Giới thiệu khái quát tỉnh Bình Định

tỉnh Bình Định - Địa Lý Việt Nam - vansudia.net

Giới thiệu khái quát tỉnh Bình Định

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ tây sang đông. Phía tây của tỉnh là vùng núi rìa phía đông của dãy Trường Sơn Nam, kế tiếp là vùng trung du và tiếp theo là vùng ven biển.

A. Điều kiện tự nhiên
 1.1. Vị trí địa lý
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Bình Định được coi như cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 1 thành phố. Quy Nhơn là thành phố loại II, trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh.
 1.2. Đặc điểm địa hình
Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ tây sang đông. Phía tây của tỉnh là vùng núi rìa phía đông của dãy Trường Sơn Nam, kế tiếp là vùng trung du và tiếp theo là vùng ven biển. Các dạng địa hình phổ biến là các dãy núi cao, đồi thấp xen lẫn thung lũng hẹp độ cao trên dưới 100 mét, hướng vuông góc với dãy Trường Sơn, các đồng bằng lòng chảo, các đồng bằng duyên hải bị chia nhỏ do các nhánh núi đâm ra biển. Ngoài cùng là cồn vát ven biển có độ dốc không đối xứng giữa 2 hướng sườn đông và tây. Các dạng địa hình chủ yếu của tỉnh là:
Vùng núi: Nằm về phía tây bắc và phía tây của tỉnh. Đại bộ phận sườn dốc hơn 20°. Có diện tích khoảng 249.866 ha, phân bố ở các huyện An Lão (63.367 ha), Vĩnh Thạnh (78.249 ha), Vân Canh (75.932 ha), Tây Sơn và Hoài Ân (31.000 ha). Địa hình khu vực này phân cắt mạnh, sông suối có độ dốc lớn, là nơi phát nguồn của các sông trong tỉnh. Chiếm 70% diện tích toàn tỉnh thường có độ cao trung bình 500-1.000 m, trong đó có 11 đỉnh cao trên 1.000 m, đỉnh cao nhất là 1.202 m ở xã An Toàn (huyện An Lão). Còn lại có 13 đỉnh cao 700-1000m. Các dãy núi chạy theo hướng Bắc – Nam, có sườn dốc đứng. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này đã làm cho địa hình ven biển trở thành một hệ thống các dãy núi thấp xen lẫn với các cồn cát và đầm phá.
 Vùng đồi: tiếp giáp giữa miền núi phía tây và đồng bằng phía đông, có diện tích khoảng 159.276 ha (chiếm khoảng 10% diện tích), có độ cao dưới 100 m, độ dốc tương đối lớn từ 10° đến 15°. Phân bố ở các huyện Hoài Nhơn (15.089 ha), An Lão (5.058 ha) và Vân Canh (7.924 ha).
Vùng đồng bằng: Tỉnh Bình Định không có dạng đồng bằng châu thổ mà phần lớn là các đồng bằng nhỏ được tạo thành do các yếu tố địa hình và khí hậu, các đồng bằng này thường nằm trên lưu vực của các con sông hoặc ven biển và được ngăn cách với biển bởi các đầm phá, các đồi cát hay các dãy núi. Độ cao trung bình của dạng địa hình đồng bằng lòng chảo này khoảng 25-50 m và chiếm diện tích khoảng 1.000 km². Đồng bằng lớn nhất của tỉnh là đồng bằng thuộc hạ lưu sông Kôn, còn lại là các đồng bằng nhỏ thường phân bố dọc theo các nhánh sông hay dọc theo các chân núi và ven biển.
Vùng ven biển: Bao gồm các cồn cát, đụn cát tạo thành một dãy hẹp chạy dọc ven biển với chiều rộng trung bình khoảng 2 km, hình dạng và quy mô biến đổi theo thời gian. Trong tỉnh có các dãi cát lớn là: dãi cát từ Hà Ra đến Tân Phụng, dãi cát từ Tân Phụng đến vĩnh Lợi, dãi cát từ Đề Gi đến Tân Thắng, dãi cát từ Trung Lương đến Lý Hưng. Ven biển còn có nhiều đầm như đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Mỹ Khánh, đầm Thị Nại; các vịnh như vịnh Làng Mai, vịnh Quy Nhơn, vịnh Vũng Mới…; các cửa biển như Cửa Tam Quan, cửa An Dũ, cửa Hà Ra, cửa Đề Gi và cửa Quy Nhơn. Các cửa trên là cửa trao đổi nước giữa sông và biển. Hiện tại ngoại trừ cửa Quy Nhơn và cửa Tam Quan khá ổn định, còn các cửa An Dũ, Hà Ra, Đề Gi luôn có sự bồi lấp và biến động.
1.3 Hải đảo
Ven bờ biển tỉnh Bình Định gồm có 32 đảo lớn nhỏ được chia thành 10 cụm đảo hoặc đảo một mình.
Tại khu vực biển thuộc thành phố Quy Nhơn gồm cụm đảo Cù Lao Xanh là cụm đảo lớn gồm 3 đảo nhỏ; cụm Đảo Hòn Đất gồm các đảo nhỏ như Hòn Ngang, Hòn Đất, Hòn Rớ; cụm Đảo Hòn Khô còn gọi là cù lao Hòn Khô gồm 2 đảo nhỏ; cụm Đảo Nghiêm Kinh Chiểu gồm 10 đảo nhỏ (lớn nhất là Hòn Sẹo); cụm Đảo Hòn Cân gồm 5 đảo nhỏ; Đảo đơn Hòn Ông Cơ.
Tại khu vực biển thuộc huyện Phù Mỹ gồm cụm Đảo Hòn Trâu hay Hòn Trâu Nằm gồm 4 đảo nhỏ; Đảo Hòn Khô còn gọi là Hòn Rùa. Ven biển xã Mỹ Thọ có 3 đảo nhỏ gồm: Đảo Hòn Đụn còn gọi là Hòn Nước hay Đảo Đồn, Đảo Hòn Tranh còn gọi là Đảo Quy, Đảo Hòn Nhàn.
Trong các đảo nói trên thì chỉ đảo Cù Lao Xanh là có dân cư sinh sống, các đảo còn lại là những đảo nhỏ một số đảo còn không có thực vật sinh sống chỉ toàn đá và cát. Dọc bờ biển của tỉnh, ngoài các đèn hiệu hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng Quy Nhơn, thì Bình Định còn có 2 ngọn hải đăng: một ngọn được xây dựng trên mạng bắc của núi Gò Dưa thuộc thôn Tân Phụng xã Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ, ngọn này có tên gọi là Hải Đăng Vũng Mới hay Hải Đăng Hòn Nước; ngọn thứ hai được xây dựng trên đảo Cù Lao Xanh thuộc xã Nhơn Châu thành phố Quy Nhơn.
 1.3. Khí hậu
Bình Định thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình 270C. Lượng mưa trung bình hàng năm trong 5 năm gần đây là 2.185 mm. Mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 12) tập trung 70 – 80% lượng mưa cả năm. Mùa mưa trùng với mùa bão nên thường gây ra lũ lụt. Ngược lại, mùa nắng kéo dài nên gây hạn hán ở nhiều nơi. Độ ẩm trung bình là 80%.
 1.4. Tài nguyên đất
Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 6.050,6 km (niên giám thống kê 2014), có thể chia thành 11 nhóm đất với 30 loại đất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhóm đất phù sa có khoảng trên 70 nghìn ha, phân bố dọc theo lưu vực các sông. Đây là nhóm đất canh tác nông nghiệp tốt nhất, thích hợp với trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, chiếm tới 34% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là một tiềm năng lớn cần được đầu tư khai thác.
 1.5. Tài nguyên rừng
Bình Định hiện có khoảng 196.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 151.500 ha rừng tự nhiên và hơn 44.300 ha rừng trồng. Rừng hiện nay còn tập trung chủ yếu ở những vùng xa đường giao thông nên chỉ có ý nghĩa lớn về phòng hộ và bảo vệ môi trường. Xét theo mục đích kinh tế thì rừng sản xuất có 65,5 nghìn ha, rừng phòng hộ có gần 128 nghìn ha. Rừng Bình Định có hơn 40 loài cây có giá trị dược liệu, phân bố hầu khắp ở các huyện như: ngũ gia bì, sa nhân, thiên niên kiện, bách bộ, thổ phục linh, hoàng đằng, thiên môn, phong kỷ, kim ngân. Vùng trung du, ven biển có cây dừa, trám, đặc biệt cây mai gừng có giá trị dược liệu cao, nhưng chủ yếu phân bố ở vài vùng đất hẹp tại huyện Vĩnh Thạnh. Cây sa nhân cũng có giá trị xuất khẩu cao.
 1.6. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản ở Bình Định khá đa dạng, đáng chú ý nhất là đá granít có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc đỏ, đen, vàng… là vật liệu xây dựng cao cấp được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; sa khoáng titan tập trung ở mỏ Đề Gi (Phù Cát) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; cát trắng ở Hoài Nhơn, trữ lượng khoảng 90.000 m3. Nhiều nguồn nước khoáng được đánh giá có chất lượng cao đã và đang được đưa vào khai thác sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. Toàn tỉnh có 4 nguồn nước khoáng là Hội Vân, Chánh Thắng (Phù Cát), Bình Quang (Vĩnh Thạnh), Long Mỹ (Tuy Phước), riêng nguồn nước khoáng nóng Hội Vân đảm bảo các tiêu chuẩn chữa bệnh và có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Ngoài ra, còn có các khoáng sản khác như cao lanh, đất sét và đặc biệt là các quặng vàng ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.
 II. Kinh tế – Xã hội
 2.1 Dân số
Dân số tỉnh Bình Định (năm 2014) là 1.514,5 nghìn người; mật độ dân số 250 người/km2, được chia thành 09 huyện, 01 thị xã và Tp. Quy Nhơn. Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định, được công nhận (theo Quyết định số 159/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
 2.2 Tiềm năng kinh tế
Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế; nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Ngoài lợi thế này, Bình Định còn có nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và nguồn nhân lực khá dồi dào. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009), Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không và đường biển khá thuận lợi. Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định dài 118 km, Quốc lộ 1D đoạn qua Bình Định dài 20,7 km, Quốc lộ 19 qua Bình Định dài 69,5 km, với tổng chiều dài 208 km; lưu lượng xe trung bình ngày đêm khoảng 2.500-2.700 xe. Quốc lộ 19 nối liền cảng biển quốc tế Quy Nhơn với các tỉnh thuộc khu vực vùng Bắc Tây Nguyên qua các cửa khẩu quốc tế Đức Cơ, Bờ Y và vùng 3 biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia, là một trong những con đường có chất lượng tốt nhất trong hệ thống trục ngang ở miền Trung Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện liên kết Đông – Tây, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển với bên ngoài. Sân bay Phù Cát cách Tp. Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc, có đường băng rộng 45 mét dài 3.050 mét.
Bình Định có cảng biển quốc tế Quy Nhơn và cảng nội địa Thị Nại, trong đó cảng biển quốc tế Quy Nhơn có khả năng đón tàu tải trọng từ 2-3 vạn tấn, cách Phao số 0 khoảng 6 hải lý, cách hải phận quốc tế 150 hải lý. Hiện cảng có 6 bến với 840m cầu cảng, khoảng 17.680m2 kho, 12.000m3 bồn và trên 200.000m2 bãi. Lượng hàng qua cảng năm 2005 đạt 2,5 triệu TTQ. Dự báo lượng hàng qua cảng có thể đạt từ 4-5 triệu tấn vào năm 2010.
 2.3 Tiềm năng kinh tế biển:
Bình Định là tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển; với chiều dài bờ biển 134km; vùng lãnh hải 2.500km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000km2; có các cảng cá Nhơn Châu, Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi và khu trú đậu tàu thuyền Tam Quan. Trong các cảng cá nêu trên có cảng cá Nhơn Châu là tốt nhất, có nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ đại dương, cá nục, cá trích, cá cơm, cá chuồn, tôm mực cùng các đặc sản quý hiếm (yến sào, cua huỳnh đế, hải sâm…), tổng số tàu, thuyền là gần 8.000 chiếc trong đó có hơn 2.500 chiếc đánh bắt xa bờ. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm khoảng 25.000-33.000 tấn (chưa kể sản lượng khai thác xa bờ). Dự báo đến giai đoạn 2011-2020 khai thác ổn định ở mức 100.000 tấn/năm.
Tổng diện tích mặt nước khoảng 10.920ha (không kể 67.000ha mặt biển). Trong đó, đầm Thị Nại 5.060ha, đầm Đề Gi 1.600ha, vùng cửa sông Tam Quan 300ha và một số ao hồ nước ngọt… là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện đã có 2.648ha mặt nước nuôi tôm. Theo quy hoạch của ngành thủy sản, đến năm 2005 ổn định diện tích nuôi tôm, cua vào khoảng 5.000ha; sản lượng tôm nuôi thu hoạch khoảng 5.000-6000 tấn/năm; kết hợp với sản lượng hải sản đánh bắt, đây sẽ là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
 2.4 Tiềm năng du lịch
Bình Định có nhiều vùng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hài hoà, hấp dẫn như bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Đảo Yến, Quy Hoà, Bãi Dài, Vĩnh Hội, Tân Thanh,..là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú để phát triển du lịch.Bình Định có một quần thể di tích với những tên gọi đã trở nên quen thuộc như tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh Ít, Bình Tiên, Tháp Đôi,.
Về vị trí địa lý, có thể hình dung Bình Định như một tâm điểm nối với các vùng du lịch của cả miền như Nha Trang, Plâyku, Hội An, Đà Nẵng, Huế,..đồng thời cũng là điểm nút giao thông nối với quốc lộ 19 – ngã ba Đông Dương , đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển du lịch biển gắn với du lịch núi và cao nguyên, phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Bình Định được xác định là có một vị trí quan trọng của vùng du lịch Nam Trung Bộ, là một mắt xích quan trọng hệ thống các tuyến điểm du lịch quốc gia.
 2.5 Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Để phát triển mạnh dịch vụ, tỉnh chủ trương đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát huy lợi thế cảng biển và vị trí thành phố Quy Nhơn nằm trên hành lang Đông Tây dọc theo quốc lộ 19 nối với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, xây dựng Quy Nhơn thành một trung tâm thương mại của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tăng quy mô, nâng cao dịch vụ và hiệu quả xuất khẩu.
Khai thác lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hoá và lịch sử, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh của địa phương. Nâng cấp và phát huy tác dụng các điểm du lịch Ghềnh Ráng, Quy Hoà, bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô, các di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm,..từng bước kêu gọi đầu tư một số khu du lịch mới, trước hết là khu du lịch từ bán đảo Phương Mai đến Núi Bà (Phù Cát), khu du lịch hồ Phú Hoà, tuyến du lịch dọc đường Quy Nhơn – sông Cầu và một số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, kinh tế biển là một trong những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hệ sinh thái biển Bình Định thích hợp cho nhiều loại hải sản giá trị cao được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Cùng với việc triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, tỉnh có chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn và trang bị đồng bộ phương tiện hàng hải, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
 B. Các thành phố, thị xã, huyện miền núi và hải đảo tỉnh Bình Định
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Bình Định có 5 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: thành phố Quy Nhơn, huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và An Lão.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây