Kiên Giang huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trọng tâm là huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Lợi thế khác biệt

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng một số cửa khẩu quốc gia. Tỉnh có đa dạng các loại hình sinh thái như đồng bằng, biển, đảo, rừng, núi với nguồn tài nguyên phong phú.

Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, Kiên Giang có quỹ đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi; nguồn lợi biển phong phú do bờ biển dài, bãi triều rộng thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản đa dạng.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử phong phú và đa dạng thể hiện qua hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa; ẩm thực; nghệ thuật; lễ hội; làng nghề truyền thống…, Kiên Giang đang là điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Những điều kiện thuận lợi nêu trên giúp Kiên Giang có lợi thế nổi trội trong phát triển kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thương quốc tế…

Đặc biệt, tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang sẽ được phát huy hơn nữa khi các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh như Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, đường Hồ Chí Minh được hoàn thiện trong thời gian tới, cùng với các tuyến giao thông hiện hữu được nâng cấp, mở rộng tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt, thuận lợi với các khu đô thị, các khu – cụm công nghiệp, các vùng kinh tế trong tỉnh, cũng như kết nối liên vùng và cả nước.

Kien Giang huy dong nguon luc 2 min - Kiên Giang huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch

Phương hướng phát triển kinh tế

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định quan điểm phát triển tỉnh Kiên Giang là tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm đầu mối, cảng biển và cảng hàng không; hình thành các hành lang kinh tế mới, vừa gắn kết với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng, của quốc gia, vừa kiến tạo các không gian phát triển mới tại vùng U Minh Thượng, Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên.

Kiên Giang sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung mọi nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

Đối với ngành nông nghiệp và thủy sản, Kiên Giang xác định sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm.

Bên cạnh đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị kinh tế sản phẩm; gắn kết sản xuất, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng; kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động nuôi biển theo hướng hiện đại, bền vững và gắn với các ngành kinh tế biển khác, bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh; chú trọng áp dụng khoa học – công nghệ vào quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và hoạt động của đội tàu khai thác; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường, hải đảo.

Về công nghiệp, Kiên Giang định hướng phát triển công nghiệp bền vững với công nghệ tiên tiến hợp lý, thân thiện môi trường. Tỉnh ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cao; phát triển nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, đầu tư theo chiều sâu, trọng tâm là các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng mới và sửa chữa tàu; hình thành các cụm nhà máy chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh.

Về thương mại, dịch vụ, thiết lập môi trường kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại đảm bảo đáp ứng cung cầu thị trường của từng khu vực, từng thời kỳ và nhu cầu cung ứng sản xuất, tiêu dùng của người dân; đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ các loại hình, hạ tầng thương mại theo quy định phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới, thương mại quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

Về du lịch, phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hóa, con người Kiên Giang; hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch của tỉnh; tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.

Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch đề ra, tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trọng tâm là tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hợp tác công tư và các hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án trên địa bàn.

Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh xác định xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo hướng đa dạng với nhiều hình thức và công cụ; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.

Đặc biệt, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… để tranh thủ kêu gọi các đối tác đầu tư.

“Kiên Giang tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên các lĩnh vực: nông nghiệp toàn diện, công nghiệp có lợi thế, dịch vụ, kinh tế biển… nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.

Trúc Giang

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây