Giới thiệu khái quát huyện đảo Hoàng Sa

Giới thiệu khái quát huyện đảo Hoàng Sa

Đặc điểm địa chất địa mạo và điều kiện tự nhiên

Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2. Phạm vi quần đảo được giới hạn bằng các đảo, bãi ở các cực Bắc, Nam, Đông, Tây như sau:

Vị trí các cực của quần đảo

Vỹ độ Bắc

Kinh độ Đông

Cực Bắc: đảo Đá Bắc

17o 06′ 0″

111o 30′ 8″

Cực Nam: Bãi ngầm Ốc Tai Voi

15o 44′ 2″

112o 14′ 1″

Cực Đông: Bãi cạn Gò Nổi

16o 49′ 7″

112o 53′ 4″

Cực Tây: đảo Tri Tôn

15o 47′ 2″

111o 11′ 8″

Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi là 135 hải lý, đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) tỉnh Quảng Ngãi 123 là hải lý.Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5 km2. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi.

Hoàng Sa nằm trong vùng “xích đạo từ” có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển. Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Trên một sốđảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt là có nhiều rùa biển sinh sống.

Nằm phía Đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngự đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chếđường giao thông trên biển và trên không trong khu vực phía Bắc Biển Đông.

I. Các đảo, đá, bãi của quần đảo Hoàng Sa:

Quần đảo Hoàng Sa gồm 2 cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía Tây; cụm An Vĩnh ở phía Đông.

1. Cụm Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phíaTây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.

– Đảo Đá Bắc có toạ độ địa lý 17o06′ 0″ vỹ độ Bắc và 111o30′ 8″ kinh độ Đông.

– Đảo Hoàng Sa nằm ở tọa độ 1632′ 0″ vĩđộ Bắc và 111o36′ 7″ kinh độĐông, có hình bầu dục, độ cao 9m, diện tích 0,5km2, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải là đảo lớn nhất nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trên đảo Hoàng Sa từng có bia chủ quyền của Việt Nam với dòng chữ khắc trên bia: Ripublique Francise- Empire d’ Annam- Archipel des Paracel (Cộng hoà Pháp – Vương triều An Nam- Quần đảo Hoàng Sa). Ngoài ra trên đảo còn có Miếu Bà, một số ngôi mộ của binh lính triều Nguyễn ra canh giữ đảo bị chết tại đây.

– Đảo Hữu Nhật mang tên Đội trưởng của một suất đội thủy quân triều Nguyễn được vua Minh Mạng phái ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền của Việt Nam. Đảo Hữu Nhật nằm về phía Nam và cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý, ở tọa độ 1630′ 3″ vĩđộ Bắc và 11135′ 3″ kinh độĐông, dáng đảo hình tròn, đường kính 800m, độ cao 8m, diện tích 0,6km2, có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng.

– Đảo Duy Mộng nằm về phía Đông Nam đảo Hữu Nhật và phía Đông Bắc đảo Quang Hoà, ở tọa độ 16o27’6″ vĩđộ Bắc và 111o44’4″ kinh độĐông, do san hô cấu tạo thành, bãi san hô nằm xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4m, có hình bầu dục, diện tích 0,5 km2.

– Đảo Quang Hòa nằm ở tọa độ 1626’9″ vĩđộ Bắc và 11142’7″ kinh độĐông, do san hô cấu tạo thành, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, diện tích gần 0,5 km2, trên đảo có nhiều cây cối, xung quanh đảo là một bãi san hô màu vàng nhạt, nhô ra rất xa đảo, nối với một số đảo nhỏ khác thành đảo Quang Hoà Đông và Quang Hoà Tây.

– Đảo Quang Ảnh mang tên nhân vật lịch sử Phạm Quang Ảnh – Đội trưởng Đội Hoàng Sa thời Nguyễn, theo lệnh vua Gia Long ra Hoàng Sa để thu hồi hải vật. Đảo nằm ở tọa độ 1627’0″ vĩđộ Bắc và 11130’8″ kinh độĐông do san hô cấu tạo thành, độ cao 6m. Chung quanh đảo là bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể thả neo gần đảo mà phải neo ở ngoài khơi, muốn vào đảo phải sử dụng thuyền nhỏ. Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,7 km2.

– Đảo Bạch Quy nằm ở tọa độ 1603’5″ vĩđộ Bắc và 11146’9″ kinh độĐông, đây là đảo có độ cao 15m, cao nhất trên quần đảo Hoàng Sa.

– Đảo Tri Tôn nằm ở tọa độ 15o47’2″ vĩđộ Bắc và 111o11’8″ kinh độĐông, nằm gần bờ biển Việt Nam nhất, có nhiều hải sâm, ba ba. San hô ở đây phát triển mạnh và đa dạng.

Ngoài ra, ở Cụm Lưỡi Liềm còn có một số đảo nhỏ, mỏm đá và bãi như sau:

– Đảo Ốc Hoa có toạ độ địa lý 16o 34’0″ vỹ độ Bắc và 111o 40’0″ kinh độ Đông;

– Đảo Ba Ba có toạ độ địa lý 16o 33’8″ vỹ độ Bắc và 111o 41’5″ kinh độ Đông;

– Đảo Lưỡi Liềm toạ độ địa lý 16o 30’5″ vỹ độ Bắc và 111o 46’2″ kinh độ Đông;

– Đá Hải Sâm có toạ độ địa lý 16o 28’0″ vỹ độ Bắc và 111o 35’5″ kinh độ Đông;

– Đá Lồi có toạ độ địa lý 16o 15’0″ vỹ độ Bắc và 111o 41’0″ kinh độ Đông;

– Đá Chim Én có toạ độ địa lý 16o 20’8″ vỹ độ Bắc và 112o 02’6″ kinh độ Đông;

– Bãi Xà Cừ có toạ độ địa lý 16o 34’9″ vỹ độ Bắc và 111o 42’9″ kinh độ Đông;

– Bãi Ngự Bình có toạ độ địa lý 16o 27’5″ vỹ độ Bắc và 111o 39’0″kinh độ Đông;

– Bãi ngầm Ốc Tai Voi có toạ độ địa lý 15o44’0″ vỹ độ Bắc và 112o14’1″ kinh độ Đông;

2. Cụm An Vĩnh:

Cụm đảo An Vĩnh đặt tên theo một xã An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía Đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn đá.

– Đảo Phú Lâm nằm ở tọa độ 16o50’2″ vĩđộ Bắc và 112o20’0″ kinh độĐông, là đảo quan trọng nhất của cụm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa, là đảo duy nhất từ xa có thể nhìn thấy được. Đảo có chiều dài đến 1,7km, chiều ngang 1,2 km. Trên đảo có nhiều chim biển cư trú nên có một lớp phân chim khá dày, đã từng có một công ty Nhật Bản đến khai thác phân chim tại đây.

– Đảo Linh Côn mang tên một con tàu bị đắm ở đây, có tọa độ 1640’3″ vĩđộ Bắc và 11243’6″ kinh độĐông, cao chừng 8,5m, trên đảo có nước ngọt. Vùng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía Nam đến 15 hải lý.

– Đảo Cây (còn có tên là Cù Mộc) nằm ở tọa độ 1659’0″ vĩđộ Bắc và 11215’9″ kinh độĐông.

– Đảo Trung (còn gọi là đảo Giữa) nằm ở tọa độ 1657’6″ vĩđộ Bắc và 11219’1″ kinh độĐông.

– Đảo Bắc nằm ở tọa độ 1658’0″ vĩđộ Bắc và 11218’3″ kinh độĐông.

– Đảo Nam nằm ở tọa độ 1657’0″ vĩđộ Bắc và 11219’7″ kinh độĐông.

– Đảo Đá nằm ở tọa độ 1650’9″ vĩđộ Bắc và 112o 20’5″ kinh độĐông, diện tích 0,4 km2.

Ngoài các đảo như trên, cụm An Vĩnh còn có nhiều mỏm đá, cồn cát và bãi, đó là:

– Đá Trương Nghĩa có toạ độ địa lý 16o58’6″ vỹ độ Bắc và 112o15’4″ kinh độ Đông;

– Đá Sơn Kỳ có toạ độ địa lý 16o34’6″ vỹ độ Bắc và 111o44’0″ kinh độ Đông;

– Đá Trà Tây có toạ độ địa lý 16o32’8″ vỹ độ Bắc và 11142’8″ kinh độ Đông;

– Đá Bông Bay có toạ độ địa lý 16o02’0″ vỹ độ Bắc và 112o30’0″ kinh độ Đông;

– Bãi Bình Sơn có toạ độ địa lý 16o46’6″ vỹ độ Bắc và 112o13’2″ kinh độ Đông;

– Bãi Đèn Pha có toạ độ địa lý 16o32’3″ vỹ độ Bắc và 111o36’9″ kinh độ Đông;

– Bãi Châu Nhai có toạ độ địa lý 16o19’6″ vỹ độ Bắc và 112o25’4″ kinh độ Đông;

– Cồn Cát Tây có toạ độ địa lý 16o58’9″ vỹ độ Bắc và 112o12’3″ kinh độ Đông;

– Cồn Cát Nam có toạ độ địa lý 16o55’6″ vỹ độ Bắc và 112o20’5″ kinh độ Đông;

– Hòn Tháp có toạ độ địa lý 16o34’8″ vỹ độ Bắc và 112o38’6″ kinh độ Đông;

– Bãi cạn Gò Nổi có toạ độ địa lý 16o49’7″ vỹ độ Bắc và 112o53’4″ kinh độ Đông

– Bãi Thuỷ Tề có toạ độ địa lý 16o32’0″ vỹ độ Bắc và 112o39’9″ kinh độ Đông

– Bãi Quang Nghĩa có toạ độ địa lý 16o19’4″ vỹ độ Bắc và 112o41’1″ kinh độ Đông;

II.Đặc điểm địa chất, địa mạo:

Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á.

Hình thái địa hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới. Đa số các đảo nổi có độ cao dưới 10m: đảo Hoàng Sa 9m, Linh Côn 8.5m, Hữu Nhật 8m, Quang Ảnh 6m. Riêng đảo Bạch Quy (Bàn Thạch) đạt độ cao 15m. Phần lớn các đảo có diện tích nhỏ hẹp dưới 1km2: đảo Quang Ảnh (Tiền) 0.7km2, Hữu Nhật 0.6km2, Hoàng Sa 0.5km2, Quang Hoà (Đun Can) 0.5km2, Duy Mộng 0.5km2, đảo Đá 0.4km2, riêng đảo Phú Lâm diện tích đạt 1.5km2.

Các đảo nêu trên dù ít hay nhiều đều biểu hiện dạng vành khuyên cổ của các atoll Thái Bình Dương. Dạng vành khuyên này là kết quả phát triển của san hô cộng với sự lún chìm của vỏ trái đất tại các khu vực đảo.

Trên thực tế các ám tiêu san hô ở Hoàng Sa phân bố không theo một định hướng rõ rệt: nhóm đảo Lưỡi Liềm kéo dài theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, nhóm đảo An Vĩnh kéo dài theo hướng Bắc Nam, đảo Quang Ảnh hướng Đông Tây, đảo Bạch Quy, Bông Bay có trục kéo dài hướng Tây Nam-Đông Bắc, đảo Chim Én hướng Đông Tây, Linh Côn và bãi ngầm Bình Sơn có hướng Bắc Nam, nhóm đảo An Vĩnh kéo dài hướng Tây Bắc-Đông Nam.

Về mặt hình thái, đảo thường có cấu tạo 3 phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng.

– Đảo nổi được cấu tạo từ các vật liệu mảnh vụn san hô và sò ốc, có kích thước khác nhau. Độ cao trung bình của đảo thường không vượt quá 10m so với mực nước triều thấp nhất. Đa phần các đảo nổi hiện là những phần nhô cao của các bờ atoll bao quanh lagun hoặc là các hồ nước, ví dụ : Atoll Bông Bay, Đá lồi, atoll Duy Mộng.

– Các bãi triều (thềm san hô) là hành lang bao quanh đảo có chiều rộng khác nhau từ vài chục đến vài trăm mét thậm chí hàng ngàn mét. Khi triều cao bề mặt bãi thường ngập sâu dưới nước từ 1.0-1.9m và chúng chỉ lộ ra khi triều kiệt. Bề mặt bãi tương đối thoải, có độ dốc nghiêng từ chân đảo ra phía biển. Hệ thống lạch triều ít phát triển vì thành phần vật chất cấu tạo bề mặt chủ yếu là các vật liệu thô cuội, sỏi, tảng, nhiều nơi xuất hiện các bề mặt mài mòn. Bãi triều đóng vai trò là một hành lang chắn sóng, làm giảm năng lượng của sóng khi truyền từ biển khơi vào chân đảo.

– Sườn bờ ngầm của các đảo thể hiện rất khác nhau, những đảo riêng biệt như Tri Tôn, Đá Bắc, Đá Tây, Đá Nam, ngoài diện tích bãi triều hẹp là chuyển tiếp đột ngột xuống biển sâu 1000-1500m bằng một vách dốc 20-45o hoặc hơn. Đối với các đảo là các atoll điển hình như Đá Lồi, Bông Bay, sườn bờ ngầm phía trong của atoll bao giờ cũng thoải hơn sườn phía biển khơi. Các hồ nước nông bên trong atoll có độ sâu thường từ 5-50m có nơi 70m là nơi tích tụ các sản phẩm phá huỷ của đảo và do đó sườn bờ ngầm có xu hướng giảm dần độ dốc xuống đáy hồ.

– Hồ nước nông hay là vụng nước nông được hình thành do các đảo san hô tạo thàmh các ám tiêu san hô vòng ngăn cách với biển, hoặc chúng chỉ thông với biển bằng các cửa hẹp.

Ở quần đảo Hoàng Sa, hồ nước nông thường có độ sâu từ 5-50m, diện tích các hồ lớn gấp từ 3-5 lần đảo nổi. Hồ quanh đảo Hữu Nhật có diện tích tới 150 ha. Do tính chất cô lập với biển khơi nên các hồ và vụng thường lặng sóng, sự trao đổi nước giữa hồ, vụng với biển khơi thông qua cửa thoát triều.

III. Điều kiện tự nhiên:

Thời gian nắng ở quần đảo Hoàng Sa dao động trong khoảng 2.400-2.600 giờ/năm, trong đó mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10) có thời gian chiếu sáng khoảng 1300 giờ, lớn hơn so với mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 4). Trong các tháng mùa hè thời gian chiếu sáng ở quần đảo Hoàng Sa luôn lớn hơn ở quần đảo Trường Sa.

Nhiệt độ không khí ở vùng biển Hoàng Sa có giá trị thấp nhất 22o-24oC trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại 28.5o-29oC trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 25oC vào tháng 12. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng nhiệt độ cao nhất và thấp nhất là 5.5oC-6oC.

Chế độ gió vùng quần đảo Hoàng Sa phức tạp và thể hiện ảnh hưởng của địa hình lục địa Việt Nam và Trung Quốc. Vào mùa hè hướng gió Tây Nam chiếm ưu thế 57%, các hướng gió Tây, Nam, Đông-Nam khoảng 10-12%. Các hướng gió Đông, Đông-Bắc và Bắc đều xuất hiện với tần suất thấp. Vận tốc gió trong mùa hè trung bình 5-7 m/s. Trong mùa Đông gió Đông-Bắc chiếm ưu thế với tần suất 48-50% và tốc độ 7-10m/s. Hướng gió Bắc có tần suất 27-30% và tốc độ 7-10m/s. Các hướng gió Đông, Đông Nam, Nam và Tây Bắc đều xuất hiện trong mùa Đông với tần suất thấp và vận tốc cực đại đạt 7-10 m/s.

Lượng mưa trung bình nằm ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 1.200-1.600mm, thấp hơn nhiều so với mưa ở vùng đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10) lượng mưa trung bình hàng tháng 100-200mm, đạt 200-400mm trong tháng 10. Lượng mưa trung bình trong mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 4) 200-300mm với lượng mưa hàng tháng 20-25mm (tháng 1,2,3) và đạt đến 50-100mm trong tháng 12 đến tháng 4.

Độ ẩm tương đối trung bình ở Hoàng Sa 80-85% và hầu như không bị biến động nhiều theo mùa. Các quan sát cho thấy trong các tháng 1 (đặc trưng cho mùa Đông), tháng 7 (đặc trưng của mùa hè), tháng 4 và tháng 10 (các thời kỳ chuyển tiếp), độ ẩm tương đối đều không đổi và bằng 80 – 85%.

So với quần đảo Trường Sa thì Hoàng Sa nằm gần đại lục hơn và vì vậy các trường sóng, gió chịu ảnh hưởng của địa hình các lục địa. Trong mùa Đông, sóng Đông Bắc chiếm ưu thế với tần suất 70–72% với độ cao cực đại đạt tới 4–6m. Các hướng sóng Đông và Bắc có tần suất 10–15% và có độ cao cực đại 3–4m. Trong mùa hè, hướng sóng Tây-Nam chiếm ưu thế, 53–55%. Độ cao sóng 3–4m, chiếm 12% và cực đại 4–6m, chiếm 1-2%. Sóng hướng Nam chiếm 23–25% và có độ cao cực đại 3–4m. Các hướng sóng khác có tần suất thấp và độ cao nhỏ hơn 3–4m.

Trong các thời kỳ chuyển đổi mùa, tháng 4 và tháng 10, trong khi ở quần đảo Trường Sa, sóng Đông Bắc có tần suất giảm xuống 20–25% thì ở Hoàng Sa hướng sóng này vẫn chiếm ưu thế 50-60% và độ cao sóng vẫn có thể đạt tới 4–5m.

Đặc điểm phân bố của trường nhiệt đã được nghiên cứu theo diện và theo chiều sâu. Vào mùa hè, nhiệt độ nước biển bề mặt thay đổi trong giới hạn 29oC.

Mùa Đông, trong dải độ sâu 0–10 m trường nhiệt ít biến động với các giá trị 25oC-26oC.

Trong mùa hè độ mặn nước biển bề mặt ở vùng quần đảo Hoàng Sa biến đổi phức tạp với các giá trị lớn hơn 34‰.

Trong mùa Đông, ở tầng sâu 0–10m độ mặn nước biển có xu hướng tăng dần từ Đông sang Tây, từ các giá trị 33‰–34‰. Độ mặn nước biển tăng dần theo độ sâu đạt các giá trị 33.9‰-34‰ và 34.5‰–34.6‰ ở các độ sâu 50 và 100m. Dưới những độ sâu này, từ 100 đến 300m, độ mặn ít biến đổi và ổn định trong giới hạn 34.5‰–34.7‰. Đồng thời trên hầu hết các tầng sâu xu hướng tăng dần độ mặn từ Đông sang Tây cũng luôn được thể hiện.

Chúng ta có đủ chứng cứ pháp lý lịch sử để khẳng định Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Quần đảo Hoàng Sa là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

           Ngã vào biển những chiến binh

          Sóng vun thành mộ lặng im ngàn đời.

          Hoàng Sa ơi, Trường Sa ơi

          Trong từng tấc biển vọng lời nước non.

 (Thơ Nguyễn Hữu Quý- Nhà thơ, Đại tá Quân đội)

 IV. Danh sách các đảo, đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa

STT

Tên gọi

Toạ độ địa lý

Vĩ độ Bắc

Kinh độ Đông

1

Đảo Đá Bắc

17o06’0″

111o30’8″

2

Đảo Hoàng Sa

1632’0″

11136’7″

3

Đảo Hữu Nhật

1630’3″

11135’3″

4

Đảo Duy Mộng

16o 27’6″

11135’3″

5

Đảo Quang Hòa

1626’9″

11142’7″

6

Đảo Quang Ảnh

16o27’0″

111o30’8″

7

Đảo Bạch Quy

16o03’5″

111o46’9″

8

Đảo Tri Tôn

15o47’2″

11111’8″

9

Bãi ngầm Ốc Tai voi

15o44’0″

112o14’1″

10

Đảo Ốc Hoa

16o34’0″

111o40’0″

11

Đảo Ba Ba

16o33’8″

111o41’5″

12

Đảo Lưỡi Liềm

16o30’5″

111o46’2″

13

Đá Hải Sâm

16o28’0″

111o35’5″

14

Đá Lồi

16o15’0″

111o41’0″

15

Đá Chim Én

16o20’8″

112o02’6″

16

Bãi Xà Cừ

16o34’9″

111o42’9″

17

Bãi Ngự Bình

16o27’5″

111o39’0″

18

Đảo Phú Lâm

16o50’2″

11220’0″

19

Đảo Linh Côn

1640’3″

11243’6″

20

Đảo Cây

1659’0″

11215’9″

21

Đảo Trung

1657’6″

11219’1″

22

Đảo Bắc

1658’0″

11218’3″

23

Đảo Nam

1657’0″

11219’7″

24

Đảo Đá

1650’9″

112o 20’5″

25

Đá Trương Nghĩa

16o58’6″

112o15’4″

26

Đá Sơn Kỳ

16o 34’6″

111o 44’0″

27

Đá Trà Tây

16o32’8″

11142’8″

28

Đá Bông Bay

16o 02’0″

112o 30’0″

29

Bãi Bình Sơn

16o46’6″

112o13’2″

30

Bãi Đèn Pha

16o32′

111o 36′

31

Bãi Châu Nhai

16o19’6″

112o25’4″

32

Cồn Cát Tây

16o58’9″

112o 12’3″

33

Cồn Cát Nam

16o 55′

112o 20’5″

34

Hòn Tháp

16o34’8″

112o38’6″

35

Bãi cạn Gò Nổi

16o49’7″

112o53’4″

36

Bãi Thuỷ Tề

16o32′

112o39’9″

37

Bãi Quang Nghĩa

16o19’4″

112o41’1″

Bài đọc thêm:

Lịch Sử Quần đảo Hoàng Sa

  1. Thời kỳ từ thế kỷ XVII trở về trước

Trong lịch sử Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa là vùng biển đảo đóng vai trò hết sức quan trọng, gắn liền với lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam, gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân vùng duyên hải Miền Trung. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài trước khi có những tiến bộ kỹ thuật của ngành hàng hải, các hoạt động ngoài biển của các dân tộc ven bờ biển Đông rất hạn chế. Sự qua lại bằng đường biển trong khu vực biển Đông còn gặp phải nhiều khó khăn do Biển Đông có vô số đảo nhỏ và bãi san hô rất nguy hiểm cho hàng hải, lại nằm trong một vùng bão tố nhiệt đới mà tàu thuyền thời bấy giờ chưa đủ khả năng chịu nổi. Phải đợi đến khi hàng hải có những tiến bộ kỹ thuật quan trọng như đóng được thuyền to, có buồm nhiều kiểu, nhất là có la bàn hàng hải, khi đó tàu đến Đông Nam Á hoặc từ đây mới dám ra biển lớn, mở ra thời kỳ thông thương, trao đổi kinh tế văn hóa trong khu vực.

Các tài liệu cổ của Việt Nam cho biết từ thế kỷ XVII trở về trước người Việt đã gọi quần đảo này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên gọi này xuất phát từ đặc điểm chung quanh các đảo, bãi cát thường có màu vàng, thậm chí có thể nhìn thông suốt đến đáy các nền lòng chảo san hô và thấy cát vàng ở dưới vào những ngày biển lặng. Trên các hải đồ quốc tế, Bãi Cát Vàng của Việt Nam được các nhà vẽ bản đồ của phương Tây ghi là Pracel, Paracel Islands hay Paracels. Theo Pierre Yves Manguin, chữ Parcel (cũng ghi là Pracel) là tiếng Bồ Đào Nha cổ, nghĩa là đá ngầm (récif) hay cao tảng (haut-font). Còn A. Brébion lại cho rằng Paracel là tên một thương thuyền Hà Lan thuộc Công ty Đông Ấn bị đắm tại quần đảo này vào thế kỷ XVII, nên người phương Tây gọi quần đảo theo tên con thuyền Paracel. Người Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa bằng nhiều tên, thay đổi một cách bất nhất và chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Tây Sa).

Với những tài liệu hiện còn giữ được, có thể nói ít nhất từ thế kỷ XVII Nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện và chiếm hữu Hoàng Sa, khi đó chưa thuộc chủ quyền bất cứ nước nào.

  1. Thời kỳ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX (từ thời Chúa Nguyễn đến trước thời kỳ Pháp thuộc)

Trong giai đoạn này, những hoạt động của Việt Nam gắn liền với việc xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã được các tư liệu lịch sử từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu  thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn đến triều Nguyễn phản ánh lại thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như khẳng định sự quản hạt hành chính của chính quyền Việt Nam.

Ngay từ đầu thế kỷ XVII, sau khi trấn thủ nửa nước Đại Việt từ Đèo Ngang trở vào (sau này gọi là xứ Đàng Trong), các Chúa Nguyễn đã tổ chức một đội chuyên đi khai thác các khoáng vật trên các đảo thuộc Hoàng Sa. Điều này được thể hiện lại trong các tư liệu lịch sử như sau:

Trong “Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư” (trong Hồng Đức Bản Đồ) hay “Toản Tập An Nam Lộ” (trong sách Thiên Hạ Bản Đồ) do Đỗ Bá Công Đạo biên soạn năm 1686 (năm Chính Hòa thứ 7), có bản đồ với phần chú thích như sau: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm…Từ cửa Đại Chiêm, đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gíó Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi giạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày.[1]

Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (viết vào năm 1776) có đoạn viết như sau:

“Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy, trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều… Các thuyền ngoại phiên bị bão thường bị hư hại ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem  bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không”[2].

Lê Quý Đôn cũng ghi rõ: “Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ, và hai khẩu súng đồng mà thôi”[3].

Bên cạnh đó, Chúa Nguyễn còn thành lập đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, lấy người thôn Tứ chính (Phủ Bình Thuận), hoặc người làng Cảnh Dương (gần Cửa Eo), ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm… Đội Bắc Hải được kiêm quản bởi đội Hoàng Sa.

Đến năm 1773, sau 2 năm khỏi nghĩa, quân Tây Sơn đã làm chủ miền đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận trong đó có đất Quảng Ngãi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa ở xã An Vĩnh được đặt dưới quyền kiểm soát của phong trào Tây Sơn. Với truyền thống hoạt động hàng trăm năm, dân xã An Vĩnh, vốn tự lập về phương tiện tàu thuyền, lại quen việc, nên luôn luôn tham gia vào đội Hoàng Sa. Vì thế, cuối thời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong, khi quân Tây Sơn nổi dậy, kiểm soát được vùng đất Quảng Nghĩa, dân xã An Vĩnh vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoài khơi xã của mình. Nhiều tư liệu chứng minh cho các hoạt động trên hiện còn lưu trữ trong dân gian ở Phường An Vĩnh tại Cù Lao Ré, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân (Khoa Sử, Đại Học Quốc Gia Hà Nội) phát hiện, như:

Đơn của ông Hà Liễu – Cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, xin chính quyền Tây Sơn cho phép đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động – có đoạn viết như sau: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, các  cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp”[4].

Hay Tờ chỉ thị ngày 14 tháng 2 Thái Đức năm thứ 9 (1786) của quan Thái Phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công đốc suất công việc của đội Hoàng Sa có ghi: “ Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt  biển,  thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về kinh tập trung, nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội”[5].

Từ năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn với sự giúp đỡ của Pháp, Gia Long lên ngôi vua, lập ra triều đình nhà Nguyễn. Lúc đầu, vua Gia Long bỏ đội Hoàng Sa nhưng sau lại lập lại.

Năm 1805, Gia Long thực hiện trên quy mô toàn quốc theo những phương châm chỉ đạo thống nhất kế hoạch nắm lại toàn bộ tình hình ruộng đất của cả nước. Đó là kế hoạch thực hiện Địa bạ Gia Long[6].  Chính trong khuôn khổ kế hoạch đó mà phải đặt việc duy trì đội Hoàng Sa và những cố gắng khai thác và đo đạc Hoàng Sa.

Đến năm 1816, vua Gia Long lần đầu tiên ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa. Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên đã khiến cho những người Phương Tây như Chaigneau hay sau này là Taberd khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình. Trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine”, J.B.Chaigneau, cố vấn người Pháp của vua Gia Long đã viết: “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế (tức Vua Gia Long) đã chiếm hữu quần đảo ấy”.

Giám mục Jean Louis Taberd trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes, xuất bản năm 1833 đã viết như sau:“.. chính là vào năm 1816, Ngài (tức vua Gia Long) đã long trọng treo tại đó (Hoàng Sa) lá cờ của xứ Đàng Trong”[7].

Từ thời Minh Mạng, thủy quân hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong đó có dân binh đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của “lực lượng đặc nhiệm” luôn được hoàng đế Việt Nam theo sát và ra chỉ dụ cụ thể. Các chuyến đi công tác ở Hoàng Sa cũng được tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có Vệ thủy quân là chính phối hợp cùng với Vệ giám thành cùng binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Cũng từ thời điểm này trở về sau, sử sách không còn nói nhiều về đội Hoàng Sa nữa, vì lực lượng thủy quân đặc nhiệm này trở thành chủ yếu và thường lệ của nhà nước Việt Nam, và đội Hoàng Sa mang tính dân sự càng ngày càng đậm nét hơn, chủ yếu hoạt động về kinh tế.

Có thể nói, đến đời vua Minh Mạng, thuỷ quân mới được tổ chức thật quy củ, có nhiệm vụ ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình”. Như thế trước thời Minh Mạng, người Việt đã có khắc bia, dựng miếu chùa ở đây.

Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra dựng bia chủ quyền. Sách Đại Nam thực lục chính biên đã chép rất rõ: từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi: “Vua Minh Mạng đã  y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ có khắc những chữ: “Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư”[8]. (Nghĩa là: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Mỗi năm cột mốc đều khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy “lực lượng thủy quân đặc nhiệm”, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và ghi dấu để nhớ. Nếu chỉ tính sử sách có ghi rõ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc nhiệm của các năm cụ thể thời Minh Mạng như cai đội thuyền  Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837) thì số đảo được đánh mốc cũng rất đáng kể. Mỗi thuyền 10 bài gỗ. Mỗi năm 4, 5 thuyền có thể cắm mốc tối đa 40, 50 cột mốc tại các đảo, song rất khó tổng kết tổng cộng trên thực tế cắm cột mốc được bao nhiêu đảo.

Bên cạnh đó, các vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá. Vua Minh Mạng đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách toà miếu cổ 7 trượng.  Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong.

Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận. Như thế cây trồng ở Hoàng Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Thời gian hoạt động hàng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây. Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo.

  1. Thời kỳ từ năm 1885 đến năm 1945 (thời kỳ Pháp thuộc)

Từ sau khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta và thiết lập chế độ bảo hộ, bối cảnh Việt Nam, Đông Dương và quốc tế đã có nhiều biến đổi và đặt vấn đề Hoàng Sa dưới tác động của những yếu tố mới. Năm 1884, Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước trong đó Việt Nam thừa nhận sự bảo hộ của Pháp. Trong thời gian này Hoàng Sa được đặt dưới quyền quản lý của Viên Khâm Sứ – người đứng đầu Trung kỳ, song thực chất tất cả đều thuộc chế độ đô hộ kiểu trực trị của Pháp. Và trên thực tế chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa:

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thành vì tài chính bị thiếu.

Năm 1907, khi xảy ra sự kiện Nhật dòm ngó đảo Pratas, chính quyền Trung Quốc, nhất là chính quyền Quảng Đông rất nhạy bén về chủ quyền của mình, mới bắt đầu đặt tên Đông Sa cho quần đảo Pratas như nói trên, sau đó là Tây sa cho quần đảo Paracels tức Hoàng Sa của Việt Nam. Trong thư của Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp (năm 1909) có một số nội dung đáng lưu ý như sau: “Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas (Đông Sa), Trung Quốc muốn chiếm luôn quần đảo Paracels (Hoàng Sa) gần Hải Nam… Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên là của Đoàn Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò)… Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa, bị  đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam…”[9].

Tuy nhiên, chính quyền đô hộ Pháp lại không có hành động phản ứng gì trước hành động xâm phạm của chính quyền địa phương Trung Quốc (chính quyền tỉnh Quảng Đông) mặc dù đấy là nhiệm vụ đã được quy định rõ theo hiệp ước 1884 giữa Triều đình Huế và nước Pháp.

Sau khi  người Trung Quốc sáp nhập hành chánh quần đảo Paracels vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông vào ngày 30 tháng 1 năm 1921 bằng một mệnh lệnh của chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa, thì chính quyền thuộc địa Pháp mới càng ngày càng  quan tâm đến Hoàng Sa.

Đến năm 1925, theo Khâm Sứ Trung Kỳ Le Fol viết trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1926 gửi cho Toàn Quyền Đông Dương, người Pháp mới bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của “vương quốc Việt Nam” tại quần đảo Hoàng Sa, trong đó có cử ông M.A. Krempt – Giám Đốc Viện Hải Dương Học và Nghề cá ở Nha Trang –  đi thám sát Hoàng Sa.

Từ sau khi nắm được tình hình về cơ bản thì chính quyền Pháp đã có một loạt hành động thực hiện và củng cố chủ quyền quốc gia Việt Nam đối với Hoàng Sa như:

Ngày 8/3/1925, Toàn Quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.

Ngày 29/4/1932, chính phủ Pháp gởi kháng nghị nêu rõ các bằng chứng về sự chiếm hữu của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Sau đó, lần đầu tiên Pháp đề nghị đưa vụ tranh chấp ra các toà án quốc tế mặc dù Trung Quốc đã phản đối đề nghị này. Ngày 15/6/1932, Pháp thiết lập một đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Đại lý hành chính Hoàng Sa (Délégation des Paracels). Đại lý hành chính là đơn vị hành chính ở xa tỉnh lị, thường do phó Công sứ hoặc sĩ quan Pháp phụ trách lực lượng quân đội trú đóng thay mặt Công sứ cai quản. Hàng năm, viên đại diện của chính quyền Pháp ở Trung Kỳ phối hợp với cơ quan đại diện chính quyền Trung ương Nam Triều ở Huế chịu trách nhiệm ra kinh lý Hoàng Sa.

Bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa,

 Nguồn ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa

Những thay đổi trong cung cách quản lý của người Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa ngày càng đạt được đến sự đồng bộ, khi về phía Nam triều, ngày 29 tháng 02 năm Bảo Đại thứ 13 (ngày 30/3/1938), Hoàng đế Bảo Đại ký dụ cho “sáp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Îles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”[10].

Tờ dụ còn nói rõ: các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi; đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long) vẫn để y như cũ, là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi (phụ trách). Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải, nên việc giao thông ngày nay có thay đổi; vả lại Viên đại diện Chính phủ Nam Triều phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chính phủ Bảo hộ có tâu rằng nên sáp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên để được thuận tiện hơn về mặt quản lý.

Cũng từ năm 1938, để triển khai các kết quả nghiên cứu của Gauthier sau những cuộc khảo sát Hoàng Sa từ năm 1925 đến năm 1937, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo.

Trong năm 1938, một bia chủ quyền được dựng trên đảo Pattle (Hoàng Sa) với dòng chữ: “République Française  – Royaume d’An Nam – Archipels des Paracels – 1816 –  Ile de  Pattle 1938” tái khẳng định chủ quyền Việt Nam từ thời Gia Long. Bên cạnh đó, một hải đăng, một trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860) được đặt ở đảo Hoàng Sa (Pattle), số 48859 ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée), và một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle).
Ngọn Hải đăng trên đảo Hoàng Sa năm 1938 – Nguồn ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa

Ngày 5 tháng 5 năm 1939,

Toàn Quyền Đông Dương Jules Brévié đã ra Nghị định số 3282, sửa đổi Nghị định trước và thành lập hai sở địa lý trên quần đảo Hoàng Sa. Những phái viên hành chính đứng đầu hai sở đại lý này với tư cách là ủy viên của công sứ Pháp tại Thừa Thiên ở tại đảo Pattle và đảo Boisée.

Từ năm 1939, Nhật bắt đầu nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm (Ile Boisée) và đảo Itu – Aba (Ba Bình) của Trường Sa để làm bàn đạp chiến lược để xâm chiếm khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, phải đến ngày 9/3/1945, sau khi đảo chính Pháp ở Đông Dương, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa.

Có thể nói trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ Pháp chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của vương quốc An Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ, song vì quyền lợi riêng tư của nước Pháp mà họ có những thái độ bất nhất, khi thì thờ ơ, không phản ứng kịp thời khi chủ quyền này bị nước ngoài (Trung quốc) xâm phạm.

  1. Thời kỳ từ năm 1946 đến năm 1954

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật,  nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27 tháng 5 năm 1946, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle ) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra thì ngày 26/10/1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân xuất phát từ cảng Ngô Tùng. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đã đổ bộ lên các đảo thuộc Hoàng Sa; Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đổ bộ lên các đảo thuộc Trường Sa.

Đến ngày 17/10/1947, Chính phủ Pháp đã chính thức lên tiếng phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Quốc đối với các đảo trên. Cũng trong ngày 17/10/1947, thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Trung Quốc rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi  một phân đội lính trong đó có cả quân lính “Quốc gia Việt Nam” đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa). Chính phủ Trung Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947 tại Paris. Tại đây, chính phủ Trung Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất.

Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào hiệp định Patenôtre (1884) với Pháp. Nhưng phía Pháp cho rằng theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vẫn còn nằm trong khối Liên Hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Với Hiệp định ngày 8/3/1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với chính quyền Cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, để củng cố cơ sở hình thức pháp lý nào đó dù không có thực chất đại diện thực sự cho Việt Nam.

Tháng 4/1949, Đổng Lý Văn Phòng của Quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa.

Vào ngày 01/10/1949, Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa được thành lập ở lục  địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã rút lui ra Đài Loan. Tháng 4 năm 1950, đồn lính Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn duy trì. Vào tháng 4 năm 1950, quân lính Trung Hoa Dân Quốc rút hết khỏi quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 07/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị có ý kiến đối phản đối với tuyên bố này.

Và như thế, từ sau năm 1950 đến 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của Chính quyền Bảo Đại.

cccc 1 - Giới thiệu khái quát huyện đảo Hoàng Sa

  1. Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975

Sau Hiệp định Genève (được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954), Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nối việc quản lý Hoàng Sa từ tay người Pháp. Trong thời gian trên cho đến năm 1956, quân đội Quốc gia Việt Nam sau gọi là Việt Nam Cộng hoà đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Hoàng Sa (Pattle) và thực hiện các hoạt động khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa:

Ngày 01/6/1956, Ngoại trưởng Chính quyền Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 13/7/1961, sắc lệnh số 174 – NV của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải trực thuộc quận Hoà Vang.

Trong sắc lệnh trên, ghi rằng: “Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam. Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang. Xã Định Hải dưới quyền một phái viên hành chính. Tháng 2 năm 1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân Việt Nam Cộng Hoà bắt và hoàn trả  lại Trung Quốc[11].

Trong xu hướng cải tổ nền hành chính cho phù hợp với sự thay đổi tình thế ở miền Nam giai đoạn 1967 – 1968, vào ngày 06/02/1968, Hội đồng tỉnh Quảng Nam đã nhóm họp để đề xuất việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (xã Định Hải) vào một đơn vị hành chính trên đất liền. Tiếp đó, ngày 09/8/1969, Hội đồng xã Hòa Long, quận Hòa Vang nhóm họp và đồng thuận sáp nhập xã Định Hải vào địa phương của mình. Với những bước chuẩn bị trên, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đã làm kiến nghị và đến ngày 21/10/1969, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Từ đây việc quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa được giao phó cho đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Về phía Trung Quốc, họ vẫn không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 11/01/1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa tuyên bố việc sáp nhập các đảo của quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hoà là sự lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 12/01/1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Ngày 15/01/1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa bắt đầu triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ trong đó có nhiều tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá và có phi cơ yểm trợ.

Tiếp đó, ngày 16/01/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã ra tuyên cáo bác bỏ luận cứ của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và đưa ra những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà trên hai quần đảo này.

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, sau trận hải chiến Hoàng Sa giữa quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với quân đội Việt Nam Cộng hòa, Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đã chiếm được quần đảo Hoàng Sa. Tuy vậy, phía Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua các sự kiện như:

Ngày 20/01/1974, quan sát viên của Việt Nam Cộng Hoà bên cạnh Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa.

Trong dịp này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình cho rằng: “Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại, có khi rất phức tạp, cần được nghiên cứu. Trước sự phức tạp của vấn đề, các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng”[12].

Ngày 01/02/1974, đoàn đại biểu của Việt Nam Cộng hoà ra tuyên bố tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về luật Biển Caracas khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo, tố cáo Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền Việt Nam Cộng hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội Đồng Kinh Tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.

  1. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Sau ngày thống nhất đất nước, do nhiều mối bận tâm cả trong đối nội lẫn đối ngoại, cộng thêm việc quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ 19/01/1974, nên vấn đề quản lý hành chính đối với Hoàng Sa tạm thời chưa được chính quyền các cấp đặt ra. Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn liên tục khẳng định trước cộng đồng quốc tế chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Các văn kiện pháp lý của Việt Nam như: Hiến pháp các năm 1980, 1992; Luật biên giới quốc gia năm 2003; Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam… đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, đến ngày 09/12/1982 đã tuyên bố thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.  Đây là một khẳng định có tính pháp lý quyền quản lý hành chính của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.

Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 đã có Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, trong đó nêu rõ: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”[13].

Từ ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Vì Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, nên trụ sở của cơ quan thường trú UBND huyện Hoàng Sa được đặt tạm trong trụ sở của Sở Nội vụ, tại số 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Vấn đề chủ quyền và việc tổ chức quản lý hành chính luôn được thành phố Đà Nẵng quan tâm, nên từ năm 2004, Đề án tăng cường quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa đã được triển khai. Đến năm 2008, UBND huyện Hoàng Sa bắt đầu tuyển dụng công chức hành chính. Đặc biệt, ngày 25/4/2009, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ nhiệm chính thức chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được xác lập từ trước thế kỷ XVII trong khi lịch sử tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ bắt đầu vào tháng 5 năm 1909 khi Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn cử Đô đốc Lý Chuẩn đem 3 pháo hạm ra vài đảo trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1921, Chính quyền miền Nam Trung Quốc ra quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (tên Trung Quốc là Tây Sa) vào đảo Hải Nam. Đường “lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chín đoạn” ra đời vào thời Trung Hoa Dân quốc, do Hu Jinjie – một nhà địa chất Trung Quốc vẽ lần đầu tiên vào tháng 12/1914 sau khi Trung Hoa Dân quốc lấy quần đảo Đông Sa từ tay Nhật Bản (tháng 10/1909). Sau đó, “đường chín đoạn” thường xuyên xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc giai đoạn 1920-1930. Tuy nhiên, tại các cuộc Hội nghị quốc tế về quy chế lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai như Hội nghị Cairo, Posdam, Trung Quốc lại không nói gì tới hai quần đảo. Tháng 12/1947, Bai Meichu (một quan chức của Trung Hoa Dân quốc) đã vẽ “đường lưỡi bò” lên bản đồ chính thức về biển “Nam Trung Hoa” của Trung Hoa Dân quốc. Sau khi giành chính quyền năm 1949, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã sử dụng “đường lưỡi bò” của Trung Hoa Dân quốc để thể hiện yêu sách trên Biển Đông và vào năm 1950, lần đầu tiên chính thức in xuất bản đường này trên bản đồ “Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc phân tỉnh tinh đồ”. Nhận xét chung của hầu hết các học giả quốc tế là “đường lưỡi bò” được vẽ rất tùy tiện, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, không phù hợp với các quy định của luật pháp và tập quán quốc tế. Lý lẽ của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với Biển Đông nói chung và hai quần đảo rất vu vơ, cho rằng vùng biển này là “vùng biển lịch sử” của họ. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thừa nhận bởi vì Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 80% Biển Đông, bao gồm tất cả các đảo, đá, bãi ngầm của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không tuân theo luật pháp quốc tế. Theo yêu sách của Trung Quốc, vùng biển nằm trong đường lưỡi bò được xem là vùng nước nội thuỷ. Trung Quốc đã bốn lần dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép, vào tháng 10/1946, tháng 4/1956 và tháng 1/1974 đối với quần đảo Hoàng Sa và vào năm 1988 với quần đảo Trường Sa.

Với đặc điểm lịch sử như vậy, trong bối cảnh cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay đang là vấn đề căng thẳng, diễn biến phức tạp,  nguồn thông tin, tư liệu lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa có vai trò hết sức quan trọng, có giá trị lịch sử và pháp lý không thể tranh cải. Việc tổ chức nghiên cứu, tập hợp, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu và khai thác, phổ biến, thông tin rộng rãi, chính thống, có tổ chức là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết và cấp bách. Đặc biệt, cần có những chủ trương, chính sách hỗ trợ để có các công trình nghiên cứu khoa học có tầm quốc gia và quốc tế, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín nhằm xác lập giá trị thông tin, tư liệu lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong giới chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức khoa học, giáo dục lớn trong nước và trên thế giới. Đồng thời, tổ chức các hình thức thông tin, phổ biến tư liệu lịch sử chủ quyền một cách chính thống, thường xuyên trên mạng thông tin điện từ toàn cầu, bằng nhiều ngôn ngữ để xác lập giá trị thông tin phổ rộng cho công chúng cũng như đấu tranh với các nguồn thông tin sai lệch, ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử của kẻ thù hòng xóa bỏ các bằng chứng lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa./.

(Lê Phú Nguyện, Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền của Việt Nam, TS Đỗ Bang chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2015, tr287-309)

[1] Tư liệu Viện Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu A2628

[2]Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776, quyển 2,  82b -85a

[3]Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776, quyển 2,  82b -85a

[4] Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Đề tài BĐ HĐ 01-01, Khoa sử ĐH Quốc gia Hà Nội

[5] Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Đề tài BĐ HĐ 01-01, Khoa sử ĐH Quốc gia Hà Nội

[6] Kế hoạch đó được vua Minh Mạng tiếp tục và hoàn thành vào năm 1836.

[7] Giám mục Jean Louis Taberd, Tạp chí The Juornal of Asiatic Society of Bengal, Can-cut-ta (Ấn Độ) năm 1837, soá baùo 6 vaø 7, trang 11, “Pracel hoaëc Paracels (Coàn Vaøng)”.

[8] Ñaïi Nam Thöïc Luïc Chính Bieân ñeä nhò kyû, quyeån 165

[9] Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án tiến sĩ, MS 50315, trang 97

[10] UBND huyện Hoàng Sa, Phòng tư liệu lịch sử.

[11]  UBND huyện Hoàng Sa, Phòng tư liệu lịch sử.

[12] Kỷ yếu Hoàng Sa, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội 2012, trang 36

[13] Kỷ yếu Hoàng Sa, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội 2012, trang 41

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây