Vua Quang Trung – “giả vương” liệu có “nhập cận”? – Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Vua Quang Trung - “giả vương

VUA QUANG TRUNG – “GIẢ VƯƠNG” LIỆU CÓ “NHẬP CẬN”?

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Để biết “giả vương” vua Quang Trung liệu có “nhập cận” không, tưởng cũng nên lượt qua một số sự kiện đáng chú ý sau: Tháng 11 năm Mậu Thân (1788), nhân có sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị (nhà Thanh, Trung Hoa) tiến đến Thăng Long. Được tin báo, Nguyễn Huệ  cấp tốc đưa quân ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp, Nguyễn Huệ hội quân ở Tam Điệp, rồi chia đi các ngả tiến về bao vây quân nhà Thanh ở Thăng Long. Mùng 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn chiến thắng ở các trận Hà Hồi, Ngọc Hồi, nhiều tướng nhà Thanh tử trận, tướng Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn ở gò Đống Đa. “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhắm hướng bắc mà chạy“.[1] Vua Lê bỏ thành chạy theo về phía quân Thanh. Trưa hôm đó, “Huệ xua binh vào thành, chiến bào mặc trên người ám đen vì thuốc súng.” [2]

Tôn Sĩ Nghị thua chạy, bỏ rơi lại các chiếu thư của vua Càn Long. Quang Trung nhặt được, biết mưu chước của Càn Long về mục tiêu của cuộc tiến quân. Quang Trung nhân đó sai Ngô Thời Nhậm viết tờ biểu gửi vua Càn Long; lời văn tỏ ý khiêm nhường, nói bất đắc dĩ mới phải va chạm với quân của Tôn Sĩ Nghị, xin giảng hòa và cầu phong. Tuy là biểu giảng hòa, cầu phong, nhưng không che lấp ý răn đe: “… Nếu tình hình trước đây chưa rõ, Thiên triều không khoan dung cho chút nào, phải đem quân đến đánh, thế thì nước nhỏ tôi không được hết lòng kính thờ nước lớn, tôi cũng phó mặc cho mệnh trời đó thôi.[3]

Phía nhà Thanh nhận được tờ biểu, không dám trình lên Càn Long. “Thang Hùng Nghiệp nhận được hết sức kinh hãi nói với sứ giả đem đến là Hô Hổ hầu rằng: Hiện nay đâu phải là hai nước đang giao tranh, sao lại dùng lời lẽ giận dữ như thế? Xin phong tước đâu có thể thế này, chẳng lẽ muốn khởi binh gây sự hay sao?[4] Chính sử của nhà Thanh cũng có chép lại việc này, nói rằng Nguyễn Huệ “xin hàng”, nhưng bị nhà Thanh cự tuyệt; biểu văn nói là không dám đắc tội với thiên triều nhưng “lời lẽ hàm hồ chống chế”! [5]

Quan hệ Thanh – Việt giai đoạn này có những điều tế nhị. Theo nghiên cứu của Trương Minh Phú (Trung Quốc), “Phúc An Khang đến Thái Bình, phủ Hưng Hóa nhận được chỉ dụ của vua Càn Long… lập tức tâu lên nêu rõ quan điểm của mình: “… Ngày nay việc của An Nam, Tôn Sĩ Nghị hăng hái lúc đầu, sai sót lúc cuối, nay thần đến đây chủ yếu nuôi dưỡng quân uy, bảo tồn quốc thể là chính. Còn như Nguyễn Huệ nghe tin nội địa bốn đường cùng tiến đánh, ắt là thế cùng phải lên gõ cửa, thần sẽ không dễ dàng nhận lời cầu xin, đợi đến khi sợ quá nên thương hại, khi đó cứ theo tình hình thực mà tâu lên”. Đề nghị của Phúc An Khang đã được vua Càn Long khen ngợi nói là Phúc An Khang “lời tâu đã nắm được những đầu mối chính”,  “sở kiến tương hợp với ý của trẫm” cứ như thế mà biện lý…” [6]

Phúc An Khang gửi trát dụ ra sức thuyết phục vua Quang Trung dự lễ bát tuần vạn thọ của Càn Long (năm 1790) để đánh đổi việc được sắc phong:

“… sang năm là lễ bát tuần vạn thọ đức Đại hoàng đế, thật là nghi điển ở đời thịnh trị, hàng ngàn năm không gặp được một lần, nay Quốc trưởng thân hành đến Kinh đô, làm lễ triều cận để chúc thọ Hoàng đế thời hẳn là Thanh chúa vui lòng ban thưởng….

Vậy về việc cho ân để nhận phong, bản tước Các-Đốc-bộ đường có thể nâng đỡ mà giúp cho Quốc trưởng, tưởng Quốc trưởng không phải nghĩ đến…” [7]

Sau đó, Phúc An Khang lại sai thuộc hạ gửi một thư riêng cho Nguyễn Quang Hiển, phủ dụ để sớm có được tờ biểu của vua Quang Trung:

“… Đại hoàng đế vỗ yên cả vạn phương, ngọc cung, ngọc cầu của các nước nhỏ đều họp đến để cống hiến, thời Quốc trưởng có đến tận kinh đô để triều cận hay không, cũng không đáng kể. Bây giờ Tước-các-đốc-bộ-đường họ Phúc tính công việc hộ Quốc trưởng, chỉ có một cách làm ngay tờ biểu xin chính mình vào chầu là hơn cả[8]

Theo đó, vua Quang Trung đã cho soạn một tờ biểu nói rằng năm sau sẽ đi dự lễ bát tuần vạn thọ để có cớ cho Phúc An Khang tấu xin nhanh việc sắc phong. Ngày 4 tháng 8 năm Canh Tuất, Phúc An Khang cho biết “Hoàng đế có ban một tờ Sắc và một bài thơ ngự chế, lại chính tay Hoàng đế viết, cho Quốc vương nước An Nam” đã giao cho hai viên quan mang sắc phong qua “Lê Thành” (Thăng Long) để làm lễ ban sắc.[9]

Lúc này vua Quang Trung đang ở Nghệ An và tìm cách trì hoãn lễ thụ phong. Thư của vua Quang Trung gửi quan nhà Thanh: “…Duy có một điều, khí hậu nước tôi, tự tỉnh Thanh Hóa trở về đàng Bắc, mùa hè mưa lũ nhiều, tự tỉnh Thanh Hóa trở về đằng Nam, mùa thu mưa lũ nhiều, hiện tôi tự tỉnh Nghệ An, bắt đầu ra đi từ đầu tháng 8, … ước chừng giữa tháng 9 mới đến được thành Thăng Long…”[10].

 

vvt min 3 - Vua Quang Trung - “giả vương" liệu có "nhập cận"? - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ngày 20 tháng 8, vua Quang Trung gửi thư cáo bệnh không ra được Thăng Long, đề nghị mang sắc vào Nghệ An để cùng rước vào Phú Xuân lễ thụ phong:

“…Tự khi tôi nghe có mệnh được ân phong, lập tức chỉnh tề tướng sĩ ở bản bộ, định vào hôm 28 tháng này, tự tỉnh Nghệ An ra đi, đến trước thành Thăng Long vâng đón tờ sắc và thơ của nhà Vua để thỏa lòng chiêm ngưỡng.

Duy nước tôi gần nay nhiều việc,… đến nỗi cảm mạo gió sương, phải chứng bệnh thương hàn, vừa rồi gượng ốm về đàng Bắc, mới đến địa điểm đàng Đông tỉnh Nghệ An, gặp khí lạnh mùa thu, bệnh cũ lại tăng, đành phải quanh thuyền về thành Nghệ An để điều trị…

Hiện tại, thành Nghệ An điện đài chưa làm xong, tôi tạm ở trong thành chữa bệnh, cẩn thận ủy con đẻ là Nguyễn Quang Thùy, bề tôi thân về hàng võ là Ngô Văn Sở, bề tôi thân về hàng văn là Loan-hồi-đại Ngô Thì Sĩ kính cẩn đến thành Thăng Long vâng đón quan sứ mang tờ sắc và vác lấy binh mã cờ quạt, khí giới ở trong thành, hộ vệ Long đình lên đường đi vào tỉnh Nghệ An, ở đấy tôi chờ đợi rồi đến trước thành Phú Xuân để tuyên phong…” [11]

Nhưng sau đó, vua Quang Trung có Thư gửi cho Phúc An Khang, thắc mắc về tin có nhiều thuyền bè mang cờ hiệu Trung Hoa, uy hiếp cướp bóc ở bờ biển Nghệ An, Thuận Hóa:

“… Tiểu phiên kính vâng mệnh lớn… định vào ngày 28 tháng 8 tự tỉnh Nghệ An ra đi, đến trước thành Thăng Long để lạy đón thờ Sắc và thơ của nhà Vua cho thỏa lòng chiêm ngưỡng, thời chợt hôm 26 lại tiếp được quan tướng võ đi tuần ngoài bể tỉnh Nghệ An báo tin rằng: ngoài bể có chừng hơn 100 chiếc thuyền từ đàng Đông đến thẳng núi Biện Sơn, ở ngoài mặt bể tỉnh Nghệ An tiến dần vào cửa bể Nhật Lệ, Tư Dung thuộc tỉnh Thuận Hóa, cờ nhà binh và khí giới đều là hình dáng ở nội địa, cướp bóc dân cư ở theo bờ bể, khổ không kể hết, tiểu phiên đương sắm hành trang ra đi về việc đón tờ Sắc, chợt nghe tin ấy, không biết thuyền bè đó là duyên cớ gì? …

Vì thế hôm 27 tháng này, Tiểu phiên tự ấp mới là thành Nghệ An, tinh tốc lên đường trở về thành Phú Xuân tỉnh Thuận Hóa, chuẩn bị việc phòng giữ, … kính mong tôn Đại-nhân là bậc Chế-hiến bảo rõ cho tôi: những thuyền bè cướp bóc ở mặt bể là lính đi đồn trấn, hay là thuyền giặc của bọn Tề Ngụy mà phải nên nã bắt, tuân theo hiến-trát, để tùy nghi phân xử cho yên ngoài mặt bể.

Binh cơ là việc trọng, tôi còn thiển nghĩ, chưa biết thế nào là phải, xin Tôn-đại-nhân cúi xuống chỉ giáo cho…[12]

Như vậy, dù cho Sắc phong đã đem tới Thăng Long, vua Quang Trung vẫn hết sức cảnh giác, không mấy tin tưởng ở Phúc An Khang và triều đình nhà Thanh.

Sau đó có lẽ việc ngoài biển tạm yên, vua Quang Trung lại cáo bệnh lần nữa, xin đổi ngày thụ phong: ” … không ngờ lúc mới cảm, Tiểu phiên đã không được nghỉ ngơi phần nhiều gắng gượng cử động, đến lúc đi lại cảm nhiễm thêm, bệnh cũ trở lại, đến đầu địa phương huyện Đông Thành, chứng nóng rét lại phát, người rất mệt mỏi, không thể gượng yếu ra đi, đành tạm ở lại để chữa thuốc… Tiểu phiên dám đâu nghĩ lại để thay đổi, chỉ vì thân mọn mang bệnh, làm sai lạc với nhật kỳ, nên phải cứ sự thực kêu trước, kính mong hai đại nhân chân ngọc tạm dừng, xe hương hơi chậm, để Tiểu phiên bệnh chứng hơi đỡ, nhanh chóng lên đường về Thăng Long, sau khi tôi được tham yết, sẽ chọn ngày tốt để thụ phong, làm xong điển lễ, vậy trông lên hai Đại nhân xét cho mà chọn định vào ngày khác…[13]

Những cách đối phó của vua Quang Trung đã làm cho cả sứ thần và Phúc An Khang lúng túng; đặc biệt không dám báo về triều đình nhà Thanh mà phải tự dàn xếp với phía vua Quang Trung. “…Vì lẽ đã tâu tờ bẩm trước, thời tờ bẩm sau quyết nhiên không dám tâu nữa…Thử hỏi rằng tờ bẩm đến trung tuần tháng 9 về đến Lê thành để thụ phong, đã đưa đến nhà vua, có thể nào lấy câu chuyện bị ốm, lại đổi hẳn nơi thụ phong. Còn nhật kỳ tuyên phong thời chúng tôi đã chọn lui đến ngày 24…Nay tuyên phong đến kỳ hạn mà Quốc vương chưa đến đã là mất lễ kính cẩn, lại muốn đạo và phủ chúng tôi đem tờ sắc đến tận thành Phú Xuân, đứng vào địa vị làm bề tôi… trong lòng có được yên không?… Các vị nên biết rõ đại nghĩa,… tâu ngay với Quốc vương gượng ốm đi về Lê thành, sớm nhận lấy phong tước, chớ còn giữ ý riêng của mình và làm nhầm điển lễ sách phong, để đạo và phủ chúng tôi phải lỗi về việc phụng mệnh trì duyên. Nói như thế là hết lời và căn dặn tha thiết.” [14]

Cuối cùng lễ thụ phong đã phải tổ chức trong tháng 10, có thể đã không có mặt của vua Quang Trung. Một vài cuốn sách về sau nói là vua Quang Trung sai người đóng giả trong lễ thụ phong tại Thăng Long,[15] nhưng, hiển nhiên, sử nhà Thanh thì chỉ ghi theo lời tâu qua trung gian của các sứ thần nơi biên ải:

Theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh: Theo lời bẩm của Thành Lâm, Nguyễn Quang Bình đến thành nhà Lê vào ngày 14 tháng 10, chọn giờ tốt vào ngày 15 làm lễ tuyên phong. Nguyễn Quang Bình hoan hỉ cảm động, phát ra tự tấm lòng thành, định vào tháng 3 năm sau đích thân đến kinh đô khấu đầu chúc thọ[16]

Theo ghi chép trong chính sử nhà Thanh, một phái đoàn của An Nam đã đến Tị thử sơn trang chúc thọ Càn Long, gồm có quốc vương Nguyễn Quang Bình, các đại thần Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, và nhiều tùy tùng. Vua Càn Long đã tổ chức yến tiệc, tặng quà, cho người vẽ tranh, làm thơ và ghi chép tỉ mỉ về chuyến đi của phái đoàn An Nam. Thơ văn của các đại thần tùy tùng đều thể hiện hài lòng vì không chỉ được đón tiếp trọng vọng mà còn vì đã hoàn thành nhiệm vụ giúp việc, nhân danh “quốc vương”, soạn thư giao thiệp, soạn biểu tạ ơn, thay mặt vua đối đáp. Các sáng tác của Phan Huy Ích trong chuyến đi được chép lại trong tập Tinh tra kỷ hành, bài tựa cho biết : “Năm Canh Tuất cung kính chuẩn bị lễ khánh thọ của vua Càn Long nhà Đại Thanh, tụ hội nước phiên nên đặc biệt đưa dụ tới nước ta, khẩn khoản yêu cầu nước ta đến triều chúc thọ. Bên ta nhiều phen thoái thác, nhưng họ lại càng thêm thiết tha. Ông cùng hai ba đại thần xin nhà vua tòng quyền. Tiên hoàng đế thuận theo lời nghị luận, đặc biệt ra lệnh cho ông làm bồi thần để lo việc đối đáp“. [17] Không chỉ riêng Phan Huy Ích lo việc đối đáp, mà các văn thần khác trong đoàn, khi cần thiết đều thay mặt “quốc vương” để giao thiệp. ” Khi vua Càn Long ban cho vua Quang Trung mũ áo, Vũ Huy Tấn họa lại bài thơ ‘ngự chế’ của vua Thanh…Ngày hôm sau, vua Càn Long lại ban mũ áo tam phẩm cho các bối thần hàng văn, Vũ Huy Tấn cũng được dự phần nên ông lại phụng mệnh của Quang Trung mà làm thơ tạ ơn“. [18]

Sự năng động của các đại thần chung quanh một “quốc vương” nghiêm nghị, ít nói đã tạo nên cảm nhận của sứ thần Triều Tiên: “Quang Bình cốt cách phả thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng tự thị Giao Nam chi kiệt. Nhiên giả tòng thần tắc tuy sảo giải văn tự nhi khu tài đoản tiểu, tàn liệt, ngôn động giảo trá khinh diêu” (Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra vượt trội người ở Giao Nam. Thế nhưng bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc).[19]

Một hình ảnh Quang Bình “cốt cách thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng” tương phản với bầy tôi đi theo “ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc” quả là khác với một Quang Trung mấy tháng trước đó đã khiến “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp…“, hiên ngang tiến vào Thăng Long “chiến bào ám đen thuốc súng.” Hai bình ảnh khác biệt này phần nào có thể hiểu được khi vài năm sau đó đã lan truyền tin đồn rằng vua Quang Trung đã cho một người khác đóng giả để đi cùng phái đoàn chúc thọ Càn Long; một người Tây phương, John Barrow, có ghé An Nam trong thời gian ấy, đã nghe được tin đồn và ghi chép trong nhật ký hành trình của mình [20]. Sự kiện “giả vương” sau đó đã được chép vào chính sử của triều Nguyễn: “Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ sai người sang chầu nước Thanh. Đầu là Huệ đã đánh bại quân Thanh, lại xưng tên là Nguyễn Quang Bình để cầu phong với nhà Thanh. Vua Thanh cho lại yêu cầu vào chầu. Huệ lấy người cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, nét mặt giống mình, sai đi thay, cùng đi với bọn Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích.” [21]

Không chỉ hầu hết các cuốn sử Việt Nam viết về giai đoạn Tây Sơn đều có nói đến sự kiện “giả vương” mà cả một số sách về triều Càn Long do học giả Trung Hoa biên soạn cũng có ghi nhận.[22] Tuy nhiên những năm gần đây, trong thời kỳ mà sử học có thể được sử dụng để xây dựng “quyền lực mềm”, xuất hiện một số bài nghiên cứu bác bỏ câu chuyện “giả vương”, cho rằng “những điều ghi trong chính sử nhà Thanh mới đáng tin.”[23] Vấn đề cũ được diễn giải theo ngôn ngữ chính trị hiện đại: “Cuối đời Càn Long, quan hệ tông phiên giữa Trung Hoa và An Nam qua mấy lần sóng gió, thử thách… Thế nhưng hai nước vốn có quan hệ tốt đẹp lâu dài và việc qua lại chân thành, tích cực nên đến năm Càn Long 55 việc đóng băng đã tan rã, khôi phục toàn diện… Phúc An Khang phải chịu rất nhiều khó khăn mới chính thường hóa được quan hệ giữa hai nước và đạt được tác dụng quan trọng, đưa hai nước Trung Hoa và An Nam đến một thời kỳ mới.” [24]

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính (California, Hoa Kỳ), đã có mấy cuốn sách được xuất bản liên quan đến chủ đề này [25], trong đó tác giả đưa ra nhiều sử liệu và hình ảnh lưu trữ trong văn khố của Trung Hoa theo hướng khẳng định việc vua Quang Trung đi dự lễ chúc thọ Càn Long là Quang Trung thật.

Nguyễn Duy Chính, cũng như các học giả Trung Quốc, khi bác chuyện “giả vương”, thường nêu ra 4 vấn đề chính:

(1) Các tài liệu đầu tay của phía Càn Long và phía Quang Trung đều có ghi chép rõ ràng việc vua Quang Trung đi chúc thọ Càn Long.

(2) Các tài liệu của Việt Nam chép chuyện “giả vương” hầu hết là tài liệu thứ cấp, các ghi chép theo tin đồn, độ tin cậy thấp.

(3) Trong thời gian phái đoàn vua Quang Trung đi chúc thọ, công việc trong nước đều do Nguyễn Quang Toản xử lý; không thấy sự xuất hiện của vua Trung trong các giao dịch công việc trong nước.

(4) Một số tài liệu tuy nói đến chuyện “giả vương”, nhưng tên người đóng giả vua Quang Trung thì không giống nhau trong các tài liệu; và có khi mâu thuẫn với tài liệu đầu tay.

Vấn đề 1, 2 và 3 không thể xem là lập luận để bác chuyện “giả vương”, bởi lẽ chuyện “giả vương”, nếu có, thì là một kế sách tuyệt mật của phía Quang Trung, mọi chuyện công khai như văn, thơ, tấu, biểu… đều phải làm như thật; đồng thời vua Quang Trung cũng không thể lộ diện ở các văn từ giao dịch công việc trong nước. Về phía Càn Long thì đương nhiên mọi sự đều không có gì là giả, và thậm chí nếu như có đôi chút nghi hoặc thì cũng phải nhanh chóng xóa tan để bảo đảm thể diện. Do vậy, dẫu có tìm hàng vạn trang tài liệu “tiên nguyên” của hai phía cũng không thể có chuyện “giả vương”.

Vấn đề 4 cũng không phải là một cơ sở mạnh để bác chuyện “giả vương”, bởi lẽ, đã là mật kế bị rò rỉ thì không thể có được những chi tiết chính xác, có tài liệu ghi người đóng giả có tên là Nguyễn Hữu Chấn, tài liệu khác ghi là Tư Mã Chấn, Nguyễn Chấn, hoặc Nguyễn Quang Thực, Phạm Công Trị.

Chỉ đáng chú ý là Phạm Công Trị có ghi rõ trong danh sách phái đoàn chúc thọ gửi cho phía Càn Long. Nguyễn Duy Chính và học giả Trung Quốc cho rằng như vậy không thể có chuyện Phạm Công Trị giả mạo vua Quang Trung dự lễ bát tuần vạn thọ. Lập luận này cũng không đủ mạnh; ngược lại đây là một đầu mối để hiểu tại sao các tài liệu thứ cấp nhắc đến mấy người khác nhau đóng giả vua Quang Trung.

Có thể sau khi đã “thử nghiệm” đưa Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung ở lễ thụ phong tại Thăng Long, phía vua Quang Trung đã tiếp tục một kế sách hoàn hảo hơn. Để tránh nghi ngờ do sự rò rỉ tin tức việc Phạm Công Trị đã đóng giả vua Quang Trung trong lễ thụ phong, phía vua Quang Trung đã chọn người khác làm giả vương. Danh sách đoàn đi chúc thọ có vua Quang Trung, có con trai vua là Nguyễn Quang Thùy và có cả Phạm Công Trị được công khai báo cho phía nhà Thanh theo đúng điển lễ. Khi vừa đến Trấn Nam Quan thì báo Nguyễn Quang Thùy bị bệnh, xin để Phạm Công Trị đưa Nguyễn Quang Thùy về lại Thăng Long [26]. Sách Hoàng lê nhất thống chí do Ngô gia văn phái biên soạn có đoạn viết: “Ngô Thời Nhậm  bèn kén viên quan võ người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường ở trấn Nghệ An, tên là Nguyễn Quang Thực, dung mạo đoan trang, giả làm quốc vương…  Khi “quốc vương” tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết đó là vua Quang Trung giả. Lúc “quốc vương” vào yết kiến, vua Thanh cho cùng ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối hệt như tình cha con trong nhà. Lúc “quốc vương” lạy tạ về nước, vua Thanh sai thợ vẽ truyền thần bức chân dung mà ban cho, ân lễ rất trọng hậu, thực là một cách đối đãi khác thường từ ngàn xưa hiếm có.[27]

John Barrow kể: “Người ta trịnh trọng mời Quang Trung sang Bắc Kinh. Nhưng vị tướng này đắn đo sợ rằng đó rất có thể là mưu mô của quan Tổng đốc để bắt mình, vì ông không tin tưởng bao nhiêu vào kẻ vừa bị thất bại một cách xấu hổ; bởi đó lúc đầu ông do dự không biết có đi hay không; rồi, sau khi đã bàn hỏi các tướng sĩ thân tín, ông cùng với họ quyết định cho viên sĩ quan đó giả dạng vua Bắc hà và Nam hà mà đi Trung Hoa…Khi vị vua giả trở về Huế, vua Quang Trung rất lúng túng không biết xử thế nào; sau cùng thấy không sao giữ được lâu một bí mật mà đã nhiều người biết rõ, ông nghĩ chắc hơn, và có lẽ đó là phương thế độc nhất để vua Trung Hoa khỏi khám phá được cái đòn ông vừa chơi một cách thành công, là thủ tiêu người bạn của ông và tất cả các quan đã đi theo hầu.” [28]

Đến nay thì chúng ta biết là vua Quang Trung đã không thủ tiêu “tất cả các quan đã đi theo hầu”, nhưng ghi chép của John Barrow cho thấy ít ra đã có chuyện tìm cách xóa chứng cứ của sự kiện “giả vương”, nếu không đến mức “sát thủ, diệt khẩu” toàn bộ những người theo hầu, thì cũng đã có những biện pháp xóa tông tích, dấu vết.

Tháng 7 năm 2017, Nguyễn Đình Đính và Võ Vinh Quang công bố một bài viết trên tạp chí Sông Hương, số 341, nhan đề “Giả vương nhập cận – một nhân vật khác“. Các tác giả cho biết đã gặp một cuốn gia phả, có tên “Vân Dương kinh phổ” của dòng họ Nguyễn Cửu, ở làng Vân Dương , xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.  Ở mục phái 3, chi 5, ghi:

奐郡公第十二子: 內隊長治安侯阮福晃 (一名:治) 生壽失詳。公狀貌魁偉性尤乖巧。西賊阮光平窃據 使裝作假王入覲于清高尊。後留居河內。嘉隆年間,公 監徵宣光礦稅,不知所終

Dịch nghĩa: Con thứ 12 của Hoán Quận công: Nội Đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Phúc Hoảng (còn có tên là Trị). Ông có dung mạo cao lớn đẹp đẽ, tính rất khéo léo. Lúc giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình chiếm cứ, sai ông cải trang làm “giả vương nhập cận” yết kiến Thanh Cao Tông. Về sau ông sống tại Hà Nội. Trong đời Gia Long, ông coi thuế khoáng sản ở Tuyên Quang, không biết chết như thế nào.

Sau đó, Bùi Ngọc Long và Trần Viết Điền đã đi tiếp theo thông tin của Nguyễn Đình Đính và Võ Vinh Quang, “…chúng tôi đã kết nối được với … hậu duệ đời thứ 9 của nhánh Nguyễn Cửu này. Tổ của ông là vị võ quan Tây Sơn, trong đạo quân do vua Quang Trung chỉ huy đại phá quân Thanh. Sau thắng trận, ngài tổ mới lập gia đình và lập nghiệp ở làng Trường Yên (Hà Đông, Hà Nội)…” [29]

Như vậy, câu chuyện “giả vương” không chỉ đã có lời kể của những “nhân chứng” (Ngô gia văn phái) mà còn có cả “người thật”, mặc dù đã chết, nhưng còn có con cháu đại diện.[30]

Sự kiện “giả vương” đã xảy ra cách đây 230 năm. Những sử gia sống gần với không khí chính trị xã hội lúc bấy giờ có thể thấy sự việc là có thể xảy ra, nên không ngại chép vào sử sách. Nhưng với bối cảnh ngoại giao hiện nay, ắt hẳn có người cho đó là chuyện lạ, không thể có được. Dẫu vậy, các môn khảo cổ và lịch sử luôn thú vị ở chỗ nó cho chúng ta thấy có những chuyện tưởng như không thể nào xảy ra lại đã xảy ra.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

 


Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 519, tháng 5/2020, tr 9 – 14.

[1] Ngô gia văn phái, Hoàng lê nhất thống chí, tập 2, Nxb Văn học, 1987, tr 186.
[2] Nguyễn Thị Tây Sơn ký, bản dịch của Nguyễn Duy Chính, Nxb TH TP HCM, 2020, tr 74.
[3] Ngô Thời Nhậm toàn tập, tập III, Nxb KHXH, 2005, Bang giao hảo thoại, tr 412
[4] Nguyễn Thị Tây Sơn ký, sđd , tr 79.
[5] Nguyễn Duy Chính, Đi tìm chân dung vua Quang Trung, Nxb TH TP HCM & Tao Đàn Thư Quán, 2020, tr 220.
[6] Nguyễn Duy Chính, sđd, tr 215 – 219.
[7] Đại Việt Quốc Thư, dịch giả: Đình Thụ Hoàng Văn Hòe, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục (VNCH), 1973, tr 5 -6.
[8] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 8,9.
[9] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 27.
[10] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 58.
[11] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 67, 68.
[12] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 71 – 73.
[13] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 84 – 86.
[14] Đại Việt Quốc Thư, sđd, tr 136 – 138.
[15]Vua Quang Trung Nguyễn Huệ bèn thác bệnh dần dà dài ngày tháng, mới cho cháu là Phạm Công Trị giả mạo làm lễ thụ phong, rồi sai người đem phẩm vật địa phương sang tạ ơn.” Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhà Tây Sơn, bản dịch của Tạ Quang Phát, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa (VNCH), 1970, tr 157.
[16] Thanh Thực Lục, Thanh Thực Lục: Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Hồ Bạch Thảo dịch, chú thích, Nxb Hà Nội 2010, tr 158.
[17] Nguyễn Duy Chính, sđd, tr 79, 80. Có thể xem tập thơ này ở Thơ văn Phan Huy Ích, tập III, Nxb KHXH 1978, Phụ lục: Tinh sà kỷ hành,  tr 77 – 138
[18] Nguyễn Duy Chính, sđd, tr 84-85.
[19] Nguyễn Duy Chính, sđd, tr 177.
[20] John Barrow, A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793, London 1806, tr 253, 254.
[21] Đại Nam Thực Lục tập I, Nxb Giáo dục 2001, tr 257-258.
[22] Sách Việt Nam tập lược của Từ Diên Húc; Sách Thanh sử cảo của Triệu Nhĩ Tốn.
[23] Trương Minh Phú (Đại học sư phạm Trường Giang, Trùng Khánh, Trung Quốc), Khảo luận về thuyết quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình sang Trung Hoa cuối đời Càn Long là người giả. Nguyễn Duy Chính dịch, in trong sách Đi tìm chân dung của Quang Trung, sđd, tr 107 – 134.
[24]. Trương Minh Phú, Phúc An Khang và việc khôi phục quan hệ tông phiên Trung Hoa – An Nam cuối đời Càn Long. Nguyễn Duy Chính dịch, in trong sách Đi tìm chân dung của Quang Trung, sđd, tr 204 – 242.
[25] Thanh – Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Nxb Văn hóa – Văn nghệ 2015;  Giở lại một nghi án lịch sử: “Giả vương nhập cận”. Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2016; Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2016; Đi tìm chân dung vua Quang Trung, Nxb TH TP HCM và Tao Đàn Thư Quán, 2020.
[26] Việc này có ghi rõ trong chinh sử nhà Thanh (Khâm định An Nam kỷ lược). Xem Nguyễn Duy Chính, Đi tìm chân dung vua Quang Trung, sđd, tr 125.
[27] Ngô gia văn phái, Hoàng lê nhất thống chí, tập II, Nxb Văn học 1987, tr 195.
[28] Nguyễn Phương, Việt nam thời bành trướng – Tây Sơn, Nhà sách Khai Trí, 1968, tr 307,  trích dịch từ bản tiếng Pháp của Malte Brun. Nguyên tác tiếng Anh: “… an invitation in due form was sent down for Quan-tung to proceed to Pekin. This wary general, however, thinking it might be a trick of the Viceroy to get possession of his person; and naturally distrusting the man whom he had so shamefully defeated, remained in doubt as to the course he ought to pursue: but, on consulting of one of his confidential generals, it was concluded between them that this officer should proceed to the capital of China as his representative and as the new King of Tung-quin and Cochichina….On the return of this mock king to Hué Quang-tung was greatly puzzled how he should act; but seeing that the affair could not long remain a secret which so many living witnesses, he caused his friend and the whole of his suite to be put to death, as the surest and perhaps the only means of preventing the trick, which he had so succesfully played on the Emperor of China, from being discovered”. John Barrow, A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793, London 1806, tr 254.
[29] Báo Thanh Niên, 30.10.2017, Câu chuyện văn hóa. Nghi án “giả vương nhập cận”: Một giả vương khác?
[30] Việc thay tên, đổi họ hay ghi khác nhau ở các văn bản không phải là chuyện ít xảy ra trong cách ghi chép ở những thế kỷ trước. Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Bình… cũng chỉ là một người. Tương tự, Nguyễn Quang Thực/Trực, Nguyễn Hữu Chấn/Chẩn, Nguyễn Phúc Hoảng/Trị,… vẫn có thể chỉ là một người.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây