Giới thiệu khái quát huyện Bố Trạch

huyện Bố Trạch - Tỉnh Quảng Bình

Giới thiệu khái quát huyện Bố Trạch

Huyện Bố Trạch có diện tích tự nhiên 2.124,2 km2, với diện tích trải rộng từ Tây sang Đông chiếm toàn bộ chiều ngang của Việt Nam; vừa tiếp giáp với biển Đông vừa tiếp giáp đường biên giới giữa Việt Nam và Lào. Phía Nam giáp thành phố Đồng Hới, phía Bắc giáp thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Toàn huyện có 28 xã và 2 thị trấn, với đầy đủ địa hình đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển. Hội tụ đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển; có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua là đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và các tỉnh lộ tạo thành mạng lưới giao thông ngang – dọc tương đối hoàn chỉnh. Hơn nữa, Bố Trạch còn có cửa khẩu Cà Roòng – Noọng Ma (Việt Nam – Lào), có cảng Gianh, danh thắng nổi tiếng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần 2. Có đường bờ biển dài 24 km, hình thành các khu du lịch, điểm dịch vụ, có bãi tắm Đá Nhảy… thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Phát huy những thế mạnh đó, đồng thời biết tận dụng thời cơ, định hướng đường lối phát triển đúng đắn, Bố Trạch đã từng bước vươn lên mạnh mẽ và vững bước trên đường hội nhập.

Những thành quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015

Trong giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu nên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chuyển mạnh sang hướng tăng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Tiềm năng, thế mạnh được xác định và khai thác hợp lý đã đưa lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2015 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,42%/năm. Sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 46 ngàn tấn. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng bình quân hàng năm đạt trên 20,1 ngàn tấn. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm giá trị tăng thêm đạt 433 tỷ đồng. Các loại hình dịch vụ phát triển khá nhanh. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế chiến lược. Thu ngân sách trên địa bàn tiến bộ vượt bậc, số thu qua các năm đạt ở mức cao, bình quân hàng năm đạt 142,6 tỷ đồng. Các loại hình kinh tế tiếp tục có bước phát triển, các cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong các mặt đời sống và an sinh xã hội.Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, chất lượng đại trà có tiến bộ. Nguồn nhân lực của huyện có chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, luôn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có bước tiến đáng kể đã tạo thuận lợi cho nhiều lao động nông thôn học nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ, cơ bản đã làm tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân hưởng ứng sâu rộng, đạt kết quả tích cực. Các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, đưa lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3% vào cuối năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng nhanh. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định các chính sách an sinh xã hội.

Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang có nhiều tiến bộ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Các lực lượng quân sự, công an thường xuyên nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh chính trị ngay từ cơ sở.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn, củng cố, phát huy hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có sự chuyển biến tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãnh phí, thực hành tiết kiệm đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể từng bước thể hiện vai trò đại diện để chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân nên đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. 

Với những kết quả đạt được, cán bộ và nhân dân huyện Bố Trạch tự hào và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới.

Mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2015 – 2020, sau 30 năm đổi mới, cùng với cả nước, cả tỉnh, các nguồn lực trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả, hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống từng bước được xây dựng, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Với quyết tâm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Bố Trạch đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu, thực hiện nhằm xây dựng Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tiếp tục định hướng chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.Bình quân hàng năm, tổng sản lượng lương thực đạt 45 ngàn tấn; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 26.000 tấn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 230 tỷ đồng, năm 2020 đạt 280 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7.500 tỷ đồng. 14 xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 48 triệu đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,0%/năm theo chuẩn hiện hành. Giải quyết việc làm mới hàng năm trên 3.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 1.000 lao động. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 13%. Ổn định độ che phủ rừng ở mức 82%. Hàng năm, có 50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới trên3%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, huyện xác định phải làm tốt việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Có cơ chế ưu đãi về đất, thuế, giải phóng mặt bằng để huy động và thu hút đầu tư. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm, phát huy hiệu quả các chương trình đã hoàn thành trong giai đoạn trước.

Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn giao đất, giao rừng với thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, quản lý và bảo vệ rừng. Chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Phát triển nhanh các ngành công nghiệp-TTCN có khả năng, lợi thế cạnh tranh; phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các vùng nguyên liệu. Huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Thực hiện xã hội hoá các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển dịch vụ để trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trong đó phát triển dịch vụ du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong thời kỳ mới. Tập trung khai thác lợi thế dịch vụ từ du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Hình thành và xây dựng dọc bờ biển các khu du lịch, bãi tắm. Ưu tiên xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch gia đình… Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để phát triển các loại hình kinh tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đại trà gắn với chất lượng mũi nhọn. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ đối với người có công, chính sách xã hội.

Tiếp tục lãnh đạo nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền hai cấp, xây dựng hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phong cách, lề lối làm việc thực tiễn và hiệu quả. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo mô hình ”một cửa”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cải cách hành chính gắn với cải cách tư pháp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp. Tiếp tục phát huy dân chủ, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Với truyền thống đoàn kết, anh hùng trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân huyện Bố Trạch tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, tranh thủ tốt nhất những điều kiện và thời cơ mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đoàn kết thực hiện thành công mọi nhiệm vụ đặt ra, đưa quê hương Bố Trạch phát triển toàn diện và vững chắc hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thời kỳ hội nhập và phát triển.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây