Đào ống nước, lộ ra ‘đài thiên văn’ cổ xưa hơn cả kim tự tháp

Đào ống nước, lộ ra 'đài thiên văn' cổ xưa hơn cả kim tự tháp
Hiện trường khai quật với di tích thời đồ đá hiện ra mờ ảo sau khi lớp đất nền được loại bỏ - Ảnh: IAP

Một cấu trúc hình tròn đường kính tới 55 m, 7.000 năm tuổi vừa được khai quật tại Cộng hòa Czech. Nó có thể là một đại diện khác của những đài thiên văn bí ẩn thời đồ đá từng lộ diện ở nhiều nước châu Âu.

Theo Live Science, đây có thể là một trong những bằng chứng lâu đời nhất về kiến trúc công cộng được tìm thấy ở châu Âu.

Cấu trúc bí ẩn lộ diện ở một khu đất ở Vinoř, gần thủ đô Prague. Những đặc điểm bất thường thực ra đã được tìm thấy lần đầu từ những năm 1980 bởi các công nhân lắp đặt đường ống dẫn khí và nước, nhưng di tích đã bị “bỏ rơi” khá lâu. Một cuộc khai quật mới đây đã tiết lộ tầm vóc không thể tin nổi của cấu trúc.

Đó không chỉ là một vòng tròn đá, mà rõ ràng là một khu phức hợp nghi lễ với rất nhiều kho báu khảo cổ khác bên trong và xung quanh.

Theo Đài phát thanh quốc tế Prague, cấu trúc có đường kính lên tới 55 m, tức tương đương chiều cao của Tháp nghiêng Pisa. Và mặc dù còn quá sớm để đưa ra các kết luận chi tiết, nó chắc chắn thuộc về văn hóa Stroked Pottery huyền thoại trong khu vực, theo phát ngôn viên của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Czech (IAP) Jaroslav Řídký.

Giám đốc cuộc khai quật Miroslav Kraus cho biết việc toàn bộ cấu trúc được tiết lộ có thể cung cấp manh mối về việc nó đã được sử dụng như thế nào.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gốm, xương động vật và các công cụ đá trong khuôn viên di tích và từ các vật liệu hữu cơ trong đó mà tiến hành giám định niên đại bằng carbon phóng xạ.

Dai thien van bi an nhin tu tren cao - Đào ống nước, lộ ra 'đài thiên văn' cổ xưa hơn cả kim tự tháp“Đài thiên văn” bí ẩn nhìn từ trên cao – Ảnh: IAP

Kết quả thực sự sốc: Kiến trúc này đã gần 7.000 năm tuổi, tức xưa hơn kim tự tháp cổ đại nhất của Ai Cập hơn 2 thiên niên kỷ. Kim tự tháp giữ kỷ lục của Ai Cập là Djoser, gần 4.700 tuổi.

Cấu trúc này có một số khoảng trống mang chức năng như lối vào, chủ yếu làm bằng đá và các rãnh đào, một số vị trí được gia cố bằng cọc gỗ và có dấu hiệu của bùn trát. Nó chắc chắn là một nơi tụ họp công cộng, nơi diễn ra các sự kiện lễ nghi, thiên văn hoặc sinh hoạt cộng đồng.

Một cấu trúc tương tự từng được tìm thấy ở Đức vào năm 1991, gọi là Vòng tròn Goseck, đường kính 74 m, có một hàng rào bằng gỗ đôi và 3 lối vào. 2 trong 3 lối vào tương ứng với hướng Mặt Trời mọc và lặn trong mùa đông và mùa hè, nên người ta tin Goseck là một dạng đài thiên văn cổ đại.

Các cấu trúc dạng vòng khác “mới” hơn ví dụ Stonehenge – vòng cự thạch nổi tiếng của nước Anh – cũng được cho là những đài thiên văn cổ đại, với vị trí một số phiến đá tương ứng với sự sắp xếp một số thiên thể trong các thời điểm nhất định.

Còn dạng vòng tròn kín có gia cố gỗ và lối vào như vòng Vinoř này hay Goseck dường như đã biến mất từ năm 4600 trước Công Nguyên, sau 3 thế kỷ phổ biến, sau đó vài thiên niên kỷ nhường chỗ cho dạng vòng cự thạch giống Stonehenge. Các nhà khoa học vãn đang tìm cách giải quyết bí ẩn.

Anh Thư

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây