Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở Lào dần hé lộ bí mật

Các chum ở cánh đồng chum có kích thước khác nhau. Ảnh: Dự án khảo cổ học cánh đồng chum
Các chum ở cánh đồng chum có kích thước khác nhau. Ảnh: Dự án khảo cổ học cánh đồng chum

Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở tỉnh Xieng Khoaung hiểm trở tại thượng nguồn Bắc Lào dần hé lộ nhiều bí mật.

Cánh đồng chum là cảnh quan khảo cổ cự thạch gồm hơn 2.000 chiếc chum lớn bằng đá chạm khắc nằm rải rác dọc theo thung lũng và cánh đồng thấp của đồng bằng trung tâm thuộc cao nguyên Xieng Khoaung. Hầu hết chúng nằm thành từng cụm với số lượng từ một cho đến vài trăm chum.

Các chum có kích thước khác nhau, trong đó chum lớn nhất chỉ cao hơn 2,5 mét và nặng 30 tấn. Những chiếc chum này được cho là đã được sử dụng cho mục đích an táng thời tiền sử, với hài cốt của con người (bao gồm cả răng) được chôn xung quanh một số chiếc chum.

Theo trang Phys.org, nhóm nghiên cứu khảo cổ học Lào-Australia đã làm việc để khám phá một số bí mật của các di chỉ khảo cổ cánh đồng chum ở Lào kể từ năm 2016.

2 min - Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở Lào dần hé lộ bí mậtCác chum gốm ở cụm số 1. Ảnh: Dự án khảo cổ cánh đồng chum

Năm 2020 là mùa thực địa thứ tư nhóm quay trở lại Lào với sứ mệnh hoàn thành các chuyến thám hiểm khảo sát ở một số khu vực ít người qua lại ở Bắc Lào và khai quật tại cụm số 1 (được gọi là Ban Hai Hin) – khu vực được đến thăm nhiều nhất trong 11 địa điểm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Cánh đồng chum là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới, nơi những quả bom chưa nổ sót lại thời chiến tranh vẫn gây nhiều thương thích cho tới ngày nay.

Trong năm 2020, nhóm các nhà nghiên cứu và sinh viên Lào – Australia đã phát hiện thêm nhiều khu chôn cất xung quanh các bình cự thạch và xác nhận rằng, các tảng đá kỳ lạ giàu thạch anh được tìm thấy ở cụm 1 đã được sử dụng làm điểm đánh dấu cho các chum chôn cất bằng gốm sứ dưới bề mặt. Bên trong một số chum gốm bị chôn vùi này có xương của trẻ sơ sinh và trẻ em.

Mặc dù các chum gốm dùng để chôn cất trên khắp Đông Nam Á có niên đại từ khoảng năm 2250 trước Công nguyên, và các nhà khảo cổ đã tìm thấy những ví dụ khác ở Lào vào những năm 1980 – song đây là lần đầu tiên các chum gốm ở Lào được chứng minh có xương người.

“Điều này cho chúng tôi biết hoạt động chôn cất tại địa điểm này phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ ban đầu, bao gồm ba loại nghi lễ – chôn cất sơ cấp (nơi đặt bộ xương), chôn cất thứ cấp (bó xương) và chôn cất bằng chum gốm” – nhóm khảo cổ cho hay.

Phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon đối với xương nằm bên cạnh các chum ở cụm 1 cho thấy việc mai táng diễn ra vào khoảng năm 773-987 sau Công nguyên.

3 min - Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở Lào dần hé lộ bí mậtKhai quật ở cụm số 2. Ảnh: Dự án khảo cổ cánh đồng chum

Bảo tồn quá khứ

Trở lại Australia vào tháng 3.2020, nhóm khảo cổ đã cẩn thận mang theo các mẫu xương, gốm và trầm tích để phân tích xác định niên đại, đồng thời bảo tồn các hiện vật bằng đồng quý giá ở Trung tâm Bảo tồn Tư liệu Văn hóa, Đại học Grimwade.

Kết quả nghiên cứu từ các cuộc khai quật đầu năm 2019 tại cụm 2 – cách cụm 1 khoảng 12km – cho thấy, những chiếc chum ở đây có niên đại sớm nhất là vào cuối thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.

Nhóm khảo cổ đã sử dụng phương pháp phát sáng kích thích quang học (OSL) để xác định niên đại của các lớp trầm tích bên dưới các chum, cho ra ước tính về thời điểm trầm tích tiếp xúc với ánh sáng lần cuối.

4 min - Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở Lào dần hé lộ bí mậtBản đồ 3D cụm số 1. Ảnh: Đại học Melbourne

Việc lập bản đồ mở rộng UAV (máy bay không người lái) của cụm 1 cũng đã được hoàn thành vào năm 2020, tạo ra một bản đồ 3D có độ phân giải cao, ghi lại vị trí chính xác của từng chiếc chum trong số 316 chiếc chum được đánh số riêng biệt.

Tiến sĩ Thonglith Luangkhoth – đồng Giám đốc dự án của Cơ quan Di sản Lào – và nhóm các nhà nghiên cứu di sản của ông hiện có thể kiểm tra chéo tình trạng của các di tích và các chum với một kho lưu trữ phong phú các bức ảnh, mô hình 3D và dữ liệu hình thái học do nhóm quản lý trong vài năm qua.

Cùng với các sinh viên khảo cổ học Lào, nhân viên di sản địa phương và tình nguyện viên làm việc trong dự án, Tiến sĩ Luangkhoth cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các địa điểm và vai trò quan trọng của chúng đối với đời sống, văn hóa của người dân Lào.

Một bước phát triển mới thú vị là sự hợp tác thành công với các chuyên gia dữ liệu sáng tạo từ Nền tảng phân tích dữ liệu Melbourne (MDAP) – những người đã tạo ra một kho dữ liệu và trang web – để cung cấp cho các đồng nghiệp Lào, nhân viên UNESCO, nhân viên di sản, các nhà nghiên cứu và sinh viên tiếp cận dữ liệu khoa học, tư liệu lịch sử cùng với các báo cáo và phân tích để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn đang diễn ra của khu di sản thế giới cánh đồng chum.

5 min - Khai quật khảo cổ cánh đồng chum ở Lào dần hé lộ bí mậtKhai quật ở cụm 21. Ảnh: Đại học Melbourne

Nghiên cứu của nhóm khảo cổ cũng trình bày chi tiết các nghiên cứu địa lý thời gian về các mẫu chum và mỏ đá được sử dụng để xác định nguồn đá có khả năng tạo ra các chum tại cụm 1.

Bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại zircon U-Pb – phương pháp được các nhà địa chất học dùng để xác định nguồn gốc các loại đá và tuổi của chúng – các hạt zircon của một chum ở cụm 1 được so sánh với một mỏm đá sa thạch và một chiếc chum chưa hoàn thành từ một mỏ đá được cho là cách cụm 1 khoảng 8km.

Cả ba mẫu đều cho thấy các nhóm tuổi giống hệt nhau, chứng tỏ chúng có nguồn gốc rất giống nhau và vỉa đá tại Phou Kheng hoặc cụm 21 có khả năng là nguồn nguyên liệu được sử dụng cho chiếc chum ở cụm 1.

SONG MINH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây