Cơ hội phát triển nền kinh tế Đông Nam Á

Cơ hội phát triển nền kinh tế Đông Nam Á
Nguồn: Nikkei Asia

Nền kinh tế Đông Nam Á thời gian qua phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xung đột Nga – Ukraine hay xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu. Song, nhiều cơ hội mới đang xuất hiện, hứa hẹn khả năng phục hồi kinh tế đầy triển vọng. Dẫu vậy, những cơ hội đó cũng đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi chính sách cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

Kinh tế Đông Nam Á đã và đang trải qua những cú sốc nào?

Cú sốc đầu tiên làm nền kinh tế thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng chao đảo trong suốt hai năm là đại dịch Covid-19. Hiện tại, Covid-19 dần được kiểm soát phần nào và các nền kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói đại dịch Covid-19 đã qua đi, cũng như không thể biến mất hoàn toàn. Dịch bệnh vẫn đang tồn tại, đặc biệt là ở Trung Quốc, tác động tới mọi hoạt động kinh tế của khu vực, cũng như toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc chủ yếu do hai yếu tố. Một là chính sách “Zero Covid” – những hạn chế về đi lại và phong tỏa ở một số thành phố gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể, đồng thời khiến khó thực hiện các chính sách kích thích kinh tế. Hai là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của nước này ước tính chiếm tới 1/3 GDP. Hiện dư thừa công suất trong lĩnh vực này là rất lớn, vì thế vẫn chưa có giải pháp nào ngay lập tức tháo gỡ. Trung Quốc hội nhập chặt chẽ với khu vực, nên tăng trưởng kinh tế của quốc gia này yếu đi sẽ ảnh hưởng đến Đông Nam Á thông qua nhiều kênh, bởi phần lớn sản lượng của khu vực cuối cùng được tiêu thụ ở Trung Quốc. Trong khi một số mặt hàng xuất khẩu của khu vực trở thành hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới, một phần hàng xuất khẩu của khu vực ở những nơi khác cuối cùng lại được tiêu thụ ở Trung Quốc. Xuất khẩu của Đông Nam Á sang các nước thứ ba cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tiếp theo là cuộc xung đột Nga – Ukraine, khiến cho giá hàng hóa và nhiên liệu tăng một cách đột biến, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lao đao và thị trường tài chính ngày càng biến động hơn. Nhà kinh tế trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) Aaditya Mattoo nhận định, kinh tế thế giới không chỉ phải đối mặt cứ hai cú sốc về đại dịch và xung đột địa chính trị, mà giờ đây còn phải đối phó với trình trạng lạm phát đáng báo động. Do đó, để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phải thắt chặt các chính sách tài chính và tiền tệ hơn. Những cú sốc này kết hợp lại với nhau đặt ra những thách thức mới cho quá trình phục hồi nửa chừng của Đông Nam Á.

Ông Aaditya Mattoo cho rằng, nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất ở khu vực là Lào, vốn có cả nợ cao và lạm phát cao ngay cả trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chậm lại, cả ở Trung Quốc và toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều, nhất là Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Vì vậy, về cơ bản, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các nước phụ thuộc vào xuất khẩu và thắt chặt tài chính sẽ ảnh hưởng đến những nước đang nợ nhiều, đó là những mối nguy hiểm song song.

Cơ hội mở rộng nhưng đầy thách thức

Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế khu vực chịu “tổn thương” nặng nề, nhưng nó cũng đã tạo ra nhiều cơ hội mới. Việc dịch chuyển chuỗi giá trị ra khỏi Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho một số nước trong khu vực. Sự thay đổi này xảy ra trước đại dịch do mức lương thực tế của Trung Quốc tăng và dân số già. Trong khi đó, Malaysia cũng tận dụng lợi thế bằng cách thu hút các nhà sản xuất linh kiện điện tử, và một số hoạt động có giá trị cao đang đến với Singapore. Indonesia không được hưởng lợi, chủ yếu là do các chính sách hạn chế thương mại. Cơ hội lớn khác đến từ việc triển khai nhanh hơn các công nghệ trong khu vực. Một số chuyên gia đánh giá, sự gia tăng đáng kể về tự động hóa và số hóa, đang ảnh hưởng đến cả sản xuất và đặc biệt là các dịch vụ như thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, họ cảnh báo thương mại điện tử cũng là “con dao hai lưỡi” vì các nền tảng thương mại điện tử giảm chi phí thương mại và thông tin, nhưng chúng cũng phóng đại các lợi thế so sánh hiện có.

Bên cạnh đó, do tình trạng tắc nghẽn kinh niên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đã mở cửa trở lại biên giới để nối lại hoạt động kinh doanh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo tình trạng thiếu các chất bán dẫn quan trọng trên toàn cầu có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 và có lẽ còn dài hơn nữa do đứt gãy chuỗi cung ứng. Để tránh những chậm trễ tốn kém trong sản xuất và logistics, ngày càng nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ chuyển dịch cơ sở sản xuất và chuyển những khoản đầu tư mới sang Đông Nam Á. Năm 2021, hãng sản xuất chip GlobalFoundries cho biết sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore để đáp ứng nhu cầu gia tăng về chip bán dẫn trên toàn cầu. Trong khi đó, tập đoàn Intel thông báo kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip ở Penang, Malaysia.

Nhà kinh tế trưởng Jajiv Biswas tại S&P Global Market Intelligence đánh giá, Đông Nam Á là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là đối với ngành điện tử. Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm trễ nghiêm trọng về thời gian cung cấp đối với các linh kiện then chốt trong ngành điện tử toàn cầu trong suốt thời kỳ dịch bệnh, các công ty điện tử ngày càng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sang khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng trở thành những địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp chuyển hướng khỏi Trung Quốc sau đại dịch. Những diễn biến nói trên giúp tăng cường vai trò của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và đem lại lợi ích cho người dân địa phương, vì chúng đem lại các dòng vốn dồi dào và triển vọng việc làm mới sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh.

Hơn nữa, chương trình nghị sự về khí hậu đang trên đà phát triển cũng là cơ hội cho khu vực. Việc tăng giá nhiên liệu có thể làm cho các công nghệ xanh trở nên khả thi hơn, song cũng có những trở ngại mà các quốc gia sẽ phải đối mặt. Giá nhiên liệu cao có thể khuyến khích sản xuất nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch và hạn chế khả năng của các chính phủ trong việc tăng thuế carbon, vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Chính sách lãi suất cao mà các nền kinh tế trong khu vực sẽ buộc phải áp dụng, có thể ngăn cản việc áp dụng các công nghệ xanh có xu hướng thâm dụng vốn và cần các khoản đầu tư trả trước lớn. Tuy nhiên, các tiến bộ về cả khí hậu và thương mại cần sự hợp tác toàn cầu nhiều hơn, bởi vì các quốc gia cần phải hành động cùng nhau. Ví dụ, các công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu tập trung ở Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, đưa những công nghệ này trở nên phổ biến rộng rãi là hành động quan trọng nhất mà thế giới có thể thực hiện. Và trong thương mại, các quốc gia cần bảo đảm rằng sự cởi mở và công bằng sẽ chiếm ưu thế, nguồn cung cấp khí đốt sẽ không bị cắt… Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng khả năng hợp tác như vậy sắp diễn ra, do sự hợp tác quốc tế dường như vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới.

Như Ý

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây