Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Đến năm 2030, đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển sẽ tăng lên 23,5 tỷ USD tương đương 538.000 tỷ đồng nếu áp dụng kịch bản ‘phát triển bền vững’ hay còn gọi là ‘xanh lam’.

Đây là con số được đưa ra trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố sáng nay 12/5. Đây là hoạt động trong khuôn khổ “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km chưa bao gồm các đảo chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam, dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 – 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 – 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” chỉ rõ, kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Báo cáo cũng đưa ra “Các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam”, gồm sáu lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

“Điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách là cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Trong khi tiềm năng rất lớn đối với ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, và năng lượng tái tạo biển – đặc biệt là gió ngoài khơi, các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch – thì điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP của kịch bản này sẽ hơn kịch bản cơ sở 538.000 tỷ đồng tương đương 23,5 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức bền vững tối đa 2,7 triệu tấn mỗi năm thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt; giảm áp lực tàu ven bờ; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản và cải tiến quản lý để tăng năng suất an toàn 3,5% mỗi năm. Trong lĩnh vực dầu khí, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi; nhanh chóng mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030. Trong lĩnh vực du lịch: thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 – 10%/năm và khách nội địa 5 – 6%/năm đến năm 2030; đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch. Đối với lĩnh vực vận tải hàng hải, tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030.

“Báo cáo kinh tế biển Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững nền kinh tế biển là một trong những nghiên cứu đầu tiên về phát triển kinh tế biển với cách tiếp cận mới đã bước đầu hình dung được quy mô, vai trò của một số ngành trong định hướng phát triển kinh tế biển xanh Việt Nam hiện tại và trong tương lai. Kết quả nghiên cứu góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam”, bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển.

Sau lễ công bố Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, chiều nay 12/5 sẽ diễn ra phiên khai mạc toàn thể cấp cao “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu”./.

Quang Huy

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây