Mùa xuân – Tiếng chim – Truyện ngắn của nhà văn Vũ Tú Nam

Mùa xuân - Tiếng chim - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Tú Nam

Nhà văn Vũ Tú Nam.

Anh phải nghỉ lại đây với tôi một đêm, anh Năm ạ. Chẳng mấy khi bạn bộ đội cũ gặp nhau. Vả lại mưa phùn lầy lội thế này, anh đi làm gì vội.

Ðây là nhà mẹ Thái, nơi gia đình chúng tôi ở nhờ những năm tản cư trong kháng chiến chống Pháp. Bắt đầu từ năm 1948, phải, khi ấy tôi mới mười bốn tuổi. Bao nhiêu kỷ niệm đã dồn dập diễn ra trên mảnh đất này, thấm thoắt đã trên bă mươi năm rồi. Chính vì để nhớ lại chuyện xưa, tôi đã lặn lội về đây. Tình cờ lại được gặp anh, may thế!

Cảm ơn anh đã hỏi về việc vợ con tôi. Tôi vẫn nằm giường cá nhân, nghĩa là “vô sản” như hồi xưa, như hồi sống chung với anh cùng đơn vị. Tâm sự của tôi thì dài lắm, nếu anh chịu khó nghe, tôi xin kể…

Cha mẹ tôi được mỗi mình tôi. Tản cư từ Hà Nội cuối năm 1946, đến 1947 cha tôi nhập ngũ. Ông mất rất đột ngột vì sốt rét ác tính ở vùng Nho Quan – Chi Nê. Mẹ tôi phải gắng gượng để sống mà nuôi tôi. Bà bán dần mòn từ đồ nữ trang đến quần áo, rồi cuối cùng cơ quan phụ nữ tỉnh nhận bà vào biên chế. Mẹ con tôi đến ở nhà mẹ Thái đây.

Trong chuyến đi công tác ở thị trấn Thanh Xuân mẹ tôi tình cờ gặp một bà bạn học Hà Nội tản cư tại đó. Cô Mai – tôi thường gọi thân mật tên bà như vậy – đang sống trong tình cảnh rất gieo neo. Mẹ tôi kể rằng chồng cô đã bỏ cô, “dinh tê” vào thành, để lại cho cô một bức thư đoạn tuyệt và đứa con gái lên mười. Không nơi bám víu, cô Mai nhận lời chung sống với một lão chủ hiệu chữa đồng hồ. Nào ngờ lão ta đã có vợ. Vợ lão ta đánh ghen, đập phá, mắng chửi, đuổi mẹ con cô Mai ra khỏi nhà. Trong những ngày ấy, mẹ tôi luôn luôn nhắc đến cô Mai và tìm mọi cách giúp đỡ cô.

Thế rồi một buổi chiều, cũng mưa phùn ẩm ướt như thế này, mẹ tôi bước vào nhà – chính chỗ anh và tôi đang ngồi đây – hai mắt mẹ tôi đỏ hoe, một tay xách cái tay nải, tay kia dắt một đứa con gái gầy quắt khóc sướt mướt. Không chịu nổi những khổ đau dồn dập, cô Mai đã nhảy xuống sông tự vẫn! Và mẹ tôi đã nhận con gái bạn – tên là Thu – về nuôi.

*

Khi đó Thu lên mười, kém tôi bốn tuổi.

Mấy ngày đầu, Thu không chịu ăn, chỉ khóc. Mẹ tôi giở cái tay nải – tài sản duy nhất còn lại của cô Mai – lấy áo quần ra khâu vá lại cho Thu. Mẹ dạy tôi phải coi Thu như em. Mẹ lập bàn thờ cô Mai ở góc nhà, không xa bàn thờ cha tôi là mấy.

Thế rồi tôi kèm cho Thu học thêm. Mẹ tôi âu yếm một điều “mẹ mẹ con con” với Thu, trong khi Thu cứ một mực xưng “cháu” và gọi mẹ tôi là “bác”. Thu ăn uống rất giữ ý, và thường tranh lấy việc để làm: quét nhà, rửa bát, nấu cơm… Có lẽ những ngày ở nhà ông bố dượng chủ hiệu chữa đồng hồ, em đã phải sống gần như đứa ở. Mẹ tôi xót xa về điều đó lắm và thường thu xếp để em ít phải làm việc nhà chừng nào hay chừng ấy.

Tôi là con trai, khỏe sức, mẹ tôi sai tôi gánh nước ở giếng về đổ vào bể xây nhà mẹ Thái đây, để mọi người dùng chung. Tôi bổ củi. Tôi xay lúa. Tôi giã gạo. Mùa rét, tôi đun nước, múc nước cho mẹ tôi và Thu tắm, gội đầu. Còn mẹ tôi thì ngoài công tác ra phải lo chợ búa, bếp núc, khâu vá, trồng rau, nuôi gà. Bà chi tiêu rất dè sẻn, vì dù sao cũng đã có thêm một miệng ăn.

Có lần mẹ tôi đi công tác dài ngày, ở nhà Thu bị ốm. Em sốt run bần bật. Tôi đun nước xông theo lời chỉ dẫn của mẹ Thái và nấu cháo cho Thu ăn. Gà đã đẻ được mười ba quả trứng, tôi mang ra chợ Song bán đi một chục, còn ba quả tôi luộc dần để Thu bồi dưỡng. Có bữa hai anh em ngồi vào mâm cơm, quay đi quay lại, khi tôi và đến lưng chừng bát cơm thì thòi ra một nửa quả trứng – Thu bí mật dúi trứng vào để buộc tôi phải ăn.

Dần dà, Thu bớt xanh và gầy đi. Em linh lợi và hoạt bát hẳn. Mẹ tôi xin cho em đi học trường làng. Chẳng mấy chốc Thu hòa ngay với các bạn gái trong xóm. Bấy giờ, tôi mới phát hiện ra rằng Thu nghịch như con trai. Em đá cầu vào loại giỏi nhất trường và leo trèo như vượn. Có lần mẹ Thái muốn bẻ buồng cau, hỏi tôi có biết trèo không. Tôi lắc. Thế là Thu thoăn thoắt leo lên tận ngọn, không những cắt được buồng cau thả xuống, mà còn bắt gọn hai con sẻ ra ràng làm quà cho tôi nữa. “Chiến công” này của Thu, tôi và mẹ Thái giấu biệt không cho mẹ tôi biết.

Hồi ấy, mẹ con tôi được ở cả gian nhà ngoài này. Mẹ tôi và Thu ngủ giường bên trái, một mình tôi nằm giường bên phải. Hễ mẹ tôi đi công tác thì mẹ Thái ở trong buồng phải ra ngủ với Thu, vì không hiểu sao em sợ ma lắm. Một buổi sớm em kể với tôi rằng em ngủ mơ thấy mẹ Mai nằm nổi lên giữa lòng sông; nước đẩy mẹ quay tròn… Rồi ôm lấy cổ tôi gục đầu vào vai tôi, em khóc. Tôi chỉ biết im lặng vuốt tóc em để an ủi em.

Ðầu năm 1952, tôi tròn mười tám tuổi. Theo sự giới thiệu của mẹ Thái, lần đầu tiên tôi thoát ly gia đình, xuống tận huyện Ðông Sơn dạy học tư. Nhà chủ là một gia đình trung nông cứng, muốn nuôi thầy để kèm cho cậu con trai độc nhất – lười và dốt đang học lớp hai. Ngoài ra, thầy còn dạy chữ thêm cho bà vợ và cô em ông chủ, cùng bốn, năm chú bé hàng xóm nữa. Thầy được nuôi ăn ngày ba bữa, không bữa nào thiếu thịt và cá biển. Cơm bưng nước rót. Mình thầy một mâm. Ðôi khi ngủ trưa dậy, lại có xôi chè!

Những ngày được ăn uống đầy đủ như vậy, tôi rất thương mẹ tôi và Thu kham khổ. Do đó, cứ cuối mỗi tháng, sau khi ông chủ trả tiền công, là tôi cuốc bộ bốn mươi kilômét về thăm nhà và đưa tiền cho mẹ tôi. Không bao giờ tôi quên rẽ vào hàng xén mua quà cho Thu, khi thì cái cặp tóc, quyển vở, khi thì cái gương, cái lược.

Cuối tháng Bảy năm ấy, tôi bị ốm đột ngột, không về đưa tiền cho mẹ tôi được. Pháp lại ném bom mấy trận quanh vùng. Thế là mẹ tôi sốt ruột, phái Thu lặn lội đến thăm tôi.

Buổi trưa, tôi vừa dứt cơn sốt, thấy một cô gái tóc tết thành hai đuôi sam, mặc áo nâu non, mặt đỏ hồng vì nắng, cắp nón có gài lá ngụy trang, bước vào sân bẽn lẽn: “Chào bác ạ! Cháu hỏi thăm…” Bước thêm hai bước nữa, Thu mới nhận ra tôi, và cả tôi, tôi cũng không nhận ra Thu lúc em thoạt vào. Bởi vì tôi đang ngồi co ro khoác cái áo ca-pốt lính tẩy bằng dạ màu cứt ngựa của ông chủ, còn Thu thì nom lạ quá với hai cái đuôi sam mới. Hai anh em mừng rỡ cười chế nhau mãi.

Thu ở lại săn sóc tôi hai hôm. Em đánh gió cho tôi (cách đánh gió do mẹ tôi dạy), nấu canh cua rau đay và cháo hến là hai món ăn tôi thường thích. Chiều mát, Thu theo tôi ra ngồi bờ ao, bên gốc cây sung xem con rùa thảnh thơi bơi ra lội vào (con rùa của chú bé con ông chủ nhà nuôi thả). Thỉnh thoảng một trái sung chín rụng, con cá trắm to bằng bắp đùi lừ đừ nổi lên, nhẹ nhàng đớp lấy quả sung, ngon lành như nuốt một viên kẹo.

Tối đến, cả nhà ngồi quây quanh ngọn đèn ba dây trò chuyện. Ông chủ bà chủ luôn miệng biểu dương “cậu giáo”: “Cậu giáo thật chăm, chẳng hút thuốc chẳng ăn quà”; “Sau này ai lấy được cậu giáo thì sướng cả đời đấy!”

Cô em ông chủ có vẻ ngượng ngùng, không dám vào ngồi góp chuyện, cứ lượn ra lượn vào ở dưới nhà ngang.

Sớm sau, tôi tiễn Thu ra tận đầu làng, dặn dò em phải cẩn thận khi đi đường, qua đò, phải chú ý nghe tiếng máy bay. Thu ngước thật to đôi mắt đen thẳm – đôi mắt đã ánh lên vẻ đẹp dậy thì – cười và hỏi tôi một câu thật lạ: “Anh… anh có thân với cô em ông chủ nhà không đấy?”

*

Sau đại thắng Ðiện Biên Phủ, tôi náo nức xin nhập ngũ. Mẹ tôi rất muốn tôi ở gần mẹ, nhưng thông cảm với ước mơ hai mươi tuổi của tôi, bà khuyến khích tôi đi bộ đội để phục vụ, biết đó biết đây và thoát khỏi cảnh tù túng của “cậu giáo” dạy tư luẩn quẩn trong làng. Thu cũng không ngăn cản tôi. Em nói: “Ðiều gì anh thích thì em cũng thích”.

Buổi tối trước hôm tôi lên đường, mẹ tôi nấu xôi. Thu thịt con gà của em đang đẻ để chiêu đãi “anh bộ đội”. Mẹ tôi thắp hương trên bàn thờ cha tôi và cả bàn thờ cô Mai nữa.

Tối hôm ấy, nhà mẹ Thái đầy khách. Trong số bạn trai đến chào tiễn tôi, có cậu Quyền trắng trẻo và hiền lành củ mỉ cứ nấn ná ngồi lại mãi. Quyền đã là giáo viên cấp một. Tôi để ý thấy cậu ấy rất mến Thu. Có lần tôi đùa: “Cậu có muốn làm em rể tớ không? Cái gì chứ nết hiền lành chăm chỉ của cậu là tớ ưng rồi đấy!” Quyền đã đỏ bừng mặt, bẽn lẽn cười…

Thu lộ vẻ sốt ruột khi thấy Quyền ngồi lì mãi. Em nói: “Anh Quyền không phải chấm bài ư?” Thế là Quyền lúng túng đứng dậy, lí nhí xin phép mẹ tôi và bắt tay tôi để ra về. Tôi và Thu tiễn Quyền ra tận cổng. Ðứng bên giậu ruối, dưới trăng, Thu bỗng nắm lấy tay tôi, nói nhanh và nhỏ: “Anh đi vui thế, chắc chả nhớ em một tý nào đâu nhỉ?” Tôi cười, vỗ nhẹ vào vai Thu: “Sao lại chả một tý nào?… Anh nhớ Thu to bằng cái nhà này này!…” Thế là hai đứa cười giòn tan. Chúng tôi cứ đứng đó hóng gió mát, nhìn lên trời đêm trong vắt và đầy sao, mãi cho đến khi mẹ tôi ra gọi về đi ngủ.

Hôm sau, Thu lẽo đẽo theo tôi đến nơi tập trung cách nhà trên mười lăm cây số. Cứ đi được một chặng dài Thu lại nói: “Thôi, em đếm đúng tám mươi bước nữa, rồi em về!” Chúng tôi cùng đếm. Hết tám mươi bước, Thu bảo: “Anh đã mỏi chân chưa? Em chẳng mỏi tý nào. Em còn đi được nữa!” Thế là hai đứa cùng cười và cùng bước tiếp. Qua con ngòi nhỏ, Thu vén quần lội. Em có đôi chân đẹp, trắng ngần, khiến tôi bỗng dưng thấy ngượng, bước cách xa ra một chút. Thu dừng lại, chìa tay ra trách yêu: “Anh không dắt em, để em chết trôi ở đây sao?” Tim tôi bỗng như ngừng đập. Câu Thu nói vô tình làm tôi chợt nghĩ đến cái chết oan trái của cô Mai… Tôi lùi lại, nắm lấy bàn tay Thu, bước những bước chập chờn, lòng bồi hồi những vui buồn lẫn lộn.

Không biết từ bao giờ Thu đã gọi mẹ tôi là mẹ và xưng là con một cách tự nhiên, không “bác bác cháu cháu” như những ngày đầu nữa… Và có lần mẹ tôi đã nhẹ nhàng căn dặn tôi: “Thu nó đã lớn, mười sáu tuổi rồi. Anh em thân nhau nhưng đừng suồng sã, kẻo người ta dị nghị. Ðời cô Mai đã khổ thế, mẹ muốn tránh cho nó những tiếng chẳng lành…” Tôi rất thương và quý trọng mẹ tôi. Vì bà đã dành tất cả tình cảm cho tôi và Thu. Bà nhất định không đi bước nữa, mặc dầu khi cha tôi mất, bà mới ba mươi tuổi, và sau đó có đến bốn năm đám ngỏ ý muốn xin được chung sống cùng bà.

Cái hôm tiễn tôi đi bộ đội ấy, Thu đã vượt quá ranh giới những điều căn dặn của mẹ tôi. Hai anh em bịn rịn trò chuyện mãi – có lúc chỉ nhìn nhau chả nói câu nào – đến xế chiều thì trời nổi cơn giông gió ầm ầm, Thu đành phải ở lại nơi tập trung lính mới. Ðêm ấy tôi báo cáo với ban chỉ huy, thu xếp cho Thu ngủ ở cái quán ven sông của một bà cụ bán hàng nước. Anh em trong đơn vị đều tưởng Thu là em ruột tôi, và nhiều cậu đã giả vờ “nịnh” tôi trước mặt Thu để “đợi thời cơ làm em rể”. Tôi ngồi bên bờ sông với Thu khá khuya. Mấy đứa trẻ nghịch ngợm đi qua ném đất về phía chúng tôi và hô lên trêu chọc “Lêu lêu vợ chồng! Lêu lêu vợ chồng” khiến tôi ngượng chín cả người; còn Thu thì đứng phắt dậy ném trả bọn trẻ, miệng làu bàu tức giận.

Mờ sáng hôm sau tôi cùng đơn vị xuống thuyền để đến một địa điểm mới. Nhìn về quán bà hàng nước, tôi thấy Thu đang hớt hải vừa chạy vừa giơ tay vẫy, gọi to: “Anh Dương! Anh Dương! Ðợi em với! Ðợi em với!” Tôi chỉ kịp nhoài người ra khỏi khoang thuyền, cố giữ vẻ mặt tươi cười hét vọng lên bờ: “Em về nhé! Về nhé!”

Con thuyền xuôi nhanh theo dòng nước xiết. Các bạn tôi reo cười, nhất loạt đứng lên chào Thu. Tôi lặng nhìn em đứng im trên bãi cát như một bức tượng, quanh cổ vẫn buộc chiếc khăn thêu đêm qua tôi đã tự tay quàng cho em khi thấy em húng hắng ho sau cơn mưa gió lạnh. Tôi bồn chồn thương em, nhớ em, và lo cho em về nhà mẹ mắng…

*

Ở đơn vị, tôi nhận được thư mẹ tới khá đều, bao giờ cuối thư cũng có vài dòng thêm của Thu. Em không có thói quen viết dài, chỉ luôn đặt những câu hỏi: “Anh có khỏe không?”; “Anh có nhớ em không?”; “Anh có đủ ấm không?”; “Bao giờ anh có thể ghé qua nhà?”; “Anh ăn có no không?”

Qua thư nhà, tôi được biết Thu đã tốt nghiệp lớp bảy, và ý mẹ tôi muốn hướng Thu vào nghề dạy học. Mẹ còn hỏi tôi khá kỹ về Quyền, cái cậu giáo viên hiền lành bạn tôi ấy. Mẹ cho biết Quyền có vẻ quyến luyến Thu lắm và mẹ cũng thấy mến chàng trai này. Mẹ muốn biết ý kiến của tôi ra sao. Ðọc thư mẹ, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi không tự phân tích được tình cảm của mình nữa. Ðiều thật rõ là tôi thương Thu, rất thương Thu. Tôi không muốn đời Thu lại gặp những éo le, trắc trở. Quyền yêu Thu, đó là điều tôi biết chắc. Còn từ ngày tôi ra đi tới nay, Thu đối với Quyền ra sao, trong thư mẹ tôi không nói; và Thu cũng không viết một chữ nào nhắc đến Quyền. Tôi trả lời mẹ chung chung là Quyền chân thật, hiền lành, có thể tin cậy được.

Mùa xuân năm 1956, sau gần hai năm đi xa, tôi có dịp ghé về thăm nhà. Tôi đeo ba lô, bồi hồi bước trên con đường uốn lượn quanh những ngọn đồi đất đỏ. Những bụi hoa mua, hoa sim tím lại, những chùm hoa xoan mọng nước lẫn trong màu mây, những cánh hoa trẩu trắng trên cây và rải trắng mặt đồi, tất cả đều khơi dậy trong tôi những kỷ niệm xốn xang về những năm tháng đã cùng lớn lên, cùng sống với Thu khi em mười tuổi…

Hinh minh hoa Mua xuan Tieng chim Truyen ngan cua nha van Vu Tu Nam - Mùa xuân - Tiếng chim - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Tú Nam

Thu đã đón tôi một cách thật là bồng bột. Em đang vo gạo. Thấy tôi bước vào cổng, em quăng cả rá gạo, reo lên, chạy ù ra nắm chặt lấy hai tay tôi mà lắc: “Anh Dương! Anh Dương! Mẹ ơi, anh Dương về!” Rồi trước mặt cả mẹ tôi, mẹ Thái, Thu đỡ ba lô từ vai tôi xuống, quạt cho tôi, múc nước cho tôi rửa mặt. Em nắm tay tôi, nhìn chăm chắm vào mắt tôi, cười: “Anh đen đi bao nhiêu! Anh có nhận được thư em mới viết không?” Tôi trả lời chưa nhận được vì đơn vị chuyển địa điểm trú quân, chắc là thư đến trễ.

Bữa cơm tối đó, Thu hầu như không ăn mà chỉ ngồi nói chuyện líu lo và gắp cho tôi. Dưới ánh đèn, nom Thu càng đẹp. Người em dỏng cao, chắc lẳn; hai con mắt to, đen nhánh. Thu nhìn tôi, lộ rõ niềm vui rạng rỡ và sự cảm mến không che giấu. Có lúc không chịu nổi cái nhìn ấy, tôi bối rối cúi đầu xuống mâm cơm hoặc quay sang hỏi chuyện mẹ tôi. Thu có đôi môi mỏng, hồng, hơi “đanh đá”, nhưng khi em cười thì quả thực tôi chưa hề thấy cô gái nào có sự hồn nhiên trong sáng đến như vậy. Bao giờ tôi cũng chịu thua trước cái cười ấy, và chẳng khi nào giận được Thu lâu.

Sau bữa cơm, Thu dẫn tôi đi chào thăm các bạn bè và gia đình trong xóm. Hai đứa đi trong bóng tối dìu dịu mùi hoa xoan, hoa bưởi. Chốc chốc Thu dừng lại, hỏi tôi có nghe tiếng chim gọi vịt kêu không. Tôi bảo có. Thu nói, giọng rầu rầu: “Như tiếng ai gọi ấy, anh nhỉ…” Thế là từ đấy, tiếng chim gọi vịt vời vợi khi xa khi gần mùa xuân nào cũng gợi cho tôi nhớ đến Thu, một nỗi nhớ giằng xé gần như là một nỗi đau không bao giờ dứt…

Tôi đã đi xa câu chuyện mất rồi! Anh uống nước đi, để tôi xin kể tiếp anh nghe.

Tối hôm ấy, tôi và Thu đi quanh xóm xong, trở về nhà, thì vừa gặp mẹ tôi tiễn mẹ cậu Quyền ra cửa. Thu lảng ngay xuống bếp.

Mẹ tôi ra hiệu cho tôi ngồi vào bàn để mẹ tôi nói chuyện. Mẹ cho biết cha mẹ Quyền muốn xin Thu về làm dâu. Theo ý mẹ, Quyền là một thanh niên đứng đắn, sáng sủa, đã có nghề nghiệp, lại là con trai độc nhất của gia đình tử tế, đủ ăn; nếu lấy Quyền thì Thu sẽ sung sướng.

Tôi ngồi im lặng, cúi đầu nghe mẹ tôi nói. Tôi không thể cất tiếng hỏi mẹ, cũng không thể trả lời, chỉ nghe rõ tiếng trái tim mình đập vội. Cuối cùng, mẹ tôi nắm lấy vai tôi, nhìn vào mắt tôi: “Con đã chẳng nhận xét Quyền là một người chân thật, hiền lành, có thể tin cậy được trong thư con viết cho mẹ là gì?… Và chính con đã nói với Quyền rằng con ưng nhận nó làm em rể, có đúng thế không?”

Tôi giật thót mình. Với một phản ứng tự nhiên, tôi cãi: “Mẹ ạ, đó là con nói đùa!… Với lại, cái chính là phải tùy em Thu chứ!”

Mẹ tôi hạ thấp giọng, nói run run: “Mẹ biết hai anh em con rất… quý nhau. Chính vì mẹ muốn giữ cho tình anh em thương nhau, quý nhau lâu dài, mà mẹ thấy cần để cho Thu đi lấy chồng, con ạ…”

Mẹ tôi vừa nói tới đây thì cánh cửa buồng bật mở tung. Thu từ trong buồng ôm mặt chạy vụt ra, vừa chạy vừa khóc tấm tức. Thì ra em đã từ bếp lẻn vào buồng nghe rõ hết đầu đuôi câu chuyện.

Hai mẹ con tôi đuổi theo Thu, đến gần bờ nông giang mới giữ được Thu lại và dắt

Thu về.

Hôm sau, Thu đùng đùng lên cơn sốt. Em vật vã, nói mê lảm nhảm. Mẹ tôi cuống quýt đun nước xông, đánh gió cho em.

Xế chiều em đã tỉnh. Tôi bưng bát cháo đến cho em ăn. Em nằm thẳng ngay ngắn, đầu hơi ngả về một bên. Mẹ tôi đắp cho em một tấm vải đỏ lâu nay vẫn dùng để dán khẩu hiệu trong các cuộc họp – mẹ chẳng có cái chăn đơn nào!

Thu nằm im, lim dim mắt. Má em đã hồng trở lại. Tôi đứng lặng ngắm em, nhìn màu đỏ của tấm vải khuôn lấy thân hình thon thả của em… Và bỗng nhiên nhói lên trong tôi một sự thật bấy lâu ủ kín: tôi yêu Thu, tôi tha thiết yêu Thu! Tôi muốn kêu to lên điều ấy, ngay lúc này đây, để cho Thu và mẹ tôi cùng biết.

Như đón được ý nghĩ của tôi, Thu từ từ mở mắt. Em đưa bàn tay ra cho tôi nắm, và nước mắt em trào ra theo câu nói: “Thôi, anh… Thôi, anh đừng nói nữa… Em hiểu hết cả rồi… Ðiều gì anh và mẹ muốn, thì em sẽ làm theo… Em đã làm phiền mẹ và và anh nhiều lắm rồi mà!”

Thu rút phắt bàn tay lại. Và tôi đứng sững sờ, chết lặng khi Thu òa lên khóc.

*

Hết phép, tôi trở lại đơn vị như một kẻ mất hồn, Thu bắt tôi mang theo hai quả dừa và một gói xôi lạc thật to, nhưng em chỉ tiễn tôi ra đến đầu ngõ.

Tới nơi đóng quân, tôi nhận được lá thư đến chậm của Thu. Lá thư gần như công khai bày tỏ tình yêu của Thu đối với tôi, và cười cợt ý định cầu hôn của Quyền.

Sự việc éo le như vậy đấy, anh ạ. Lá thư như ánh sáng một ngôi sao đến chậm, nhưng mãi mãi chiếu nhói vào tim tôi, không khi nào tắt.

Cuối năm 1957, mẹ tôi viết thư báo tin và gọi tôi về dự đám cưới Thu vào ngày 27 tháng 12. Quyền cũng viết thư cho tôi một bức thư tràn đầy hạnh phúc và không quên ngỏ lời cảm ơn tôi đã giúp đỡ anh trong việc xây dựng gia đình! Riêng Thu không viết cho tôi, dù chỉ là một chữ.

Tất nhiên tôi không thể về dự đám cưới. Tôi gửi một số tiền dành dụm được cho mẹ tôi và một tấm vải dù mừng Thu. Ngày 27 tháng 12 đối với tôi trở thành ngày kỷ niệm đau buồn. Tôi biết giận ai trong chuyện này được? Giận Thu ư? Giận mẹ tôi ư? Hay là giận chính tôi?

Sau đó, tôi nhận được thư của Thu đề ngày 1 tháng 1 năm 1958. Thu chúc mừng tôi năm mới, và viết: “Anh Dương ạ, từ nay em sẽ vĩnh viễn là em gái của anh. Ðược mẹ cho phép, em đã đổi từ họ Nguyễn – họ khai sinh cũ – sang họ Ðỗ, họ của cha chúng ta. Em thích như thế, anh bằng lòng chứ?”

Thế là hết đầu đuôi câu chuyện… Bây giờ thì anh đã rõ tôi đến đây cốt để sống lại những kỷ niệm xa xưa. Và chắc anh vừa nghe vừa thầm “khen” tôi là khéo giữ kín câu chuyện tâm tình đến thế. Ðúng như vậy, suốt những năm dài cùng anh lặn lội ở chiến trường B, không mấy khi tôi không nhớ đến Thu, nhưng chưa bao giờ tôi kể cho anh nghe về Thu cả. Lần này tình cờ gặp anh ở đây, thật là dịp may để tôi “trả nợ” anh.

Anh uống đi, cà phê tôi mang theo đấy. Ðêm xuân như thế này ta có thao thức ít ngủ đi một chút cũng là phải lẽ thôi.

Tôi chuyển ngành từ sau bảy lăm, anh ạ. Trong một chuyến công tác ở Sài Gòn, tôi có lần theo dấu vết của cha Thu – người cha đã bỏ con bỏ vợ, “dinh tê” vào Hà Nội bị tạm chiếm năm 1948 ấy. Tôi đã gặp được ông ta. Ông ta là chủ một tiệm bán vải, hay nói cho đúng hơn là chồng của bà chủ tiệm bán vải. Ông ta to béo nhẵn nhụi, ăn mặc chải chuốt, suốt ngày im lặng đứng bán hàng cho vợ như một kẻ làm công. Ông ta chẳng có nét gì giống Thu cả. Chính vì thế, hoặc do một mối ác cảm ngấm ngầm đối với ông, nên tôi chỉ trò chuyện qua loa như một người khách mua hàng, mà không nhắc gì đến cô Mai và Thu hết.

Anh Năm, anh đừng nóng ruột! Tôi sẽ nói nốt những điều anh cần biết: Thu và Quyền hiện đang sống ở Lâm Ðồng, hai vợ chồng đều dạy học và đã có hai con, một trai, một gái. Thu đã đón mẹ tôi vào trong đó, nhà Thu có vườn rộng lắm. Mẹ tôi đã trên sáu mươi rồi, yếu rồi. Năm nào bà cũng giục tôi lấy vợ, nhưng tôi đành chịu, chưa làm theo được ý muốn của bà!… Có những cô mến mình, nhưng mình không ưng, lôi thôi thế!…

Anh Năm, anh có nghe thấy không?… Đấy, tiếng chim gọi vịt đấy!… Thôi, anh đi nghỉ đi. Ðể mặc tôi ngồi một mình. Tôi không ốm đâu, anh đừng lo.

Tháng 4 năm 1982

V.T.N

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây