Khúc hát Marseilles – Truyện ngắn của Leonid Andreev – Tác giả: Nguyễn Văn Chiến

Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện Nga, Leonid Andreev, với phong cách đặc biệt của mình, đã chiếm một vị trí xứng đáng trong thiên hà tài năng vào đầu thế kỷ 19 và 20.

Leonid Andreev sinh ngày 21 tháng 8 năm 1871 tại Oryol trong gia đình một nhân viên trắc địa. Khi ông còn trẻ, sự say mê các nhà triết học người Đức A. Schopenhauer và E. Hartmann đã xác định các phẩm chất của bản chất hay thay đổi của Andreev, hướng đến những thái cực cảm xúc: sự bất hòa và bi quan của thế giới quan, mối quan tâm đôi khi bệnh hoàn đối với ý tưởng về cái chết và cái khủng khiếp trong cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Moskva năm 1897, ông đã làm trợ lý cho một luật sư vài năm, đồng thời ông đăng các báo cáo của tòa án và các tiểu phẩm v.v. trên tờ báo Courier.

Ông coi việc xuất bản truyện ngắn “Bargamot và Garaska” (1898) là khởi đầu cho hoạt động văn học của mình. S M. Gorky, người sau này là bạn thân của Andreev, đã giúp ông gia nhập hiệp hội các nhà văn hiện thực Sreda.

Ông nổi tiếng với công chúng và giới phê bình sau khi xuất bản tập “Truyện ngắn” năm 1901. Bằng cách đặt các nhân vật vào tình huống trải nghiệm trực tiếp và đau đớn về các vấn đề vĩnh cửu. Andreev đi tìm kiếm các phương tiện biểu đạt mới giúp tăng cường tác động đến người đọc.

Những tin tức xúc động về Chiến tranh Nga – Nhật là động lực cho việc tạo ra câu chuyện “Tiếng cười đỏ” (1905). Ở đây, sự điên rồ của những gì đang xảy ra được truyền tải bằng những phương tiện mạnh mẽ cực đoan (một hình tượng phi lý về tiếng cười màu đỏ; một mô tả về Trái đất đã phát điên, trông giống như một cái đầu bị lột da và não đỏ như cháo máu, v.v. .).

Tâm trạng bi quan ngày càng tăng của Andreev có thể cảm nhận được trong vở kịch “Savva” (1906) và câtruyện vừa “Judas Iscariot và những người khác” (1907), trong đó các sự kiện phúc âm được suy tưởng lại. Hình ảnh một người đàn ông – hạt cát trong vũ trụ vô tận, cam chịu sự cô đơn từ khi sinh ra, song tuy nhiênlà kẻ nổi loạn, hết lần này đến lần khác thách thức số phận, đã trở thành trung tâm trong các vở kịch của Andreev (“Tới các vì sao”, 1906; “Cuộc đời một con người”, 1907; “Sa hoàng – Đói”, 1908).

Một đặc điểm trong tác phẩm của Leonid Andreev theo quan điểm của các nhà phê bình văn học là không thể quy các tác phẩm của nhà văn theo một hướng nhất định trong văn học. Các biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng quá khác biệt, phong cách quá khác thường.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ông chuyển sang làm báo, viết các bài báo chống Đức, kêu gọi chiến đấu cho đến kết thúc thắng lợi. Ông nhiệt tình hưởng ứng Cách mạng tháng Hai, nhưng ông có thái độ tiêu cực với các sự kiện tháng 10 năm 1917. Nhà văn đột ngột qua đời vì suy tim vào tháng Chín năm 1919 tại làng Neivala, Phần Lan.

Hai nha van Nga Leonid Andreev va Maxim Gorky min - Khúc hát Marseilles – Truyện ngắn của Leonid Andreev - Tác giả: Nguyễn Văn ChiếnHai nhà văn Nga Leonid Andreev và Maxim Gorky.

Tất cả chúng tôi đều ở trong buồng bệnh khi anh ấy đang hấp hối. Ý thức trở lại với anh ấy trước lúc chết, anh nằm im lìm, thật nhỏ bé, yếu ớt, còn chúng tôi, các đồng chí của anh ấy, đứng lặng lẽ.

Đó là một thứ quá ư tầm thường: ấy là linh hồn của một con thỏ rừng và sự kiên nhẫn trơ trẽn của một con gia súc cày kéo. Khi số phận thật giễu cợt và ác ý ném anh ấy vào hàng ngũ lao tù đen tối của chúng tôi, tất cả bọn chúng tôi cất tiếng cười như những kẻ điên dại: chính nhiều khi ở đời cũng xảy ra những lỗi lầm nực cười như thế, ngớ ngẩn như  thế. Và anh ấy – chính anh ấy, tất nhiên, đã khóc. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào trong đời có nhiều nước mắt như vậy, ấy nước mắt sẵn lòng tuôn chảy dào dạt – nào từ mắt, nào từ mũi, nào từ miệng. Giống hệt một miếng bọt biển thấm đẫm nước và được nắm tay vắt  mạnh. Nhưng tôi đã từng thấy những người đàn ông khóc  ròng trong hàng ngũ bọn chúng tôi, nhưng nước mắt của họ là lửa, thứ nước mắt- lửa  ấy khiến  những con thú hoang phải chạy trốn. Vì những giọt nước mắt dũng cảm này mà  khuôn mặt trở nên già xọm đi, còn đôi mắt trở nên trẻ trung hơn: nước mắt ấy giống như dòng dung nham trào ra từ lòng sâu cháy đỏ của trái đất, bằng lửa nóng chúng khắc trên mặt đất bao dấu vết không thể xóa nhòa và chôn vùi dưới chúng vẹn nguyên những thành phố đầy rặt ham muốn tầm thường và lo lắng nhỏ nhặt. Thế nhưng khi con người này khóc thì chỉ thấy mặt anh ấy đỏ lựng và cái mũi nhỏ xíu xổ nước ướt đẫm khăn tay.

Có lẽ sau đó anh ấy phải đem phơi chiếc khăn tay ấy cho khô trên dây, nếu không thì anh ấy phải lấy ở đâu ra ngần ấy khăn tay cơ chứ?

Và suốt những ngày bị đày ải, anh ấy lê lết đến gặp các chỉ huy, đến tất cả các ông sếp mọi cấp cho dù họ là ai và là thế nào theo như anh ấy tưởng tượng, cúi đầu, khóc lóc, thề thốt mình vô tội, cầu xin sự thương hại cho tuổi trẻ bồng bột của anh ấy, hứa hẹn cả đời sẽ không mở miệng, ngoại trừ lên tiếng cho những lời thỉnh cầu và tán dương, ca ngợi. Và những người ấy cười nhạo anh ấy, rồi cũng giống như bọn chúng tôi, lũ họ gọi anh ấy là “Chú heo bé con bất hạnh”, thế là họ lớn tiếng:

– Này cậu kia, chú heo bé con!

Và thế là anh ấy ngoan ngoãn chạy ra chỗ bọn người kia gọi: anh ấy nghĩ rằng cứ mỗi khi như thế thì thể nào cũng được nghe tin tức về việc sẽ trở về quê hương, nhưng họ chỉ nói đùa thôi. Cũng như bọn chúng tôi, họ biết là anh ấy chẳng có tội gì, nhưng bằng những đớn đau, khổ sở anh ấy phải chịu mà họ định  khiến những chú heo con khác sợ hãi, – như thể họ chưa đủ độ nhát ấy!

Nỗi kinh hoàng trước cảnh cô đơn đã thúc đẩy anh ấy bước đến cả với bọn chúng tôi, nhưng mọi cái bản mặt của chúng tôi sao mà khắc nghiệt và lỳ lợm như đóng đinh thế, cho nên anh ấy đành vô vọng không tài nào tìm được cách nào để tiếp xúc, gần gũi được. Vì quá bối rối mà anh ấy gọi bọn chúng tôi các đồng chí và các bạn thân mến, nhưng chúng tôi lắc đầu và nói:

– Này, hãy liệu hồn! Bọn chúng sẽ nghe thấy anh nói gì đấy.   Nhưng thế mà anh ấy dám cả gan bước lại chỗ cánh cửa, cái anh chàng heo bé con kia. Chà, chẳng lẽ thế này mà vẫn có thể giữ được nghiêm túc, đạo mạo làm sao!

Thế là chúng tôi cười với thứ giọng đã mất thói quen cười từ lâu, còn anh ấy cảm nhận được khuyến khích và được an ủi bèn ngồi xuống gần hơn và vừa kể vừa khóc về những cuốn sách thân thuộc phải để lại trên bàn, về bà mẹ mình và các anh trai của anh ấy, những người mà giờ đây anh ấy không biết họ còn sống hay đã chết vì sợ hãi và đau buồn.

Lúc anh ấy nói vẫn chưa xong thì chúng tôi đã xua đuổi anh ấy ra ngoài.

Khi cuộc tuyệt thực bắt đầu, một nỗi kinh hoàng choán ngợp lấy anh ấy, – cái nỗi kinh hoàng hài hước không thể diễn tả được.

Bởi lẽ anh ấy lúc nào cũng thèm ăn, chú heo con tội nghiệp, mà anh ấy lại rất sợ những người đồng đội thân yêu của mình và cũng rất sợ các ông sếp: anh ấy lang thang giữa chúng tôi trong tâm trạng bối rối và thường lấy khăn tay lau trán mà trên đó cứ lấm thấm thứ gì đó – nước mắt hoặc mồ hôi. Và ngập ngừng hỏi tôi:

– Anh sẽ nhịn đói có lâu không?

– Lâu đấy, tôi nghiêm nghị đáp.

– Anh có định bí mật ăn gì không?

– Có, các bà mẹ sẽ gửi bánh nướng cho chúng tôi, –  tôi trả lời thuận theo câu hỏi với vẻ nghiêm túc.

Dich gia Nguyen Van Chien min - Khúc hát Marseilles – Truyện ngắn của Leonid Andreev - Tác giả: Nguyễn Văn Chiến
Dịch giả Nguyễn Văn Chiến.

Anh ấy nhìn tôi với vẻ hoài nghi, lắc đầu và thở dài bỏ đi. Nhưng ngày hôm sau anh ấy đến, người tái xanh vì sợ hãi, anh ấy cất tiếng tuyên bố giống như một con vẹt:

– Thưa các đồng chí! Tôi cũng sẽ tuyệt thực cùng với các đồng chí.

Vang lên câu trả lời đồng thanh của mọi người:

– Cứ tuyệt thực một mình đi.

Và thế là anh ấy tuyệt thực! Chúng tôi đã không tin, như bạn không tin, chúng tôi nghĩ, thể nào anh ấy cũng sẽ bí mật ăn cái gì đó, và cả đám cai ngục cũng nghĩ như thế.

Đến đoạn cuối cuộc tuyệt thực, anh đổ bệnh sốt phát ban, chúng tôi chỉ nhún vai:

“Chú heo nhỏ tội nghiệp!” Và một người trong chúng tôi, người vốn chẳng bao giờ cười cợt, chê mắng anh ấy, nói vẻ bực bội:

– Anh ta là đồng đội của chúng ta. Chúng ta hãy đến chỗ anh ta đi.

Anh ấy mê sảng, và lúc này nom anh ấy thật đáng thương, giống như cả cuộc đời anh ấy vậy, đấy là cơn mê sảng chẳng chút mạch lạc gì. Anh ấy nói mê lẫn về những cuốn sách nhỏ yêu thích của mình, về mẹ và các anh trai của anh ấy; anh ấy đã ăn bánh nướng và thề rằng mình không có tội, và xin được tha thứ. Và anh ấy gọi quê hương, anh ấy gọi nước Pháp thân thương, – Ôi, thật đáng giận con tim yếu đuối của con người! Anh ấy đã vò xé tâm hồn bằng tiếng gọi: “Nước Pháp thân yêu ơi!”.

Tất cả chúng tôi đều ở trong buồng bệnh khi anh ấy đang hấp hối. Ý thức trở lại với anh ấy trước lúc chết, anh nằm im lìm, thật nhỏ bé, yếu ớt, còn chúng tôi, các đồng chí của anh ấy, đứng lặng lẽ. Rồi bọn chúng tôi, tất cả, đều nghe anh ấy nói:

– Khi tôi chết, hãy hát bài Marseillaise cho tôi.

– Cậu nói gì vậy! – chúng tôi đều thốt lên, người run lên vì sung sướng và cơn cuồng nộ sôi sục.

Thế rồi anh ấy nhắc lại:

– Khi tôi chết, hãy hát bài Marseillaise cho tôi nhé.

Và lần đầu tiên giọng nói của anh ấy khô khốc, còn chúng tôi – chúng tôi đã khóc, tất cả, từng người một đều khóc, và những giọt nước mắt của chúng tôi cháy bỏng giống như ngọn lửa khiến đàn thú hoang chạy trốn.

Anh ấy tắt thở và chúng tôi đã hát bài Marseillaise dành cho anh ấy. Với giọng ca trẻ khỏe chúng tôi đã hát vang bài ca vĩ đại về tự do, rồi đại dương hùng tráng hòa tiếng vọng với chúng tôi và mang theo nỗi phẫn nộ lợt lạt và niềm hy vọng đỏ máu trên những triền sóng bạc đầu tới nước Pháp thân yêu. Và anh ấy mãi mãi trở thành ngọn cờ của chúng tôi – ấy một thứ quá ư tầm thường với cơ thể của một con thỏ rừng và của một con gia súc cầy kéo, nhưng có tâm hồn vĩ đại của con người. Hãy quỳ trước người anh hùng, hỡi các đồng chí và những người bạn!

Chúng tôi đã hát. Chĩa về phía chúng tôi là những khẩu súng, khóa  nòng của chúng kêu lách cách đầy giận dữ, những thanh lưỡi lê như ngòi độc nhọn sắc đang chọc thẳng đầy đe dọa về phía trái tim chúng tôi – nhưng tiếng hát sang sảng vang vọng càng to hơn, càng vui vẻ hơn; cỗ quan tài đen khẽ đung đưa trên những bàn tay dịu dàng của những người chiến sĩ.

Chúng tôi đã hát khúc ca Marseillaise!

LEONID ANDREEV
NGUYỄN VĂN CHIẾN dịch

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây