Khảo cổ di tích nơi Nguyễn Huệ lên ngôi, xuất lộ nhiều vết tích

Khảo cổ di tích nơi Nguyễn Huệ lên ngôi, xuất lộ nhiều vết tích
Núi Bân - nơi Nguyễn Huệ đăng quang lấy niên hiệu Quang Trung hoàng đế (Ảnh: An Nhiên).

Núi Bân – ngọn núi nơi Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung vào năm 1788 xứng đáng trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Đó là ý kiến được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích núi Bân vào ngày 29/7 tại TP Huế.

Di tích này hiện nằm trên đường Ngự Bình (phường An Tây, TP. Huế). Chính nơi này, sau khi đăng quang, Quang Trung hoàng đế đã tiến hành cuộc hành binh thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789, viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền của tổ quốc. Và đây được xem là đàn Nam Giao dưới thời Tây Sơn.

Di tích núi Bân trước đó được xếp hạng là “di tích lịch sử cấp quốc gia” vào năm 1988.

Việc khai quật này được tiến hành 35 ngày, với tổng diện tích dự kiến ban đầu 100m2, nhưng sau đó mở rộng lên 140m2, do các chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì. Có 9 hố được mở ở bốn phía đông, tây, nam và bắc của đàn tế.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết quá trình khai quật, đã tìm thấy những vết tích bó móng kè đá, kè gạch, những mặt nền san phẳng cùng các đường ta-luy. Việc này đã phản ánh rõ quy mô, tính chất của di tích.

Bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân có khả năng có chân đế hình vuông, xung quanh kè đá và gạch. Phía trên có ba tầng đất, được tạo theo kiểu hình nón cụt bằng cách ban xẻ triền núi trên cơ sở các đường đồng mức hình quả trứng, tạo thành ba vòng nền có chiều cao và chiều rộng không đều nhau, chu vi các vòng nền giảm dần theo chiều cao của ngọn núi.

Quá trình khảo cổ cũng đã xuất lộ những vết tích bó móng kè đá và gạch. Trong đó có những mảnh gạch bìa được các chuyên gia xác định niên đại hiện vật trong khung thế kỷ 18. Gạch có kích thước và màu sắc hoàn toàn tương đồng với các loại gạch bó móng kiến trúc tìm thấy tại các đền, phủ thời chúa Nguyễn và các công trình kiến trúc xây dựng trong giai đoạn đầu thời Gia Long (1802 – 1820) ở Đại Nội Huế.

Cac chuyen gia nha nghien cuu khao sat thuc dia khu vuc duoc khai quat khao co o nui Ban min - Khảo cổ di tích nơi Nguyễn Huệ lên ngôi, xuất lộ nhiều vết tíchCác chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát thực địa khu vực được khai quật khảo cổ ở núi Bân (Ảnh: An Nhiên).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế nói rằng những thông tin khai quật lần này rất có giá trị. Vì thế, cần tiếp tục mở rộng khai quật để làm rõ hơn cấu trúc, kích thước của di tích này, làm căn cứ bổ sung vào hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Ở khía cạnh chuyên môn, ông Chất cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan cần đầu tư mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học. Ngoài ra, cần sớm có kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống ở khu vực phía tây chân núi Bân, tạo hành lang bảo vệ an toàn cho toàn bộ khu di tích.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, cần xây dựng một không gian trưng bày về triều đại Tây Sơn ở di tích núi Bân, nghiên cứu tour du lịch liên quan để phục vụ du khách.

Theo “Bản lược kê lý lịch di tích và danh thắng” của phòng Bảo tồn Bảo tàng, Ty Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế (nay là sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế) năm 1986, di tích núi Bân là một quả đồi cao 41m, có chiều dốc 24 độ, diện tích gần 90 nghìn m2, nằm ở xứ cồn Mồ, xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây, TP Huế). Di tích được xẻ thành 3 tầng đồng tâm, tạo thành 3 khối hình nón cụt chồng lên nhau theo chiều cao, biểu hiện tư tưởng và quan niệm một đàn tế Thiên – Địa – Nhân.

Tầng một, từ chân núi lên đỉnh ở độ cao 37m, có chu vi 220m. Bề rộng của tầng này không đều nhau, ở phía bắc rộng 19m, phía nam rộng gần 17m, trong khi phía đông và tây lại rộng 12m.

Tầng hai có chu vi hơn 122m, bề rộng cũng không đều nhau, phía bắc rộng hơn 8m, phía nam rộng gần 11m, phía tây và đông rộng hơn 10m. Tầng hai cao hơn tầng một 1,65m.

Tầng ba có đắp thành hình nón cụt, bề mặt phẳng và đều. Tầng này cao hơn tầng hai 1,2m, đường kính mặt bằng 18,6m và chu vi là 52,7m.

An Nhiên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây