Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người có tầm nhìn vĩ đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người có tầm nhìn vĩ đại
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cách đây 35 năm, UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là ‘Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất’ của thế giới.

Từ đó đến nay, thế giới càng hiểu rõ hơn về Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh và tầm vóc vĩ đại của Người đối với nhân loại. Tầm ảnh hưởng của Người đã vượt qua đất nước Việt Nam, trở thành Danh nhân văn hóa của thế giới và 35 năm qua, các nhà khoa học đều chung nhận định như vậy.

Nhân dịp này, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trả lời về sự lan tỏa nghị quyết và tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.

Phóng viên (PV):Nghị quyết 24C/18.6.5 có giá trị lớn lao, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, đây là Nghị quyết về danh nhân văn hóa của UNESCO mang một nội dung kép cả văn hóa và chính trịông đánh giá thế nào về tầm ảnh hưởng của nghị quyết đối với nhân dân Việt Nam và thế giới?

TS Chu Đức Tính: Năm nay kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như vậy có thể khẳng định rằng, đánh giá của UNESCO là hoàn toàn chính xác. Tầm vóc và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng lớn lao, khát vọng của Người không chỉ là của dân tộc Việt Nam mà là khát vọng của nhân dân toàn thế giới, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân được hạnh phúc thì càng thấy khát vọng đó vô cùng lớn lao và trở thành một khát vọng của nhân loại.

Qua đó để thấy được một điều mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi và tư tưởng của Người luôn đi trước thời đại. Về sau này thì càng thấy được tầm nhìn của Người về sự phát triển bền vững, ổn định của thế giới trở nên cần thiết và thế giới đánh giá Hồ Chí Minh có tầm nhìn vĩ đại.

PV: Theo ông, việc ghi nhận của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện niềm tự hào ra sao đối với người dân Việt Nam?

TS Chu Đức Tính: Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa nghị quyết đến nhiều nước trên thế giới. Sau 35 năm thì thấy rằng, nghị quyết đó được thế giới đón nhận nhiệt tình. Qua đó, mỗi người Việt Nam có quyền tự hào về sự tôn vinh đó và đều cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tấm gương của Người để mỗi công dân Việt Nam đều phải góp phần lan tỏa tư tưởng nhân văn, khát vọng vì hòa bình, độc lập, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn thế giới.

Chu tich Ho Chi Minh voi dai bieu Lien Xo va quoc te tham du Dai hoi lan thu 22 Dang Cong san Lien Xo dien ra tai Moskva thang 10 1961. - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người có tầm nhìn vĩ đạiChủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, diễn ra tại Moskva, tháng 10-1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN

PV: Theo ông, học Bác và làm theo Bác phải bắt đầu từ đâu?

TS Chu Đức Tính: Tôi cho rằng, học Bác phải trên mỗi cương vị của từng cá nhân, mỗi tập thể, đơn vị công tác phải áp dụng việc học tập Người trong cuộc sống. Học Bác không những ở tư tưởng lớn lao là giải phóng dân tộc mà còn là đạo đức, phong cách của Người. Mỗi công dân Việt Nam đều phải học Bác để chúng ta sống tốt hơn và làm việc có hiệu quả hơn. Niềm tự hào đó phải được biến thành hành động cụ thể, tức là mỗi người cần phải có nhiều việc làm tốt, sống vì cộng đồng… đó chính là điều cần phải học tập Bác Hồ.

PV: Xin ông cho biết hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh lan tỏa ở nước ngoài ra sao?

TS Chu Đức Tính: Tôi đã được đi đến một số nơi trên thế giới mà Bác Hồ từng đến hoặc chưa đến thì thấy rằng, nhiều quốc gia đã dựng tượng; tôn vinh Người bằng cách đặt tên các đường phố, quảng trường…

Tất cả những nơi Bác từng đặt chân đến, mọi người đều bày tỏ sự tôn vinh, kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù Bác không mang quốc tịch nước họ nhưng khi chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt tên đường phố, họ đều cảm thấy vinh dự, tự hào bởi những nơi này, người dân biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ghé qua hoặc chưa từng đến nhưng khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại diện cho họ.

Rất nhiều nước như ở châu Mỹ Latin, người dân từng nói rằng, nếu họ không học tập con đường của Bác thì không có cuộc sống như ngày hôm nay, đó là tư tưởng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ở châu Á, châu Phi và nhiều nước khác, người dân đã bày tỏ tình cảm với Bác Hồ và học theo tư tưởng của Người.

PV: Theo ông, làm thế nào để lan tỏa nhiều hơn nữa tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ sau này?

TS Chu Đức Tính: Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì không chỉ ngành ngoại giao mà cả ngành văn hóa, giáo dục… mỗi người đều phải có trách nhiệm tôn vinh Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện để thông qua đó, người dân toàn thế giới hiểu hơn về Việt Nam và góp phần quảng bá Việt Nam ra toàn thế giới, thông qua việc quảng bá, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Theo ông, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lan tỏa sâu trong quân đội ra sao?

TS Chu Đức Tính: Có lẽ không có lực lượng vũ trang nào trên thế giới như Quân đội nhân dân Việt Nam mà người dân lại tự hào gọi bằng một từ rất bình dị, gần gũi, trìu mến, xuất phát từ tấm lòng, đó là Bộ đội Cụ Hồ.

Bộ đội Cụ Hồ tức là một đội quân hùng mạnh, chiến đấu vì nhân dân, bảo vệ nhân dân và luôn vì cuộc sống của nhân dân, được dân yêu, dân quý và dân tin. Điều này có thể thấy rằng, người dân yêu Bác Hồ bao nhiêu thì dành tình cảm cho quân đội bấy nhiêu!

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây