Trong suốt chiều dài lịch sử, cây xanh, ao, hồ luôn có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của người dân Thủ đô. Những ‘lá phổi xanh’ không chỉ có tác dụng điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị mà còn trở thành điểm đến ưa thích của người dân. Do đó, việc bảo vệ, cải tạo, giữ gìn môi trường, cảnh quan – những ‘lá phổi xanh’ là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi cả chính quyền, xã hội và người dân chung tay, góp sức.

Giúp những “lá phổi xanh” tiếp tục làm đẹp Thủ đô:

Những ao, hồ này không chỉ làm mục đích tiêu, thoát nước mà còn là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của nhiều người dân. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của dân cư cũng như cơ sở hạ tầng, hàng loạt các ao, hồ trên địa bàn đang bị sụt giảm đáng kể.

Hệ thồng ao, hồ bị sụt giảm

Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, do sự phát triển của Thủ đô, theo thời gian, số lượng ao, hồ trên địa bàn Thủ đô sụt giảm một cách đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho các dự án. Diện tích, số lượng ao, hồ bị thu hẹp cũng đã gây ra nhiều hệ lụy: Ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút…

Nhiều năm qua, không ít các hồ nước là “nạn nhân” của tình trạng “bê tông hóa”. Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp. Hệ quả nhãn tiền mà ai cũng có thể thấy đó là môi trường sống, không gian sống của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng. Diện tích ao, hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Đã có thời gian người dân Hà Nội quen với cảnh “cứ mưa là lụt”. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.

Nói về tình trạng ao, hồ hiện nay đang dần bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao, hồ, cây xanh giúp điều hòa không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khỏe, ổn định đời sống dân cư. Trong các bản quy hoạch, các đô thị lớn đều tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên để thực hiện dự án. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều hồ nước nhân tạo để góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan.

Tầm quan trọng của ao, hồ

Mới đây, câu chuyện lấn hồ làm dự án tại hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cũng đã khiến cho không chỉ người dân sinh sống nơi đây, mà dư luận Hà Nội và cả nước cũng lên tiếng phản đối. Thậm chí người dân sống tại đây cũng đã viết đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Trước phản ứng của các hộ dân, cuối tháng 3/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên đã quyết định tạm dừng việc san lấp để đối thoại với người dân.

Thế nhưng, số phận của hồ Bà Đồ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Qua vụ việc, có thể thấy được rằng, người dân Thủ đô đã dần nhận ra tầm quan trọng của ao, hồ đối với không gian sống và môi trường sống. Không thể vì sức hấp dẫn của việc kinh doanh bất động sản mà đánh đổi ao, hồ lấy nhà cao tầng, khu đô thị.

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, việc cải tạo, xử lý ô nhiễm hồ đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng tình trạng ô nhiễm hồ vẫn có thể xảy ra nếu các nguồn xả thải ra hồ không được kiểm soát chặt, rất có thể chưa đến kỳ cải tạo hồ đã lại ô nhiễm nặng nề, cùng với đó là tình trạng xả rác bừa bãi của các hộ kinh doanh, người dân. Chính vì vậy, chừng nào các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì tình trạng ô nhiễm vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào, tàn hại hệ thủy sinh các hồ.

GS-TS Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, bảo vệ ao hồ không thể chỉ đơn thuần áp dụng một phương pháp mà phải là hài hòa giữa quy chế quản lý với biện pháp công nghệ. Trước hết, cần tách riêng hệ thống nước thải và chỉ để nước mưa chảy vào hồ, có hệ thống quan trắc chất lượng nước hồ thường xuyên sau đó xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường kết hợp giao cho các đoàn thể địa phương quản lý môi trường nước hồ.

Nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch, kiến trúc Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Nam, khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường ĐH Xây dựng nêu quan điểm, TP cần thiết chỉ đạo chủ các khu đô thị không “bó cứng” không gian mặt nước mà cần “mở” ra, tạo sự thuận lợi về giao thông để mọi người tiếp cận hưởng lợi không gian công cộng từ hồ nước, cảnh quan chung.

Đi sâu phân tích, vị chuyên gia cho rằng, cần khống chế chiều cao các công trình xây dựng, theo dạng “lòng chảo,” lõm về phía mặt nước để bảo vệ sự thông thoáng của không gian hồ, biến hồ nước thành điểm đến du lịch riêng có của Hà Nội.

PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng: “Nội đô là khu vực tập trung đông dân cư. Hệ thống hồ, ao và sông ngoài chức năng điều hòa, tiêu thoát nước còn là các điểm nhấn về cảnh quan. Chính vì vậy, cần hơn nữa sự vào cuộc, sự nỗ lực của các cơ quan liên quan như công ty môi trường, công ty thoát nước. Hơn thế nữa, là sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương trong việc xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng hơn là người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan ở những khu vực này, từ đó mới đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững”.

(Còn nữa)

Triệu Tâm

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây