Chuyên gia Australia: ASEAN là nền tảng cho sự cân bằng trong khu vực

Chuyên gia Australia: ASEAN là nền tảng cho sự cân bằng trong khu vực
Australia cho rằng ASEAN là nền tảng cho sự cân bằng trong khu vực. (Nguồn: Global Times)

Giám đốc nghiên cứu tại Viện Lowy, ông Herve Lemahieu mới đây đã có bài viết đăng trên tờ Australian Financial Review phân tích về tuyên bố của Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho rằng ASEAN là nền tảng cho sự cân bằng trong khu vực.

Vai trò trung tâm

Trong tuần trước, Ngoại trưởng Penny Wong đã có bài diễn văn quan trọng đầu tiên ở Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức. Phát biểu trước khi về thăm lại nơi “chôn rau cắt rốn” của mình – Kota Kinabalu ở Malaysia, Ngoại trưởng Wong đã dùng câu chuyện của cá nhân bà để xác định lại sự can dự của Australia với khu vực, với tư cách là một đối tác gắn bó với Đông Nam Á không chỉ về mặt địa lý mà còn là những mối quan hệ thực tế hữu hình.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Australia đề cập sự cần thiết phải đạt được một “trạng thái cân bằng chiến lược” cho phép các quốc gia được lựa chọn quan hệ đối tác và liên kết cho chính mình. Bà tuyên bố, ASEAN là nền tảng của sự cân bằng này-với các thể chế và quốc gia thành viên giữ vai trò trung tâm chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuyên gia Herve Lemahieu cho rằng, bài phát biểu phát đi tín hiệu ban đầu về việc chính phủ mới ở Australia điều chỉnh cách tiếp cận chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ một cách tiếp cận chung, không có sự phân biệt, chuyển sang cách tiếp cận được điều chỉnh theo từng khu vực phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia.

Canberra đang tìm cách giải bài toán rất khó nhằm đạt hai mục tiêu: cùng với các đối tác cùng chí hướng xây dựng một đối trọng chiến lược đối phó với Trung Quốc và hợp tác với một loạt quốc gia đa dạng hơn về địa chính trị để hỗ trợ trật tự khu vực.

Ông Herve Lemahieu khái quát ba vòng đồng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Australia. Đầu tiên là “vòng trong” – khu vực Thái Bình Dương nơi Australia phải củng cố vị trí là nhà cung cấp hàng hóa công hàng đầu, bao gồm giải quyết các thách thức an ninh và đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra đối với các đảo Thái Bình Dương.

Thứ hai là “vòng ngoài”, bao gồm các cường quốc lớn, các thành viên của nhóm Bộ tứ hoặc đối tác an ninh AUKUS (Anh – Mỹ – Australia).

Sự hiện diện của Thủ tướng Australia tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid cho thấy sự hội tụ rộng rãi của các lợi ích chiến lược.

Tham gia tích cực

Tuy nhiên, theo chuyên gia Herve Lemahieu, điều còn thiếu hiện nay chính là một vòng giữa trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Australia. Trong thời gian qua, Australia đã ít lưu tâm đến vai trò chiến lược ở Đông Nam Á.

Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Wong về sự cân bằng chiến lược báo hiệu một sự thay đổi thú vị trong cách tiếp cận mục tiêu xây dựng sự cân bằng quyền lực của Australia. Nó tạo ra không gian để thừa nhận rằng các cường quốc trung bình, bao gồm Australia, có lập trường khác nhau về các siêu cường, nhưng vẫn có thể tìm thấy điểm chung về vai trò và mục đích của cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt và tầm quan trọng của việc đảm bảo chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn trong cấu trúc này.

Theo ông Herve Lemahieu, Australia phải tham gia với quốc gia ở Đông Nam Á trên cơ sở điều kiện và mối quan tâm của chính các quốc gia này. Australia cần xác định mối quan tâm hàng đầu của mình là làm thế nào để khu vực có thể tiếp tục có được một nền hòa bình chung và sự thịnh vượng chung tối đa hóa các lựa chọn cho tất cả các bên, dù lớn hay nhỏ.

Phương Hà

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây