Gạo Việt vượt qua ‘cái bóng’ Thái Lan

Thay vì nhìn gạo Thái để định giá xuất khẩu, thường thấp hơn 10 – 50 USD/tấn, gạo Việt giờ đây tự mình quyết định giá bán và đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường của gạo Thái.

Gao Viet vuot qua cai bong Thai Lan min - Gạo Việt vượt qua 'cái bóng' Thái LanCông nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang vận chuyển gạo sang tàu đi xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày càng có nhiều giống gạo chất lượng cao đưa vào sản xuất, giá thành cạnh tranh và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp đang ngày càng đưa nhiều hơn gạo Việt vào các thị trường cao cấp.

Gạo Việt thay dần gạo Thái

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong tháng 10 giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425 – 430 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Với mức giá này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ 48 – 51 USD/tấn và Thái Lan 18 – 27 USD/tấn. Xuất khẩu gạo nhờ đó đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 3 tỉ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp, đây không phải là lần đầu tiên giá gạo Việt cao hơn so với gạo của Thái Lan (đối thủ xuất khẩu lớn nhất cùng phân khúc gạo). Thực tế trong khoảng hai năm trở lại đây, việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Điều mà những năm trước đó rất khó xảy ra bởi gạo Việt mỗi khi xuất khẩu thường “tham chiếu” giá gạo Thái rồi giảm từ 10 – 50 USD/tấn để chào hàng.

Hiện cả ở sân nhà lẫn trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang dần thay thế gạo Thái Lan đến mức chiến lược của Thái Lan cũng đã phải thay đổi bởi sự lớn mạnh của gạo Việt.

Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết trước đây người tiêu dùng Việt thường ra chợ mua các loại gạo nhập khẩu từ Thái Lan vì gạo Thái dẻo thơm hơn gạo Việt. Nhưng những năm gần đây các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu ra nhiều loại gạo ngon nên người bán lấy gạo Việt để bán nhưng vẫn nói gạo Thái theo thói quen.

Còn ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay không chỉ xuất khẩu sang châu Âu, gạo Việt giống Japonica (Nhật) của Công ty Trung An còn được xuất khẩu sang Thái Lan. “Một số loại gạo Việt cùng chủng loại gạo Thái, có giá cao hơn và các thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt và Thái Lan có thể bị mất thị phần”, ông Bình cho biết.

Gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.

Cạnh tranh nhờ giá thành và độ tươi mới

Ông Phạm Thái Bình thông tin thị trường châu Âu đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Doanh nghiệp của ông nhận được nhiều đơn hàng lớn, nhưng khả năng cung ứng không đủ nên đành từ chối bớt. “Giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, từ 700 – 1.250 USD/tấn. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, sau nhiều năm cố gắng, nông dân, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam đã có một số loại gạo bán giá cao hơn gạo Thái Lan mà trước đây chưa từng có. “Một số loại gạo Việt cùng chủng loại gạo Thái có sức cạnh tranh cao hơn, nhiều loại có giá cao hơn và các thương nhân Thái cũng đang lo mất thị phần trước sức cạnh tranh của gạo Việt”, ông Bình cho biết.

Nói về nguyên nhân, ông nhìn nhận một số gạo cấp trung bình thì gạo Việt Nam có chất lượng cao hơn, mặc dù gạo Thái cùng chủng loại gạo tồn kho nên chưa phải gạo mới.

Thông thường doanh nghiệp Thái mua gạo của dân vào chính vụ rồi xay xát đưa vào các kho chứa và xuất khẩu dần. Trong khi tại Việt Nam, do mùa vụ linh động, doanh nghiệp mua gạo từ dân rồi xay xát và xuất khẩu ngay. Vì vậy, gạo Việt Nam là gạo tươi mới hơn gạo Thái nhiều.

Ông Nguyễn Duy Thuận nhìn nhận hiện nay Việt Nam và Thái Lan sản xuất tương đồng nhau, chẳng hạn về đa dạng các giống lúa như gạo thơm, gạo trắng, gạo dẻo, gạo hạt dài, hạt trung, hạt ngắn…; về chất lượng; về thương hiệu, nước nào cũng có những sản phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi uy tín trên thế giới.

“Nhưng về năng suất, người nông dân Việt Nam sản xuất lúa có năng suất cao gấp đôi Thái Lan. Những năm gần đây gạo trắng Việt có giá bán cao hơn gạo trắng Thái và Thái Lan đã ra chính sách là từ bỏ phân khúc gạo trắng vì không cạnh tranh lại với Việt Nam mà tập trung vào gạo thơm. Nhưng gạo thơm Việt Nam thì cũng đã đoạt giải ngon nhất nhì thế giới mấy năm gần đây rồi”, ông Thuận cho biết.

Trong chia sẻ với tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), Chủ tịch Viện Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản Akio Shibata cho biết năng suất lúa của Thái Lan vẫn ở mức thấp, trung bình đạt 454kg/rai (0,16ha). Con số này thấp hơn nhiều so với mức 803kg/rai của Việt Nam.

“Đó là điều khác biệt so với các đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển bộ giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa cải thiện giúp cắt giảm chi phí sản xuất, trong khi Ấn ĐộPakistan trồng lúa ở những vùng rộng lớn và giá nhân công rẻ”, theo ông Akio Shibata.

Gao ST25 tung doat giai ngon nhat the gioi nam 2019 min - Gạo Việt vượt qua 'cái bóng' Thái LanGạo ST25 từng đoạt giải ngon nhất thế giới năm 2019 làm tăng giá trị gạo xuất khẩu. Trong ảnh: người dân mua gạo ST25 tại siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Chiến lược lúa gạo đang đi đúng hướng

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.

Trong nửa đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỉ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%.

Nhờ đó xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, thị trường Mỹ tám tháng năm nay tăng trên 84%, sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trên 82%.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết hiện có hơn 20 doanh nghiệp đang liên kết tiêu thụ theo chuỗi cánh đồng lớn tại An Giang nên giá trị, chất lượng lúa gạo ngày càng tăng.

“Doanh nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu, cung cấp mã vùng trồng thông qua hợp tác xã, diện tích liên kết tăng lên và sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Mọi tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu vùng trồng, bà con đều đáp ứng hết thì đương nhiên chất lượng gạo ngày một tăng lên.

Từ đó giá tốt lên, thị trường tốt lên, gạo chất lượng không cao giảm dần, nhường “ghế” cho gạo chất lượng cao. Vừa rồi bà con bán lúa tươi hơn 7.000 đồng/kg, lúa hạt tròn của Nhật. Nên tôi nghĩ xuất khẩu gạo Việt tăng lên về giá trị, ngang với “ông trùm” Thái Lan là chuyện đương nhiên”, ông Lâm nhận định.

3 lợi thế phát triển của gạo Việt

Báo cáo của Hãng nghiên cứu thị trường Research And Markets (Hoa Kỳ) cho biết có ba lý do chính giúp hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển ổn định trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2031.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, cơ cấu ngành hàng lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ, gồm thay đổi quy trình canh tác, tập trung nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng.

Tỉ lệ sản xuất gạo ngon, đặc sản và chất lượng cao tăng dần qua các năm và đang chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao tại Việt Nam chỉ chiếm 35 – 40% cơ cấu sản xuất vào năm 2015. Nhưng con số này đã đạt từ 75 – 80%, thậm chí có nơi đạt tới 90% vào năm 2020.

Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, bao gồm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Qua đó, tạo điều kiện cho sản phẩm gạo của Việt Nam dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường, bao gồm các thị trường khó tính như Nhật Bản, tạo sự bứt phá cho hoạt động xuất khẩu gạo.

Thứ ba, khác với nhiều loại hàng hóa – nguyên liệu thô khác, nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên thị trường toàn cầu vẫn ở mức tốt bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thái Lan muốn lập liên minh xuất khẩu gạo với Việt Nam

Đầu tháng 9-2022, báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết Thái Lan và Việt Nam thỏa thuận sẽ thành lập liên minh xuất khẩu gạo. Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước.

Theo ông Chalermchai, thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu. Thái Lan sẽ tham gia đàm phán một mức giá gạo hợp lý hơn trên thị trường.

Ý tưởng liên minh xuất khẩu gạo lần đầu tiên được đưa ra cuối tháng 4-2008, khi Thái Lan đề xuất về việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) để ấn định giá mặt hàng này. Nhóm này sẽ bao gồm một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Lào… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay ý tưởng này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Xây dựng hình ảnh hạt gạo Việt thành thương hiệu quốc gia

Bo truong Bo NNPTNT Le Minh Hoan min 256x300 - Gạo Việt vượt qua 'cái bóng' Thái Lan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Gạo Việt bước vào thị trường phổ thông, rồi dần tiến đến các thị trường cấp cao, đã đến hàng trăm quốc gia, hiện diện trên các kệ hàng sang trọng, vào thực đơn của chính khách… Đó là hành trình nghiên cứu lai tạo của các nhà nông học, là quá trình liên kết, hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ chức nông dân; câu chuyện “4 nhà” (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) trên những cánh đồng… Từ đó, giá trị lúa gạo có được từ chất lượng và sự thay đổi, thích ứng, phù hợp xu thế thị trường.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo còn nhưng thách thức như chi phí đầu vào cao; lạm dụng, tiêu tốn nhiều nước trong khi tài nguyên này ngày càng khan hiếm; chất lượng không đồng đều… Đất trồng lúa rồi sẽ giảm, nhường chỗ cho các cây trồng, vật nuôi có lợi thế khác, cho các khu vực kinh tế khác.

Diện tích giảm thì không còn cách nào khác là tạo ra giá trị hạt gạo cao hơn, là tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng lúa cao gạo bền vững; tạo dựng hình ảnh hạt gạo Việt thành thương hiệu quốc gia”.

THẢO THƯƠNG – TRẦN MẠNH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây