Giới thiệu khái quát huyện Mỹ Hào

huyện Mỹ Hào - Tỉnh Hưng Yên

Giới thiệu khái quát huyện Mỹ Hào

1. Vị trí địa lý:

    Mỹ Hào là huyện thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hưng Yên, trong giới hạn địa lý có tọa độ từ 20053’đến 20058’ vĩ độ Bắc, 106002’ đến 10610’ kinh độ Đông. Mỹ Hào có địa giới hành chính:

    – Phía Bắc: giáp huyện Văn Lâm;

    – Phía Nam: giáp huyện Ân Thi;

    – Phía Tây: giáp huyện Yên Mỹ;

    – Phía Đông: giáp huyện Cẩm Giàng, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương).

    Huyện Mỹ Hào có 7.936 ha diện tích tự nhiên với dân số sau quy đổi là 152.605 người (tính đến ngày 31/12/2014); có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn là Bần Yên Nhân và 12 xã (Nhân Hòa, Phan Đình Phùng, Dị Sử, Phùng Chí Kiên, Cẩm Xá, Dương Quang, Bạch Sam, Xuân Dục, Hưng Long, Minh Đức, Ngọc Lâm, Hòa Phong); Trong đó, thị trấn Bần Yên Nhân là huyện lỵ của huyện Mỹ Hào, cách thành phố Hưng Yên 36km, cách Hà Nội 34km, cách thành phố Hải Phòng 73km, cách thành phố Hải Dương 25km, cách thành phố Bắc Ninh 35km được quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên xác định là một đô thị trung tâm tiểu vùng, là vùng kinh tế động lực thứ cấp của Tỉnh. Thị trấn Bần Yên Nhân mở rộng đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV tại Quyết định số 1588/QĐ-BXD ngày 30/12/2014  với vai trò là động lực phát triển kinh tế của Tỉnh, có sức lan toả đến vùng lân cận, thúc đẩy kinh tế các huyện phía Bắc và phía Đông của Tỉnh. 

    Về quan hệ vùng liên tỉnh, Huyện Mỹ Hào là một trung tâm phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô; được ảnh hưởng tích cực bởi các hành lang kinh tế – kỹ thuật – đô thị quan trọng của vùng Bắc bộ gồm: QL5A, QL39A, QL38, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường vành đai 4 Hà Nội, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Do vậy, Mỹ Hào có điều kiện giao lưu trong vùng Bắc bộ với các trung tâm như: Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển miền Bắc, cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

    Đối với tỉnh Hưng Yên, Huyện Mỹ Hào là một cực trong tam giác phát triển công nghiệp, dịch vụ phía Bắc của tỉnh Hưng Yên (Như Quỳnh – Văn Giang – Phố Nối); là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, tài chính của tỉnh Hưng Yên, trung tâm của vùng các huyện Mỹ Hào, Ân Thi, Khoái Châu.

    Ngoài ra, Huyện Mỹ Hào còn có mối quan hệ mật thiết với các trung tâm phát triển lân cận như tỉnh Bắc Ninh, vùng phía Tây tỉnh Hải Dương. Mối quan hệ chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và tiêu thụ nông phẩm. Trong đó Mỹ Hào là địa phương có nhiều trung tâm, cơ sở sản xuất kinh doanh phụ trợ và xúc tiến thương mại cho các địa phương trên (sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh thiết bị công nghiệp, phương tiện giao thông, hàng Tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công, mỹ nghệ).

2. Điều kiện tự nhiên:

    a) Địa hình, địa mạo:

    Huyện Mỹ Hào thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, có địa hình bằng phẳng. Độ dốc nền trung bình rất nhỏ, từ 0,001% đến 0,008%; hướng dốc chính từ Tây Bắc về Đông Nam; cao độ nền tự nhiên trung bình  từ 2,5m đến 3,5m. Đây là khu vực có cốt cao độ khá cao trong tỉnh và vùng, ít bị ngập lụt. 

    b) Khí hậu:

    Khí hậu huyện Mỹ Hào mang tính chất nhiệt đới gió mùa, hằng năm chia thành hai mùa nóng, lạnh rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 24oC. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 có mưa nhiều; mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, ít mưa. Độ ẩm không khí trung bình năm 87,5%. Lượng mưa trung bình năm: 1.500 – 1.600mm. Gió Đông Bắc thổi vào mùa lạnh và gió Đông Nam thổi vào mùa nóng. Vào tháng 6, tháng 7 xuất hiện đợt gió khô nóng, mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau có những đợt rét đậm kéo dài. Khí hậu tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có thể gieo trồng nhiều vụ trong năm.

    c) Thủy văn:

    Huyện Mỹ Hào chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng thông qua các phân lưu là sông Bắc Hưng Hải (đi qua phía Nam Huyện) và sông Cửu An (đi qua phía Đông Huyện).

    – Sông Hồng chạy dọc theo ranh giới phía Tây của tỉnh Hưng Yên, cách huyện Mỹ Hào khoảng 15km về phía Tây. Sông rộng 3 – 4km và sâu, có nhiều cồn bãi lớn, mực nước mùa cạn là +1,58m, mùa lũ là +4,7m. Lưu lượng trung bình 850 – 950m3/s, lưu lượng cao nhất mùa lũ là 8.160m3/s, lưu lượng thấp nhất mùa kiệt là 105m3/s. Vào mùa kiệt tốc độ dòng chảy nước sông dao động khoảng 0,2: 0,4m/s, mùa lũ 1,3: 1,5 m/s. Bề rộng dòng sông là 500 – 1.000m, đỉnh lũ năm với báo động cấp I là 9,5m.

    – Sông Bắc Hưng Hải: Chạy qua ranh Nam Huyện tại xã Ngọc Lâm, Hưng Long. Đoạn qua Huyện có chiều dài 6km; chiều rộng 70:100m, lưu lượng 75 ¸ 105m/s, mực nước sông được điều tiết và kiểm soát trung bình +2,0m, vào mùa mưa có thể lên tới +4,2m.

    – Sông Cửu An vốn là phân lưu của sông Hồng và là một nhánh chính của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, chạy qua ranh giới phía Đông Nam Huyện với chiều dài khoảng 4km, chiều rộng 50 – 130m, hai con sông này góp phần quan trọng vào việc ổn định lượng nước tưới tiêu cho nông nghiệp toàn vùng và huyện Mỹ Hào. Mực nước sông cũng được điều tiết và kiểm soát nên trung bình +1,9m, vào mùa mưa có thể lên tới +4,4m.

    – Các tuyến sông nội đồng của Huyện gồm sông Bần Vũ Xá (15km), kênh Trần Thành Ngọ (7,25km) và sông Cầu Lường giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới, tiêu trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống trong Huyện, đồng thời bồi đắp phù sa hàng năm. Ngoài ra, Huyện còn có hệ thống hồ, đập, các sông, kênh nội đồng nhỏ khác, khi cần thiết có sự điều tiết của hệ thống trạm bơm.

    – Do có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải điều tiết nên lũ chỉ xuất hiện tại sông Hồng và không ảnh hưởng huyện Mỹ Hào. Trong Huyện rất ít khu vực thường xuyên bị ngập úng (kể cả những vùng thấp nhất ở phía Đông Nam Huyện).

3. Lịch sử hình thành:

    Vùng đất Mỹ Hào được khai khẩn từ thời kỳ các vua Hùng dựng nước. Lúc bấy giờ, vùng đất này còn là những triền đất, gò đống do sông Hồng bồi tụ, nổi lên giữa đầm lầy cỏ lác và lau sậy, dân cư thưa thớt với nguồn sống chính là đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp.

    Thời Văn Lang – Âu Lạc, vùng đất Mỹ Hào thuộc bộ Dương Tuyền (Thanh Tuyền). Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì huyện Mỹ Hào ngày nay có tên là huyện Đường Hào từ cuối thời Bắc Thuộc (TK thứ 9-10). Sau nhiều lần chia tách, đến năm 1885 (năm Đông Khánh thứ nhất) vì kiêng từ húy nhà vua là “Đường”, Triều đình nhà Nguyễn đã đổi tên huyện Đường Hào (thuộc Hải Dương) thành huyện Mỹ Hào.

    Ngày 25 tháng 2 năm 1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy, bao gồm các phần đất được tách ra từ các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Đạo Bãi Sậy chia ra làm 4 huyện: Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ, Mỹ Hào, thủ phủ đặt ở Bần Yên Nhân (thuộc Mỹ Hào). Huyện Mỹ Hào gồm 4 tổng của huyện Đường Hào còn lại sau khi đã thành lập huyện Yên Mỹ. Năm Thành Thái thứ 3 (1891), toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ đạo Bãi Sậy, đưa các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào của đạo này sát nhập vào tỉnh Hưng Yên.

    Địa bàn đô thị Mỹ Hào ngày nay chính là khu vực có Phố Nối, Phố Bần, Phố Thứa xưa của tỉnh Hưng Yên. Trước cách mạng tháng 8/1945, đây là một trong số ít trung tâm buôn bán, dịch vụ của vùng giáp ranh các tỉnh thành gồm: Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương; đây còn là nơi tập trung dân cư, hoạt động giao thương, văn hóa, công sở gắn với khu quân sự quan trọng của người Pháp ở vùng Bắc bộ đến năm 1945 (Bốt Bần); Vì vậy Phố Nối, Phố Thứa đã nổi tiếng là một trung tâm giao thương có tầm liên tỉnh, là một đầu mối giao thông của vùng ĐBBB giữa QL5A và QL39A.

    Sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sắp xếp lại các thôn xã của huyện Mỹ Hào: xóa bỏ cấp tổng, đặt lại thành 14 xã và đến năm 1961 còn 13 xã. Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58/CP hợp nhất một số huyện của Hải Hưng; trong đó huyện Văn Lâm, Mỹ Hào hợp nhất thành huyện Văn Mỹ. Tiếp đó, ngày 24 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70/CP điều chỉnh lại địa giới của 13 huyện thuộc tỉnh Hải Hưng và hợp nhất thành 7 huyện mới. Huyện Văn Mỹ nhập thêm 14 xã thuộc huyện Văn Yên, lấy tên là Mỹ Văn. Trong giai đoạn này vùng đất Mỹ Hào thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.   

    Sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập năm 1997, Ngày 1 tháng 9 năm 1999, huyện Mỹ Hào được tái lập theo Nghị định số 60/NĐ-CP của Chính phủ với diện tích tự nhiên 7.911ha gồm 13 đơn vị hành chính là thị trấn Bần Yên Nhân và 12 xã (Nhân Hòa, Dị Sử, Bạch Sam, Phùng Chí Kiên, Minh Đức, Hòa Phong, Cẩm Xá, Phan Đình Phùng, Hưng Long, Xuân Dục, Ngọc Lâm và Dương Quang).

    Từ năm 1999 đến nay, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, lần lượt các Khu công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và vùng được xây dựng tại Mỹ Hào như: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, Khu công nghiệp Thăng Long II (100% doanh nghiệp nước ngoài), Khu công nghiệp Minh Đức; đồng thời các điểm công nghiệp địa phương tại thị trấn Bần, xã Nhân Hoà, xã Dị Sử, xã Phùng Chí Kiên, xã Minh Đức cũng được phát triển. Đến năm 2013, tổng diện tích các dự án công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Mỹ Hào đã là 7.06,31ha. Thành tựu phát triển công nghiệp ở Mỹ Hào đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tỉnh Hưng Yên gia nhập vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

    Cũng trong giai đoạn này, QL5A, QL39A và một số hạng mục giao thông trên địa bàn huyện Mỹ Hào được nâng cấp, xây dựng mới như: TL380, TL387, cầu vượt Quán Gỏi, Phố Nối, Bạch Sam đã kéo theo sự hình thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng dọc các tuyến QL5A, QL39A, TL380. Các khu phố cũ như Phố Bần, Phố Thứa, Phố Nối càng được phát triển và có sức hút cao, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của khu vực. Đến nay Mỹ Hào đã là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Hưng Yên.

    Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, địa danh Mỹ Hào có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên và vùng ĐBBB nói chung. Huyện Mỹ Hào còn được biết đến là vùng đất trù phú với các ngành nghề Tiểu thủ công nghiệp như sản xuất tương – 1 trong 10 loại nước chấm nổi tiếng nhất của Việt Nam, sản xuất đồ mộc ở xã Hòa Phong. Mỹ Hào còn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học” gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa Bảng, danh nhân chí sỹ nổi tiếng như: Nguyễn Thiện Thuật, trạng nguyên Giáp Trưng, Phạm Sỹ Ái. Nói đến Mỹ Hào là nói đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi có nhiều tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang và bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 1996, huyện Mỹ Hào đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lực lượng vũ trang nhân dân.

    Được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của các cấp các ngành Trung ương và Tỉnh, đô thị Mỹ Hào với nền tảng là thị trấn Bần Yên Nhân đã phát triển phù hợp với định hướng của quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia và vùng thủ đô, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên, quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Hào và Chương trình phát triển đô thị Mỹ Hào đến năm 2020. Đến cuối năm 2014, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị đã cơ bản đồng bộ gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa; kiến trúc cảnh quan, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Huyện Mỹ Hào đã có đủ điều kiện đề nghị thành lập thị xã Mỹ Hào.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây