Giới thiệu khái quát huyện Vạn Ninh
1. Địa lý tự nhiên
Huyện Vạn Ninh là huyện đồng bằng ven biển nằm về phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, trên tọa độ từ 12o45’-12o52’15” độ vĩ Bắc và 108o52’- 109o27’55” độ kinh đông, tổng diện tích tự nhiên của huyện là 550 km2, với trên 3/4 là đất rừng núi, đất nông nghiệp khoảng 9.000 hecta.
Phía Bắc và Tây Bắc của huyện tiếp giáp với tỉnh Phú Yên, phía Nam và Tây Nam tiếp giáp Thị xã Ninh Hòa, phía Đông giáp biển Đông.
Đặc điểm địa lý: Huyện Vạn Ninh có hình dạng thon, cao ở phía Bắc, rộng thấp dần ở phía Nam. Địa hình có ba vùng rõ rệt: Vùng rừng đồi, núi; vùng đồng bằng và vùng hải đảo. Đặc điểm mỗi vùng có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội và các hoạt động khác của huyện.
Bờ biển Vạn Ninh dài khoảng 60km, có nơi núi lan ra sát biển; nhiều hồ, đập nước như Hoa Sơn, Suối Sung, Đồng Điền, Hải Triều… và 2 con sông chính là sông Đồng Điền và sông Hiền Lương.
Khí hậu: Vạn Ninh nằm trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa. Nhiệt độ trung bình là 25oC, lượng mưa bình quân hàng năm là 1.399mm, quanh năm trời nắng ấm.
Khoáng sản: Có cao lanh Xuân Tự, cát trắng Đầm Môn, sa khoáng imenit Vĩnh Yên – Hòn Gốm, đá granit Tân Dân, vàng Xuân Sơn…. trong đó cát trắng Đầm Môn và đá Granit Tân Dân có trữ lượng khá lớn.
Giao thông: Hệ thống giao thông thuận lợi, có tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua các ga Đãi Lãnh, Tu Bông, Vạn Giã; có các tuyến đường liên thôn, liên xã và tuyến đường chạy dọc bán đảo Hòn Gốm tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn nối các vùng trong huyện…Về giao thông thủy, có tuyến đường biển ra đảo Hòn Lớn và các cảng biển có vị trí hết sức thuận lợi, rất gần với đường hàng hải quốc tế.
2. Dân cư:
Lịch sử hình thành và phát triển dân cư từ rất sớm. Tổng dân số là 128.290 người (tính đến năm 2011), mật độ dân số 229 người/ km2. Có thể nói, sự phát triển dân số ở đây chủ yếu là người Kinh di dân từ các địa phương phía Bắc vào. Địa bàn cư trú của họ phần lớn là ở vùng đồng bằng, ven biển và sống thành cộng đồng làng xã ổn định.
3. Hành chính: Huyện có 12 xã và 1 thị trấn gồm: xã Đại Lãnh, Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng, Xuân Sơn, Vạn Thạnh và thị trấn Vạn Giã. Vùng đất thị trấn Vạn Giã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Vạn Ninh.
4. Du lịch: Vạn Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh, nổi tiếng nhất là bãi biển Đại Lãnh, được vua Minh Mạng chọn làm biểu tượng khắc vào 1 trong 9 đỉnh đồng đặt trước Thế Miếu (năm 1836). Phía Nam Đại Lãnh có một vùng non nước kỳ thú, được Hiệp hội du lịch thế giới (WTO) và chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đánh giá là khu du lịch nhiệt đới phức hợp với bãi tắm đẹp nhất, một trong những thắng cảnh quyến rũ nhất trong khu vực Châu Á và Viễn Đông: Vịnh Vân Phong, nơi có phần đất vươn ra biển Đông xa nhất nước, có đặc thù của vùng vịnh kín gió, có độ sâu trung bình 20-27 mét, gần đường hàng hải quốc tế đã tạo ra khả năng lớn để khai thác kinh tế cảng biển, cảng chuyển tải quốc tế, dịch vụ thương mại và trong tương lai sẽ hình thành Đặc khu kinh tế.
5. Lịch sử:
Huyện Vạn Ninh trước kia là huyện Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang, được thành lập năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), đến năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang gồm 2 huyện Quảng Phước và Tân Định. Năm Gia Long thứ hai (1803) phủ Bình Khang đổi thành phủ Bình Hòa. Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831), phủ Bình Hòa lại đổi thành phủ Ninh Hòa, gồm các tổng: Phước Tường Ngoại, Phước Tường Nội, Phước Thiện, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại, Phước Khiêm.
Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam, Pháp đã mở đường 21, nối liền Buôn Ma Thuột với huyện Tân Định và cảng Hòn Khói, nền kinh tế Tân Định trở nên phồn thịnh. Pháp lại đổi tên huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa, cắt 3 tổng của huyện Quảng Phước là Phước Khiêm, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại nhập vào phủ Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Phủ Ninh Hòa cũ đổi thành huyện Vạn Ninh.
Từ năm 1945 trở về trước, huyện Vạn Ninh có 3 tổng: Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại, Phước Thiện.
Đầu năm 1946, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Vạn Ninh thành lập được 8 xã. Phước Thiện có 3 xã: Phước Đông, Phước Trung, Phước Tây; Phước Tường Nội có 3 xã: Đồng Xuân, Đồng Tiến, Đồng Hòa; Phước Tường Ngoại có 2 xã: Liên Hưng, Liên Hiệp.
Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam cộng hòa cắt tổng Phước Thiện nhập vào huyện Ninh Hòa.
Năm 1976, Vạn Ninh và Ninh Hòa hợp nhất thành huyện Khánh Ninh. Ngày 23-10-1978, Chính phủ ra Quyết định số 268-CP thành lập thị trấn Vạn Giã. Năm 1979, Khánh Ninh lại được tách ra làm 2 huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh cho đến ngày nay. Tháng 12-1993, Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX điều chỉnh ranh giới giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thôn Vũng Rô (thuộc xã Đại Lãnh) được tách ra khỏi huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hoà) để sáp nhập vào xã Hoà Xuân, huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên)
6. Tình hình kinh tế và văn hóa, xã hội (Số liệu tính đến năm 2012)
Về kinh tế: Dân cư sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp.
Nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 9.338 ha. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 54.487 tấn.
Ngư nghiệp: Sản lượng đánh bắt hàng năm từ 7000 – 7.500 tấn thủy hải sản các loại. Nuôi trồng thủy sản khá phát triển với các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá bóp, cá mú, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương…
Lâm nghiệp: Rừng có nhiều gỗ quý cùng các lâm sản khác như gỗ hương, chò, gõ, huỳnh đàn… đặc biệt là Kỳ Nam. Vạn Ninh còn là nơi có nghề truyền thống khai thác trầm kỳ mà dân gian gọi là “đi điệu”..
Công nghiệp – TTCN: Giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN 123,8 tỷ đồng, trong đó sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh 112,3 tỷ đồng.
Tài chính ngân sách: Tổng thu ngân sách năm 2012 là 55.731 triệu đồng.
Về văn hóa, xã hội: Vạn Ninh có 99 di tích văn hóa, lịch sử gồm đình làng, chùa, lăng, miếu…Trong đó, có di tích quốc gia như Đình Phú Cang (Vạn Phú), Mũi Đôi – Hòn Đầu.
Về văn hóa dân gian, hàng năm vào tháng 3 Âm lịch, người dân Vạn Ninh có các lễ hội cúng đình làng cầu cho quốc thái, dân an; lễ hội cầu ngư ở các lăng ông trình diễn nhiều tác phẩm dân ca đậm đà bản sắc văn hóa quê hương như Hò bá trạo, múa dâng bông, múa lục cúng….
- 7. NHỮNG NHÂN VẬT QUẢNG PHƯỚC ĐƯỢC LƯU DANH TRONG SÁCH ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ – TỈNH KHÁNH HÒA
NGUYỄN XUÂN THỤC
Tự là Diệu Thụy hiệu là Trung Lương, sinh năm 1763 (Quý Mùi) thuộc Tổng Phước Hòa, huyện Quảng Phước, nay là thôn Phước Đa, huyện Ninh Hòa. Có công theo Nguyễn Ánh. Ngay từ năm Gia Long thứ nhất ( 1802), ông đã làm Tham Hiệp Nghệ An, rồi đến Cai Bạ Vĩnh Thạnh, ít lâu sau, được thăng Tham tri Bộ Binh, rồi bổ làm Hiệp trấn Thanh Hóa. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) được triệu tập về kinh sung chức Phó sứ sơn lăng, chuyển sang hữu Tham tri Bộ Hộ. Sau đó, được điều về Gia Định giữ công việc Bộ Hộ và Bộ Công. Một thời gian, ông về kinh được thăng chức Thượng thư Bộ Binh rồi sang Thượng thư Bộ Lễ. Khi chết, nhà vua rất lấy làm thương tiếc. Năm Tự Đức thứ 12 (1859, được liệt vào thờ đền Hiền Lương.
Hiện nay, con cháu của Ông ở Phước Đa – Ninh Hòa, còn lưu giữ được sắc phong của vua Minh Mạng cử Ông làm Đề Điệu trường thi hương Gia Định, Thừa Thiên, Chánh chủ khảo khoa thi Hội dưới thời vua Minh Mạng.
PHẠM VĂN CHƯ
Người huyện Quảng Phước, có công dưới thời Nguyễn Ánh, làm đến chức Cai Cơ. Năm Tân Dậu (1801), Ông mất ở thành Quy Nhơn, được tặng chức Chưởng Cơ và được thờ ở đền Chiêu Trung.
NGUYỄN VĂN CỐNG
Người huyện Quảng Phước, thời Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, khi mất, được tặng Chưởng Cơ và được thờ vào miếu Công thần.
LIỆT NỮ HUỲNH THỊ NGHĨA
Người huyện Quảng Phước sống vào thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847). Năm Thiệu Trị thứ tư (1844), Bà được vua khen là người đàn bà can đảm, ít có trên đời và ban thưởng vàng bạc, lụa là cho bà vì đã có công đuổi cọp, cứu chồng.
8. NHỮNG NHÂN VẬT VẠN NINH TRỌNG TỰ ĐIỂN DANH NHÂN VIỆT NAM
Tổng trấn TRẦN ĐƯỜNG:
Ông Trần Đường – nhà yêu nước chống Pháp sinh năm 1839 tại xã Vạn Lương, huyện Quảng Phước nay là Vạn Ninh. Ông làm quan vào cuối triều Tự Đức. Khi Pháp đánh phá miền Bắc (1873 – 1882). Ông liên hiệp với nhóm Cần Vương ở Khánh Hòa để chống Pháp. Tôn Thất Thuyết biết tiếng ông, rất khen ngợi phong Ông làm Tổng trấn Vạn Ninh cùng với Trịnh Phong lấy địa điểm Dốc Thị (thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng), phía Nam quận lỵ Vạn Ninh 5 cây số, trên đường Quốc lộ 1A, Ông trấn đóng tại đây để chống quân Pháp từ Nha Trang lấn chiếm ra.
Năm 1884, giặc Pháp tiến công mạnh, Vạn Ninh thất thủ, Ông rút lui, cầm cự được ít lâu, thì sa vào tay giặc. Ngày 01/8/1885 (10/6 năm Ất Dậu), Ông bị chém tại Nha Trang, hưởng dương 46 tuổi.
Tham trấn PHẠM CHÁNH:
Ông người làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh. Tương truyền Ông học rất giỏi, nhưng không đi thi. Tham gia hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông được cử giữ chức Tham trấn trong hàng ngũ đạo quân của Tổng trấn Trần Đường ở quân khu Bắc. Ông anh dũng chiến đấu và hy sinh năm Bính Tuất (1886).
Nhiếp binh PHẠM LONG:
Còn có tên Luông. Ông là con trai trưởng của Phạm Chánh. Tuổi trẻ có chí khí hơn người và lòng dũng cảm, luôn sát cánh bên cha chiến đấu trong hàng ngũ của đội quân Trần Đường.
Hiệp trấn NGUYỄN SUM:
Người làng Hội Khánh, cùng một quê với cha con ông Phạm Chánh. Tính tình trung thực, khẳng khái.
Cả ba ông Phạm Chánh, Phạm Long và Nguyễn Sum được người đời tôn vinh là “Quảng Phước tam hùng”.