Giới thiệu khái quát quận Sơn Trà
Sơn Trà nằm về phía Đông thành phố Đà Nẵng, trải dài theo hạ lưu phía hữu ngạn sông Hàn, có toạ độ địa lý từ16004’51”đến16009’13”vĩ độ Bắc,108015’34”đến108018’42”kinh độ Đông. có diện tích tự nhiên 59,32 km2 và dân số vào khoảng 144.753 người (Niên giám TK 2013). Là một quận có ba mặt giáp sông, biển: Phía Bắc và Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp sông Hàn, phía Nam giáp quận Ngũ Hành Sơn. Quận Sơn Trà có 7 phường: An Hải Đông, An Hải Tây, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang.
Sơn Trà có đường nội quận nối với quốc lộ 14B đi Tây Nguyên – Lào, có cảng nước sâu Tiên Sa nối với đường hàng hải quốc tế, là một trong các cửa ngõ quốc tế về đường biển của thành phố Đà Nẵng. Nhờ có cả 3 mặt giáp sông, biển, có nhiều bãi tắm đẹp tạo cho Sơn Trà một lợi thế so sánh rất lớn về phát triển kinh tế biển cũng như phát triển các loại hình du lịch biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển và tổng thể phát triển du lịch của của thành phố Đà Nẵng, vùng miền Trung và của cả nước.
Thiên nhiên đã dành cho Sơn Trà nhiều địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng như: Suối Đá, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Trẹm, bãi Rạng, bãi Nam, bãi Bắc, bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, dải cát ven biển từ Thọ Quang đến Mỹ Khê, ven biển có nhiều bãi cát đẹp, nhiều vũng nước sâu,… Sơn Trà có các làng cá truyền thống lâu đời, đang còn lưu trữ một nền văn hoá dân gian mang đầy bản sắc dân tộc, độc đáo của vùng ven biển miền Trung. Đó là những lễ hội Nghinh ông, Cầu Ngư với các hoạt động thể thao đầy thú vị, hấp dẫn, mang dáng vẻ riêng biệt của ngư dân như đua ghe, lắc thúng.
Trong một vài năm gần đây, lĩnh vực du lịch của quận đã có nhiều khởi sắc theo hướng tích cực đã thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi. Phát triển du lịch biển là hướng chiến lược song song với việc đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Lấy du lịch nội địa để phát triển du lịch quốc tế. Phát triển du lịch trong mối quan hệ liên vùng, kết hợp Sơn Trà – Đà Nẵng với các khu du lịch miền Trung: Hội An – Mỹ Sơn, Bà Nà, Bạch Mã, Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế; đồng thời chú trọng quan hệ du lịch quốc tế và các quốc gia trên tuyến Liên Á.
Nguồn lợi thuỷ sản dồi dào, phong phú, có giá trị kinh tế cao và nhiều loại hải sản quí hiếm. Ngư trường không bó hẹp trong phạm vi của quận, của thành phố, mà được mở rộng ra các tỉnh lân cận, kéo dài đến Vịnh Bắc Bộ và biển Nam Trung Bộ. Phát triển đội ngũ tàu khai thác hải sản xa bờ, phát triển nhanh số lượng tàu cá có công suất lớn và cải hoán, nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi, hình thành các đội tàu cùng nghề để hỗ trợ nhau khai thác trên biển.
Sản xuất, khai thác thuỷ sản hình thành và trở thành nghề truyền thống, lại nằm cạnh một trung tâm công nghiệp lớn, một thị trường có sức mua mạnh, tiêu thụ một khối lượng lớn hàng thuỷ sản cho tiêu dùng hàng ngày và cho công nghiệp chế biến. Khu công nghiệp Đà Nẵng và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã thu hút được các nhà đầu tư là hạt nhân quan trọng để làm nền tảng cho phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và sự hình thành của các vệ tinh công nghiệp trên địa bàn quận.