Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh

Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Tĩnh

1. Thông tin khái quát
1.1. Điều kiện tự nhiên
 1.1.1. Vị trí địa lý:
Hà Tĩnh trải dài từ 17°54’ đến 18°37’ vĩ Bắc và từ 106°30’ đến 105°07’ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp hai tỉnh Borikhamxay và Khammuane của Lào, phía Đông giáp Biển Đông. Diện tích toàn tỉnh là 5.997,8 km2 (niên giám thống kê 2014).
 1.1.2. Địa hình:
Hà Tĩnh cách thủ đô Hà Nội 340km về phía nam, ở phía đông dãy Trường Sơn với địa hình hẹp, dốc và nghiêng từ tây sang đông. Phía tây tỉnh là những dãy núi cao 1.500m, đỉnh Rào Cọ 2.235 m, phía dưới là vùng đồi thấp giống bát úp; tiếp nữa là dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy ra biển; sau cùng là những bãi cát ven biển cùng với nhiều vũng, vịnh, tiêu biểu là cảng biển nước sâu Vũng Áng và bãi biển Thiên Cầm.
 1.1.3. Tài nguyên:
– Tài nguyên nước
Hà Tĩnh có nguồn nước phong phú nhờ hệ thống sông suối hồ đập khá dày đặc. Với 266 hồ chứa có tổng dung tích trữ trên 600 triệu m3, 282 trạm bơm có tổng lưu lượng 338.000m3/s, 15 đập dâng tổng lưu lượng cơ bản 6,9m3/s với trữ lượng này hiện tại Hà Tĩnh đã phục vụ tưới được 47.737 ha/vụ.
Tuy lượng nước sông khá lớn nhưng việc sử dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt còn bị hạn chế do bị khô cạn vùng thượng và nhiễm mặn ở hạ lưu.
Nước ngầm ở Hà Tĩnh tuy chưa có số liệu điều tra toàn diện nhưng qua các số liệu đã thu thập được cho thấy mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc địa hình và lượng mưa trong năm. Thông thường vùng đồng bằng ven biển có mực nước ngầm nông, miền trung du và miền núi nước ngầm thường sâu và dễ bị cạn kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
Đặc biệt, Hà Tĩnh có mỏ nước khoáng ở Sơn Kim huyện Hương Sơn có chất lượng tốt, vị trí thuận lợi cạnh đường Quốc lộ 8 và gần cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo rất có điều kiện để phát triển thành một khu du lịch dưỡng bệnh.
– Tài nguyên rừng và động, thực vật
Hà Tĩnh hiện có 276.003 ha rừng. Trong đó rừng tự nhiên 199.847 ha, trữ lượng 21,13 triệu m3, rừng trồng 76.156 ha, trữ lượng 2,01 triệu m3, độ che phủ của rừng đạt 45 %.
Rừng tự nhiên thường gặp là kiểu rừng nhiệt đới, vùng núi cao có thể gặp các loại rừng lá kim á nhiệt đới. Rừng trồng phần lớn là thông nhựa, hiện có trên 18000 ha trong đó có trên 7000 ha có khả năng khai thác, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có trữ lượng rừng giàu của cả nước (trữ lượng rừng trồng đạt 1469863 m3, trữ lượng rừng tự nhiên đạt 21115828 m3).
Thảm thực vật rừng Hà Tĩnh rất đa dạng, có trên 86 họ và 500 loài cây gỗ. Trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim xanh, sến, táu, đinh, gụ, pơmu… và nhiều loài thú quý hiếm như hổ, báo, hươu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi và các loài bò sát khác.
Đặc biệt có Vườn Quốc gia Vũ Quang (ở huyện Vũ Quang và Hương Khê) có khoảng 300 loại thực vật và nhiều loại động vật quý hiếm. Đã phát hiện được 2 loại thú quý hiếm là Sao La và Mang Lớn. Rừng Vũ Quang có địa hình núi cao hiểm trở, tách biệt với xung quanh, khí hậu nhiệt đới ẩm rất thuận lợi cho các loại động, thực vật phát triển. Đây là khu rừng nguyên sinh quý hiếm còn có ở Việt Nam là một trong những hệ sinh thái có giá trị kinh tế, khoa học và cảnh quan.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng là một địa điểm có giá trị cao, theo số liệu điều tra, tại đây có hơn 414 loài thực vật, 170 loài thú, 280 loài chim, trong đó có 19 loài chim được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Ngoài ra, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh cũng khá phong phú, có nhiều loại thực động vật thuỷ sinh có giá trị kinh tế cao. Tập trung phần lớn ở khu vực các cửa sông lớn như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu…
– Tài nguyên khoáng sản
 Khoáng sản Hà Tĩnh nằm rải rác ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, từ vùng ven biển đến vùng trung du miền núi. Toàn tỉnh có 91 mỏ và điểm khoáng sản trong đó:
+ Nhóm kim loại: có quặng sắt nằm tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc. Đặc biệt là có mỏ sắt Thạch Khê – Thạch Hà có trữ lượng ước tính 544 triệu tấn, đang xúc tiến đầu tư khai thác; có mỏ Titan chạy dọc theo bờ biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh, trữ lượng khoảng 4,6 triệu tấn (chiếm hơn 1/3 trữ lượng của cả nước). Đây là các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ, giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng; mỏ Vàng chủ yếu là dạng sa khoáng nằm rải rác ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh; mỏ nước khoáng ở Sơn Kim – Hương Sơn; ngoài ra còn có mỏ thiếc ở Hương Sơn, chì, kẽm ở Nghi Xuân,…
+ Nhóm phi kim: như nguyên liệu gốm sứ, thuỷ tinh có trữ lượng khá lớn nằm rải rác ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ.
+ Nhóm nhiên liệu: có than nâu, than đá ở Hương Khê, than bùn ở Đức Thọ có chất lượng cao nhưng trữ lượng hạn chế.
+ Nguyên liệu chịu lửa: gồm có quaczit ở Nghi Xuân, Can Lộc; dolomit ở Hương Khê; pyrit ở Kỳ Anh.
+ Nguyên liệu làm phân bón: ngoài than bùn còn có photphorit ở Hương Khê, chất lượng tốt, hiện đang được khai thác.
+ Nguyên vật liệu xây dựng: các loại đá, cát, sỏi có ở khắp các huyện trong tỉnh.
– Tài nguyên Biển
Tiềm năng hải sản ở Hà Tĩnh rất lớn, trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn, trữ lượng cá đáy 45.000 tấn, cá nổi 41.000 tấn. Trong đó có khả năng cho phép đánh bắt 54.000 tấn /năm. Trữ lượng tôm vùng lộng khoảng 500 – 600 tấn, trữ lượng mực vùng lộng 3.000- 3.500 tấn.
Phương tiện khai thác hải sản chủ yếu, toàn tỉnh có 2270 tàu thuyền các loại với 43265CV.
Bờ biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng về khoáng sản như cát quặng và nhiều vị trí có thể xây dựng cảng (hiện đã có 2 cảng vận tải, 2 cảng cá). Nhiều bãi biển đẹp như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải, Đèo Con, đã được khai thác phục vụ nghỉ dưỡng và du lịch.
 1.1.4. Khí hậu
Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc; nên thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt. Hàng năm, Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt:
    Mùa hè: Từ tháng 4 đến tháng 10, đây là mùa nắng gắt, khô hạn kéo dài kèm theo nhiều đợt gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới hơn 40oC, khoảng cuối tháng 7 đến tháng 10 thường có nhiều đợt bão kèm theo mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi, lượng mưa lớn nhất 500 mm/ngày đêm.
    Mùa đông: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này chủ yếu có gió mùa Đông Bắc kéo theo gió lạnh và mưa phùn, nhiệt độ có thể xuống tới 7oC.
1.2. Điều kiện xã hội
 1.2.1 Dân số
Hà Tĩnh có 1.255,3 nghìn người (niên giám thống kê 2014), giảm so với điều tra dân số năm 1999, do một bộ phận dân di cư chuyển đến các địa phương khác sinh sống mà chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam. Dân tộc chủ yếu sống tại Hà Tĩnh là người Kinh và một dân tộc thiểu số khác cùng nhóm với người Kinh là người Chứt, Thái, Mường, Lào sống ở các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê với khoảng vài ngàn người sống ở miền núi.
Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện, trong đó có với 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 11 thị trấn, 21 phường và 230 xã.
 1.2.2. Tiềm năng kinh tế
– Giao thông
Hà Tĩnh hiện có 5 tuyến đường quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 383km,trong đó có đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt quốc gia chạy dài chiều dài của tỉnh; đường Quốc lộ 8A nối thị xã Hồng Lĩnh với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Quốc lộ 12A nối Khu kinh tế Vũng Áng với vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Chalo. Hà Tĩnh là một trong những cửa ngõ lớn, có rất nhiều lợi thế của trục hành lang kinh tế Đông – Tây, có ảnh hưởng trực tiếp tới nước CHDCND Lào và vùng Đông  Bắc Thái Lan.
Hà Tĩnh còn có lợi thế về phát triển cảng biển, với cảng Vũng Áng đã tiếp nhận tàu 50.000 tấn, cảng nước sâu Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tàu 300.000 tấn, ngoài ra còn có cảng Xuân Hải tiếp nhận tàu 3.000 tấn.
Về đường hàng không, cách Hà Tĩnh 50km về phía bắc có sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An), cách Khu kinh tế Vũng Áng 100km về phía nam có sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đón khách đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, rất thuận tiện đi lại bằng đường hàng không đến Hà Tĩnh.
– Điện
Nguồn điện được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Các tuyến 110KV, 220KV, 500KV thuộc hệ thống lưới điện Quốc gia đều qua Hà Tĩnh. Tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ đã qui hoạch cụm nhiệt điện có công suất 4.800MW. Trong  đó,  Nhà máy nhiệt  điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW do Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng và đã lắp đặt xong hạng mục lò hơi, đến năm 2012 sẽ hoàn thành. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 chuẩn bị được khởi công.
– Nước
Nguồn nước mặt  phong  phú nhờ hệ thống sông, suối, hồ đập khá nhiều.  Có  13 con sông lớn, nhỏ, 266 hồ chứa, 15 đập dâng với tổng dung tích trên 1.600 triệu m3 nước; nhiều công trình thủy lợi lớn đang  được xây dựng nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh.
– Lao động và giáo dục
Số người trong độ tuổi lao động chiếm 52,6% dân số, trong đó có khoảng 20% đã được đào tạo; số học  sinh tốt  nghiệp  phổ  thông trung học hàng năm khoảng từ 20.000 đến 25.000, là nguồn dồi dào bổ sung cho lực lượng lao động.
Hệ thống giáo dục đang ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng lao động hiện tại và tương lai. Hà Tĩnh hiện có 1 trường Đại học, 4 trường Cao đẳng, 3 trường Trung học chuyên nghiệp và 33 cơ sở đào tạo nghề.
Theo quyết định 964/QĐ-TTg ban hành ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Hà Tĩnh có 8 huyện nằm trong Danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: Huyện Hương Sơn, Huyện Vũ Quang, Huyện Can Lộc, Huyện Hương Khê, Huyện Thạch Hà, Huyện Cẩm Xuyên, Huyện Kỳ Anh, Huyện Nghi Xuân.
2. Khu vực miền núi
 2.1. Huyện Hương Sơn
 2.2. Huyện Vũ Quang
 2.3 Huyện Can Lộc
 2.4. Huyện Hương Khê
3. Khu vực biển đảo
 3.1. Huyện Thạch Hà
 3.2. Huyện Cẩm Xuyên
 3.3. Huyện Kỳ Anh
 3.4. Huyện Nghi Xuân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây