Gợi nhớ về miền ký ức – Tác giả: Nguyễn Duy Nghĩa

Gợi nhớ về miền ký ức - Tác giả: Nguyễn Duy Nghĩa
Cầu Long Biên vào khoảng những năm 1950. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2022)

Hà Nội vừa thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu triển khai dự án cải tạo cầu Long Biên. Kinh phí do Pháp tài trợ. Lâu nay, việc nước ngoài tài trợ cho các dự án là chuyện bình thường, song với Cầu Long Biên, nên coi là biệt lệ…

Cầu Long Biên có tên “khai sinh” là Paul Doumer, dân dã thời đó gọi là cầu Sông Cái1. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 – 1902 – Daydé & Pillé – Paris. Từ khi chào đời, Cây cầu không chỉ tạo ra đột phá đời sống kinh tế – xã hội đôi bờ Sông Hồng mà vượt lên là biểu tượng của kiệt tác kiến trúc và kết cấu thép đồ sộ nhất Đông Nam Á. Ngày nay, việc bắc cầu qua mọi dòng sông không còn là chuyện to tát, song hơn một trăm năm trước là một ý tưởng táo bạo và thành công thì xứng đáng là kỳ tích. Với sông Hồng vừa rộng, vừa sâu, mùa lũ ngấn nước càng sâu, càng mênh mông như eo biển, dòng chảy luôn thay đổi, bên lở bên bồi. Việc chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong một lòng sông đầy sóng dữ tưởng như là điều không thể, nhưng các kỹ sư Pháp cùng người thợ Việt Nam đã chinh phục. Việc khởi công xây cầu được đánh dấu bằng nghi thức Toàn quyền Paul Doumer dùng chiếc bay bằng bạc gắn tấm biển bằng đá hoa cương lên đầu cầu. Tới 28/2/1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội đưa vua Thành Thái, Paul Doumer, thông cầu. Kể cả thời gian sửa soạn rồi hoàn thiện trước và sau đó, cây cầu kỳ vĩ đã hoàn thành trước hạn, không đội kinh phí.

Thoạt đầu chủ thầu tuyển đa số thợ là người Tàu, nhưng họ nhanh chóng bị thợ An Nam, khéo tay, khả năng chống chịu tốt hơn gạt ra rìa. Đội quân thợ đá, thợ mộc, thợ xây, thợ sắt… hơn 2.000 người, có lúc lên tới 3.000 người làm việc dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 quản đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp. Dù thi công thời đó nhiều thao tác thủ công, nặng nhọc, mạo hiểm và mới mẻ đối với họ, song kết cục suôn sẻ. Được kể rằng đinh ri-vê được “nướng” chín bằng lò bễ tại chỗ, tung cho thợ tán đón như trò xiếc tung hứng, đút ngay vào lỗ giáp nối, hối hả búa tán, khi đinh hết đỏ thì “ván đã đóng thuyền”. Việc tung đinh tán nung đỏ là thủ thuật từng được người Pháp áp dụng trước đó, trong đó có xây dựng tháp Eiffel, tới Cầu Long Biên thì đến tay thợ Việt. Phải chăng đội ngũ làm cầu ngày ấy là lớp tiền bối của Lực lượng thợ bắc cầu hùng mạnh của ta ngày nay?… 

Cũng được kể rằng, ban đêm công trình Cầu sáng rực bởi các bóng điện từ một xưởng phát điện 350CV. Chi tiết này liên tưởng đến chuyện vào thời ấy còn dùng đĩa dầu lạc để lấy ánh sáng, sang hơn là đèn dầu hỏa, nhiều người còn ngỡ ngàng nhìn những “cái đèn chổng ngược” mà vẫn cháy sáng, thì những lấp lánh ánh sao đêm trong cảnh trí còn hoang sơ lúc đó thật là kỳ thú.

Ký ức truyền từ hơn một trăm năm trước chợt ùa về. Trên dòng sông miệt mài chở nặng phù sa theo nước trên nguồn về suôi, bỗng hiện ra cây cầu như một con rồng xanh, vươn mình, bay lên, hay tựa hồ một cầu vồng tuyệt đẹp kiêu hãnh  giữa khoảng không bao la. Chữ “Long Biên” được đặt tên cho cây cầu có lẽ được nảy ra từ huyền thoại Thăng Long – Rồng bay… Vì thế nghe có chủ trương sửa chữa Cầu Long Biên, dù mới là nghiên cứu đã khấp khởi mừng thầm, thắp lên hy vọng cho một lớp người từng được chiêm ngưỡng Cầu Long Biên thuở ban đầu; Rồi nó cùng ta đi qua cuộc trường kỳ kháng chiến; Lại rồi những giờ phút rực rỡ cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng tiến vào năm cửa ô. Trong những năm chiến  tranh phá hoại, Cây cầu là một trong những trọng điểm oằn mình hứng bom đạn, te tua, gục gãy. Nhưng rồi Cây cầu đã gượng dậy đưa những đoàn quân rầm rập tiến ra phía trước đến ngày toàn thắng. Khi “mặt đất bình yên, tạnh gió mưa”, ai nấy đều mong đến một ngày cây cầu sẽ được phục dựng, khoác lên mình bộ cánh mới hoành tráng hơn mười ngày xưa. Nhưng dùng dằng mãi, sốt ruột với nghiệt ngã thời gian, tháng ngày càng trôi nó càng xập xệ, rình rập hiểm họa.., thì tin trên thực là niềm ao ước bấy nay.

Với đà tiến lên, Hà Nội đã và sẽ có thêm nhiều cây cầu vượt Hồng Hà, tân kỳ, hoa mỹ hơn. Cầu Long Biên chắc chắn không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông, thế mà lại hay. Long Biên vẫn vẹn nguyên và càng tôn lên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội cùng cả nước và sẽ nổi lên là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương khi đặt chân đến đất Kinh kỳ và còn là một trong những biểu tượng sâu đậm bang giao Việt – Pháp trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

N.D.N

________

1. Sông Hồng còn được gọi với tên là Sông Cái (sông mẹ) và khi có cầu thì dân dã đặt luôn cho cầu.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây