Bạc Liêu có một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo, đó là nghề làm muối đã có hàng thập kỷ. Sản phẩm muối Bạc Liêu nằm trang trọng trên những bàn tiệc xa hoa xứ Mặt Trời mọc, xứ Kim Chi… và giờ đây được đưa vào làm du lịch.
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu.” Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Trước đó, năm 2013, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý.
Nghề muối ở Bạc Liêu nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.
Nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, hạt muối Bạc Liêu đã gắn với bao thăng trầm của nhiều thế hệ diêm dân. Là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, nghề muối tại Bạc Liêu có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển. Diện tích tập trung nhiều nhất là huyện Đông Hải với hơn 1.280ha muối.
Thời Pháp thuộc, nghề làm muối Bạc Liêu vốn nổi danh với cái tên “muối ba thắt” đã tạo nên nhiều đại điền chủ giàu có từ hạt muối như: Hội đồng Trạch, điền chủ Huỳnh Quái… Địa chủ giàu từ muối, nhưng tá điền là diêm dân lại nghèo khổ, lam lũ nhọc nhằn trên những cánh đồng muối nắng cháy da, luôn chịu kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.”
Để độc quyền trong chính sách cai trị khai thác thuộc địa, giặc Pháp đánh thuế cao nghề muối và cấm người dân không được tự ý sản xuất, mua bán. Nếu phát hiện người dân vi phạm, chúng khép vào tội tử hoặc lưu đày biệt xứ. Câu cửa miệng: “Đi bán muối” dùng để chỉ cái chết, hoặc đi không trở lại có lẽ xuất hiện từ thời đó.
Sau 30/4/1975, diêm dân tự làm chủ ruộng muối của mình nhưng đầu ra hạn hẹp, bởi nền kinh tế bao cấp còn khó khăn. Diêm dân qua bao khổ cực, lại phải tiếp tục kiêm thêm nghề vận chuyển, nai lưng chở bán từng hạt muối tận tay người dùng. Phải đến khi kinh tế thị trường được mở cửa, diêm dân Bạc Liêu trở nên dễ thở và làm giàu trên ruộng muối. Khi các thương lái đến tận ruộng để thu mua, Bạc Liêu có nhà máy chế biến muối. Các sản phẩm muối Bạc Liêu đã sang tận Campuchia, hay lên kệ siêu thị ở Mỹ.
Đến Đông Hải hôm nay, nơi tập trung làng nghề muối sẽ dễ dàng bắt gặp những căn nhà mới khang trang mọc lên nhờ hạt muối mặn phù sa vùng đất Bạc Liêu.
Để làm được hạt muối, không phải là điều dễ dàng, tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó lại là một quá trình kỳ công, nhọc nhằn, phải qua nhiều công đoạn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.”
Bước đầu, trên mỗi ruộng muối, người làm muối sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất. Sau đó, tiếp tục cho nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu, người dân mới bơm nước biển vào bên trong.
Ruộng ban đầu cho nước biển vào người dân gọi là “ruộng phơi”, dưới tác dụng ánh nắng mặt trời lượng nước trong nước biển bốc hơi bớt, lúc này nồng độ mặn trong nước tăng cao hơn so với ban đầu. Người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối, ruộng này gọi là “ruộng ăn”, được lèn chặt và nhẵn bóng từ trước.
Khi muối bắt đầu kết tủa, diêm dân mới dùng dụng cụ để cào muối tập trung lại thành những hình chóp trên mỗi ruộng. Quy trình như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi thu hoạch xong, tất cả đều dưới trời nắng gắt, thấm đượm những giọt mồ hôi mặn đắng của diêm dân.
Trong vị mặn của muối Bạc Liêu luôn có những giọt mồ hôi của diêm dân.
Hạt muối Bạc Liêu không trắng trong như hạt muối được ở miền Trung, nhưng muối Bạc Liêu lại mang đậm hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa. Khi dòng phù sa sông Me Kong đổ ra biển từ các cửa lớn, men theo ven biển đổ dài dọc biển đến tận Mũi Cà Mau, tích tụ ven biển Bạc Liêu. Do được hình thành vì đặc điểm tự nhiên này nên đã tạo cho muối Bạc Liêu có màu trắng hồng, hạt khô chắc, không tạp mùi, mà không nơi nào có được.
Hiện nay, muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô. Đồng thời cũng là sản phẩm muối duy nhất của Việt Nam được đưa vào thị trường Nhật, bởi chất lượng vượt trội so với các loại muối khác, đó là mặn mà không chát đắng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chọn hạt muối sản xuất tại quê hương của công tử Bạc Liêu để làm gia vị chế biến cho món kim chi, một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng của quốc gia này.
Từ đầu thế kỷ XX, muối Bạc Liêu đã được cung cấp đi khắp các nước Đông Dương và Châu Á.
Khi tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu ngành chức năng tỉnh này xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; phối hợp với UBND huyện Đông Hải (nơi có diện tích muối nhiều nhất tỉnh) xây dựng lễ hội muối tổ chức định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức.
Xây dựng một mô hình trải nghiệm nghề làm muối để du khách tham quan sẽ có sự tham gia của các nhà: Nhà khoa học, nhà làm du lịch và nhà nông – các diêm dân. Du lịch “muối” còn gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện sinh thái tự nhiên vùng ven biển. Và, nó sẽ được gắn kết đưa du khách tới những cánh đồng điện gió giữa biển khơi lộng gió.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ những năm đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam và là tỉnh có sản lượng muối lớn nhất, thường xuyên cung cấp cho Nam Kỳ lục tỉnh cùng các nước Đông Dương. Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, và là tri thức dân gian được tích lũy, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2019, sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” một lần nữa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, những cánh đồng muối ở Bạc Liêu còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách” – Bà Phương nói thêm.