Duyên nợ giữa thơ và tùy bút – Tác giả: Anh Ngọc

Trong cuộc đời sáng tác văn học của mình, cho đến nay tôi đã cho in hai tập tùy bút là “Nhớ thế kỷ hai mươi” và “Trò chuyện với mưa xuân”, ngoài ra còn nhiều bài tùy bút in rải rác trên các báo chí. Điều đó chứng tỏ bên cạnh thể loại thơ, bản thân tôi đã chú ý và có hứng thú với thể loại văn học này từ khá lâu.

Nói như E. Eptusencô, “cảm xúc là con ngựa không cương, đến và đi đều bất chợt”. Thơ không phải là thứ bất cứ lúc nào cũng làm được. Và những lúc bất lực với thơ, tôi đã tìm thấy một lối đi rất gần gũi mà vẫn thỏa mãn hồn thơ của mình. Ấy là lúc sau một hồi bất lực trước trang giấy, thế rồi, kiên trì một chút, nhẫn nại một chút, đột nhiên, chỉ một ý tưởng lóe lên, thậm chí đôi khi chỉ là một chi tiết thực trong đời sống, một câu nói, một hình ảnh, thậm chí một âm thanh chẳng hạn, một âm thanh mà lâu nay mình vẫn lẩm nhẩm như ma làm ở trong miệng hay trong đầu bỗng nhiên vang lên bên tai, “vết lăn, vết lăn trầm…”, hay “bây giờ tháng mấy rồi hỡi em…”, thì ôi thôi, tạ ơn các ông anh nhạc sĩ – đây rồi! Ơrêca!… cái ý tưởng hay cảm xúc nhỏ xíu ban đầu ấy giống như que diêm châm vào đầu ngòi pháo hay cái đầu tàu vừa được nối vào cả đoàn tàu, cuộc lên đường của nhà văn đã bắt đầu và giờ thì không thể cưỡng nổi rằng quả pháo nhất định sẽ nổ vang trời và đoàn tàu nhất định sẽ lao về ga cuối cùng.

Hoang Phu Ngoc Tuong va Nguyen Tuan min - Duyên nợ giữa thơ và tùy bút - Tác giả: Anh NgọcHoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Tuân là hai nhà văn bậc thầy về tùy bút.

Tôi đã diễn đạt cái tâm thế và tình thế khi bắt đầu viết một bài tùy bút. Với thơ, sự thể cũng không khác thế là bao. Nó chỉ khác khi tôi thực sự bắt tay vào công việc. Với tất cả những chất liệu ý tưởng và cảm xúc ấy, nếu tôi riết róng đến cùng, xiết chặt đến tối đa, chắt lọc đến tàn nhẫn… rất có thể tôi sẽ có một bài thơ. Một bài thơ có thể dài đến dăm bảy khổ, hoặc ngắn chỉ có bốn năm câu. Dăm bảy khổ hay bốn năm câu mà đòi ôm trùm được cả trời đất này như thế, thì than ôi, nhanh thì trời cho mấy phút cũng xong, mà không thì cả năm trời cũng chưa chắc đã ra một cái gì ưng ý.

Nhưng trời cho thì hiếm lắm, chỉ con người phải tự xoay xở là chính. Làm thơ đâu phải cứ buộc chân mình vào chân bàn là ra thơ. Ai đó đã nói rất chí lý: “Tôi không đủ thời gian để viết ngắn”. Trong khi đó thì hạn nộp bài đã đến, chuông điện thoại đang réo liên hồi…, hoặc nếu chẳng ai bắt ép gì mình đi nữa, thì cũng chỉ là tự mình đã mệt mỏi quá rồi, đã bất lực bởi sự nổi loạn của đám chất liệu ý tưởng và cảm xúc trước trăm thứ xiềng xích nhiêu khê đến vô lối của nghề thơ, đó là lúc một bài tùy bút với tất cả sự tùy hứng, tùy nghi, đôi lúc đến tùy… tiện sẽ là cách chọn lựa tối ưu cho một kẻ vốn theo chủ nghĩa đầu hàng và vô địch về lười biếng là tôi đây.

Hầu hết các bài tùy bút đã đến với tôi theo con đường ấy, cũng với một cung cách như thế. Nó không phải là văn xuôi cho ra hồn đã đành, nhưng cũng không phải là thơ đúng nghĩa, vì làm gì có thứ thơ tràng giang đại hải, cấu trúc lỏng lẻo, nhạc điệu lê thê, ý tứ tùy tiện, đang đi dọc thì lại rẽ ngang, rẽ ngang rồi lại rẽ ngang tiếp nữa, lang thang đến nỗi có khi quên mất cả lối về. Lạc đề như bỡn. Mất phương hướng là dĩ nhiên.

Thực sự, đã hơn một lần tôi mở đầu bài viết với những dự định lớp lang ra phết, những gạch đầu dòng nghiêm ngắn trên trang đề cương đều tăm tắp. Mở đầu, thân bài, kết luận…, đoạn 1 dẫn đến đoạn 2, đoạn 3 bắt sang đoạn 4, ý tứ phải thâm trầm, thông điệp phải sâu lắng, cấu trúc toàn bài phải cân đối, giải quyết khâu tư tưởng phải vững vàng, bút pháp phải chắc tay, nói ở đây phải chết cây trên rừng, văn chương phải đạt đến cái đạo “gạo xay ra cối”… chứ không phải chuyện đùa. Nghe thì có vẻ là môn đệ của chủ nghĩa hậu hiện đại, lăm le áp dụng thi pháp “giễu nhại” gì gì đây…

Đùa một chút cho vui. Bạn đọc thấy ngay là với cách nghĩ, cách cảm à uôm như thế, tôi bén duyên với tùy bút là vừa đôi phải lứa. Cũng lại nữa, dẫu bạn chưa một lần ngó ngàng gì đến tùy bút của tôi, nhưng cầu trời có lúc bạn sẽ để mắt tới nó một tý, thì tôi cam đoan bạn sẽ thấy nó đúng như gương mặt, tính cách của người đã sinh ra nó. Ấy là một gương mặt như loài động vật lưỡng tiêm, gọi hẳn là loài gì cũng rất khó, sang thì gọi là nữ thần nửa người nửa cá, không sang lắm thì đích thị là nòng nọc đứt đuôi sắp nhảy lên bờ. Bạn đừng tìm ở đó sự vững vàng, sự tề chỉnh hay sự nghiêm trang nhé, những thứ ấy không có trong đó đâu. Cố lắm chắc bạn cũng chỉ có thể bắt gặp một ít buồn vui, một ít yêu ghét và thêm một ít mộng mị mà thôi.

Thế giới tùy bút của tôi chỉ có thế.

Không bị ràng buộc như thơ, người viết tùy bút như kẻ độc chiếm micrô, một mình một diễn đàn, tự cho mình cái quyền tự tung tự tác, thôi thìchỉ sợ cái tay mình viết, cái miệng mình nói không theo kịp cái đầu, và điều đó thì thường xuyên xảy ra. Đôi lúc càng viết càng kinh ngạc: Tại sao với một chất liệu tầm thường như thế, tưởng như thiên hạ đã khai thác đến mòn xơ ra cả rồi, mà khi ta thực lòng đến với nó, nó vẫn bày ra trước mắt ta biết bao nhiêu kho tàng quý báu và bí mật đến lóa mắt.

Thế mới biết, ngày thường ta đã sống với cuộc đời này lười biếng và hờ hững biết bao nhiêu. Tôi đã nhận ra điều ấy khi những buổi chiều mùa đông lạnh lẽo và xám xịt của Hà Nội, lang thang trên những con phố không tên như đã bị thời gian bỏ quên đâu từ những thuở nảo thuở nào, hay ngồi lê la bên quán cóc để trò chuyện với những ông hay bà bán nước không quen biết, mỗi ngày là một gương mặt không bao giờ lặp lại…

Nếu như bạn đọc có kỹ tính phát hiện ra trong cuốn sách của tôi có không ít chi tiết loại này bị lặp đi lặp lại thì xin hãy bỏ qúa cho tôi, chúng huyễn diệu và hút hồn tôi đến nỗi tôi bất chấp cả cái lỗi tối thiểu này của nghề văn, cứ để mặc cho chúng ùa vào trang giấy. Không chỉ ùa vào trong tùy bút, cuộc sống dưới dạng nhạt nhòa như bản chất muôn thuở của nó cuối cùng đã một lần đi vào trong thơ tôi, một bài thơ nhỏ xíu có tên là “Buổi chiều nhân thế”, mà nếu nói không ngoa thì đó chính là hồn vía của hầu hết những bài tùy bút lang thang của tôi chung đúc lại mà thành. Không thể đem tùy bút ra để làm dẫn chứng cho một bài viết nhỏ về tùy bút, thì mượn chính thơ để làm việc này vậy:

BUỔI CHIỀU NHÂN THẾ

Ta thích mình vì mình nói ít
Mình thích ta vì ta nói nhiều
Một người nói nhiều, người nói ít
Ngồi lại bên nhau thành buổi chiều

Buổi chiều có hàng cây cơm nguội
Không biết đông về lá cứ xanh
Có con sông chảy như mơ ngủ
Mơ ngủ như ta ngồi với mình

Buổi chiều nhân thế mây đi vắng
Có người vừa nhẩm mấy câu kinh
Mình ơi mình nói gì đi chứ
Sao để riêng ta chuyện một mình.

A.N

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây