Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai – Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma Lôi

Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai - Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma Lôi

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Ma Lôi.

Theo thời gian, chỉ hai mươi năm nữa thôi, là tròn hai thiên niên kỷ tính từ lúc Hai Bà Trưng bỏ trần thế về trời. Hai ngàn năm, một khoảng thời gian không hề ngắn, muôn vàn sự kiện về thiên nhiên, con người trên đất này đã diễn ra. Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử dân tộc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn hiên ngang sừng sững hiện diện trước sự ngưỡng vọng, kính nể của muôn người. Vẫn còn đó, chính sử nước Nam. Vẫn còn đó, chính sử Trung Hoa. Vẫn còn đó, dã sử và những lời truyền miệng của bao đời. Vẫn còn đó, những đền thờ Hai Bà Trưng linh thiêng hương khói, những tên đất, tên làng liên quan hiện hữu đến giờ. Thực tế là như vậy. Cũng có thể do đã quá xa, cũng có thể do một thời gian dài ta phải chịu sự đô hộ, sự thủ tiêu đốt phá văn bản hiện vật liên quan đến Hai Bà Trưng của người phương Bắc. Kể cả khi nước ta giành được độc lập, thì sự kiện ấy đã cách xa cả ngàn năm. Thông tin còn lại không nhiều, chính sử nước Nam cũng chỉ ghi chép cơ bản, sơ sài như thế. Chính sử Trung Hoa, ngòi bút của người đô hộ, cũng chỉ ghi chép rất qua loa. Có thể nói đến hôm nay, thông tin liên quan đến cuộc đời và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn lại không nhiều, nếu không nói là rất ít, rất mong manh.

Cầm trên tay bộ sách Trưng Nữ Vương gồm hai tập mà nhà văn – Thượng tá Phùng Văn Khai trao tặng, tôi thực sự bất ngờ. Bất ngờ vì đây là bộ sách dày dặn đầu tiên viết về Hai Bà Trưng mà tôi được biết. Bất ngờ vì trong khung cảnh hiện tại, văn hóa đọc và sách in truyền thống đã có nhiều giảm sút mà bộ sách vẫn được làm rất trang trọng, chỉn chu, kỹ lưỡng và rất đẹp. Chưa biết nội dung ra sao, nhưng cầm bộ sách trên tay, tôi thấy được sự trân trọng đối với lịch sử dân tộc, sự yêu quý, kính nể đối với Hai Bà Trưng của nhà văn Phùng Văn Khai thật đáng quý.

bo tieu thuyet lich su Trung Nu Vuong cua Phung Van Khai - Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai - Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma LôiBộ tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” của tác giả Phùng Văn Khai.

Qua tìm hiểu tôi biết, tác giả Phùng Văn Khai đã bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu, khám phá, đi điền dã thực tế qua nhiều vùng miền liên quan đến Hai Bà Trưng. Bằng sự làm việc nghiêm túc, sức tưởng tượng cao siêu bay bổng, cùng với tài năng văn chương riêng có, mà bộ sách đã được ra đời.

Bây giờ ta hãy theo ngòi bút của Phùng Văn Khai để trở lại gần hai ngàn năm về trước. Đó là khoảng thời gian mười năm, từ năm 33 đến năm 43 sau Công nguyên.

Ta đang ở vùng đất có tên Cổ Lôi sơn trang thuộc huyện Mê Linh, một trong mười huyện thuộc quận Giao Chỉ. Lúc này, quận Giao Chỉ đang thuộc sự đô hộ quản lý của nhà Hán, mà đứng đầu là một viên Thái thú. Viên Thái thú lúc này là Tích Quang. Cũng có thể do quá xa Trung Nguyên mà các viên Thái thú thường sử dụng người Việt bản địa làm huyện lệnh đứng đầu các huyện. Phụ thân của Hai Bà Trưng tên là Trưng Định là một người như vậy. Ông là dòng dõi Hùng Vương. Tương tự như Trưng Định, phụ thân của Dương Thi Sách là Dương Thái Bình, dòng dõi Lạc hầu làm huyện lệnh Chu Diên thuộc Giao Chỉ.

Tiếng là chịu sự đô hộ quản lý của nhà Hán, nhưng tình hình các huyện thuộc Giao Chỉ lúc này đều khá yên bình, dân cư yên ổn làm ăn. Các lễ hội truyền thống như hội cờ, hội vật, hội kéo co, hội đánh đu, hội chọi trâu… hàng năm vẫn được diễn ra. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò cổ vũ khắp nơi luôn vang lên. Những buổi tế lễ các vua Hùng vẫn được nghiêm cẩn tổ chức. Các cuộc đi săn do các tù trưởng đứng đầu các phường săn vẫn được diễn ra đều đặn. Chính từ những cuộc đi săn này, mà như duyên trời định, Trưng Trắc và Thi Sách đã gặp nhau. Ta như hồi hộp thót tim, khi tham gia vào cuộc đi săn cọp trắng của Trưng Trắc và Thi Sách. Từ cuộc đấu ác liệt một mất một còn với cọp trắng, đôi trẻ đã cảm mến nhau. Việc gì đến cũng phải đến, hai vị huyện lệnh đã tổ chức kết duyên cho Trưng Trắc và Thi Sách. Lễ cưới tưng bừng náo nhiệt đã diễn ra. Các huyện lệnh, các tộc họ, tù trưởng, bà con khắp các vùng miền thuộc Giao Chỉ đã đến chúc mừng cho đôi trẻ.

Nha tho Nguyen Ma Loi bia trai tai Dinh Tu Thi Hang Gai Ha Noi - Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai - Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma LôiNhà thơ Nguyễn Ma Lôi (bìa trái) tại Đình Tú Thị – Hàng Gái – Hà Nội.

Nhưng rồi những cuộc vui như thế đâu có được kéo dài. Sóng gió bắt đầu manh nha nổi lên khi nhà Hán cho Thái thú Tích Quang về quê tĩnh dưỡng và cho Thái thú Tô Định sang thay. Tân quan tân chính sách, Thái thú Tô Định đã có nhiều việc làm gây khó khăn cho quan chức bản địa. Thậm chí Tô Định còn ra lệnh giết huyện lệnh người Việt khi không thực hiện đúng yêu cầu của hắn. Cùng lúc này, Dương huyện lệnh, cha của Thi Sách, lại bị bạo bệnh qua đời. Tô Định đã cùng các quan chức người Hán càng ngày càng tìm mọi cách để chèn ép, khống chế các quan chức người Việt. Cha của Trưng Trắc là Trưng Định cũng là một nạn nhân. Đỉnh cao của chính sách tàn ác mà Tô Định gây ra là đã sai quân tướng đến bao vây phủ Chu Diên và giết chết Dương Thi Sách, nhiều vị tộc trưởng cùng ba trăm người khác.

Tức nước vỡ bờ, ngọn lửa ấp ủ lâu ngày giờ đã bùng lên. Tại cửa sông Hát, một đàn tế uy nghi đã được dựng. Những thớt voi trắng hùng dũng, những chiến mã hừng hực khí thế cùng ba quân đội ngũ chỉnh tề, cờ xí trang nghiêm. Trưng Trắc trước đó đã được các trưởng lão, các tù trưởng, huyện lệnh tôn làm chủ soái ba quân. Việc hành lễ đã được Trưng Trắc, Trưng Nhị tiến hành rất trang nghiêm, hùng tráng. Hịch truyền đánh giặc Tô Định đã được phát đi khắp cõi Giao Chỉ.  Cuộc khởi nghĩa chính thức được bắt đầu.

Ngay từ những trận đầu, nghĩa quân của Hai Bà đã liên tiếp giành được những thắng lợi, tiếp đó với sự linh hoạt, mưu trí, quân của Hai Bà đã liên tục tiến công vào những nơi quân Hán đang chiếm giữ. Có những trận chỉ trong buổi sáng, nghĩa quân đã tiêu diệt hàng ngàn quân địch. Trận chiến thành Cổ Loa, tướng Hán Độc Cô Tần đã phải bỏ mạng nơi hào nước. Quân ta tiến về thành Luy Lâu, nơi Tô Định đang ở đó. Tiếng trống, tiếng reo hò nổi lên khắp bốn mặt thành, Tô Định chẳng khác nào ngồi trên đống lửa. Đúng như dự liệu của Hai Bà Trưng, Tô Định lúc này chỉ còn cách tìm đường trốn về phương Bắc. Tạm tha cho Tô Định một con đường sống không truy sát, chính là chủ ý và sự bao dung của Hai Bà Trưng, và cao hơn là lo đến sự ổn định, bình yên lâu dài của xã tắc sau này. Và nhờ thế, Tô Định sau khi đã cắt râu, cạo tóc, bỏ lại ấn tín, trà trộn trong đám thương nhân trốn được về phương Bắc. Thành Luy Lâu được giải phóng. Toàn cõi Giao Chỉ sạch bóng Hán quân. Hai Bà Trưng đã cho bố cáo trong toàn cõi, thuế khóa được giảm ba năm. Tàn quân Hán được cấp thuyền, lương cho trở về quê cũ. Hai Bà Trưng, đứng đầu là Trưng Trắc chính thức lên ngôi quân chủ toàn cõi nước Nam.

Bao công việc bộn bề sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Việc bố trí dân cư ổn định làm ăn, việc xây dựng quân đội, việc bang giao với láng giềng… song, không gì hơn là bảo vệ đất nước mà cách bảo vệ tốt nhất là tiến công giặc từ xa. Với phương châm ấy, Trưng Nhị cùng các vị Đô đốc, đô tướng và đội thủy quân hùng hậu chỉ trong buổi sáng đã đánh tan và bắt sống hơn hai trăm chiến thuyền của giặc tại quân doanh Hợp Phố.

Bây giờ, ta hãy ngược lên phía Bắc xem sao. Lúc này, sau thời gian ngắn ngủi của triều Tân (Vương Mãng), nhà Hán đã lấy lại được vị thế làm chủ Trung Hoa và bước vào thời kỳ mới mang tên Đông Hán. Vua Đông Hán lúc này là Hán Quang Vũ Đế (Lưu Tú). Vua Hán đã vô cùng tức giận khi toàn cõi Giao Chỉ đã trở lại sự làm chủ của người bản xứ. Quân Hán bọn thì chết, bọn thì thua trận chui lủi trốn về phương Bắc. Sau khi bàn bạc với các triều thần, Hán Quang Vũ Đế đã quyết định giao cho Mã Viện, một viên tướng lão luyện đang ở vùng mạt Bắc trở về kinh để đảm đương nhiệm vụ nam chinh.

Trở lại phía Nam. Biết được trước sau gì quân Hán cũng tràn xuống, toàn cõi Giao Chỉ dưới sự chỉ huy của Hai Bà Trưng đã tổ chức bố trí lực lượng, ngày đêm luyện tập để sẵn sàng nghênh chiến.

Đã quen với hành binh, trận mạc, đội quân tiên phong của Mã Liêu (con trai Mã Viện) đã nhanh chóng hành quân tiến vào Giao Chỉ. Những trận đánh chống quân xâm lược của Hai Bà Trưng đã bắt đầu và ngày càng trở nên ác liệt. Trận mạc bao giờ cũng vậy, có thắng, có thua. Trận thủy chiến, quân ta vờ thua rồi tổ chức tập hậu thu gần trăm thuyền lương của giặc. Trận cửa sông Tương Giang, quân ta thuyền chìm, quân chết thảm thương dưới mưa tên. Trận cửa biển Hợp Phố, quân của Mã Liêu sau hơn một tuần tiến công vào quân doanh thủy quân ta, hơn bốn mươi chiến thuyền và hơn ngàn quân của chúng đã bỏ mạng…

Nha tho Nguyen Ma Loi ao vang tai Den Co Loa Ha Noi - Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai - Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma LôiNhà thơ Nguyễn Ma Lôi (áo vàng) tại Đền Cổ Loa – Hà Nội.

Tiếp theo, đoàn quân tiên phong của Mã Liêu, đội quân hùng hậu của Mã Viện đã có mặt ở Giao Chỉ. Những trận đánh vô cùng ác liệt, kinh thiên động địa giữa quân của Hai Bà và quân xâm lược phương Bắc đã nổ ra. Ải Độc Long, cửa sông Đằng Giang, thành Luy Lâu, thành Cổ Loa, Mê Linh… mất rồi mất, địa bàn quân ta cứ dần dần thu hẹp. Từ khi đi theo quan sát các trận đánh ta thấy, nhiều lần cha con Mã Viện, Mã Liêu đã cho quân trên thì vẫn áo giáp tay cầm binh khi, nhưng dưới thì để tồng ngồng, nồng nỗng khi cận chiến với quân của Hai Bà Trưng. Thật là vô cùng xấu xa, bỉ ổi. Ta là đàn ông còn không thể chấp nhận được, huống chi là nữ binh của Hai Bà, phần nhiều là các chị em còn trẻ. Nhìn thấy cảnh ấy, chị em làm sao thoát khỏi quay mặt, lúng túng, ngượng ngùng. Nhiều trận quân của Hai Bà Trưng thua cũng vì lẽ đó. Vẫn biết trong chiến trận người ta có thể dùng mọi cách, mọi thủ đoạn, nhưng cách của quân Hán mà cụ thể là của quân Mã Viện, Mã Liêu thì thật là quá hèn mạt, xấu xa. Tiếng xấu này sẽ còn mãi muôn đời không thể rửa.

Những trận đánh bi thương hùng tráng vẫn liên tiếp nổ ra. Làm sao ta có thể cầm được nước mắt khi quân Hán cho đốt lửa quanh ngôi miếu cổ trên núi Thiên Đài, gần một ngàn nghĩa binh cùng nhiều tướng giỏi đã bị đốt cháy, giết chết chẳng còn một người. Thật là bi thảm vô cùng.

Rồi ta cũng phải chứng kiến giờ phút bi thương nhất. Tại cửa Hát Môn, sẩm chiều, gió mưa sấm chớp chẳng dừng. Tàn quân của Hai Bà chẳng còn được mấy người. Quân Hán thì vẫn đang khẩn trương đuổi theo. Trong con thuyền trên sông, dù biết nguy hiểm đang kề cận, nhưng Hai Bà Trưng vẫn tự tại, ung dung, bình thản. Hai Bà trang nghiêm yêu cầu quân ta hãy giương cao cờ nghĩa Lĩnh Nam, gióng thật lớn trống đồng rồi tiến thẳng thuyền vào quân Hán. Trong hư ảo tiếng sấm sét kinh thiên động địa, Hai Bà Trưng đã thanh thản về trời. Hùng tráng quá! Bi thương quá!

Vậy là hơn bảy trăm trang của bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương đã hết. Ta bước ra và lại trở về gần hai ngàn năm sau ngày hùng tráng bi thương ấy. Bây giờ, với tư cách là người đọc ta hãy nói một chút gì đó về bộ sách.

Nha tho Nguyen Ma Loi va nha van Phung Van Khai - Đôi nét về bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai - Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Ma LôiNhà thơ Nguyễn Ma Lôi (bìa traí ) và nhà văn Phùng Văn Khai.

Tiểu thuyết Trưng Nữ Vương của nhà văn Phùng Văn Khai được viết theo lối chương hồi, một lối viết cổ xuất phát từ Trung Hoa. Điển hình cho loại tiểu thuyết này có lẽ là bộ Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Có thể nói, lối viết chương hồi rất hợp với tiểu thuyết lịch sử. Đầu một hồi, bao giờ cũng có hai câu biền ngẫu tóm tắt và nhấn mạnh nội dung của hồi đó. Vì viết về thời đã xa, cách viết này sẽ dễ bao quát, kết nối hơn với toàn bộ nội dung cuốn sách. Với hơn bảy trăm trang sách khổ lớn, một khối lượng sự kiện đồ sộ, một số lượng nhân vật đồ sộ, không gian trải rộng từ nam đến bắc… đã được tác giả thể hiện bài bản, lớp lang, chặt chẽ, hợp lý. Với tôi, dù là tiểu thuyết hiện đại, tiểu thuyết lịch sử hay gì gì đó, khi người đọc tiếp xúc với trang sách phải cảm nhận được, phải có xúc cảm gì đó khác thường. Nếu khi đọc mà cảm thấy mình như đang lơ lửng bay giữa những con chữ và có những cảm xúc lạ lẫm, thì về mặt văn chương, tiểu thuyết đó đã thành công.

Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai đã có được điều đó. Nhiều lần tôi thấy rất vui, rất hào sảng, cười ha hả, hồi hộp toát mồ hôi khi đọc những trang sách viết về cảnh quân ta thắng trận, quân ta mở hội hoặc những cuộc đi săn cọp, chọi trâu. Cũng có lần, tự nhiên tôi rơi nước mắt khi trận đánh diễn ra, quân ta thì thành mất, nhà cửa tan hoang, thuyền chìm quân chết không còn một bóng người. Đọc xong tiểu thuyết, ta có cảm giác lâng lâng xót xa tiếc nuối, nhưng vẫn có cái gì đó hãnh diện, tự hào. Qua Trưng Nữ Vương, ta càng củng cố thêm điều đúc kết: Việc chống ngoại xâm của dân tộc ta đã có truyền thống từ rất lâu đời.

Phùng Văn Khai là nhà văn theo tôi được biết có bút lực thật phi thường, ít người bì kịp. Tốc độ viết nhanh nhưng không hề ẩu đoảng, dễ dãi, tùy tiện. Một lần nữa, xin chúc mừng anh! Mong anh hãy luôn trau dồi, giữ phong độ và phát huy những gì có thế mạnh. Với Trưng Nữ Vương, tôi cũng chỉ có vài lời mạo muội vậy. Rất mong nhà văn Phùng Văn Khai tiếp tục cho ra thêm nhiều hơn nữa những tiểu thuyết lịch sử để tôi lại được thưởng thức, lại được bay bổng, lại được chìm đắm trong trang sách của anh. Bộ sách Trưng Nữ Vương của anh, chúng ta rất nên tìm đọc.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây