Giới thiệu khái quát tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình

Giới thiệu khái quát tỉnh Ninh Bình

Nằm trên tuyến đường giao thông xuyên Bắc – Nam, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km, ngoài quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, Ninh Bình còn có hệ thống cảng biển, đường sông, đường biển thuận lợi, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác, phát triển toàn diện với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.

A. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH NINH BÌNH
  I. Điều kiện địa lý tự nhiên
 1.Vị trí địa lý
Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Nam ĐịnhHà Nam, phía Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Tây và phía Đông Bắc giáp tỉnh Hoà Bình.
 2. Đặc điểm địa hình
Ninh Bình có 2 thị xã và có 6 huyện với 144 xã, phường. Mật độ dân số trung bình 657 người/km2. Địa hình của Ninh Bình được chia thành 3 vùng rõ rệt gồm: vùng đồi núi, nửa đồi núi; vùng đồng bằng; vùng ven biển và biển. dãy núi đá vôi ở phía tây của tỉnh chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bắt nguồn từ vùng rừng núi Hoà Bình chạy ra biển tạo thành vùng phù sa cổ ven chân núi. Do qua trình tạo sơn hơn 200 triệu năm về trước, dãy núi đá vôi ở phía Tây của tỉnh có nhiều hang động đẹp như: Bích Động, Tam Cốc, Địch Lộng, Xuyên Thuỷ Động, Bàn Long, Hoa Sơn… Tiếp đó là vùng đồng chiêm trũng ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, chứng tỏ khi biển bồi trong điều kiện kín sóng, lại bị núi đồi, bao bọc che chở, nên không đủ phù sa bồi đắp để sót lại vùng sâu trũng ngày nay. Biển bồi dần tạo nên vùng đồng bằng ven biển nam Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
 3. Khí hậu
Ninh Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu ven biển. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất (tháng 1) khoảng 13 – 15oC và cao nhất (tháng 7) khoảng 28,5oC. Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.800 mm nhưng phân bố không đều, tập trung 70% lượng mưa vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 9) mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
 II. Tài nguyên thiên nhiên
 1. Tài nguyên đất
Ninh Bình có tổng diện tích đất tự nhiên là 143.300 ha với các loại đất: đất phù sa được bồi và đất phù sa không được bồi (thuộc vùng đồng bằng ven biển) tạo điều kiện cho nuôi trồng thuỷ sản và cây công nghiệp; đất phù sa cũ, chua, nghèo… (tập trung ở vùng đồng bằng trũng) thích ứng cho thâm canh lúa, hoa màu; đất feranít (vùng nửa đồi núi) thích hợp phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu. Trong tổng diện tích đất tự nhiên của Ninh Bình, đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6.900 ha, chiếm 46,5% diện tích đất tự nhiên.
 2. Tài nguyên rừng
Tổng diện tích đất lâm nghiệp có 32.700 ha, chiếm 21,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh và được quy hoạch; đất có rừng phòng hộ là 16.500 ha, rừng đặc dụng 14.300 ha và rừng sản xuất (kinh tế và cây ăn quả) là 1.900 ha.
Diện tích rừng hiện có là 14.368 ha (chiếm 45% diện tích đất lâm nghiệp). Trong đó, rừng tự nhiên có 11.392 ha với tổng trữ lượng gỗ ước khoảng 1,1 triệu m3, đây là rừng nguyên sinh trong phạm vi Vườn Quốc gia Cúc Phương được bảo vệ. Còn lại là diện tích rừng trồng chủ yếu thuộc đối tượng rừng phòng hộ mới trồng.
 3. Tài nguyên khoáng sản
Ninh Bình có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là đá vôi. Tỉnh có nhiều núi đá vôi với diện tích 1,2 vạn ha, trữ lượng hàng chục tỷ mét khối và hàng chục triệu tấn đôlômít, chất lượng tốt. Đây là nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và một số hoá chất. Ngoài ra, Ninh Bình còn có đất sét, phân bố rải rác ở các vùng núi thấp thuộc thị xã Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Yên Mô, dùng để sản xuất gạch ngói và là nguyên liệu cho ngành đúc. Than bùn có trữ lượng 2 triệu tấn/năm, phân bố ở Gia Sơn, Sơn Hà (Nho Quan) dùng để sản xuất phân vi sinh.
 III. Tiềm năng kinh tế
 1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Trong những năm tới, các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ như công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, đá, gạch phải phát triển trở thành khâu đột phá, đưa nền kinh tế Ninh Bình tăng tốc và ưu tiên hàng đầu là công nghiệp sản xuất xi măng.
Phát triển đa dạng ngành kinh tế thuỷ sản, trong đó nuôi thuỷ, hải sản là trọng tâm, được coi là một khâu đột phá của ngành nông nghiệp và nền kinh tế của tỉnh.
Với các khu du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt khu cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động là thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch.
 2. Tiềm năng du lịch
Sự kỳ thú của thiên nhiên với những danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng như Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu hang động Tam Cốc – Bích Động, khu Địch Lộng, Vân Long… cùng với tài nguyên nhân văn như Cố đô Hoa Lư, quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Non Nước, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn… tạo điều kiện cho Ninh Bình phát triển những tuyến du lịch hấp dẫn, đưa tỉnh trở thành địa bàn du lịch quan trọng của vùng Bắc Bộ và cả nước.
 B. Huyện miền núi  và hải đảo tỉnh Ninh Bình
Mặc dù được xếp vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng Ninh Bình chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn không thuộc miền núi.
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Ninh Bình có 2 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020.
 1. Huyện Nho Quan
Nho Quan là một huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh Ninh Bình. Phía bắc giáp các huyện Yên Thủy và Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình, phía đông giáp các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, phía nam giáp thành phố Tam Điệp, phía tây giáp huyện Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa. Nho Quan gồm có thị trấn Nho Quan và 26 xã: Cúc Phương, Đồng Phong,Đức Long, Gia Lâm, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Tường, Kỳ Phú, Lạc Vân, Lạng Phong, Phú Lộc, Phú Long, Phú Sơn, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Sơn Hà, Sơn Lai, Sơn Thành, Thạch Bình, Thanh Lạc, Thượng Hòa, Văn Phong, Văn Phú,Văn Phương, Xích Thổ, Yên Quang .Nho Quan có diện tích tự nhiên gần 460 km² và dân số 148.514 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17%, chủ yếu là người dân tộc Mường với 17%.
Địa hình huyện Nho Quan hầu hết là đồi núi, bao gồm các xã phía Tây Bắc và Tây Nam và phía Bắc huyện, bên cạnh đó còn có một số xã thuộc bán sơn địa và đồng chiêm trũng. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, độ cao so với mặt nước biển từ  +3 đến +5 độ.
Tài nguyên khoáng sản: huyện Nho Quan có nguồn tài nguyên khá phong phú với mỏ đá vôi, đá đôlômít, than bùn, mỏ sét, nước khoáng nóng trữ lượng lớn;
Tài nguyên rừng: Rừng Nho Quan chiếm 20% diện tích tự nhiên, có nhiều cây cối và cầm thú có giá trị. Rừng đồi chạy dài tới 40 km từ Xích Thổ, Thạch Bình đến Sơn Hà, Quảng Lạc. Đặc biệt, Nho Quan có khu rừng nguyên sinh Cúc Phương với các thảm thực vật, động vật khá phong phú. rừng nguyên sinh Cúc Phương với diện tích 22.200 ha lưu giữ một hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều động thực vật quý hiếm và những hang động, hồ đập độc đáo chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch sinh thái thu hút du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Hệ thống chợ: Nho Quan có các chợ sau là được xếp hạng chợ loại 2, 3 ở Ninh Bình: Chợ Đế – Xã Gia Tường, Chợ Đồng Phong – Xã Đồng Phong, Chợ Lạc – Xã Xích Thổ, Chợ Lam – Xã Sơn Thành, Chợ Na – Xã Gia Lâm, Chợ Ngã Ba Anh Trỗi – Xã Quỳnh Lưu, Chợ Nho Quan – Thị Trấn Nho Quan, Chợ Rịa – Xã Phú Lộc, Chợ Vĩnh Khương – Xã Quảng Lạc.
Các khu du lịch: Hiện Nho Quan có 7 khu, điểm du lịch bao gồm: Vườn Quốc gia Cúc Phương; Tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương; Khu du lịch nghỉ dưỡng Cucphuong Orion Resort; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; Hang động Vân Trình, xã Thượng Hòa; Khu du lịch hang Bụt, xã Sơn Hà; Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang, xã Phú Long.
 2. Huyện Kim Sơn
Kim Sơn là huyện ven biển nằm ở cực nam của tỉnh Ninh Bình và miền Bắc, đây là một huyện thuần khiết đồng bằng, 7 xã vùng ven biển và biển đảo Kim Sơn với những giá trị đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trung tâm huyện Kim Sơn là thị trấn Phát Diệm, nằm cách thành phố Ninh Bình 27 km theo quốc lộ 10 về phía đông nam.
Phía đông giáp huyện Nghĩa Hưng, Nam Định qua sông Đáy;
Phía tây nam giáp sông Càn, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá;
Phía bắc và tây bắc giáp huyện Yên Khánh và Yên Mô;
Phía nam giáp biển với chiều dài bờ biển gần 18 km.
Kim Sơn có diện tích 207 km² gồm hai thị trấn Phát Diệm (huyện lị), Bình Minh), và 25 xã gồm: Ân Hòa, Chất Bình, Chính Tâm, Cồn Thoi, Định Hóa, Đồng Hướng, Hồi Ninh, Hùng Tiến, Kim Chính, Kim Định, Kim Đông,Kim Hải, Kim Mỹ, Kim Tân, Kim Trung, Lai Thành, Lưu Phương, Như Hòa, Quang Thiện, Tân Thành, Thượng Kiệm, Văn Hải, Xuân Thiện, Yên Lộc, Yên Mật. Huyện Kim Sơn có quốc lộ 10 đi xuyên ngang qua 11 xã ở phía bắc. Phía nam có tỉnh lộ 481 nối từ Yên Lộc đến bờ biển Ninh Bình qua 8 xã đang được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ 12B kéo dài. Phía bắc huyện có tỉnh lộ 481D nối từ ngã ba Quy Hậu tới đò 10 sang Nam Định.
Hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi với 2 tuyến quốc gia qua sông Đáy và sông Vạc. Các tuyến đường thủy khác qua sông Càn, sông Ân Giang, sông Vực, sông Cà Mau, sông Hoành Trực…
Kim Sơn có Chợ Nam Dân ở thị trấn Phát Diệm được Bộ Công thương quy hoạch thành chợ đầu mối tổng hợp hạng 1, ngoài ra có các chợ sau là được xếp hạng chợ loại 2, 3 ở Ninh Bình: Chợ Cách Tâm – xã Chính Tâm, Chợ Chất Bình – xã Chất Bình, Chợ Cồn Thoi – xóm 5 – xã Cồn Thoi, Chợ Kim Đông – xóm 4 – xã Kim Đông, Chợ Kim Mỹ – xóm 3 – xã Kim Mỹ, Chợ Lưu Phương – xóm 8 – xã Lưu Phương, Chợ Quang Thiện – xóm 12 – xã Quang Thiện, Chợ Quy Hậu – xã Hùng Tiến, Chợ Văn Hải – xóm Động Thổ – xã Văn Hải, Chợ Yên Lộc – xóm 7 – xã Yên Lộc.
Kim Sơn cùng với Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Nền kinh tế của huyện Kim Sơn có 3 thế mạnh: Kinh tế nông nghiệp giữ vị trí quan trọng, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh Ninh Bình. Ngành thủ công nghiệp truyền thống sản xuất hàng chiếu cói, có giá trị hàng hóa lớn. Khu kinh tế biển Kim Sơn đã và đang được đầu tư khai thác, đây là một vùng có tiềm năng để phát triển thành một vùng sản xuất hàng hóa phong phú và đa dạng.
Trong nhiều thập kỷ qua, khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn đã phát triển nhanh, hướng ra biển. Sản lượng hàng năm về nông nghiệp, thủy – hải sản của địa phương đã chứng tỏ tiềm năng rộng lớn của vùng kinh tế biển. Tuy nhiên, với vai trò, vị trí và thế mạnh của vùng thì việc đầu tư khai thác phát triển kinh tế hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng.
Huyện Kim Sơn có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó vùng bãi bồi ven biển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ như: tôm sú, cua biển, cá vược, cá mú, ngao, sò. Ngoài ra, khu vực ven biển Kim Sơn được xác định là một trung tâm kinh tế biển quan trọng của Ninh Bình.
Về phát triển hệ thống dịch vụ du lịch: Tỉnh định hướng xây dựng khu kinh tế ven biển Kim Sơn trở thành một trong những trung tâm dịch vụ – du lịch của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, định hướng là phát triển du lịch trên cơ sở tuyến du lịch Tam Cốc – Bích Động – Nhà thờ đá Phát Diệm với các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái rừng và biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nhân văn, du lịch nghiên cứu động, thực vật. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch trên khu vực Cồn Nổi là hạt nhân.
Tại đây hình thành khu du lịch biển, đảo kết nối với không gian du lịch tâm linh, cảnh quan tại Hoa Lư – Bái Đính. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn, khu khách sạn thấp tầng dạng biệt thự, khu liên hợp văn hóa…
Hình thành tour du lịch bằng đường thủy trên các hành lang sông Đáy nối với hệ thống đường sông của các tỉnh trong vùng. Cùng với đó là phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển, làng nghề gắn với bảo vệ khu vực nông thôn và các di sản văn hóa truyền thống.
Trong quy hoạch hệ thống dịch vụ thương mại, vùng ven biển Kim Sơn sẽ trở thành một trung tâm thương mại, tài chính – ngân hàng, giao dịch quốc tế. Cùng với việc quy hoạch phát triển không gian đô thị, việc cải tạo và tăng cường các cơ sở thương mại, chợ tại các xã, thị trấn hiện nay, nâng cấp chợ Kim Đông.
Xây dựng mới Trung tâm tài chính, trung tâm thương mại tổng hợp tại đô thị Bình Minh. Hình thành mạng lưới chợ đầu mối thu mua, phân phối thủy sản và nông sản tổng hợp cấp vùng gắn với vùng sản xuất nông nghiệp lúa, rau, hoa, quả sản lượng cao tại đô thị Bình Minh. Tại các khu công nghiệp Kim Sơn sẽ hình thành khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa.
 Nguồn: Chính phủ, Ninhbinh.gov.vn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây