Giới thiệu khái quát huyện Tứ Kỳ

huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương

Giới thiệu khái quát huyện Tứ Kỳ

Tứ Kỳ là một huyện mới được tách từ huyện Tứ Lộc cũ theo Quyết định số 05/QĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về việc tách huyện Tứ Lộc thành hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc, hoạt động chính thức ngày 01 tháng 3 năm 1996 theo đơn vị hành chính đã được phân cấp. Cùng ngày 01 tháng 3 năm 1996 huyện Tứ Kỳ chính thức bắt đầu đi vào hoạt động.

Huyện Tứ Kỳ là một trong 12 đơn vị hành chính của tỉnh Hải Dương. Huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, nằm giữa châu thổ sông Hồng. Phía Bắc huyện giáp với thành phố Hải Dương và huyện Gia Lộc; phía Nam giáp huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Phòng; phía Đông giáp huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Phòng; phía Tây giáp với huyện Gia Lộc và huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương. Huyện Tứ Kỳ nằm dọc theo trục đường 191(nay là đường 391) nối Quốc lộ 5 với quốc lộ 10 đi Hải Phòng, Thái Bình, cách Hà Nội 60 Km về phía Tây Bắc, cách Hải Phòng 40 Km về phía Nam và Đông Nam, cách thành phố Hải Dương 14 Km về phía Tây Bắc; bao bọc xung  quanh huyện là 02 tuyến sông Thái Bình và sông Luộc. Với vị trí trên là điều kiện cho huyện phát triển cơ cấu đa dạng các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng kinh tế, văn hoá xã hội. Thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các huyện khác và với các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Huyện Tứ Kỳ có 27 đơn vị hành chính gồm 01 Thị trấn và 26 xã với tổng diện tích tự nhiên là: 16.813 ha, dân số 158.769 người. Bên cạnh, nghề nông, huyện còn có một số làng nghề như: nghề ren ở xã Minh Đức, Tân Kỳ; nghề thêu ở xã Hưng Đạo, chiếu cói ở xã An Thanh, mây tre đan ở Thị trấn Tứ Kỳ…

Có thể nói trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, người dân Tứ Kỳ luôn luôn cần cù, sáng tạo thì đời sống văn hóa, tinh thần cũng khá phong phú. Tứ Kỳ là nơi có nhiều đình, chùa, miếu với cảnh quan đẹp và là nơi nhân dân thờ cúng, hội hè, đình đám…Hiện nay Tứ Kỳ có các công trình được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa là: chùa Đông Dương (Minh Đức), chùa Phúc Diên (Tân Kỳ), chùa Khánh Linh (Phượng Kỳ), miếu Phạm Xá (Ngọc Sơn). Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Tứ Kỳ. Trong hàng trăm di tích của Tứ Kỳ, nhiều di tích gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của huyện như: đình La Tỉnh (Thị trấn), đền Mắc (Quang Phục), chùa Nghi Khê (Tân Kỳ). Mặc dù các di tích văn hóa của huyện đã trải qua hàng trăm năm bị thiên tai, giặc tàn phá nhưng những dấu ấn tốt đẹp vẫn còn đọng lại sâu sắc trong ký ức của nhiều người dân nơi đây. Là một vùng quê bốn mùa cây cối xanh tươi, mọi người dân sống đoàn kết, vui vẻ, lạc quan, Tứ Kỳ còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, những lời ca, tiếng hát như: truyện Nhất bào sinh ngũ tử ở La Tỉnh (Thị trấn Tứ Kỳ), truyện song sinh đồng tử ở Hiền Sĩ (Tây Kỳ), ông Cộc, ông Dài ở Lạc Dục (Hưng Đạo), bà Bổi Lạng ở Bình Lãng- một doanh nhân giàu lòng từ thiện…hầu hết đều phản ánh truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, lao động sáng tạo và đời sống tinh thần phong phú của người dân Tứ Kỳ. Ngoài ra ở thôn Xuân Nẻo (Hưng Đạo) có chiếu chèo bà trùm Bông, người Đại Đồng giỏi hát tuồng, người Đại Hợp giỏi hát đúm, người Dân Chủ giỏi hát ả đào, hát ca trù- là cái nôi của Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam…Nhiều địa phương ở Tứ Kỳ hàng năm vào những tháng nông nhàn tổ chức các lễ hội như: xã Quang Khải, Minh Đức có hội pháo đất; xã Văn Tố, An Thanh, Hưng Đạo có hội vật, hội bơi, xã Dân Chủ có hội săn bắt chim…

Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tứ Kỳ đã có những đóng góp xứng đáng công sức và xương máu của mình. Toàn huyện có 4.333 liệt sĩ, 1.722 thương binh, 1.037 bệnh binh, 216 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 02 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 02 anh hùng lao động. Đặc biệt xã Hưng Đạo được 02 lần phong tặng danh hiệu là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện.

Với những thuận lợi trên huyện Tứ Kỳ ngày càng phát triển lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước. Tuy còn gặp nhiều khó khăn trước mắt nhưng huyện Tứ Kỳ vẫn vươn lên trở thành điểm sáng của tỉnh Hải Dương, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây