Còn có một Thạch Quỳ thanh thản trước thiên nhiên

Còn có một Thạch Quỳ thanh thản trước thiên nhiên

Vào một buổi sáng của một ngày trước khi tập Tuyển thơ Thạch Quỳ hoàn thành bản thảo. Tôi và nhà phê bình văn học Đoàn Mạnh Tiến có đến thăm anh.  Trong buổi trò chuyện hôm đó, nhà thơ có trao đổi về việc anh đang chuẩn bị in tuyển tập Thạch Quỳ tuyển tập thơ. Nói xong anh lấy tập bản thảo đưa cho tôi xem mấy trang mục lục. Đọc xong tôi nói ngay với anh: Theo em trong tập bản thảo của tuyển tập này còn thiếu một bài thơ của anh mà em rất yêu thích, đó là bài Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín. Em thích bài đó từ cái thời em đọc bài đó trong tập thơ Con chim Tà Vặt của anh.

Sau này khi Thơ Thạch Quỳ tuyển chọn ra mắt bạn đọc, bài Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín đã được anh đưa vào tuyển tập. Nguyên văn bài thơ như sau:       

Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín

Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín

Mùa này chim tu hú bay về

Mùa này chim chào mào bay đến

Nhót đỏ bên bờ gạo đỏ bên đê

Tôi năm trên cỏ lắng nghe

Cái cảm giác long lanh trên mặt đất

Tôi nằm trên cỏ ngắm nhìn

Khắp rào dậu làng quê đỏ nhót

Và chú bé đang đi nhón gót

Đôi gót thiên thần dẫm phải gai tre

Và chú bé long lanh đôi mắt

Chú đã vì tôi trẩy nhót về

 Chúng tôi nằm trên cỏ ven đê

Tôi trẻ lại chú nghiêm thêm một chút

Mỗi câu chuyện đổi mười quả nhót

Câu chuyện nào chú cũng say mê

Rồi mùa chim tu hú lại về

Rồi mùa chim chào mào lại đến

Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín

– Cháu vẩn ngời đợi chú đó nghe.  1984 

(Thạch Quỳ  tuyển tập thơ – Nxb Nghệ An 2018)

Sau Thạch Quỳ tuyển tập thơ xuất bản (2018), Nhà xuất bản Nghệ An lần nữa lại chọn đăng trong tập tác phẩm tuyển chọn Nhà văn Nghệ An (2019) 10 bài thơ của Thạch Quỳ. Đó là các bài Ông già nghễnh ngãngBức tượngThơ 5 chữNếu trái đất cất lời nói đượcĐọc thơ Trần DầnNguyễn DuNgười trong nấm mộBên lều lá cỏ Uýt ManOng vàng bướm tímSác… Những bài thơ ông đưa vào tập tuyển chọn này một lần nữa khẳng định thêm phong cách thơ Thạch Quỳ: giàu suy tưởng; Giàu tính triết lý và có tính xã hội sâu sắc. Ngôn ngữ thơ ông mộc mạc giản dị. Mức độ triết lý, sức suy tưởng của những bài viết ở khoảng thời gian sau cao hơn bài thơ thời Nói với con ông đã công bố khoảng thời gian đầu ông đến với thơ. Các bài thơ Ông già nghễnh ngãng, Bức tượng là những bài thơ thuộc hạng đó:

 “Chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng lại

Ông già không xuống tàu và quay về ga đầu tiên,

                                         con tàu dừng lại

Ông già không xuống tàu

Người lái tàu hỏi: ông gìa về đâu?

Ông già hỏi: Con tàu về đâu?

Ga cuối, ga đầu

Ga đầu, ga cuối

Ông già nói lảm nhảm

Người bán vé tàu cứ bán …

Chạy đến ga cuối cùng

Con tàu quay lại

Chạy về ga đầu tiên, quay lại con tàu

Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa

Rằng ông già nghễnh ngảng

                Đi đâu

                               Và

                                        Về đâu?

Bài thơ Bức tượng cũng là một bài thơ có tính triết lý cao, giàu suy tưởng không kém bài thơ Ông già nghễnh ngãng. Nhưng bên cạnh những giá trị đó của thơ Thạch Quỳ tôi còn nhận ra trong thơ Thạch Quỳ còn có một Thạch Quỳ khác với một Thạch Quỳ mà người ta thường nói đến. Ấy là còn có một Thạch Quỳ mê đắm và thanh thản trước thiên. Bài thơ Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín là một trong những bài thơ hay thể hiện mạnh cảm xúc đó của anh.

Trở lại bài thơ Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín. Theo tôi đây là một bài thơ giàu chất trữ tình. Bài thơ đã thể hiện đầy đủ tình cảm yêu thương tha thiết đối với con người và quê hương. Bài thơ còn diễn tả khá thành công những cung bậc cảm xúc của nhà thơ đối với cảnh vật và con người xứ Nghệ.

Có yêu mến quê hương đến tha thiết chân thành nhà thơ mới cảm nhận đầy đủ những âm thanh, sắc màu, cảnh vật của một vùng quê trù phú khi thời tiết chuyển mùa:     

Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín

Mùa này chim tu hú bay về

Mùa này chim chào mào bay đến

Nhót đỏ bên bờ gạo đỏ bên đê

Chưa có lúc nào nhà thơ cảm thấy thoải mái, thanh tâm hồn trước vẻ đẹp trù phú, dân dã của vùng quê yên ả của Thanh Bình (một xã của huyện Thanh Chương) nơi nhà thơ thường đi qua khi mỗi mùa nhót chín. Nhà thơ đã dừng lại để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng vùng quê này:

Tôi năm trên cỏ lắng nghe

Cái cảm giác long lanh trên mặt đất

Tôi nằm trên cỏ ngắm nhìn

Khắp rào dậu làng quê đỏ nhót

Tại vùng quê này tác giả đã tình gặp một cậu bé. Nhà thơ và cậu bé trong phút chốc đã trở nên thân thiết. Hai người mới quen nhau mà tưởng như tri kỷ từ độ nào. Một câu hỏi đặt ra là bằng sức hút nào của tình người mà nhà thơ lại cảm hóa, trở nên thân thiết nhanh chóng với cậu bé như anh với em, như cha với con, như thầy với trò như vậy? Phải chăng nhân cách nhà giáo, nhà thơ, nhân cách của con người nghệ sỹ tài hoa ở Thạch Quỳ đã tạo nên sự cuốn hút rất tự nhiên nhưng cũng rất mạnh liệt như vậy? 

Và chú bé đang đi nhón gót

Đôi gót thiên thần dẫm phải gai tre

Và chú bé long lanh đôi mắt

Chú đã vì tôi trẩy nhót về

Tình yêu thương trẻ em, mến yêu cảnh dân dã của nông thôn xứ Nghệ đã làm cho bài thơ Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín có được một hình ảnh sinh động về sự đồng cảm, gần gũi nhưng rất lý thú của những người khác thế hệ với nhau trước vẻ đẹp bình dỵ nhưng rất nên thơ của thiên nhiên:

Chúng tôi nằm trên cỏ ven đê

Tôi trẻ lại chú nghiêm thêm một chút

Mỗi câu chuyện đổi mười quả nhót

Câu chuyện nào chú cũng say mê

Những gì mà nhà thơ thu nhận được về cảnh vật và con người ở Thanh Bình chỉ một lần trong mùa nhót chín sẽ là kỷ niệm đẹp đẽ êm đềm đi suốt cuộc đời nhà thơ. Cứ mỗi mùa nhót chín không ai nhắc tới nhưng nỗi lòng nhà thơ lại có cảm giác hình như đang có một miền quê, đang có những tấm lòng ngây thơ trong trẻo mong đợi và mời gọi nhà thơ trở lại một vùng quê đó thêm một lần nữa:

Rồi mùa chim tu hú lại về

Rồi mùa chim chào mào lại đến

Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín

– Cháu vẫn ngồi đợi chú đó nghe.

Rõ ràng với Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín nhà thơ Thạch Quỳ đã giãi bày được niềm vui, sự thanh thản của mình trước con người và thiên nhiên xứ Nghệ. Với Những quả nhót ở Thanh Bình đã chín bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra cùng với những gì chúng ta đã biết về Thạch Quỳ chúng ta còn biết thêm trong thơ của anh còn có một Thạch Quỳ thiết tha yêu mến thiên nhiên, yêu mến làng quê xứ Nghệ và một Thạch Quỳ thanh thản với thiên nhiên.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây