Cốt cách, tinh thần, trí tuệ như sao Bắc Đẩu, đạo học cao như Thái Sơn của ông đã tạo nên một nhân cách lớn mẫu mực trong truyền thống lịch sử giáo dục Việt Nam. Ông đã vượt qua giới hạn làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời như Phan Huy Chú đã ngợi ca ông: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng. Làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”. Chu Văn An đã để lại cho hậu thế rất nhiều kinh nghiệm về giáo dục, qua đó càng khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà suốt chiều dài lịch sử.

* Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Thành phố Hồ Chí Minh – Đại học Quốc gia TP.HCM.

 


Chú thích:

1. Dẫn theo, Trần Lê Sáng (1997), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Nxb Giáo dục, tr.9.
2. Quốc Tử Giám được coi là trường Đại học đầu tiên của nước ta được thành lập dưới vương Triều Lý để làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc. Dưới thời Trần, con em thường dân nếu thực tài cũng có thể được vào học ở Quốc Tử Giám.
3. Trần Lê Sáng (1997), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Nxb Giáo dục, tr.9.
4. Vũ Tuấn Sán (1971), Chu Văn An thầy dạy học và nhà trí thức nổi tiếng cuối thời Trần. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 137, tr.44.
5. Nguyễn Kim, Danh nhân Đất việt, Quyển 1, Nxb Hà Nội, tr60.
6. Lê Tung, Việt giám thông khảo tổng luận: Toàn thư; tập 1, tr.54.
7. Xem thêm, Trần Lê Sáng, Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội, 1981.
8. Lê Tung, Việt giám thông khảo tổng luận: Toàn thư; tập 1, tr.51.
9. Vũ Tuấn Sán (1971), Chu Văn An thầy dạy học và nhà trí thức nổi tiếng cuối thời Trần. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 137, tr.47.
10. Viện Triết học (1962). Văn Miếu bi ký, Chu Văn Trinh tiên sinh hành trạng, Tiên chính cách ngôn. Nguyễn Bích Ngô dịch, Ký hiệu: H 103, tr.39.
11. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý – Trần, tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.164.
12. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý – Trần, tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.698.
13. Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí. Tập I. Nxb Giáo dục, tr.436.
14. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý – Trần, tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.690.
15. Hoàng Trung Thông (1981), Chu Văn An, Nxb Hà Nội, tr.46.
16. Xem thêm, Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
17. Viện Triết học (1962). Văn Miếu bi ký, Chu Văn Trinh tiên sinh hành trạng, Tiên chính cách ngôn. Nguyễn Bích Ngô dịch, Võ Khắc Triển hiệu đính. Ký hiệu: H 103, tr.10.
18. Hoàng Trung Thông (1981), Chu Văn An, Nxb Hà Nội, tr.102.
19. Hoàng Trung Thông (1981), Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
20. Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
21. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

22. Hoàng Trung Thông (1981), Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
23. Xem thêm, Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
24. Xem thêm, Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
25. Trần Lê Sáng (1997), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Nxb Giáo dục, tr.30.
26. Lê Quý Đôn Toàn tập, tập 2-Kiến văn tiểu lục. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.257.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.
2. Hoàng Trung Thông (1981), Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
3. Lê Quý Đôn (2020), Quế Đường Thi tập, Nxb Sư phạm.
4. Lê Quý Đôn Toàn tập, tập 2- Kiến văn tiểu lục. Nxb Khoa học xã hội, HN, 1977.
5. Lê Tung, Việt giám thông khảo tổng luận: Toàn thư; tập 1.
6. Nguyễn Kim, Danh nhân Đất việt, Quyển 1, Nxb Hà Nội.
7. Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập I. Nxb Giáo dục.
8. Trần Lê Sáng (1997), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Nxb Giáo dục.
9. Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội.
10. Viện Triết học (1962). Văn Miếu bi ký, Chu Văn Trinh tiên sinh hành trạng, Tiên chính cách ngôn. Nguyễn Bích Ngô dịch. Ký hiệu: H
103.

11. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý – Trần, tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Vũ Tuấn Sán (1971), Chu Văn An thầy dạy học và nhà trí thức nổi tiếng cuối thời Trần. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Số 137.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây