Giới thiệu khái quát huyện Vân Đồn

Giới thiệu khái quát huyện Vân Đồn

Giới thiệu khái quát huyện Vân Đồn

1- Vị trí địa lý:

Vân Đồn là một huyện đảo miền núi nằm ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc, có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là 551,33km2, chiếm 9,3% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh, phần vùng biển rộng 1.620km2, hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải. Trong đó, đảo Cái Bầu là rộng nhất 17.212ha, gồm thị trấn Cái Rồng và 6 xã. Với toạ độ từ 20o40’ đến 21o12’ vĩ độ Bắc và từ 107o19’ đến 107o42’ kinh độ Đông.

Huyện lỵ là thị trấn Cái Rồng trên đảo Cái Bầu cách thành phố Hạ Long gần 50km, cách Cửa Ông 7km; phía Bắc giáp vùng biển huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà; phía Tây giáp thành phố Cẩm Phả, ranh giới là lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn; phía Đông giáp vùng biển huyện Cô Tô; phía Nam giáp vịnh Hạ Long và vùng biển Cát Bà (Hải Phòng).

2- Địa hình: Vân Đồn có ít sông ngòi, núi có nhiều nhưng không cao, mà chủ yếu là núi đá vôi. Các đảo lớn gần đất liền có núi cao trên 300m, các đảo nhỏ và xã chỉ có núi cao dưới 200m. Địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình là 40m so với mặt biển; độ dốc trung bình 25o, ít bằng phẳng và thường bị chia cắt. Do địa hình đảo nên toàn huyện không có sông mà chỉ có suối. Có hai hồ nhỏ là hồ Voòng Tre và hồ Mắt Rồng.

3- Diện tích:

Năm 2006: Huyện Vân Đồn có diện tích đất tự nhiên 55.133ha, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hơn 20 đảo có người ở. Lớn nhất là đảo Cái Bầu rộng 17.212ha, trong đó có thị trấn huyện lỵ và 6 xã. Vùng đảo xa trải rộng gồm 5 xã. Các đảo đều có địa hình núi. Núi thường chỉ cao 200- 300m. Núi Nàng Tiên ở đảo Trà Bản (Bản Sen) cao 450m, núi Vạn Hoa ở đảo Cái Bầu cao 397m.

Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên là 58.183 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp )1.943 ha, chiếm 3,3%), đất lâm nghiệp (34.141 ha, chiếm 60,4%), đất chuyên dùng (2.661 ha, chiếm 4,6%), đất ở (359 ha, chiếm 0,6%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

4- Dân số :

Năm 2006: 41.081 người; Mật độ dân cư: 74 người/km2.

Năm 2010: 40.800 người (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

Năm 2015: 43.900 người.(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

Năm 2017: 45.700 người, mật độ dân số trung bình là: 78,6 người/km2(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)

5- Các đơn vị hành chính: Gồm 1 thị trấn và 11 xã:

– Thị trấn Cái Rồng.

 – Các xã: Đài Xuyên, Bình Dân, Đoàn Kết, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá, Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi.

6- Khí hậu:

Vân Đồn có nhiều vùng tiểu khí hậu. Lượng mưa bình quân trên 2000mm/năm, độ bức xạ lớn, nhiều sương mù, mưa phùn và gió bão lớn.

Vân Đồn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, từ tháng 3 đến tháng 8, gió Đông Nam từ biển thổi vào mát mẻ, từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi về, bởi vậy, hay gây ra sương mù. Lượng mưa trung bình năm ở khu vực quần đảo Cái Bầu là 1.748mm, ở Bản Sen thuộc quần đảo Vân Hải là 2.442mm.

7- Địa điểm du lịch và đặc sản của huyện:

– Du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm… tại các khu Bãi Dài, cảng Cái Rồng, bến cảng Vạn Hoa, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu; tham quan cảnh quan, hang động, nghiên cứu các giá trị hệ sinh thái biển, rừng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao, tắm biển, lễ hội, di tích lịch sử văn hoá tại các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Ngoài ra, bạn còn có thể trải nghiệm cảm giác làm ngư dân, khi cùng những người địa phương ra khơi câu mực, câu cá đục mỗi tối… Mỗi sớm mai thức dậy, bạn có thể đi đào sá sùng, sau đó được thưởng thức những món ăn chế biến từ chính thành quả lao động của mình.

– Vân Đồn có chè Vân, cam Sen và đào nổi tiếng của tỉnh, có nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại, như: tôm, cá, cua, ghẹ, trai ngọc, sá sùng, bào ngư, ốc bể… (tu hài khá giàu chất dinh dưỡng, trong thịt có chứa 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng và đặc biệt là 18 loại axit amin, trong đó có một số là những axit amin không thay thế).

8- Những thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật.

+ Năm 2017: Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu đạt khá: Thủy sản đạt 107,3% kế hoạch; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 234,049 tỷ đồng (tăng 118,3% so với năm trước), khách du lịch tăng 16% so với năm trước. Các quy hoạch chiến lược cơ bản hoàn thành; quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Thực hiện thỏa thuận 35 quy hoạch đảm bảo theo quy trình; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào 11 quy hoạch, dự án. Trên địa bàn có 21 dự án trọng điểm, đến hết năm 2017 công tác GPMB: 5 dự án hoàn thành 100%, 12 dự án đang GPMB theo quy định. (Theo: Quảng Ninh toàn cảnh 2017).

+ Năm 2018:  Các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: Thủy sản đạt 114% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 282,161 tỷ đồng (118,4% cùng kỳ); khách du lịch tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Các quy hoạch chiến lược cơ bản hoàn thành; quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Hoạt động du lịch và quản lý nhà nước về du lịch được triển khai tốt; tiếp tục phối hợp triển khai dự án du lịch cộng đồng trên đảo Quan Lạn, xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động cho Ban du lịch sinh thái cộng đồng, triển khai đào tạo cho các thành viên và cộng đồng tham gia 2 hành trình khám phá trên Đảo Quan Lạn. 

Lịch sử – văn hoá – xã hội

Trong Cách mạng tháng Tám, ngày 27-9-1945 chính quyền cách mạng thànhlập trên đảo cái Bầu (lúc đó là xã Đại Độc). Năm 1946 hải quân Pháp (từ cảng Phòng Thành Trung Quốc) quay lại chiếm Cô Tô, Vạn Hoa và khống chế các xã đảo tuyến ngoài. Một số đảng viên từ huyện Thụy Anh Thái Bình ra đây xây dựng các tổ chức Việt Minh, các xã đảo tuyến ngoài tạm thời thuộc huyện Thuỵ Anh về tổ chức chính trị. Cuối năm 1948 huyện Cẩm Phả được thành lập (tách khỏi thị xã Cẩm Phả – Cửa Ông) và trực thuộc Đặc khu Hòn Gai. Cũng từ đây, các xã được thành lập, xã Đại Độc chia thanh nhiều xã, tuyến đảo ngoài có thêm các xã Thắng Lợi, Thành Công, Hùng Thắng, nguyên là dân các xã Giang Võng, Trúc Võng gồm toàn dân chài ở vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy Hoành Bồ lánh giặc ra đây. (Sau kháng chiến hai xã trở về Hòn Gai vẫn giữ tên Thành Công, Hùng Thắng). Trong thời kháng chiến, Pháp gọi đảo Cái Bầu là huyện Cửa Tiên Yên trong ‘’Xứ Nùng tự trị Hải Ninh’’. Ngày 16-7-1964 huyện Cẩm Phả sáp nhập thêm xã Cô Tô và xã Thanh Lân trực thuộc tỉnh (trước đó thuộc huyện Móng Cái).   

Ngày 23-3-1994, Chính phủ ra nghị định đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn và tách quần đảo Cô Tô thành huyện Cô Tô. 

Huyện Vân Đồn có lịch sử và truyền thống văn hoá đặc sắc. Hang Soi Nhụ có di chỉ thời trung kỳ đồ đá mới, trước Văn hoá Hạ Long, gần đây được coi là di chỉ trên biển của Văn hoá Soi Nhụ. ở thôn Đá Bạc xã Minh Châu có di chỉ mộ cổ (thời Đông Hán người Trung Quốc đã đến đây buôn bán). Thương cảng Vân Đồn bên sông Mang (xã Quan Lạn) mở từ thời Lý là cảng ngoại thương phồn thịnh và hoạt động đến hơn bốn thế kỷ, nay còn nhiều dấu vết. Cũng trên sông Mang, thời Trần, tướng Trần Khánh Dư đã diệt đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên-Mông Trương Văn Hổ, chặn nguồn lương thảo buộc đại quân Nguyên Mông phải rút lui và bị tiêu diệt ở sông Bạch Đằng. Vùng đảo Vân Hải là căn cứ nhiều năm của cuộc khởi nghĩa Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Đầu thời Nguyễn quân dân Vân Đồn đã có nhiều trận đánh đuổi quân Thanh và các toán giặc biển Trung Hoa tràn vào cướp phá. Chống quân Pháp xâm lược, cuộc khởi nghĩa Lãnh Hy lập căn cứ ở Hà Vực, tiếp đến cuộc khởi nghĩa của Đề Hồng, Cai Thái lập căn cứ ở Bản Sen đã có nhiều trận đánh vào đồn binh Pháp và bọn Pháp ở mỏ Kế Bào. Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đảo là hậu cứ của Cẩm Phả – Cửa Ông và là vùng chiến tranh du kích kiên cường. Ngày 13-8-1954 tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi quân cảng Vạn Hoa, vùng đảo hoàn toàn được giải phóng. Thời chống Mỹ, vùng đảo là căn cứ an toàn của nhiều tầu hải quân và là cửa ngõ giao lưu hàng hải khi cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai bị phong toả. Máy bay Mỹ đánh phá huyện đảo 534 trận, giội hơn 2000 quả bom phá; các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Vạn Yên bị bắn phá xơ xác. Toàn huyện chiến đấu kiên cường, bắn rơi 33 máy bay, bắt sống một số giặc lái Mỹ. Xã Ngọc Vừng và toàn huyện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Về văn hoá, xã hội, Vân Đồn có nhiều nét đáng chú ý. Ngoài di tích khảo cổ hang Soi Nhụ, mộ Hán Đá Bạc, thương cảng Vân Đồn, còn có chùa Lấm, một ngôi chùa rất lớn thời Trần. Cụm di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, nghè xã Quan Lạn đã được liệt hạng ngày 14-7- 1990, ở Quan Lạn còn có 3 ngôi miếu thờ 3 anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng), những liệt sĩ người địa phương được dân tôn thờ lâu đời. Những hang động đẹp như hang Quan, hang Đúc Tiền, hang Nhà Trò và các bãi cát trắng ở Quan Lạn, Minh Châu cùng cả một vùng non nước kỳ thú rất đáng thưởng ngoạn. Những người dân chài lênh đênh trên thuyền và trên các hòn đảo còn có một vốn văn hoá phi vật thể phong phú. Đó là tục hát nhà tơ, hát đám cưới, đặc biệt là hát cưới trên thuyền với lời ca và giai điệu trữ tình. Vân Đồn còn có lễ hội Quan Lạn có đua thuyền với quy cách tổ chức độc đáo vào giữa tháng 6 âm lịch. 

Vân Đồn đang có những dự án phát triển mạnh mẽ kinh tế đồng thời phát huy vốn văn hoá truyền thống. Về giáo dục, Vân Đồn đã có trường phổ thông trung học Hải đảo từ hơn 20 năm. Các xã đều có trường học đến hết cấp II. Các xã đảo xa nhất cũng được phủ sóng truyền hình và có mạng thông tin vi ba, thông tin liên lạc thuận lợi./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây