Lâm Đồng đã và đang tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh hiện có để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội.
Là tỉnh có vị trí chiến lược của khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng sở hữu nhiều lợi thế về diện tích lớn, điều kiện tự nhiên tốt. Thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ dao động từ 18-25°C với diện tích 9.781,20 km2. Lâm Đồng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng; sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể đáng quý (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số). Trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh là “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045, Tỉnh đề ra 5 đột phá phát triển.
Một là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.
Hai là, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh lớn từ các thành phần kinh tế để tạo ra bước ngoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Ba là, tổ chức sắp xếp lại hợp lý không gian kinh tế xã hội; phân vùng chức năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu.
Bốn là, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử – văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo vệ các quỹ đất rừng và nguồn nước, đặc biệt là các khu vực đầu nguồn của lưu vực sông; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Năm là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong Cuộc cách mạng 4.0.
Về không gian phát triển, Lâm Đồng sẽ tổ chức mô hình gồm 3 tiểu vùng kinh tế liên huyện, 5 hành lang kinh tế và 2 cực tăng trưởng. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có 2 vùng động lực chính là: Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận. Tỉnh sẽ quy hoạch hoàn thiện, cơ cấu quy hoạch hai vùng động lực; quy hoạch và xây dựng các hành lang kinh tế kết nối các vùng động lực, đặc biệt là hành lang Đông – Tây dọc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Đà Lạt, Nha Trang gắn với Quốc lộ 20, mở rộng Quốc lộ 20.
Để tạo diện mạo mới, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch số 8358 “Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, với cấp huyện Lâm Đồng sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 huyện gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện, lấy tên là huyện Đạ Huoai. Đồng thời, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương là ĐVHC nông thôn vào TP Đà Lạt (ĐVHC đô thị) để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt. Cùng đó, sẽ điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã gồm Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị Bảo Lộc.
Mục tiêu Lâm Đồng đưa ra là sắp xếp phải hợp lý, phù hợp với thực tiễn và tình hình của địa phương; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân trong tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Riêng TP. Đà Lạt, thời gian qua “thành phố ngàn hoa” vẫn tích cực triển khai thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân và du khách.
Mục tiêu của Thành phố giai đoạn 2023 – 2026 sẽ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Trần Lê, Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng Thiên Vương và Trần Quốc Toản với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Ngoài các dự án đường giao thông, UBND thành phố Đà Lạt cũng đang lập kế hoạch triển khai lắp đặt đèn tín hiệu, nâng cấp cải tạo 10 nút giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng triển khai trong năm 2023 nhằm tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, hiệu quả, tránh xung đột, ùn tắc giao thông trong thời gian cao điểm ở khu vực dân cư và phương tiện đông đúc.
Việc nỗ lực nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố nhằm hướng đến xây dựng thành phố văn minh, thân thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển cả về kinh tế – xã hội, thúc đẩy thu hút du lịch, đưa Đà Lạt đến gần hơn với hình ảnh một thành phố thông minh, thân thiện, hiện đại.
Vòng xoay chợ Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đẩy mạnh các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư triển khai thực hiện dự án tại địa phương là một trong những chủ trương tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của doanh nghiệp; đẩy nhanh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã chủ động rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề đề xuất dự án hoặc lập quy hoạch (đối với khu vực chưa có quy hoạch).
Thời gian qua, song song với công tác rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án, tỉnh Lâm Đồng còn tiếp tục thực hiện tốt việc định hình phát triển đồng bộ các lĩnh vực, giúp cho các dự án sau khi hoàn thiện, thuận lợi trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ, không triển khai theo kế hoạch phê duyệt. Trong đó đã thu hồi chấm dứt hoạt động đầu tư của 4 dự án, với tổng số vốn đăng ký 350 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 27/1/2022, tỉnh đã kêu gọi đầu tư 142 dự án, bao gồm các lĩnh vực như khu nhà ở, khu đô thị, nhà ở , công nghiệp, du lịch, cấp thoát nước, xử lý rác và công trình hạ tầng kỹ thuật, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp…
Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, nhà ở và khu đô thị. Với lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ để phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và các khu vực có tiềm năng du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng và khách sạn cao cấp.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án ngân hàng, tài chính thương mại, dịch vụ logistics, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin – điện tử và du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các trung tâm thương mại cao cấp, trung tâm dịch vụ lớn, hiện đại và trung tâm hội nghị quốc tế tại thành phố Đà Lạt.
Về kết cấu hạ tầng, Lâm Đồng sẽ tập trung đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, các tuyến quốc lộ 27, 55, 27C, khôi phục đường sắt Phan Rang – Tháp Chàm – Đà Lạt. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tìm kiếm đối tác đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Sovico , Hưng Thịnh, Him Lam, Bitexco, Becamex để cùng đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế của địa phương.