Gần 200 nhà khoa học thảo luận về ‘Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người’

Gần 200 nhà khoa học thảo luận về 'Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người'
"Mỗi nhà khoa học, thông qua cơ quan của mình, đặc biệt là khi nhận được hỗ trợ ngân sách công, ngay cả khi nghiên cứu của họ xuất phát từ trí tò mò và lòng ham học hỏi, cần xem xét mức độ tác động của hoạt động, kết quả nghiên cứu mà họ thực hiện/thu được đến thế giới, cũng như khả năng đóng góp vào một thế giới tốt đẹp hơn, tức là để cải thiện phúc lợi xã hội nói chung, đảm bảo công bằng toàn cầu và xây dựng một hành tinh khỏe mạnh, sống động. Tuy nhiên, các nhà khoa học phải nhận được ngân sách hỗ trợ cần thiết và quyền tự do thực hiện nghiên cứu của mình, đồng thời, cần được lắng nghe trong tất cả quá trình ra quyết định và truyền cảm hứng cho những người ra quyết định cũng như xã hội nói chung" - GS. Michel Spiro, Chủ tịch Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì sự phát triển bền vững (IYBSSD) 2022, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ICISE

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người“ diễn ra tại TP. Quy Nhơn, Bình Định từ ngày 13-16/9, với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đây là một trong bốn sự kiện trọng điểm trong khuôn khổ Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD) 2022, công bố bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN) vào tháng 12/2021. 

Được trao danh hiệu “Sự kiện khởi đầu tại Châu Á” cho chuỗi hoạt động của Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD) 2022, hội thảo “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người“ tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) có mục đích thúc đẩy thảo luận giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức quốc tế về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người. 

Đây cũng là sự tiếp nối các cuộc thảo luận đã bắt đầu từ hai hội thảo quốc tế vào năm 2016 là “Khoa học cơ bản và Xã hội”, và năm 2018 là “Khoa học để phát triển”. 

Ban Tổ chức kì vọng Hội thảo lần này sẽ đi xa hơn với các thảo luận về vai trò của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó yếu tố đạo đức và phát triển con người sẽ được nhấn mạnh. 

Tại hội thảo có 7 bàn tròn giới thiệu vai trò của Khoa học Đạo đức trong các chủ đề như: sức khỏe và thao tác gen, môi trường và đa dạng sinh học, phát triển bền vững, giáo dục khoa học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hòa bình và giải trừ quân bị.

Đồng thời, bàn tròn đặc biệt bao gồm thảo luận giữa các nghị sĩ và những người tham gia hội nghị về cách thức các nghị viện có thể phát huy hiệu quả vai trò hoạch định chính sách của mình về việc sử dụng khoa học có đạo đức vì lợi ích xã hội và hòa bình, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng – khi các quyết định quan trọng phải được thực hiện nhanh chóng và thường xuyên trong những điều kiện khó khăn.

Bên cạnh đó là bàn tròn đặc biệt về mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách trong thời kỳ đại dịch. Bàn tròn này thảo luận chủ yếu về chất lượng và hiệu quả của các chính sách được các chính phủ áp dụng để bảo vệ người dân.

Một số nội dung chính được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN) xác định trong Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững 2022:

Khoa học cơ bản giúp xác định các cơ chế cho phép sử dụng kiến thức đúng đắn và thực hiện việc chuyển giao công nghệ. Các ngành khoa học cơ bản cũng cung cấp các công cụ thiết yếu để đảm bảo đối thoại đa văn hóa, ổn định chính trị và hòa bình, rất cần thiết cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) này. Chúng cung cấp các năng lực đào tạo và bí quyết cần thiết để áp dụng các đổi mới mà các quốc gia cần để chuyển từ các mục tiêu tổng quan sang các hành động hiệu quả. 

Mặt khác, mặc dù tính lợi ích của khoa học được công nhận rộng rãi trong xã hội nhưng dường như vai trò và tiếng nói của các nhà khoa học vẫn chưa được chú trọng đúng mức trong các cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng như trong việc xây dựng các chính sách có liên quan. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập các cầu nối giữa các chính khách, các nhà khoa học, các nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp độ. Trong tinh thần này, các diễn giả và tham luận viên được mời trong hội thảo sắp tới, sẽ gồm có các đại diện cấp cao của các cộng đồng thuộc các lĩnh vực khác nhau (khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự…). 

Tính đa dạng của thành viên tham dự sẽ là yếu tố tích cực góp phần hữu hiệu vào việc thảo luận và đề xuất các giải pháp sử dụng khoa học và công nghệ một cách đạo đức vì sự phát triển của con người và xã hội. Tiến độ phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay đem đến cho xã hội những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức và công bằng xã hội. Bởi vậy, việc tìm ra một sự cân bằng phù hợp giữa việc theo đuổi và áp dụng khoa học và công nghệ vì lợi ích xã hội và việc tôn trọng đạo đức ở một ranh giới quy định là điều cần thiết…

Ngân Anh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây