Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO – TS. Vũ Thị Minh Hương

Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO - TS. Vũ Thị Minh Hương

Chương trình Ký ức thế giới, tiếng Anh là Memory of the World (viết tắt là MOW) được UNESCO khởi xướng vào năm 1992 xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn và tiếp cận những di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và khu vực trên thế giới. Do nhiều nguyên nhân như mất mát, lãng phí, buôn lậu, huỷ hoại, thiếu kho tàng để bảo quản hoặc thiên tai… di sản tài liệu của nhiều dân tộc đã và đang chịu nhiều số phận khác nhau. Chương trình MOW ra đời nhằm ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời hướng sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận chúng.

Chương trình MOW được xây dựng trên quan điểm di sản tài liệu thuộc về tất cả mọi người và vì vậy mọi người phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện cho việc tiếp cận các di sản đó. Mục tiêu chính của Chương trình MOW là: tạo điều kiện bảo tồn các di sản tài liệu của thế giới bằng các kỹ thuật phù hợp; hỗ trợ việc tiếp cận với di sản tài liệu; nâng cao nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tài liệu trên toàn thế giới. Đối tượng mà Chương trình MOW hướng tới là toàn bộ di sản tài liệu trên các vật mang tin khác nhau thuộc sở hữu của cá nhân hay tập thể, cơ quan, tổ chức… có giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, có tác động, ảnh hưởng ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

Chương trình Ký ức thế giới được quản lý bởi các ủy ban ở 3 cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Ở cấp quốc tế, Uỷ ban tư vấn quốc tế (IAC) do Tổng Giám đốc UNESCO chỉ định, có nhiệm vụ lập kế hoạch các chương trình hoạt động của MOW ở phạm vi thế giới, tìm các nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động, xem xét và công nhận “Ký ức thế giới” cho các dự án được chọn, quản lý Danh mục MOW của thế giới. Ở cấp khu vực có các ủy ban khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Mỹ La tinh và Caribê và Mạng lưới Ký ức thế giới khu vực Trung Á. Ở cấp quốc gia có các Uỷ ban quốc gia. Hiện nay có 58 ủy ban quốc gia của UNESCO được thành lập trên toàn thế giới.

Chương trình Ký ức thế giới thực hiện mục tiêu thông qua các dự án và hoạt động ở mọi cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Trách nhiệm cụ thể  của các uỷ ban khu vực và quốc gia: xác định và giới thiệu với Uỷ ban tư vấn quốc tế những di sản tài liệu để đưa vào danh mục “Ký ức thế giới”; xác định và phê duyệt các đề nghị loại bỏ việc công nhận di sản tài liệu vào danh mục đăng  ký với Uỷ ban tư vấn quốc tế; xây dựng danh sách đăng ký ở cấp khu vực và quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính phủ và phi phính phủ; quản lý và điều phối chung các dự án và hoạt động cấp khu vực và quốc gia nhằm đạt các mục tiêu của chương trình; quản lý các quỹ cho các dự án và hoạt động cấp khu vực và quốc gia, bao gồm cả việc phân bổ quỹ; giám sát chi tiết các dự án và hoạt động nằm trong chương trình.

Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời. Các nguồn sử liệu chữ viết đã hình thành và sản sinh cùng với lịch sử đất nước. Hiện nay, các trung tâm lưu trữ, viện nghiên cứu, thư viện, bảo tàng, cơ quan thông tấn báo chí… đang lưu giữ nhiều ấn phẩm, tài liệu có giá trị trên các vật mang tin như giấy, ảnh, bia đá, gỗ, lá, phim ảnh, ghi âm, điện tử… Tuy nhiên, việc quản lý, giới thiệu các nguồn tư liệu này còn phân tán, chưa thống nhất. Mặt khác, do nạn ngoại xâm, chiến tranh liên miên trước đây, cộng với khí hậu khắc nghiệt nên các di sản tài liệu một phần bị mất mát, huỷ hoại hoặc bị phân tán ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Qua điều tra, khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện nay rất nhiều tài liệu quý, hiếm đang còn lưu giữ rải rác, tản mát tại các cộng đồng và cá nhân ở trong nước và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có chế độ bảo quản thích hợp, thiếu cơ chế khai thác sử dụng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ở mọi lĩnh vực, nguồn thông tin được sản sinh ra và tiếp cận bởi mọi người dưới dạng kỹ thuật số ngày càng tăng. Các di sản tài liệu ở dạng kỹ thuật số như báo điện tử, các trang web hoặc cơ sở dữ liệu đều là một phần của di sản tài liệu của thế giới. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự lỗi thời của công nghệ hay sự xuống cấp về mặt vật lý của các thiết bị, máy móc thì chúng cần phải có chế độ bảo quản thích hợp.

Với những mục tiêu cơ bản và rõ ràng, Chương trình Ký ức thế giới có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, giúp hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tài liệu cho thế hệ mai sau và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản tài liệu này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, khi di sản tài liệu được UNESCO công nhận là di sản tài liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, cơ quan quản lý di sản tài liệu sẽ được hưởng những quyền lợi như: được ưu tiên sử dụng lôgô của MOW; trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu; có thể tham gia nhóm các cơ quan có di sản tài liệu được công nhận bởi UNESCO; được công chúng biết đến cơ quan quản lý cũng như sưu tập tài liệu của cơ quan.

Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, Chương trình Ký ức thế giới như một sự thức tỉnh nhận thức của xã hội nói chung và của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có di sản tài liệu quý, hiếm nói riêng về tầm quan trọng và giá trị lịch sử của các di sản tài liệu. Từ đó, có kế hoạch xây dựng các chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản tài liệu một cách có hệ thống để giới thiệu với thế giới các giá trị tinh thần, văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Để tạo điều kiện tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình cũng như hưởng ứng đề nghị của UNESCO về việc thành lập ủy ban quốc gia về Chương trình Ký ức thế giới, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, ngày 23/11/2006 Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã ra Quyết định số 209/BTK/06 về việc thành lập Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới trực thuộc Uỷ ban với thành viên là đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Ban Thư ký của UBQG UNESCO. Ban điều phối có nhiệm vụ tổ chức và triển khai các hoạt động của Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, Ban điều phối chương trình MOW (UBQG UNESCO) đã tổ chức buổi làm việc giữa các cơ quan có liên quan bàn việc Việt Nam tham gia Chương trình MOW. Đại biểu đại diện các cơ quan hiện đang bảo quản nhiều tài liệu quý như: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Thư viện Quốc gia, Viện phim, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hán Nôm, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam… đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất:

– Mở rộng nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tìm kiếm những di sản tài liệu quý, hiếm, có giá trị ở các cơ quan và địa phương trong cả nước. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành lập danh mục và lần lượt lựa chọn theo thứ tự ưu tiên những di sản tài liệu để đăng ký công nhận các di sản tài liệu cấp quốc gia trước khi đăng ký công nhận di sản tài liệu của khu vực và thế giới.

– Có Hội đồng thẩm định giá trị các di sản tài liệu trước khi lập hồ sơ đăng ký công nhận di sản tài liệu cấp khu vực và quốc tế, gồm các nhà khoa học, sử học…

– Đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội đối với Chương trình MOW.

– Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ bảo quản cho cán bộ các cơ quan, địa phương có di sản tài liệu.Dưới sự chỉ đạo của UBQG UNESCO Việt Nam, Ban điều phối đã xây dựng Dự án điều tra xác định các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có tài liệu quý, hiếm và đang trong tình trạng cần quan tâm, bảo vệ để chuẩn bị cho các bước tiếp theo nhằm đăng ký công nhận di sản tài liệu thuộc chương trình MOW ở khu vực và thế giới. Ban điều phối chương trình đã tích cực triển khai các hoạt động như: tổ chức dịch tài liệu hướng dẫn về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO xuất bản năm 2002 và gửi cho các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và thư viện lớn tại Hà Nội; thông báo và hướng dẫn các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ đăng ký di sản tài liệu. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Viện Thông tin khoa học xã hội và Thư viện Quốc gia chuẩn bị 04 hồ sơ để đăng ký công nhận di sản tài liệu, trong đó có 02 hồ sơ được Ban điều phối Chương trình MOW và UBQG UNESCO lựa chọn để trình UNESCO xem xét, công nhận di sản tài liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, đó là:

– Khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (1802-1945) hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước;

– Sưu tập tài liệu ảnh về Việt Nam và các nước Đông Dương (1870-1950) hiện đang bảo quản tại Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản tài liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới với mong muốn phát huy giá trị của các di sản tài liệu nhằm giới thiệu, tuyên truyền quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì vậy, trong tháng 2/2008, theo lời mời của Uỷ ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP), Việt Nam đã tham dự hội nghị Ban Chấp hành MOWCAP và hội nghị quốc tế lần thứ ba “Ký ức cộng đồng ở phạm vi toàn cầu” do UNESCO và UBQG Chương trình Ký ức thế giới của Úc phối hợp tổ chức. Thông qua hội nghị và các hội thảo chuyên đề, các đại biểu Việt Nam đã thu được nhiều kết quả và kinh nghiệm bổ ích cho việc triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu cũng như giới thiệu các di sản tài liệu quý, hiếm của Việt Nam với nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với đại diện của 12 nước đã thành lập Uỷ ban quốc gia hoặc tổ chức tương đương về Chương trình Ký ức thế giới, biểu quyết công nhận 04 di sản tài liệu đầu tiên được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đó là: bản thảo Trường ca cổ Nagara Kertagama của Inđônêxia viết trên lá cọ năm 1365; Sưu tập tài liệu lưu trữ khắc trên đá tại chùa Wat Pho của Thái Lan; Sưu tập tài liệu lưu trữ về Hiến pháp đầu tiên của Liên bang Úc năm 1901 và Sưu tập tài liệu lưu trữ của Bảo tàng tội ác diệt chủng Tuông Sleng của Cam-pu-chia. Đến nay, thế giới đã có 160 di sản tài liệu được UNESCO công nhận thuộc danh mục Ký ức thế giới, trong đó 34 di sản tài liệu của 15 nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Kế hoạch hoạt động của chúng ta về chương trình MOW trong thời gian tới

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các di sản tài liệu có giá trị của Việt Nam và đặc biệt để công chúng có thể tiếp cận các di sản tài liệu ấy, Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới đã đề xuất với Uỷ ban quốc gia UNESCO Đề án triển khai việc điều tra, thống kê các di sản tài liệu có giá trị của Việt Nam có nguy cơ bị hư hỏng để có biện pháp tu bổ, bảo vệ kịp thời và chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận; tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với Chương trình  Ký ức thế giới thông qua các hoạt động như: tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới, giới thiệu Chương trình Ký ức thế giới trên các phương tiện thông tin đại  chúng.

Bên cạnh đó, việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chương trình MOW là một yêu cầu rất quan trọng và cần thiết. Mục đích cuối cùng của việc triển khai các hoạt động của Chương trình MOW là nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có di sản tài liệu nói riêng về giá trị và tầm quan trọng của những di sản tài liệu. Từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị quý, hiếm vốn có của những di sản mà họ đang sở hữu, đồng thời lựa chọn những sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các  tiêu chí mà UNESCO đề ra để lập hồ sơ đăng ký công nhận là di sản tài liệu của chương trình MOW. Để đạt được mục đích này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của Ban điều phối Chương trình MOW, thì sự quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền là hết sức cần thiết để sớm có thể thành lập Ủy ban quốc gia về Chương trình Ký ức thế giới (National Committee for MOW of UNESCO) như một số nước trong khu vực. Nhờ đó, các sưu tập tài liệu sau khi đã được UBQG về MOW lựa chọn để trình UNESCO công nhận ở cấp khu vực và quốc tế mới có khả năng được xếp vào danh mục di sản tài liệu của Chương trình Ký ức thế giới.

Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam kêu gọi các nhà quản lý các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, viện nghiên cứu và các cá nhân đang bảo quản những di sản tài liệu trên các vật mang tin khác nhau hưởng ứng và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình MOW. Trước mắt, tiến hành điều tra thống kê các tài liệu quý hiếm và lập danh mục di sản tài liệu quý hiếm cấp quốc gia, từ đó lựa chọn đệ trình lên UBQG Ký ức thế giới của Việt Nam xem xét công nhận đưa vào “danh mục Ký ức quốc gia”. Trên cơ sở danh mục này, lựa chọn để đệ trình lên cấp khu vực và quốc tế xem xét công nhận đưa vào danh mục Ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) và quốc tế (MOW).

TS. Vũ Thị Minh Hương
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ

———————

Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 1/2009

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây