Giới thiệu khái quát huyện Tiên Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Yên

1- Vị trí địa lý:

Tiên Yên là một huyện miền núi thuộc khu vực miền Đông của tỉnh, có toạ độ từ 21o12’ đến 21o33’ vĩ độ bắc và từ 107o13’ đến 107o35’ kinh độ đông; Bắc giáp huyện Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn và huyện Bình Liêu, đông giáp huyện Đầm Hà, tây giáp huyện Ba Chẽ và TP Cẩm Phả, nam giáp huyện Vân Đồn.

Huyện lỵ là thị trấn Tiên Yên nằm ở điểm giữa Quốc lộ 18A, cách thành phố Hạ Long và Móng Cái đều trên 90km. Quốc lộ 4 từ Lạng Sơn xuống cũng qua đây rồi ra cảng Mũi Chùa. Từ Tiên Yên còn có đường 331 lên Bình Liêu tới cửa khẩu Hoành Mô 47km. Là một đầu mối giao thông giữa vùng Đông Bắc hiểm yếu nên Tiên Yên luôn có vị trí quan trọng về kinh tế quốc phòng.

2- Địa hình:

Địa hình Tiên Yên trập trùng đồi núi. Xã Đại Dực nằm lọt ở chân dãy Pạc Sủi và dẫy Thung Châu có nhiều đỉnh cao trên 700m. Các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Hải Lạng, Điền Xá, Yên Than cũng liên tiếp các quả núi 300-400m. Sông Tiên Yên bắt nguồn từ vùng núi cao Bình Liêu và sông Phố Cũ bắt nguồn từ Đình Lập là hai sông có lưu vực rộng, mùa mưa hay gây lũ lớn.

Sông Hà Tràng từ dãy Pạc Sủi đổ xuống ở phía đông cũng gây lũ dữ dội. Các sông đều có độ dốc lớn, chỉ ở vùng cửa sông thuyền bè mới ra vào được, nhưng chính các con sông này đã không ngừng mở rộng các bãi phù sa cổ cửa sông, tạo nên những cánh đồng ven biển ở các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Tiên Lãng, Hải Lạng. Ngoài cửa biển, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ còn bồi đắp tạo nên bãi triều ngập mặn rộng lớn của đảo Đồng Rui.

3- Khí hậu:

Tiên Yên có nhiệt độ trung bình năm 22,4oC, mùa đông ở rẻo cao khá lạnh, nhiều ngày có sương muối, nhiệt độ có khi dưới 4oC, lượng mưa lớn, trung bình năm tới 2427mm, mưa phùn nhiều và mùa đông hay có sương mù.

4- Diện tích:

Năm 2011: Với diện tích rộng 64.789 ha, đứng thứ hai trong tỉnh sau Hoành Bồ, tài nguyên lớn nhất của Tiên Yên là đất rừng (29.330ha), trong đó 2 phần 3 là rừng tự nhiên, xưa có nhiều lim, táu. Đất rừng tự nhiên thích hợp nhiều loại cây trồng lâu năm, hiện đã có vài ngàn ha trồng quế, sở, thông, bạch đàn.

Đất nông nghiệp của Tiên Yên rất hẹp, chỉ hơn 3000ha, trong đó gần 2000ha là đất ruộng lúa nước. (Hiện nay có 2 hồ nước: Hồ Khe Táu 8 triệu m3 và hồ Tiên Lãng 0,6 triệu m3). Vùng cửa sông và ven biển rộng 1.163ha đất có mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản.

Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên là 65.208 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (4.394 ha, chiếm 6,7%), đất lâm  nghiệp (43.238 ha, chiếm 66,3%), đất chuyên dùng (1.295 ha, chiếm 2%), đất ở (391 ha, chiếm 0,6).

5- Dân cư:

Năm 2009,  44.352 người. Người Kinh chiếm 50,2%, Dao 22,6%, Tày 14,6%, Sán Chay 8,1%, Sán Dìu 3,6%… Xưa người Hoa đông hàng thứ hai, sau năm 1978 còn lại vài chục người. Người các tỉnh đồng bằng đông nhất là nông dân ngoại thành Hải Phòng ra các xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải… làm cho cơ cấu dân tộc và sức sản xuất có những thay đổi cơ bản.

Năm 2010: 45.200 người.

Năm 2015: 49.000 người.

Năm 2017: 50.300 người. Mật độ dân số trung bình: 77 người/km2

6- Các đơn vị hành chính: Gồm 1 thị trấn và 11 xã.

– Thị trấn Tiên Yên.

– Các xã: Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Phong Dụ, Hải Lạng, Đại Dực, Đại Thành, Yên Than, Hà Lâu, Điền Xá và Đồng Rui.

7- Địa điểm du lịch và đặc sản của huyện:

– Đến Tiên Yên, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một thị trấn nhỏ nằm khép mình bên ngã ba sông, với những ngôi nhà hai tầng cổ kính, kín đáo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

– Nằm giữa núi rừng Tiên Yên (Quảng Ninh), Pặc Sủi nổi tiếng là một ngọn thác hùng vĩ với 16 tầng, mang vẻ đẹp lãng mạn của núi rừng, vừa ẩn chứa bao huyền tích đẹp. Đây là một điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, khó bỏ qua đối với những du khách ưa khám phá, thích chụp ảnh…

Đỉnh cao Ngầu Vó Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) du khách có dịp đứng trong mây, bao quát toàn cảnh núi rừng Tiên Yên.

– Tiên Yên không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính mà còn được biết đến với đặc sản “gà đồi”. Gà Tiên Yên sau khi luộc da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, có cảm giác hơi ngậy, nhưng cắn một miếng mới thấy thật giòn và ngọt… …

Ngoài ra Tiên Yên còn nổi tiếng với món bánh “gật gù” chấm nước mắm cốt lẫn hành khô, tỏi, ớt; món Khau nhục và kẹo Lạc Hồng.

Theo QNP

8- Những thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật.

+ Năm 2017: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 82,6 tỷ đồng (tăng 10,4% dự toán tỉnh, tăng 28,1% so với năm 2016); Thu ngân sách địa phương ước đạt 554,8 tỷ đồng (bằng 116,4% dự toán tỉnh, 114% dự toán huyện, tăng 19,3% so với năm trước). (Theo: Quảng Ninh toàn cảnh 2017).

+ Năm 2018: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 92,2 tỷ đồng (123% dự toán tỉnh giao, 112 dự toán của huyện, tăng 6% so với cùng kỳ). Thu ngân sách địa phương ước đạt 620,2 tỷ đồng (212,2% dự toán tỉnh giao, 101% dự toán địa phương, tăng 15% so với cùng kỳ). Công trình Hồ chứa nước Khe Cát đã bắt đầu được khai thác; hoàn thành hẹ thống kè chống sạt lở bảo vệ khu vực bờ sông Tiên Yên, thông xe cầu giàn thép Đồng Châu, xã Tiên Lãng đấu nối với QL 4BB. Tổ chức thành công chuỗi các hoạt động Tuần văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ II năm 2018. Đã thực hiện nhất thể hóa Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng, Đại Dực (đạt 7/12 xã, thị trấn) và thực hiện nhất thể hóa bí thư, chi bộ kiêm trưởng thôn (đạt 122/122 thôn, khu phố). 

Lịch sử – văn hoá – xã hội

Đầu thế kỷ XIX, châu Tiên Yên có 6 tổng, 32 xã phường, gồm cả vùng Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, một phần huyện Đình Lập và đảo Cái Bầu của huyện Vân Đồn ngày nay. Thời thuộc Pháp, hai tổng Bình Liêu, Vô Ngại được tách ra thành lập châu Bình Liêu (26-12-1919), sau đó vùng rộng lớn phía nam tách ra thành lập châu Cẩm Phả, châu Tiên Yên còn lại 3 tổng. Sau này, cắt hai xã Châu Sơn, Bắc Lãng về Đình Lập, xã Dực Yên về Đầm Hà. (Thời kháng chiến, Pháp lập thêm ra “huyện Cửa Tiên Yên” gồm cả xã Đại Độc trên đảo Cái Bầu trong cái gọi là ‘’Xứ Nùng tự trị Hải Ninh’’).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây