Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Hội thảo “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”. Ảnh: Minh Quyết.

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp, triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam.

Hội thảo nhằm chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu đã có các bài tham luận, đóng góp ý kiến; công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác như: Đính chính và khẳng định lại năm sinh – năm mất; cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội – lịch sử… của đại danh y. Đồng thời, xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, giáo dục, lịch sử của ông ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến, giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: “Là một người thầy thuốc, trước hết Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn đề cao y đức. Ông đã nói: “Tôi thường thấm thía rằng: Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta”. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính 8 chữ: Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Thành – Khiêm – Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù); tránh 8 tội: Lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Ông cũng kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành Y để mưu lợi”.

Suốt đời, Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh; không quản đêm hôm, mưa nắng, đường xá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau… ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Ông tôn trọng nhân cách của người bệnh và luôn nghiêm khắc với bản thân mình; luôn giữ tâm hồn trong sáng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý. Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Trong suốt cuộc đời làm nghề thuốc của mình, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời sau bộ sách đồ sộ quý giá, đó là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Trong đó, ông đã đề cập đến toàn bộ các vấn đề nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thượng khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng… Ông đã đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện, bổ sung 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, những di sản mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành Y tế Việt Nam kế thừa và sử dụng, góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để tri ân những đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Bộ Y tế đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hưng Yên và các Bộ có liên quan xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa vào năm 2024.

Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, Bộ Y tế cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia, các nhà khoa học, để bổ sung hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO và hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tạ Nguyên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây