Làm rõ hơn hình hài kinh đô cổ Hoa Lư

Làm rõ hơn hình hài kinh đô cổ Hoa Lư
Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Trải qua hơn 10 thế kỷ, kinh thành Hoa Lư xưa không còn, các công trình kiến trúc nguyên gốc chỉ là những dấu vết được phát hiện gần đây. Theo các chuyên gia, cần tổ chức các cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ nhằm làm rõ hơn bức tranh tổng thể về kinh thành này trong lịch sử, góp phần phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử khu di tích trọng tâm của Ninh Bình.

Khai quật nghiên cứu, bổ sung tư liệu

Cố đô Hoa Lư được dựng trên nền cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng với những dãy đá vòng cung bao quanh; giữa các dãy núi là những đoạn thành bằng đất, cốt gạch, tạo nên không gian thống nhất. Trải qua hơn 10 thế kỷ, kinh thành Hoa Lư xưa đã không còn, các công trình kiến trúc nguyên gốc chỉ là dấu vết được phát hiện gần đây. Công tác khảo cổ học dù đã phát lộ một số di tích nền móng, tuy vậy vẫn quá ít để hình dung trọn vẹn diện mạo kinh đô xưa.

Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư” cuối tuần qua, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa tỉnh Ninh Bình Nguyễn Đức Long cho biết, trong khu di tích Cố đô Hoa Lư tồn tại nhiều di tích, tiêu biểu như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, đền thờ công chúa Phất Kim, chùa Bà Ngô, Lăng vua Đinh, vua Lê, chùa Cổ Am, phủ Kình Thiên, phủ Đông Vương và các công trình di tích bia cửa Đông, cầu Dền, cầu Đông… tạo nên không gian văn hóa Hoa Lư đặc sắc, huyền thoại.

Điểm qua các nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực này, TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đồng cảm với trăn trở của các nhà nghiên cứu, “muốn làm rõ hơn hình hài của một kinh đô cổ, có tuổi đời cách đây hơn một nghìn năm”. Tuy nhiên, ông cho rằng, câu chuyện khảo cổ học ở Hoa Lư phải có mục đích cao hơn, phục vụ được đông đảo khách tham quan bằng những bình đồ kiến trúc với những đơn nguyên được xác định chức năng và tên gọi, bằng những kiến giải qua mô hình, bản vẽ và hiện vật, bằng sự khôi phục điển hình đâu đó một số đơn nguyên, bằng sự kết nối giữa quân thành và đô thành… dù ở mức độ giả thiết, nhưng phải hiển lộ trước thị giác của người xem.

TS. Phạm Quốc Quân cũng khẳng định, đây là công việc không thể một sớm một chiều, khi khu di tích Hoa Lư có hạn chế là diện tích khai quật hạn hẹp, di tích đền thờ đang nằm trên di tích kinh đô, xóm làng hiện đại ken dày, chồng trên những phế tích… Tuy vậy, chỉ có khảo cổ học mới cho thấy được hình hài của cố đô qua thị giác, từ quy mô, cấu trúc đến những đơn nguyên kiến trúc… để chúng ta có thêm một di tích bảo tồn, trưng bày tại chỗ, bổ sung tư liệu trong nhà trưng bày và kỳ vọng đủ tư liệu để phục dựng, như Hà Nội đang triển khai tại điện Kính Thiên.

Trả lại sự tôn nghiêm vốn có

Từ kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực di tích cố đô Hoa Lư, xác định không gian phân bố của kinh thành Hoa Lư xưa kéo dài từ Ngòi Chẹm (Cửa Bắc) đến hết khu cánh đồng Nội Trong, tổng diện tích phân bố khoảng gần 40ha, TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất, trước mắt cần bảo vệ hiện trạng di tích, dừng các hoạt động xây dựng nhà cửa, chôn cất mồ mả, đào múc ao hồ ở khu vực này. Trong tương lai, cần di dời các hộ dân hiện cư trú trong phạm vi di tích đến khu vực khác, trả lại cảnh quan và sự tôn nghiêm vốn có cho di tích.

Tiếp theo là nghiên cứu tổng quát để lập bản đồ khảo cổ di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận, khai quật nghiên cứu khảo cổ góp phần làm rõ hơn bức tranh tổng thể về kinh đô Hoa Lư trong lịch sử, các di tích kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê, đặc biệt là kiến trúc Bách Bảo Thiên Tuế/Càn Nguyên ở khu vực cánh đồng giữa hai đền Đinh và Lê, tiếp tục nghiên cứu khu vực cánh đồng Nội Trong, xưa kia thuộc không gian Cấm thành Hoa Lư và hiện nay là một phần không thể tách rời của Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Mở rộng khảo sát, thăm dò khảo cổ một số điểm như chùa Nhất Trụ và khu vực quanh các phủ thờ trên địa phận xã Trường Yên để làm rõ phạm vi phân bố các di tích kiến trúc Phật giáo, phủ đệ khu vực hoàng thành của kinh đô Hoa Lư xưa.

“Như vậy, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại di tích cố đô Hoa Lư là những minh chứng có giá trị đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử liên quan đến hai vương triều Đinh – Tiền Lê, giúp phục dựng một trong những giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa bản lề của dân tộc cách đây hơn 1.000 năm”, TS. Hà Văn Cẩn cho hay.

Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Đặng Khánh Ngọc thì cho rằng, nên xem xét đề xuất Quy hoạch khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư thành Công viên lịch sử Trung tâm Cố đô Hoa Lư nhằm bảo tồn trọn vẹn các vết tích và di tích trên mặt đất, các di chỉ khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong phạm vi vùng lõi giả định của cố đô. Bảo tồn khung cảnh thiên nhiên của khu di tích với tư cách là tài nguyên lịch sử đặc trưng, nhằm tạo nên đối tượng, nội dung và điều kiện cho tham quan, du lịch cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng khác, làm cho khu di tích này có khả năng thu hút riêng trên nền cảnh kỳ quan Tràng An cùng các công trình tâm linh ngày càng mở mang. Định hướng này có khả năng đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, dung hòa được một số nguyên tắc có xu hướng đối nghịch khi giải quyết vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích đặc biệt này.

Hương Sen

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây