Hy Lạp ‘khát nước’

Hy Lạp 'khát nước'

Khách du lịch đến thăm ngôi đền Parthenon tại Athens, Hy Lạp. (Nguồn: Reuters).

Hy Lạp đang phải đối phó với tình hình thiếu nước nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến các địa điểm du lịch nổi tiếng của nước này.

“Bạn có muốn uống nước không? Nếu có, thì hãy tắt vòi nước đi!”

Đây là khẩu hiệu kêu gọi tiết kiệm nước được dán ở một số cơ quan công sở tại Hy Lạp.

Tại nhiều khu vực ở thủ đô Athens, nhà chức trách còn yêu cầu người dân hạn chế sử dụng bồn tắm để tiết kiệm nước.

Tình hình thiếu nước đang ngày càng nghiêm trọng do nắng nóng gay gắt. Hy Lạp cuối năm ngoái vừa phải trải qua mùa Đông ấm nhất được ghi nhận trong lịch sử. Sau đó, đợt nắng nóng sớm nhất từ trước đến nay đã dẫn đến tháng Sáu nóng nhất kể từ năm 1960, với nhiệt độ lên tới 43 độ C ở nhiều nơi trên toàn lãnh thổ.

Chính quyền Hy Lạp cho biết, nắng nóng làm gia tăng các vụ cháy rừng, hơn 1.000 vụ được ghi nhận vào tháng Bảy, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà chức trách ghi nhận cháy rừng sớm bất thường, thậm chí ở một số vùng hay có tuyết.

Đối phó tình trạng thiếu nước

Nhà chức trách ở đảo du lịch Naxos đã triển khai các thiết bị khử muối di động để giải quyết nhu cầu nước uống trước mắt của người dân và khách du lịch, tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải lấy nước từ các giếng bị nhiễm mặn để tưới cây, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng, đặc biệt là trong sản xuất khoai tây vùng Naxos nổi tiếng.

Tình trạng khan hiếm nước cũng xảy ra ở các hòn đảo khác như Chios, Corfu, Lefkada, Sifnos và đảo Karpathos phía Nam, nơi chính quyền áp đặt các hạn chế việc bơm nước vào các bể bơi. Ở đảo Thasos phía Bắc, nhà chức trách triển khai thiết bị khử muối để biến nước biển thành nước uống.

Nhà chức trách khẳng định các thiết bị khử muối di động sẽ xử lý nước biển để thành nước uống an toàn, trong khi Thị trưởng đảo Lianos cho biết sẽ bù đắp sự thiếu hụt nước cho nhà ở, khách sạn và bể bơi trong khu vực.

Chính quyền Hy Lạp vừa ban hành các biện pháp khẩn cấp khi các nhà khí tượng học cảnh báo tình trạng nắng nóng và nhiệt độ cao bất thường sẽ xảy ra trên khắp đất nước. Bộ Lao động Hy Lạp khuyến cáo những người làm việc ngoài trời tạm dừng công việc từ 12h-17h, khi nhiệt độ lên tới 40 độ C. Nhiều người làm các công việc có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng thời tiết được cho phép làm việc tại nhà.

Nhiều quan chức và nhà khoa học Hy Lạp cảnh báo, căng thẳng về thời tiết và nguồn cung cấp nước đang trở nên nặng nề hơn, khi các hòn đảo của nước này đang tiếp tục đón lượng khách du lịch kỷ lục trong mùa Hè.

Quá tải khách du lịch

Không chỉ đối phó với vấn đề thiếu nước, việc trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở châu Âu khiến Hy Lạp phải đối mặt với tình trạng quá tải du lịch thời gian gần đây. Riêng trong năm 2023, thủ đô Athens đã đón tới hơn 7 triệu khách du lịch, dự kiến sẽ tăng 20% trong năm nay.

Du khách khắp mọi nơi trên thế giới đến Hy Lạp để thăm những di tích cổ xưa, những bãi biển hoang sơ với làn nước xanh trong như ngọc. Song, tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao, lượng mưa thất thường và cháy rừng đang đe dọa tương lai của ngành “công nghiệp không khói”, ngành kinh tế lớn nhất đất nước này.

Theo trang Greek Reporter, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng xấu đến các di tích và di sản văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Mỗi năm, thủ đô Athens đón hàng triệu du khách tới thăm khu đền thờ Acropolis thần bí, nơi thờ các vị thần bảo hộ của Hy Lạp, ngôi đền Parthenon huyền thoại và làng cổ Plaka, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên cạnh khu đền Acropolis danh tiếng.

Nổi tiếng không kém, là các tour du lịch khám phá các hòn đảo xinh đẹp, như đảo Santorini, nơi được mệnh danh là thiên đường của những ngôi nhà màu trắng và ánh đèn hoàng hôn…

Tuy nhiên, một số hòn đảo của Hy Lạp đang bị quá tải du lịch, theo Giáo sư ngành quản lý tài nguyên nước tại Đại học Thessaly, ông Nikitas Mylopoulos, nhu cầu sử dụng nước vào mùa Hè tại đây đôi khi nhiều gấp 100 lần so với mùa Đông. Việc phát triển du lịch đại trà đã khiến khả năng quản lý nguồn nước trở nên kém hơn.

Ông Michalis Makropoulos, cư dân tại Lefkada cho rằng, tình trạng thiếu nước là do sự quản lý yếu kém qua nhiều năm và phát triển du lịch thiếu kiểm soát khi không có cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Bà Katerina Kikilia, Giáo sư ngành Quản lý du lịch tại Đại học West Attica cho biết, người dân Athens đang phải đối mặt với tác động xã hội và môi trường hàng ngày do quá tải khách du lịch trong khi cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

“Cần có các quy định để giữ được nếp sống của các khu phố truyền thống. Nhiều khu vực ở Athens và Attica đang bị biến thành nhà cho thuê ngắn hạn, trong khi các gia đình nghèo và sinh viên ở khu vực này bị đẩy ra những khu vực xa trung tâm”, bà Katerina Kikilia cho biết.

Hy Lạp, nơi có rất nhiều Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề bảo vệ các di sản, di tích lịch sử.

Bộ Văn hóa Hy Lạp đã thành lập Ủy ban liên ngành gồm các chuyên gia xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với các địa điểm khảo cổ và di tích lịch sử. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di tích văn hóa không thể giải quyết từ một quốc gia duy nhất, mà cần có sự phối hợp của nhiều nước liên quan.

Ông Alexis Georgoulis, đại diện thành viên Nghị viện châu Âu (MEP), người luôn đi đầu trong nỗ lực xây dựng cách tiếp cận chung của Liên minh châu Âu cho rằng, “nhiều Di sản thế giới của UNESCO cũng như Di sản văn hóa ở châu Âu có vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa trong quá khứ chung của chúng ta. Vì vậy, đây sẽ là tương lai của chúng ta và EU cần phải hành động chung để bảo vệ các di sản văn hóa đó”.

Hy Lạp sở hữu số lượng di sản văn hóa đa dạng, từ những di tích cổ đại cho đến các công trình kiến trúc nổi tiếng và những hòn đảo tuyệt đẹp. Mong rằng, chính quyền Hy Lạp với sự hợp tác quốc tế nhanh chóng vượt qua khó khăn, để đất nước xinh đẹp này giữ mãi được những điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích lịch sử và văn hóa.

HOÀNG TRUNG HIẾU (tổng hợp)

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây