‘KHÔI PHỤC DIỆN MẠO VĂN HỌC MỘT THỜI’

KHÔI PHỤC DIỆN MẠO VĂN HỌC MỘT THỜI - VĂN HỌC - VSD

‘KHÔI PHỤC DIỆN MẠO VĂN HỌC MỘT THỜI’

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX được độc giả trẻ đón nhận. Để có được bản in chất lượng, nhóm biên soạn đã mất nhiều công sức sưu tầm, đối chiếu.

Bộ sách “Việt Nam danh tác” tập hợp nhiều tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Với mong muốn giúp độc giả trẻ tiếp cận các tác phẩm bày một cách trọn vẹn nhất, những ấn bản trong bộ sách “Việt Nam danh tác” sẽ được in theo bản in lần đầu. Vậy nên, việc tìm kiếm, sưu tầm và tuyển chọn bản in phù hợp không phải điều đơn giản.

Là người tham gia tuyển chọn và thực hiện một số tác phẩm trong bộ sách này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có cuộc trò chuyện xung quanh những tác phẩm “vang bóng một thời” của nền văn học Việt Nam.

Mỗi lần in là một lần tác phẩm nảy sinh dị bản

– Theo ông, giá trị lớn nhất của bộ “Việt Nam danh tác” là gì?

– Theo tôi, chỗ được nhất của bộ sách “Việt Nam danh tác” là đem lại cho bạn đọc thế kỷ XXI một loạt tác phẩm được xem là hay nhất, khá nhất trong các thể truyện, ký, tiểu thuyết, thơ, xuất hiện vào những năm nửa đầu thế kỷ XX, một thời kỳ văn học sử mà công chúng quen gọi là “văn học tiền chiến”. Ở đây chỉ những tác phẩm ra đời trước Chiến tranh Thế giới thứ II (1939-1945).

– Vì sao các tác phẩm được sáng tác ở giai đoạn 1930-1945 lại xuất hiện nhiều dị bản?

– Việc cho rằng xuất hiện nhiều dị bản trong các tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 còn lại đến nay, là nhận định sai. Các tác phẩm thời trước, như truyện thơ Nôm, Truyện Kiều, Thạch Sanh, Trê cóc, Nhị độ mai, các khúc ngâm như Chinh phụ, Cung oán… còn nhiều dị bản hơn gấp bội.

Các tác phẩm đó không chỉ có văn bản trên giấy, mà còn có các bản in khắc gỗ, lẫn chép tay; lưu truyền bằng việc đọc, nghe, học thuộc lòng rồi truyền miệng. Các tác phẩm Nôm thậm chí chỉ có “ngôn bản” chứ không có “văn bản”.

Có biết bao nhiêu dị bản, tức là những chỗ sai khác nhau về câu chữ? Phải nói là vô số! Chỉ xem những kê cứu “khảo dị” ở các cuốn biên khảo truyện Nôm, ta đã thấy tình trạng dị bản ở đó ra sao rồi. Đó chỉ là khảo tả trên các bản in, tức là có người ghi lại, chứ trên truyền miệng thì dị bản còn nhiều hơn nữa, không kể xiết!

Văn chương thời kỳ 1930-1945 đều là sách chữ quốc ngữ, in trên máy in. Một tác phẩm in một lần dù hàng nghìn bản thì văn bản vẫn chỉ có một, không hề có dị bản. Các tác phẩm, từ lúc xuất hiện, rồi được in đi in lại, qua các cửa kiểm duyệt, cấp phép, qua tay các chủ xuất bản, tất yếu nảy sinh dị bản, do hai loại tác nhân.

Một là ngẫu nhiên, những tác động không chủ ý của thợ sắp chữ, thợ sửa in…Hai là có chủ ý của tác giả, hay nhà xuất bản, hoặc kiểm duyệt. Có thể khái quát: Mỗi lần in là một lần ở tác phẩm nảy sinh dị bản! Thế nhưng dù sao, do chỉ gắn với sách báo in, các tác phẩm thời kỳ 1930-1945 cũng ít dị bản hơn so với truyện thơ Nôm.

Nha nghien cuu Lai Nguyen An min - 'KHÔI PHỤC DIỆN MẠO VĂN HỌC MỘT THỜI'

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ảnh: FBNV.

– Điều quan trọng nhất trong quá trình khảo cứu và biên soạn những tác phẩm như “Việt Nam danh tác” là gì?

– Điểm mấu chốt trong việc thực hiện các cuốn trong bộ “Việt Nam danh tác” là làm sao đưa tới bạn đọc những văn bản đáng tin cậy của mỗi tác phẩm.

Ban biên tập tủ sách này và những người cộng tác đều phải có hiểu biết sơ bộ lịch trình in và tái bản mỗi cuốn, phải tìm đến bản in lần đầu (hoặc bản in gần nhất với bản in lần đầu), rồi quyết định chọn sử dụng bản in nào đáng tin cậy nhất.

Tôi có cộng tác, đưa vào tủ sách này hai cuốn Giông tố và Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, văn bản do tôi hiệu chỉnh, từ những bản in báo và in sách lần đầu. Ở cả hai cuốn đó đều có những “dị bản” mà nếu không nhận rõ và xử sự hợp lý thì có thể sẽ gây ra những sai chệch đáng kể cả cho người nghiên cứu phê bình lẫn người thưởng thức.

Viet Nam danh tac min - 'KHÔI PHỤC DIỆN MẠO VĂN HỌC MỘT THỜI'

Các tác phẩm trong tủ sách “Việt Nam danh tác” nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: Nhã Nam

Khẳng định giá trị lâu bền của danh tác

– Ông nghĩ gì về việc thời nay phát hành lại danh tác xưa?

– Việc tủ sách “Việt Nam danh tác” ra đời và đến nay đã in và phát hành được trên 40 tác phẩm, đúng là một tín hiệu vui. Hiện nay ở Việt Nam, sách in đang là một thị trường phồn tạp, đa sắc.

Riêng ở mảng sách văn học, bên cạnh sáng tác mới của các nhà văn đương đại, sách dịch, những tác giả tác phẩm của quá khứ, xa và gần, đang có cơ bị lép vế, thậm chí bị lãng quên.

Thế nên cần có những dạng thức kích hoạt tích cực. “Việt Nam danh tác” là kiểu kích hoạt như thế! Ta hãy thoáng nhìn sang khu vực hội họa để thấy tranh của lớp họa sĩ “trường mỹ thuật Đông Dương” đang lên giá ra sao tại các cuộc đấu giá quốc tế.

Nhân thể, hãy nhớ rằng những tác phẩm hội họa kia là cùng thời, cùng khí hậu nghệ thuật với đa phần cuốn sách đã hoặc sẽ xuất hiện trong tủ “Việt Nam danh tác” này.

Khi mà những sản phẩm sáng tạo của người Việt thời những năm 1930-1945 đang đến lúc bộc lộ sự kết tinh của mình, những hoạt động của các đơn vị phát hành sách như cho ra đời tủ sách “Việt Nam danh tác”, có thể sẽ tác động vào quá trình tiếp nhận của độc giả.

Ngoài ra, nó còn góp phần khẳng định giá trị lâu bền của các tác phẩm này. Một số trong đó sẽ dần dần trở thành kinh điển, cổ điển, thành một phần không thể thiếu trong vốn liếng căn cốt của văn học Việt!

– Việc tìm đến các bản in lần đầu, hay chính là giá trị nguyên bản của tác phẩm, là việc làm cần thiết. Phải chăng cần có sự bắt tay giữa đơn vị phát hành và giới sưu tầm, nghiên cứu để làm được điều này?

– Có những tác phẩm như đã tìm được thông tin rồi, ví dụ thông tin cho thấy nó nằm ở kho lưu trữ nào đó, chỉ cần một số tấm vé máy bay, một số phòng khách sạn lưu trú cho chuyên gia mình đến sao chụp mang về… thì vẫn còn là chuyện đơn giản.

Hóa ra chuyện lại không phải thế! Có những thứ đã hoặc sẽ mất hẳn. Không biết rằng có thì cũng coi như mất hẳn. Đấy là những câu chuyện dài.

Tạm nói về một số tác phẩm văn chương Việt 1930-1945 được cho là thất lạc. Vấn đề chính là “phát hiện” ra rằng tác phẩm này khác đã thất lạc. Phải có người phát hiện, kêu lên, thông báo cho đồng nghiệp, cho công chúng, như thế mới kích hoạt việc tìm kiếm. Đôi khi sẽ thấy một vài tiếng reo “Ơ-rê-ca” rồi hóa ra lại cụt hứng, là vì vớ phải một ngụy tác, hoặc một lầm lẫn. Dù vậy, vẫn phải tìm, rồi còn thẩm định cái tìm được.

Chuyện giới xuất bản phát hành cần “bắt tay” với giới nghiên cứu sưu tầm thì dễ thôi, vì xuất bản luôn luôn khát nguồn bản thảo. Chủ yếu vẫn phải trông vào nghiên cứu, sưu tầm. Người ta chờ đợi ở các viện nghiên cứu như: Viện Hán Nôm, Viện Văn học, các khoa xã hội nhân văn của các đại học, chờ đợi giới chuyên nghiệp cũng như các tay chơi sách báo cũ.


Hiện nay ở nước ta sách in đang là một thị trường phồn tạp, đa sắc.

 Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân


Có một thị trường sách báo, thị trường văn vật, cổ vật, sẽ dễ dàng hơn cho sự tái phát hiện. Cái bị thất lạc, có khi vẫn nằm đâu đó trong các tủ sách báo tư nhân.

Năm 2006 tìm thấy bản in sách Giông tố. Năm 2012 chỉ tìm thấy tập thơ Gái quê dưới dạng bản đánh máy lại (nghe nói là) theo đúng bản in 1936, chứ không phải đích thị bản in 1936.

Năm 2019, giữa mùa đại dịch Covid-19, giới chơi “sách xưa” lại tìm thấy bản in sách Số đỏ lần đầu (1938), nghe nói sách đã nằm đấy, trong tủ sách một tay chơi từ lâu rồi.

Có thể nói, hiện người ta cũng chưa biết hết những cuốn nào đang mất, đang cần tìm lại, trong vốn liếng tác phẩm văn học đã in thời kỳ 1930-1945. Chỉ khi biết cái gì đã mất mới có thể có mục tiêu kiếm tìm cụ thể. Chính thế, đi tìm những gì mất mát, cũng là một cách tìm lại diện mạo văn học một thời đã qua.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây