Dự báo thiên tài về B-52 ném bom Hà Nội

Cách đây tròn nửa thế kỷ, việc Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc ‘đụng đầu’ trực diện với ‘siêu pháo đài bay’ B-52 của đế quốc Mỹ đã làm thế giới kinh ngạc.

Hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách đã được viết để lý giải câu hỏi: Vì sao một đất nước với tiềm lực kinh tế và quân sự kém xa Mỹ lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B-52 – niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ và biểu trưng cho sức mạnh răn đe của Mỹ? Kỳ tích chưa từng có ấy được tạo thành bởi nhiều nguyên nhân, nhưng dự báo sớm và tuyệt đối chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đế quốc Mỹ sẽ dùng B-52 tấn công Hà Nội và sẽ thua trên bầu trời Hà Nội đã giúp quân và dân Việt Nam có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để lập nên chiến công huyền thoại ở thế kỷ 20.

Sau Hiệp định Geneva, khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đã bị tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ chà đạp. Với tinh thần “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là “kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến. Trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ, Người đã thể hiện năng lực của một chính trị gia kiệt xuất và nhà cầm quân thực sự “biết địch, biết ta”. Người hiểu rằng, một trong những yếu tố làm nên vị thế “siêu cường” của Mỹ chính là vũ khí tối tân. Cùng với tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B-52 chính là “át chủ bài” của Quân đội Mỹ. Đây là loại máy bay được hãng Boeing sản xuất từ năm 1952 và đã qua nhiều lần cải tiến để có những tính năng vô cùng lợi hại. Mỹ tuyên bố, B-52 là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Với dự cảm thiên tài, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này” (“Nguồn sức mạnh”, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1992). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến máy bay B-52 và chỉ thị phải chuẩn bị tiêu diệt nó từ khi đế quốc Mỹ chưa sử dụng B-52 ở Việt Nam.

Về phía Mỹ, buộc phải thi hành “chiến tranh cục bộ” ở Việt Nam mà chiến sự vẫn không khả quan, với mong muốn thay đổi tình thế và tạo sự răn đe, ngày 18-6-1965, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B-52 ném bom căn cứ Long Nguyên của ta ở Bến Cát (Bình Dương). Trước hành động phiêu lưu quân sự mới của Mỹ, ngay lập tức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, ngày 12-4-1966, B-52 của Mỹ đã ném bom khu vực Quảng Bình và sau đó đánh rộng ra Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trước hành động Mỹ dùng B-52 đánh ra miền Bắc, Người đã chỉ thị lực lượng Phòng không-Không quân phải tìm ra cách đánh B-52. Với quan điểm “muốn bắt cọp thì phải vào tận hang cọp”, Người ủng hộ phương án đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52. Trải qua muôn vàn gian khó và hy sinh, ngày 17-9-1967, hai máy bay B-52 đã bị Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 bắn hạ trên bầu trời Vĩnh Linh. Thực tế đã chứng minh: Lời khẳng định “bê” gì ta cũng đánh và đánh là sẽ thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác.

Hiểu rõ quy luật chiến tranh và sự hiếu chiến của kẻ thù, đầu năm 1968, khi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đưa ra dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Lời dự báo ngắn gọn ấy chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.

Du bao thien tai ve B 52 nem bom Ha Noi min - Dự báo thiên tài về B-52 ném bom Hà NộiChủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 24-3-1966. Ảnh tư liệu 

Thứ nhất, dự báo thể hiện sự thấu hiểu âm mưu, bản chất ngoan cố, hiếu chiến và lật lọng của đế quốc Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấu rõ bản tính hiếu chiến, ngoan cố của kẻ thù đế quốc. Do đã tốn nhiều tiền của, binh lực, đã sử dụng nhiều chiến lược chiến tranh mà vẫn không thắng nổi dân tộc nhỏ bé thì đế quốc Mỹ rất cay cú. Vì thế, chúng sẽ tiếp tục “leo thang” chiến tranh, sẵn sàng gây tội ác khủng khiếp nhất, sử dụng các vũ khí tối tân nhất như B-52 để “đè bẹp” ý chí chiến đấu của ta.  

Người còn biết rõ, với kẻ đi xâm lược thì sự phi nghĩa, bất chính luôn song hành với sự lật lọng. Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Johnson tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị đàm phán với Chính phủ ta. Ngay khi đó, trong thư gửi Bộ Chính trị, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Cần nghiên cứu thật kỹ. Trong tuyên bố đó có những điểm mập mờ, xảo quyệt… Trong nội bộ cán bộ, bộ đội và nhân dân, cần củng cố tư tưởng quyết chiến quyết thắng và chớ mất cảnh giác. Tuyệt đối chớ chủ quan vì địch có thể bất thình lình đánh lại” (“Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 15). Sự thật diễn ra đúng như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn thấu ý đồ của kẻ thù, rằng Mỹ đang muốn thoát ra khỏi chiến tranh Việt Nam nhưng lại muốn thoát ra trong danh dự. Vì thế, đàm phán là tiến trình tất yếu. Hội đàm Paris (bắt đầu từ ngày 13-5-1968) đã mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”. Theo nguyên tắc, người ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán cái mà người ta giành được trên chiến trường. Để ép Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký hiệp định với những điều khoản có lợi cho Mỹ thì rất có thể máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 sẽ được Mỹ sử dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn am tường cách thức kết thúc chiến tranh của Mỹ. Trong các cuộc chiến tranh mà Mỹ từng tham chiến, trước khi kết thúc, Mỹ đều dùng vũ khí tối tân, kể cả vũ khí hạt nhân để hủy diệt các thành phố lớn, thủ đô của đối phương nhằm phô diễn sức mạnh và tạo lợi thế khi đàm phán. Vì thế, các TP Dresden của Đức, Hirosima và Nagasaki của Nhật, Bình Nhưỡng của Triều Tiên… đều đã trở thành những đống tro tàn bởi các cuộc không kích hủy diệt của Mỹ. Kịch bản ấy đối với Hà Nội cũng không loại trừ.

Thấu hiểu kẻ thù đến “chân tơ kẽ tóc”, lời dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một loạt vấn đề: Vào giai đoạn cuối chiến tranh, để cứu vãn tình thế, Mỹ sẽ sử dụng “át chủ bài” B-52; khu vực bị đánh phá trọng yếu sẽ là Hà Nội.

Thứ hai, dự báo thể hiện niềm tin mãnh liệt của Hồ Chí Minh vào con người Việt Nam và thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ý chí, quyết tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thấy rõ ở nhân dân Việt Nam khả năng chịu đựng gian khổ. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa ta và địch. Để giành thắng lợi trong chiến tranh tự vệ, bên cạnh việc “dám đánh” thì ta còn phải “biết đánh” và “biết thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin tưởng vào trí tuệ của con người Việt Nam trong cuộc đối đầu với B-52, cho dù nó chưa từng bị bắn hạ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cho dù vũ khí ta có trong tay lúc đó mới chỉ dừng ở mức tương đối hiện đại: Đó là máy bay MiG-21, tên lửa SAM-2, pháo phòng không cỡ nòng 100mm, radar P35. Người tin rằng, con người Việt Nam không chỉ có ý chí mà còn có cả tài trí để khống chế, hóa giải vũ khí tối tân của kẻ thù.

Trong cuộc đối đầu với B-52 sau này, tất cả các lực lượng chiến đấu của ta đều phát huy cao độ năng lực sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhiễu điện tử là niềm kiêu hãnh của nền công nghiệp vũ khí Hoa Kỳ, B-52 được mệnh danh là “máy bay tàng hình” nhưng từ thực tế chiến đấu, trong trận chiến 12 ngày đêm, radar của ta đã xuất sắc trong việc “vạch nhiễu, tìm thù” để báo động chiến đấu và dẫn đường cho tên lửa. Bộ đội Tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng của binh khí kỹ thuật, biết cách tránh tên lửa tự dẫn Shrike của máy bay địch để bảo vệ trận địa và ngày càng nâng cao hiệu suất chiến đấu… Tài trí của con người Việt Nam không dừng lại ở kỹ thuật sử dụng điêu luyện vũ khí mà đã phát triển thành nghệ thuật phối hợp giữa các lực lượng chiến đấu một cách nhịp nhàng, ăn ý. Kết quả là, bầu trời miền Bắc Việt Nam đã có “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài, khiến cho đối phương bay ở độ cao nào cũng có thể bị tấn công.

Thứ ba, dự báo thể hiện khả năng phân tích tương quan lực lượng của một chiến lược gia kiệt xuất.

Trong cuộc đối đầu với siêu cường, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở chỗ Người đã nhìn tương quan lực lượng trong hình thái toàn diện và sự chuyển hóa của nhiều nhân tố; tuyệt đối không run sợ trước vũ khí uy lực của kẻ thù.  

Trước đế quốc Mỹ với sức mạnh vật chất vượt trội, Người đã nhìn ra những “tử huyệt” của chúng: Đó là tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh, là tham vọng toàn cầu nên bị phân chia lực lượng, là sự “bài bản” đến mức “cứng nhắc” trong tác chiến. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh điểm yếu của đối phương từ góc độ tinh thần, rằng do không có động lực chân chính, trong tay họ, “đại bác chỉ là một cục sắt”. Thêm nữa, sự ngạo mạn về sức mạnh vật chất, không đánh giá hết sức mạnh tinh thần, không hiểu văn hóa Việt Nam cũng làm cho Mỹ phải hứng chịu thất bại. Sự chủ quan, coi thường khả năng chiến đấu của lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã khiến Mỹ phải trả giá đắt.

Về phía quân và dân Việt Nam thì đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng” (“Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 15).

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra phương hướng hành động để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với tâm thế chủ động, sẵn sàng.

Việc Mỹ dùng máy bay B-52 tấn công Hà Nội vào tháng 12-1972 có quan hệ chặt chẽ với tiến trình Hội nghị Paris. Sau hơn 4 năm đàm phán, đến ngày 17-10-1972, văn bản hiệp định đã cơ bản được hoàn tất trên tinh thần Mỹ phải rút quân và nội bộ miền Nam để nhân dân miền Nam tự quyết định. Tuy nhiên, sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 7-11-1972, Tổng thống Nixon đã lật lọng. Hội nghị Paris rơi vào bế tắc và phải dừng lại. Để ép ta ký một hiệp định có lợi cho Mỹ, Nixon quyết định tiến hành Chiến dịch Linebacker II.

Do đã lường trước nên sự lật lọng và điên cuồng của Mỹ không làm ta bị động, bất ngờ, nao núng. Cách đánh B-52 đã được viết thành sách và được phổ biến đến từng trận địa. Và rồi, thất bại nhục nhã trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972 buộc Mỹ phải “xuống thang”, tuyên bố ngừng ném bom và đề nghị nối lại Hội nghị Paris.

Việc nhìn lại Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 50 năm về trước không phải để khơi lại lòng hận thù dân tộc mà là để thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, tri ân những con người quả cảm đã làm nên chiến công kỳ vĩ và nhận thức rõ vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc. Thắng lợi của “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng như tất cả thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, không bao giờ là sự ngẫu nhiên; tất cả đều in rõ dấu ấn của lãnh tụ Hồ Chí Minh-một tài năng đa diện, trong đó có tài năng “tiên tri, tiên giác”.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây