9/1885 – Bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Khởi nghĩa Bãi Sậy là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 của nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra từ năm 1885 và kéo dài đến năm 1892 mới tan rã. Bãi Sậy là một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ 19.

Trong thời kỳ đầu (1883-1885), phong trào do Đinh Gia Quế lãnh đạo, hoạt động chủ yếu ở vùng Bãi Sậy (bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên). Từ năm 1885 trở đi, vai trò lãnh đạo thuộc về Nguyễn Thiện Thuật. Ông là thủ lĩnh cao nhất của nghĩa quân Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật sinh năm 1844, quê ở Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên. Năm Bính Tý (1876), ông đỗ cử nhân, sau đó được phong chức Tán tướng quân vụ tỉnh Hưng Hóa.

Nguyen Thien Thuat 1844 1926 thu linh cuoc khoi nghia Bai Say min - 9/1885 – Bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bãi SậyNguyễn Thiện Thuật (1844-1926), thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Tháng 8-1883, Pháp chiếm Hải Dương, Nguyễn Thiện Thuật đã mộ quân, mưu đánh chiếm tỉnh lị. Việc không thành, ông kéo quân lên phối hợp với Hoàng Tá Viêm chống Pháp ở Sơn Tây.

Cuối năm 1883, sau khi ký Hiệp ước Harmand, nhà Nguyễn ra lệnh bãi binh đợi chỉ dụ. Nguyễn Thiện Thuật không nghe theo, mang quân lên Tuyên Quang cùng với Nguyễn Quang Bích giữ thành. Sau khi các thành Hưng Hóa và Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật chạy sang Long Châu (Trung Quốc) chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu.

Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về nước, tổ chức phong trào chống Pháp ở Hưng Yên, Hải Dương và một phần các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Yên. Vua Hàm Nghi phong cho ông làm Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, gia trấn Trung tướng quân, nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp thống.

Luoc do khoi nghia Bai Say min - 9/1885 – Bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bãi SậyLược đồ khởi nghĩa Bãi Sậy

Dưới quyền của Nguyễn Thiện Thuật có các tướng lĩnh chỉ huy các đội nghĩa quân hoạt động phối hợp trên nhiều địa bàn khác nhau, như Nguyễn Thiện Kế và Nguyễn Thiện Giang ở vùng Mỹ Hào; Phan Văn Khoát, Ba Điều ở Vĩnh Bảo; Đốc Tít, Tuần Văn ở vùng Hai Sông (Kinh Môn).

Bãi Sậy là căn cứ chính, do Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân dựa vào địa thế hiểm trở của đầm hồ, lau sậy um tùm để xây dựng căn cứ, đào hào và đặt nhiều cạm bẫy.

Khởi nghĩa Bãi Sậy bùng nổ vào tháng 9/1885. Từ căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra vùng đồng bằng, vượt sông Hồng sang đánh phá các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa và khống chế những tuyến giao thông chính: đường số 5 (Hà Nội – Hải Phòng), đường số 1 (đoạn Hà Nội – Nam Định), đường Hà Nội – Bắc Ninh và các tuyến đường thủy trên sông Thái Bình, sông Đuống, sông Hồng… Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 9, Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy nghĩa quân tấn công chiếm lại thành Hải Dương, rồi tỏa ra đóng giữ các làng xung quanh. Nhưng do lực lượng quá yếu, nên sau đó nghĩa quân phải rút lui.

Van chi Binh Dan xa Tan Dan huyen Khoai Chau Hung Yen min - 9/1885 – Bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bãi SậyVăn chỉ Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên- nơi đây đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy (Bộ văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử- Văn hóa năm 1962)

Tháng 10 năm 1885, Thống tướng Roussel de Courcy giao cho thiếu tướng Francois de Négrier, trung tá Donnier cùng Hoàng Cao Khải mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Bãi Sậy. Được tin, Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho các tướng bí mật tấn công vào các đồn địch, chặn đường địch hành quân. Sau đó, ông nhử địch vào sâu căn cứ nơi đặt trận địa mai phục. Khi quân Pháp biết bị mắc lừa định rút lui thì quân Bãi Sậy nổ súng và dùng đoản đao, mã tấu đánh giáp lá cà. Nhiều quân Pháp bị giết, tướng Négrier chạy thoát.

Tại căn cứ Hai Sông, vào tháng 11/1885, trong suốt 2 tuần, nghĩa quân đã phải chống trả quyết liệt với một binh đoàn lớn do Falcon và Faure chỉ huy.

Ngoài hoạt động chống càn quét, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận tập kích hiệu quả. Ngày 26/6/1886, nghĩa quân tấn công một đồn Pháp ở Cầu Đuống. Tháng 9/1886, nghĩa quân chặn đánh binh đoàn Bazinet và tấn công đồn Bần Yên Phú, đẩy mạnh các hoạt động ra các miền phụ cận Hà Nội, Bắc Ninh.

Ngày 12/2/1887, một trận đánh lớn đã diễn ra ở vùng Kẻ Sặt (Hải Dương). Từ cuối năm 1888 đến đầu năm 1889, nghĩa quân còn tổ chức đánh thắng quân Pháp nhiều trận, như các trận ở Lang Tài (Bắc Ninh), Dương Hòa (Hưng Yên)…

Ngày 9/2/1888, em Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thiện Dương bị tử trận trong cuộc đụng độ với quân Pháp do viên đội Fillipe chỉ huy. Được tin em chết, ngay đêm đó Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho Tuần Văn, Đề Tính tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân để trả thù, giết chết 21 quân địch.

Ngày 11/11/1888, Hoàng Cao Khải cùng giám binh Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở Liêu Trung, tổng Liêu Xá, muốn buộc dân hết lương phải ra đầu thú, xa rời quân Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật được tin, lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Văn Sung, Vũ Văn Đồng đem 800 quân trong đó có 400 tay súng giả dạng phu gặt để phục kích. Quân Bãi Sậy nổ súng giết chết 31 quân địch, trong đó có giám binh Ney, Bang tá Nguyễn Hữu Hào. Hoàng Cao Khải trốn thoát về Mỹ Hào rồi nhờ giáo dân Kẻ Sặt đưa đường chạy về Hải Dương.

Di tich thanh Thuan Thanh thanh Phu Bac Ninh min - 9/1885 – Bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bãi SậyDi tích thành Thuận Thành (thành Phủ), Bắc Ninh nơi diễn ra nhiều trận đánh của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật với quân Pháp.

Từ tháng 7/1889, Pháp tập trung binh lực bao vây và tấn công nghĩa quân tại Trại Sơn là đại bản doanh của đội quân Hai Sông. Quân Pháp chia thành 4 đạo, vây chặt căn cứ trung tâm, rồi dùng tàu bè đi tuần tiễu ngày đêm trên tất cả ngả sông quanh căn cứ. Nghĩa quân phải rút chạy hết nơi này qua nơi khác. Quân Pháp thắt chặt vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nhân dân trong vùng nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nghĩa quân và nhân dân.

Trước tình hình khó khăn đó, giữa năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật giao lại quyền chỉ huy cho em và các tướng lĩnh, ông và một số tướng lĩnh khác vượt vòng vây đến căn cứ Hai Sông. Tại đây, Đốc Tít đã tổ chức đưa Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Trung Quốc. Ông đi Khâm Châu và Nam Ninh, rồi mất bên đó vào năm 1926, thọ 82 tuổi.

Thế cùng lực kiệt, ngày 12/8/1889, Đốc Tít phải ra hàng, rồi bị đày sang Angiêri. Sau những tổn thất nặng nề đó, phong trào kháng Pháp ở vùng Hưng Yên, Hải Dương bị giảm sút rõ rệt, nhưng vẫn còn duy trì thêm một thời gian nữa. Đến năm 1892, khi thủ lĩnh cuối cùng của phong trào Bãi Sậy là Đốc Vinh bị giết, lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy mới tan rã hẳn. Nguyễn Thiện Kế trước đó cũng bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo.

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1892) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân đồng bằng Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa này đã để lại nhiều bài học bổ ích, nhất là về phương thức hoạt động và các hình thức tác chiến của nghĩa quân ở một vùng đồng bằng đất hẹp, người đông đó là đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại của địch.

Lê Khiêm tổng hợp

—————————–

Nguồn: Trần Hồng Đức, “Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892)”Lược sử Việt Nam, H.: Văn hóa Thông tin, 2009, tr. 538-541.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây