Giới thiệu khái quát thị xã Dĩ An
Thời Pháp thuộc và tiếp đến là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn thị xã Dĩ An có nhiều biến động, xáo trộn lớn, khi thì thuộc tỉnh Biên Hòa, khi thì thuộc tỉnh Gia Định, lúc lại thuộc về tỉnh Thủ Biên.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa bàn thị xã Dĩ An thuộc huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé, sau là tỉnh Bình Dương. Đến năm 1999, huyện Dĩ An chính thức được tái thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Thuận An và đến năm 2011 được nâng cấp thành thị xã Dĩ An.
Những thay đổi về địa giới hành chính là do những biến động kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên chính sự biến động đó cho thấy Dĩ An là vùng đất đầy ắp các sự kiện lịch sử trọng đại, năng động và phát triển.
Huyện Dĩ An được tái lập (tách ra từ huyện Thuận An) theo Quyết định số 58/1999/NĐ-CP ngày 23/7/1999 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 13/1/2011, huyện Dĩ An được nâng cấp thành thị xã Dĩ An theo Nghị quyết số 04/NQ9-CP của Chính phủ.
Địa giới hành chính thị xã Dĩ An:
+ Đông giáp Quận 9 – Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tây giáp thị xã Thuận An.
+ Nam giáp Quận Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Bắc giáp với Thành phố Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai và Huyện Tân Uyên – Tỉnh Bình Dương.
Thị xã Dĩ An có diện tích 6.010 ha và 297.435 nhân khẩu, mật độ dân số cao (4.949 người/km2), Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một).
Công nghiệp
Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và những khó khăn chung về thị trường nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thị xã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với chính sách miễn, giảm, giãn nộp các loại thuế của Chính phủ; sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp và sự nổ lực của các nhà doanh nghiệp nên số đông doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 52.284 tỷ đồng, tăng 15,35% so với năm 2013 và bằng 99,44% kế hoạch (52.580 tỷ đồng), trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 58,98%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm 40,86%, khu vực quốc doanh chiếm 0,16%.
Về điện: sản lượng điện phục vụ cho sản xuất tăng và tương đối ổn định. Điện thương phẩm đạt 1.091 triệu Kwh, tăng 10,04% so năm 2013. Chương trình tiết kiệm điện tiếp tục được đẩy mạnh, tiết giảm được 29,197 triệu Kwh, tương ứng với số tiền 44 tỷ đồng. Trong năm, ngành điện đã lắp đặt mới 3.918 điện kế, nâng tổng số điện kế đang vận hành lên 62.494 cái, đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng điện.
- Thương mại – dịch vụ
- Cấp mới 2.038 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký 189,3 tỷ đồng; cấp đổi 512 giấy với vốn đăng ký 41,9 tỷ đồng. Hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 21.729 tỷ đồng, bằng 99,47% kế hoạch (21.845 tỷ đồng), tăng 31,3% so với năm 2013.
- Lượng hàng hóa cung cấp trên thị trường phong phú và đa dạng. Thị xã đã phối hợp Sở Công thương duy trì thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá nên giá cả các loại hàng hóa ổn định. Qua kiểm tra, xử phạt hành chính 38 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ với số tiền 236,8 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá khoảng 80 triệu đồng.
- Sơ kết 02 năm thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thị xã. Duy trì thực hiện kế hoạch lập lại trật tự kinh doanh tại các chợ tự phát. Rà soát, bổ sung các biển báo cấm họp chợ không để hình thành các điểm, chợ tự phát mới trên địa bàn.
Nông nghiệp
- Giá trị sản xuất nông nghiệp ước thực hiện 20,12 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch (20 tỷ đồng). Tổng diện tích gieo trồng đạt 162ha (lúa 36ha, rau đậu các loại 120 ha, cây trồng khác 06ha). Công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng được thực hiện tốt nên năng suất thu hoạch đạt cao, bình quân 3,5 tấn/ha đối với lúa và 11tấn/ha đối với rau màu các loại.
- Tình hình chăn nuôi không có biến động lớn. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 77.401 con. Công tác phòng, chống dịch bệnh ở đàn gia cầm, gia súc và kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm nên không phát sinh dịch bệnh. Kiểm tra xử phạt 20 trường hợp không đảm bảo vệ sinh thú y với số tiền 63,8 triệu đồng.
- Công tác phòng, chống lụt bão được triển khai thực hiện tốt. Đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 03 công trình kiên cố bờ suối tại phường Tân Bình với kinh phí 4,8 tỷ đồng. Phát động trồng cây lâm nghiệp dịp kỷ niệm 19/5 được 1.000 cây dầu, tỷ lệ cây sống đạt 95%. Tổ chức 04 lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho 165 lượt nông dân.
Tài nguyên – môi trường
- Hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu 2011 – 2015 cấp thị xã và cấp phường. Ban hành quyết định công nhận và bàn giao các vị trí đất công cho UBND các phường thiết lập quản lý. Tham mưu Thị ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCHTW (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Tập trung thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là các trường hợp thuộc diện tái định cư. Đến nay, toàn thị xã đã cấp được 28.469/28.476 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (chiếm tỷ lệ 99,9%), hiện còn 07 thửa đất chưa cấp GCNQSD do tranh chấp và lấn chiếm. Hoàn thành chương trình cấp GCNQSD đất đại trà tại phường Dĩ An (3.896/3.896 giấy, tỷ lệ 100%). Ngoài ra còn có 435 giấy chứng QSDĐ được cấp cho các cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư.
- Phê duyệt 15 phương án bồi thường với 421 hồ sơ, ban hành 181 quyết định thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Thẩm định 89 hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, 48 đề án bảo vệ môi trường và 16 hồ sơ xác nhận hoàn thành hệ thống xử lý môi trường. Giải quyết 142/151 đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai và 57/66 đơn phản ánh ô nhiễm môi trường, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 16 đơn vị gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền 163,7 triệu đồng và có văn bản yêu cầu khắc phục đối với 41 đơn vị.
- Đối với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, có 12/17 doanh nghiệp đã di dời hoặc ngừng hoạt động, còn 05 doanh nghiệp chưa thực hiện di dời, trong đó có 02 doanh nghiệp là Công ty Vifaco và Công ty Giấy An Bình được UBND tỉnh cho gia hạn đến tháng 12/2014 và tháng 5/2015.
Thu, chi ngân sách
- Tổng thu ngân sách ước thực hiện 2.132,143 tỷ đồng, đạt 94,01% dự toán UBND tỉnh giao và bằng 91,23% Nghị quyết HĐND thị xã. Trong đó, nguồn thu do thị xã trực tiếp quản lý 1.327,549 tỷ đồng, đạt 84,38% dự toán UBND tỉnh giao và bằng 83,27% Nghị quyết HĐND thị xã. Tổng thu ngân sách địa phương được hưởng đưa vào cân đối ước thực hiện 736,810 tỷ đồng, đạt 96,08% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 92,37% Nghị quyết HĐND thị xã thông qua.
- Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 973,308 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán UBND tỉnh giao và bằng 98,67% Nghị quyết HĐND thị xã. Trong đó: chi ngân sách thị xã ước thực hiện 942,701 tỷ đồng, chi ngân sách phường ước thực hiện 127,678 tỷ đồng. (trong đó có 97,071 tỷ đồng ngân sách thị xã trợ cấp).