LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 4

Cách mạng Tháng Tám

GIỮ VỮNG LỜI THỀ ĐỘC LẬP, CÙNG CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công là một bước ngoặt lớn trong lịch sử của dân tộc ta. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, để giải quyết khó khăn về mặt tài chính, Chính phủ lâm thời đã chủ trương thành lập Quỹ độc lập và tổ chức “Tuần lễ vàng” trong cả nước, nhằm động viên nhân dân quyên góp vàng ủng hộ chính quyền cách mạng. Với lòng nồng nàn yêu nước, cùng với nhân dân khắp nơi trong nước, nhân dân tổng Thái Hòa, trong đó có nhân dân Hồng Phước, đã tự nguyện đóng góp tiền của và vàng bạc cho chính quyền cách mạng.

Về xây dựng chính quyền cách mạng, sau khi cuộc Tổng  khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân lâm thời huyện Hoà Vang, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng Thái Hòa đã được thành lập thay thế cho Uỷ ban bạo động khởi nghĩa tổng trước đó. Uỷ ban nhân cách mạng lâm thời tổng Thài Hoà do đồng chí Trà Văn Chu làm Chủ tịch và đồng chí Trần Văn Soạn làm Phó Chủ tịch. Uỷ ban Mặt trận Việt Minh của tổng do đồng chí Nguyễn Hữu Suyền làm Chủ nhiệm. Các xã, thôn đều thành lập chính quyền xã, thôn, gồm có các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và một số uỷ viên phụ trách các mảng công tác cụ thể. Lúc này, Hồng Phước vẫn còn nằm trong thôn Đa Phước. Thôn Đa Phước do ông Lê Quang Tuyên làm Chủ tịch, bà Thông Hai làm Phó Chủ tịch, ông Phạm Đình Anh làm Ủy viên Thư ký. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thôn Đa Phước đã triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách của toàn quốc lúc này là: chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.

Để “chống giặc dốt”, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 17/SL, quyết định thành lập Nha bình dân học vụ. Phong trào Bình dân học vụ bắt đầu ra đời từ đấy. Tích cực hưởng ứng phong trào này,  Uỷ ban nhân dân tổng Thái Hòa đã vận động khôi phục lại các trường lớp truyền bá chữ Quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám, thu hút bà con các thôn đến lớp. Giáo viên là những người có học, từng dạy trong “Hội truyền bá chữ quốc ngữ” ở địa phương. Phong trào thi đua học tập được dấy lên mạnh mẽ ở các thôn Kim Liên, Xuân Thiều, Thuỷ Tú, Xuân Dương, Nam Ô, Đa Phước, Đà Sơn, Khánh Sơn, Hoà Phú, Hòa Mỹ, Phú Lộc, Trung Nghĩa, Phước Lý… Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, anh dạy cho em, chồng dạy cho vợ… Các bài ca dao, hò vè cổ động học chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rải trong nhân dân:

i, t hai cái móc câu

i thời có chấm, t thời có ngang

Hoặc là:

O kia như quả trứng gà

Ô thời đội mũ, Ơ thời mang râu

Tại các chợ, thanh niên dựng cổng, trên cổng có treo một tấm bảng ghi một số chữ Quốc ngữ thông dụng, ai đọc được các chữ ghi trên tấm bảng thì được vào chợ, những người chưa đọc được thì trở về nhà học lại… Có thể nói, phong trào “Bình dân học vụ” ở tổng Thái Hòa nói chung và ở  thôn Đa Phước, Hòa Khánh, Phú Lộc… nói riêng có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và đào tạo thêm một số cán bộ có đủ trình độ văn hóa để lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương sau này.

Để “chống giặc đói”, tháng 11 năm 1945, Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô, giảm tức 25%, chia ruộng đất công cho dân nghèo. Được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng Thái Hòa, Ủy ban cách mạng lâm thời thôn Đa Phước không phân biệt già trẻ, trai gái, chính cư hay ngụ cư. Người dân được quyền canh tác trên ruộng đất của mình và trích 15% hoa màu nộp vào ngân sách địa phương.  Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân lâm thời tổng Thái Hòa cũng đã tiến hành vận động các địa chủ, phú nông trong tổng hiến một phần ruộng đất tư điền của mình để chia cho dân nghèo không có ruộng đất; vận động địa chủ, phú nông giảm tô, giảm tức cho nông dân.

Để “chống giặc ngoại xâm”,  nhân dân thôn Đa Phước đã tích cực hưởng ứng “Tuần lễ đồng” do Mặt trận Việt Minh tổng Thái Hòa phát động. Nhiều người dân trong thôn đã đem nồi đồng, lư đồng, mâm đồng… ủng hộ Chính phủ nhằm để Chính phủ đúc đạn chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khi chúng xâm chiếm đất nước ta một lần nữa. Tiếng súng Nam Bộ kháng chiến nổ ra từ ngày 23 tháng 9 năm 1945  đã thôi thúc nhân dân Đa Phước chuẩn bị sẵn sàng để chống giặc.

Lúc bấy giờ ở Thanh Vinh, Đa Phước, Xuân Thiều, Thủy Tú, Trung Sơn, Thổ Trại (tức Xóm Trại) nhiều câu ca dao dân vận  được phổ biến. Như vận động sản xuất có câu:

Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

Hay vận động quyên góp đồ đồng trong “Tuần lễ đồng” có câu:

Một nồi đồng đúc mười viên đạn

Trăm viên đạn giết vạn thằng Tây

Ai ơi có biết có hay

Nồi kia đúc đạn thằng Tây đi đời.

Ngày 20 tháng 11 năm 1945, một sự kiện lớn đã đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hoà Vang, trong đó có nhân dân thôn Đa Phước: Huyện ủy lâm thời huyện Hòa Vang được thành lập, gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư. Từ đây mọi hoạt động của các tổ chức và nhân dân trong huyện, trong đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy.

Vừa ra đời, Huyện ủy lâm thời huyện Hòa Vang đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Để giúp cho cử tri bầu đúng những người đại diện cho quyền lợi của mình, Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam đã soạn nhiều bài thơ, bài vè vận động bầu cử dễ thuộc, dễ nhớ như:

                      Lẳng lặng mà nghe

                      Cái vè bầu cử

                     Ông Tri, ông Thự

                    Ông hiến, bà Thanh

                    Cùng là các anh

                   Huệ, Bôi, Sạ, Nhĩ

                  Tống , Bằng, Thao ,Kỹ

                 Với lại Viện, Diêu

                Người khac cũng nhiều

               Đầu đơn ứng cử

                Đồng bào xét thứ

                Ai đáng ai không

               Trên là các ông

               Nhiều năm tranh đấu    

Ngày 6 tháng 1 năm 1946 được Chính phủ chọn làm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ngày này, cũng như cử tri cả nước, cử tri Đa Phước đã nô nức đi bầu cử. Đây là lần đầu tiên nhân dân Đa Phước với tư cách là công dân của một nước độc lập, dân chủ, đã tự tay bỏ lá phiếu để chọn người đại diện cho mình trong Quốc hội. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cả 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu tuyệt đối.

Tiếp theo sau cuộc bầu cử Quốc hội, ngày 17 tháng 2 năm 1946, cử tri thôn Đa Phước đã đi bầu Hội đồng nhân dân huyện và xã. Ủy ban hành chính cấp xã ra đời từ đó. Lúc bấy giờ, Chính phủ chủ trương tiến hành hợp xã lần thứ nhất, theo đó, chính quyền cấp tổng được bãi bỏ, chính quyền cấp xã chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền huyện. Thực hiện chủ trương này, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng Thái Hoà được giải thể. Địa bàn tổng Thái Hoà được chia làm 3 xã: Quảng Hiệp, Đa Hoà và Tân Hiệp. Thôn Đa Phước được chia tách ra làm 2 thôn là thôn Đa Phước và thôn Hồng Phước, thuộc xã Đa Hòa. Xã Đa Hòa gồm 5 thôn: Đa Phước, Hồng Phước, Thanh Vinh, Trung Sơn và An Ngãi Đông. Uỷ ban hành chính xã Đa Hòa lúc bấy giờ gồm có: Phạm Đình Hiển – Chủ tịch, kiêm Trưởng thôn Đa Phước, Nguyễn Bá Trình (Sáu Trừng) – Phó Chủ tịch,  Đặng Quang Chiến – Ủy viên quân sự, Ngô Văn Xuyên, Nguyễn Cầu – Ủy viên thư ký, Lê Văn Mùi – Chỉ huy đội tự vệ chiến đấu xã, Phạm Đình Anh – phụ trách Thanh niên. Phụ trách  tổ chức Thanh niên cứu quốc xã là đồng chí Phạm Đình Kỉnh. Lúc bấy giờ, chi bộ xã Đa Hoà được thành lập gồm có các đồng chí: Phạm Đình Hiển, Phạm Đình Kỉnh, Đặng Quang Chiến do đồng chí Đặng Quang Chiến làm Bí thư. Đến cuối năm 1946, Huyện ủy Hòa Vang quyết định sáp nhập xã Nam Sơn ( gồm 6 thôn An Ngãi Tây, Tùng Sơn, Phú Thượng, Phú Hạ, Lộc Hòa và Khe Lâm) vào xã Đa Hòa, thành liên xã Đa Hòa – Nam Sơn, do đồng chí Phạm Đình Hiển làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã.

Về giặc Pháp, sau khi gây hấn ở Sài Gòn – Gia Định vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng từng bước mở rộng chiến tranh ra khắp nước ta, âm mưu xâm chiếm đất nước ta một lần nữa, vì vậy, vào chiều ngày 19 tháng 12 năm 1946, trong tình thế không thể nhân nhượng được nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,nhất định không chịu làm nô lệ”[1].

Khoảng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, chiến sự nổ ra tại thành phố Đà Nẵng. Sau ba ngày chiến đấu ác liệt, quân ta và quân Pháp đã giành nhau từng vị trí, từng khu nhà, góc phố, quân Pháp đã chiếm được nội ô thành phố, nhưng  suốt một tháng ròng rã quân Pháp đã bị giam chân trong thành phố, không sao vượt qua phía Nam sông Cẩm Lệ được. Quân và dân ta trên mặt trận Thái Phiên –  tên gọi của thành phố Đà Nẵng sau Cách mạng Tháng Tám, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra từ ban đầu: bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện cho nhân dân toàn tỉnh có thời gian để chuyển vào tình thế chiến tranh.

Lúc này, quân số của quân Pháp ở Đà Nẵng tăng rất nhanh, từ 1.500 tên lúc mới đổ bộ vào thành phố đã tăng lên 10.000 tên. Chúng tổ chức hành quân, mở rộng phạm vi chiếm đóng ra vùng nông thôn Hòa Vang và âm mưu nối thông đường đèo Hải Vân đi ra Huế. Trước hình hình đó, lực lượng tự vệ chiến đấu của khu Cao Thắng đã phối hợp với Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 96 bộ đội chủ lực đánh địch. Nhiều thanh niên Hòa Vang xung phong đi bộ đội. Tiêu biểu ở Hồng Phước là đồng chí Phạm Khương, tham gia Giải phóng quân từ năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1949, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  là Trung úy, Chính trị viên Trung đoàn Ba Gia (tiền thân của Sư đoàn 2), đã tham gia chiến đấu trận Đồng Dương nổi tiếng ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vào năm 1965 và đã anh dũng hy sinh, trở thành liệt sĩ, mà cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tấm gương và sự hy sinh của đồng chí đã thôi thúc hai người em gái của đồng chí là Phạm Thị Dĩ và Phạm Thị Miên tham gia hoạt động cách mạng, trở thành cán bộ cơ sở nòng cốt, có nhiều đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước sau này.

Ngày 08 tháng 1 năm 1947, tại thôn Đa Phước, một tiểu đội tự vệ của liên xã Đa Hòa – Nam Sơn đã chặn đánh một toán quân Pháp ở tại Gò Dinh, tiêu diệt 4 tên địch và rút lui an toàn. Tiếp theo sau đó, tiểu đội tự vệ của Đà Sơn và Khánh Sơn đã dẫn đường cho tiểu đoàn 17 thuộc Trung đoàn 96 tiêu diệt một trung đội lính Pháp tại đèo Đại La.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, quân Pháp đã chiến giữ dải đất cát từ bãi biển Thanh Khê lên Đa Phước, Thanh Vinh và An Ngãi Đông. Các cơ quan, bộ đội, du kích của ta phải lùi lên An Ngãi Tây. Từ đó hình thành một ranh giới giữa ta và địch: quân Pháp giữ An Ngãi Đông, ta giữ An Ngãi Tây. Hai bên chỉ cách nhau một cánh đồng rộng, đánh nhau suốt hai tháng trời không phân thắng bại. Lúc bấy giờ, nhân dân Hồng Phước đã cùng nhân dân trong vùng, từ Thanh Vinh, Đa Phước lên đến Tây Bắc Hòa Vang đã góp từng ang gạo, thúng khoai, lon muối… để nuôi bộ đội và tự vệ chiến đấu đánh giặc.

Tháng 2 năm 1947, ở Hòa Vang, để phù hợp với tình hình kháng chiến, liên xã Đa Hòa – Nam Sơn được đổi tên thành khu Cao Thắng. Ủy ban Kháng chiến khu Cao Thắng gồm các đồng chí: Phạm Đình Hiển – Chủ tịch, Nguyễn Cầu – Phó Chủ tịch, Lê Văn Mùi – Ủy viên quân sự, Hai Ngự – Ủy viên tuyên truyền, Ngô Văn Lưu và Lê Quang Lịnh – Ủy viên thư ký. Tổ chức Thanh niên cứu quốc của khu Cao Thắng do đồng chí Phan Đình An – Chủ  tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính khu làm Bí thư. Ban tản cư do đồng chí Lê Quang Tích làm Trưởng ban và đồng chí Hà Thúc Loan làm Ủy viên. Ban tiếp tế do đồng chí Trần Út làm Trưởng ban và đồng chí Trần Khánh làm Ủy viên. Ban cứu thương do đồng chí Phạm Đình Anh làm Trưởng ban; đội viên của Ban cứu thương gồm có: Huỳnh Thị Tùng, Phùng Thị Út, Đặng Thị Sanh, Bùi Thị Tiện, Đồng Thị Lục… Từ đây, phong trào cách mạng ở khu Cao Thắng nói chung và thôn Hồng Phước nói riêng có những bước chuyển biến mới, đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới.

Ngày 28 tháng 2 năm 1947, lần đầu tiên bộ đội ta đánh phục kích một đoàn xe của quân Pháp trên đèo Hải Vân. Đơn vị bộ đội đánh địch là Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 96 chủ lực với sự tham gia của bộ đội và du kích Hòa Vang. Quân ta tiêu diệt cả một lực lượng lớn quân địch, trong đó có một tên quan hai, thiêu hủy 8 xe quân sự, thu hai trung liên, 4 tiểu liên và 10 súng trường. Số địch còn lại tháo chạy. Chiến thắng Hải Vân lần thứ I đã cổ vũ tinh thần cách của nhân dân ta rất lớn. Nhân dân Hồng Phước cũng như nhân dân khu Cao Thắng vô cùng phấn khởi, tổ chức gửi thư, quà bánh động viên bộ đội. Các đội tuyên truyền vũ trang, tuyên truyền xung phong đã làm thơ ca, nhạc, kịch để khích lệ tinh thần của quân ta.

Ngày 14 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp, có quân tăng viện từ chính quốc, tập trung toàn bộ lực lượng, bao gồm cả hải, lục, không quân, mở hai gọng kìm lớn tấn công toàn diện vào vùng đồng bằng Quảng Nam – Đà Nẵng. Một cánh quân của địch từ Tây Bắc Hòa Vang tiến dọc theo sát chân núi Bà Nà và dọc đường 14B đi Ái Nghĩa lên Đại Lộc, định chiếm hữu ngạn sông Thu Bồn. Một gọng kìm khác định chiếm Non Nước, Hội An, Vĩnh Điện rồi tiến dọc theo sông Thu Bồn. Hai gọng kìm của địch sẽ hình thành một vòng cung hòng bao vây tiêu diệt quân ta. Từ sau trận hành quân lớn này của quân Pháp, trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng đã phân chia rõ thành hai vùng: vùng tự do của ta từ phía Nam sông Thu Bồn vào đến Dốc Sỏi và vùng tạm chiếm của địch từ phía Bắc sông Thu Bồn ra đến đèo Hải Vân. Nhiệm vụ của quân ta là vừa bảo vệ vững chắc vùng tự do, vừa chủ động đánh địch ở vùng địch tạm chiếm.

Khi quân Pháp mở rộng chiếm đóng ra Hòa Vang, thực hiện chính sách “ ba sạch” (phá sạch, đốt sạch, giết sạch), thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy hòa Vang đã chỉ đạo cho nhân dân ở một số địa phương chiến tranh ác liệt đi tản cư vào các huyện phía Tây và Nam của tỉnh như Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ. Sau khi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hình thành hai trạng thái chiến trường (vùng tự do của ta và vùng bị địch tạm chiếm), Huyện ủy lại tổ chức cho nhân dân “hồi cư” trở về làng cũ, vừa làm ăn sinh sống vừa tiến hành đấu tranh chống địch, nuôi giấu, che chỡ cho bộ đội, du kích đánh địch. Khoảng đầu tháng 4 năm 1947, hầu hết đồng bào tản cư của Hòa Vang đã hồi cư, trừ một số cán bộ và đồng bào đau yếu phải ở lại vùng tự do. Đây là một thắng lợi bước đầu của ta trong quyết tâm đưa đồng bào trở lại quê hương, tổ chức lực lượng tại chỗ để đấu tranh với địch, thể hiện sự nhận thức đúng đắn đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài. Cũng từ đây nhân dân Hồng Phước cùng với nhân dân khu Cao Thắng và toàn huyện Hòa Vang bước vào một thời kỳ đấu tranh mới: Chống chính sách khủng bố, dồn dân của địch; kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế với hoạt động du kích quấy rối, tiêu hao địch, phá chính sách bình định của thực dân Pháp.

Cùng đi với dân về lại địa phương là cán bộ, đảng viên; sự có mặt của các đồng chí đã làm cho đồng bào yên tâm. Bọn ác ôn, lưu manh cũng phải dè chừng, không dám hù doạ nhân dân. Khi về lại làng cũ, ngư dân các làng ven biển lại tổ chức đi biển, đánh bắt hải sản. Các nghề thủ công truyền thống, nhất là nghề làm mắm ở Nam Ô, cũng phục hồi dần dần. Nhờ cá biển, cá đồng nhiều, lại thêm một số nhà buôn đưa gạo từ Nam Bộ ra bán, nên nhìn chung đời sống nhân dân “hồi cư” cũng từng bước được cải thiện. Các đoàn thể: Lão thành, Phụ nữ, Thanh niên; các phong trào cách mạng sôi nổi trước đây, nhất là phòng trào Bình dân học vụ, Hủ gạo tiết kiệm, Góp quỹ nuôi quận… được phục hồi và phát triển. Lực lượng du kích, dân quân tổ chức canh gác, canh phòng và báo động kịp thời khi có giặc đi càn quét. Dựa vào dân, được nhân dân che chở, đùm bọc, các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân ở đây đã tích cực hoạt động đánh địch.

Khoảng đầu năm 1948, do có chỉ điểm, quân Pháp đã truy lùng ráo riết vào địa bàn các thôn Thanh Vinh, Đa Phước, Hồng Phước, bắt các ông Trần Hoàng, Nguyễn Cộ, Phạm Quỳ, Lê Ban, Từ Chữ đem chặt đầu ở tại Gò Dinh thôn Đa Phước. Tên Việt gian Đặng Ngô đã chỉ điểm cho quân Pháp bắt các đồng chí Trần Ngọc Hiên, Ngô Ban, Đinh Lãng, Phạm Đến đem ra bắn tại Hóc Chánh ở thôn Hồng Phước. Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trung kiên đó đã cổ vũ tinh thần chống giặc ngoại xâm của các tầng lớp nhân dân. Bà con Hồng Phước càng thêm căm thù giặc sâu sắc và cảm phục những tấm gương hy sinh của những người con quê hương.

Tháng 5 năm 1948, nhân mùa “Lập công mừng thọ Bác Hồ”, Tiểu đoàn 19 của Trung đoàn 96 đã đánh trận giao thông chiến lần thứ II trên đường đèo Hải Vân. Cụ thể, vào 10 giờ sáng ngày 25 tháng 5 năm 1948, quân Pháp sử dụng 10 chiếc xe quân sự chở đầy lính và sĩ quan từ Đà Nẵng ra Huế. Khi cả đoàn xe của địch lọt vào vị trí chiến đấu của quân ta, từ các vị trí phục kích sẵn, sau loạt súng khai hoả đầu tiên, quân ta xung phong vào trận địa đánh giáp lá cà với quân địch. Bọn địch hoảng hốt kêu cứu. Nhưng trước khi máy bay và quân tiếp viện của địch đến, quân ta đã kịp thời rút về căn cứ. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, tự vệ, nhân dân đã huy động mọi phương tiện, ghe thuyền đưa toàn bộ quân ta bí mật luồn qua sát nách địch rút về căn cứ an toàn. Sáng ra đồng bào thả trâu chạy ra đồng dẫm lên các đám ruộng mà quân ta đi qua để xóa dấu vết nhằm che mắt địch. Kết quả trận đánh, quân ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có  tên quan năm Rôgiơ – chỉ huy quân đội Pháp ở Quảng Nam và Đà Nẵng, 4 tên quan ba, 3 tên quan hai, 5 tên quan một. Mười chiếc xe địch bị phá hủy. Quân ta thu  được 2 trung liên, 5 tiểu liên, hơn 20 súng trường và rất nhiều đạn dược các loại.

Phát huy chiến công hai lần đánh địch trên đèo Hải Vân, vào đầu năm 1949, Trung đoàn 96 quyết định tổ chức trân giao thông chiến lần thứ III trên con đường đèo độc đạo[2] này. Quy mô trận đánh cũng lớn hơn. Để chuẩn bị cho trận đánh, công tác chuẩn bị chiến dịch, việc tiếp tế lương thực trở thành vấn đề gay go, nan giải nhất. Không thể vận chuyển được hàng chục tấn gạo từ vùng tự do ra vì đường sá xa xôi, vận chuyển khó khăn. Trước tình hình đó, Huyện ủy Hoà Vang chỉ đạo chính quyền, các cơ quan, đoàn thể ngày đêm đi vận động đồng bào, bí mật làm mọi công việc chuẩn bị cho chiến trường. Cũng như nhân dân ở toàn huyện Hòa Vang, mặc dù rất khó khăn, túng thiếu, mọi người, mọi nhà ở Hồng Phước đều đóng góp một ít gạo. Ở trong vùng, có người đã bí mật về Đà Nẵng vay tiền bà con mua gạo phục vụ kháng chiến. Chị em phụ nữ, thiếu nhi không có tiền thì vào núi Thanh Vinh đốn củi, hoặc bắt cá, tôm ở các ao hồ đem bán lấy tiền đong gạo. Đường xa, địch kiểm soát gắt gao, nhưng ngày này qua ngày khác gạo cứ lần lượt được gửi lên chiến khu. Cũng khác với 2 trận đánh trước, lần này ta đánh dịch cả trên đường xe lửa và đường ô tô. Phía đường xe lửa do tiểu đoàn 79 phụ trách; phía đường ô tô do tiểu đoàn 19 phụ trách. Đội hình bố trí của tiểu đoàn 19 dài hơn 3 cây số, chia thành 3 khu vực công kích.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 24 tháng 1 năm 1949, đoàn tàu lửa chở quân Pháp từ Đà Nẵng ra Huế kéo một hồi còi dài vừa ra khỏi hầm số 2 thì cũng là lúc đoàn ô tô của chúng chuyển bánh qua phà Nam Ô. Tiểu đoàn 79 đã tổ chức tiến công, chặn đánh đoàn tàu lửa của địch. Cùng lúc đó, phía đường ô tô, một đoàn xe 18 chiếc của địch có xe thiết giáp dẫn đầu và có máy bay yểm trợ vượt qua khu vực bố trí của tiểu đoàn 19 do đồng chí Giáp Văn Cương chỉ huy. Các chiến sĩ tiểu đoàn 19 lập tức dùng súng máy khai hoả tiến công tiêu diệt đoàn xe của địch. Đến 12 giờ trưa, bộ đội ta lại chặn đánh tiếp một đoàn xe khác gồm 12 chiếc từ Huế vào tiếp viện. Sau một ngày chiến đấu dũng cảm, quân ta đã tiêu diệt hơn 200 tên địch, thu một súng đại liên, nhiều súng trường và bắt được một số tù binh Pháp. Trước khi địch tổ chức phản kích, quân ta đã rút về căn cứ an toàn.

Chiến thắng Hải Vân lần thứ III là một chiến công oanh liệt nhất của quân và dân Liên khu V và là một trong những chiến thắng vẻ vang của cả nước trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Riêng đối với khu Cao Thắng, chiến thắng Hải Vân III đã tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh của nhân dân trong toàn khu, trong đó có thôn Hồng Phước, lên một bước mới cao hơn. Cũng kể từ đó trở về sau này, Hóc Quân, Hóc Chánh, Hóc Lon, Hóc Bộ – có rừng cây kín đáo, đầm lầy, đi lại khó khăn của thôn Hồng Phước – đã trở một trong những nơi trú quân của ta. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hồng Phước chuyển biến về chất. Nhiều cá nhân và gia đình ở Hồng Phước được Huyện ủy Hòa Vang tuyên truyền, vận động, móc nối xây dựng trở thành cơ sở mật, và chính những cá nhân và gia đình này về sau sẽ trở thành những cơ sở đầu tiên trong việc hình thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

Lúc bấy giờ nhu cầu xây dựng hầm bí mật cũng được đặt ra. Mục đích của việc xây dựng các hầm bí mật nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên đi sâu sát quần chúng và che chở cho cán bộ những khi địch hành quân lùng sục. Để làm được việc này, các cán bộ tại địa phương như đồng chí Huỳnh Thị Nở, đồng chí Nguyễn Thị Liên đã tuyên truyền, vận động các gia đình cơ sở nòng cốt trong thôn đào hầm bí mật. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cơ sở cách mạng ở Hồng Phước đã làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, tiêu biểu là gia đình ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ, gia đình bà Thanh; đặc biệt gia đình bà Thanh chỉ có một mẹ một con nhưng cứ mỗi khi đêm xuống bà lại cần mẫn đào hầm. Hầm bí mật nhà đồng chí Nguyễn Thị Liên nuôi giấu các đồng chí: Hà Khai, Hà Nam, Ngô Văn Lưu, Lê Nam (ở Hồng Phước) ông Bớt (ở Đa Phước) từ năm 1947 đến năm 1954. Các hầm bí mật ở Hồng Phước chưa  bao giờ bị lộ. Đặc biệt, từ khi Huyện ủy Hòa Vang phổ biến kinh nghiệm đào hầm bí mật theo kiểu nắp hầm chìm của nhân dân Hòa Tiến, càng làm tăng thêm độ an toàn của tất cả các hầm bí mật ở Hồng Phước cũng như ở cánh Bắc Hòa Vang.

Về phía địch, bị đánh đau trên đèo Hải Vân và ở nhiều nơi khác trên địa bàn Hòa Vang , giặc Pháp càng thêm tức tối, chúng càng ra sức thực hiện chính sách “3 sạch” (phá sạch, đốt sạch, giết sạch) vô cùng tàn nhẫn, Trong năm 1949, cũng do Việt gian chỉ điểm, quân Pháp bắt được 2 cán bộ của ta là đồng chí Nguyễn Duy Định và đồng chí Võ Liên. Chúng  trói đấu lưng hai đồng chí và đem đi bắn tại thôn An Ngãi Tây. Trước lúc khi hy sinh, đồng chí Nguyễn Duy Định đã hô lớn: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”, Sang năm 1950, trong một cuộc càn quét lớn, giặc Pháp đã bắt 2 đồng chí Nguyễn Thị Kiên, Hà Thị Tiêm và nhiều đồng chí khác, đem ra bãi Thanh Vinh bắt sắp hàng dài để bắn. Tất cả các đồng chí đều hy sinh. Những vụ lùng sục, bắt bớ, bắn giết này của thực dân Pháp là nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân ta và lập các mâm tề để nắm dân và tay sai cho chúng.  Tuy nhiên việc lập tề của địch gặp khó khăn vì do nhân dân đấu tranh phản đối. Có mân tề vừa được lập ra đã bị rã. Một số tên tề điệp, ác ôn đã bị ta tiêu diệt. Bọn chúng hoang mang lo sợ, có tên nằm yên không dám hoạt động, không dám gây nợ máu với nhân dân. Chúng đồng thời cũng không biết có những căn hầm bí mật của ta trên quê hương Hồng Phước.

Tháng 6 năm 1949, trong chiến dịch Phạm Văn Đồng, du kích khu Cao Thắng đã phục kích địch tại cấm Thanh Vinh, tiêu diệt 3 tên lính Pháp. Sang năm 1950, trong chiến dịch Võ Nguyên Giáp, du kích ở địa phương đã phục kích tiêu diệt nhiều tên lính Pháp. Trong chiến dịch Hoàng Diệu, du kích lại dẫn đường cho bộ đội tiêu diệt tháp canh của địch ở Đa Phước.

Tháng 5 năm 1950, thực dân Pháp tổ chức lễ khánh thành cầu tạm Nam Ô, sau ba năm sửa chữa. Đây là cầu quan trọng nhất trên đoạn đường chiến lược Đà Nẵng – Huế. Huyện ủy Hòa Vang chủ trương phá buổi lễ này của địch nhằm gây tiếng vang trong nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ đó, bộ đội địa phương huyện cùng với du kích xã Hòa Liên đặt mìn phá một đầu tàu địch, ném lựu đạn vào đồn Nam Ô, Liên Chiểu của địch. Bị đòn đau, địch tức tối, khủng bố đồng bào để trả thù. Chúng cho quân càn quét vào các thôn Kim Cư, Sơn Hà, đốt phá nhà cửa, bắt đồng bào dồn về sát đồn Liên Chiểu, đồng thời tiến hành bắt lính đôn quân mạnh mẽ.

Tháng 9 năm 1950, trước tình hình càn quét, khủng bố, tập trung dân của địch, Đoàn cán bộ xã Hòa Thắng họp tại hố Ông Cuôn (thuộc địa phận thôn Khánh Sơn) quyết định thành lập 3 đoàn cán bộ về chốt ở những điểm quan trọng ở trong xã nhằm tăng cường công tác dân vận. Đoàn công tác số 3 đã về chốt ở các thôn Đà Sơn, Khánh Sơn, Đa Phước, Đại La và Hồng Phước. Nhiệm vụ của 3 đoàn cán bộ là tích cực vận động nhân dân chống âm mưu dồn dân, bắt lính của địch, kiên quyết phá rã khu dồn dân của địch để trở về làng cũ.

Đây cũng là thời gian địch bắt đồng bào ở Quan Nam, Thủy Tú, Xuân Thiều trong một thời gian ngắn phải dỡ nhà cửa, tập trung lên khu dồn dân nằm sát đồn Quan Nam. Dưới sự lãnh đạo của các Đảng ủy xã Hòa Thắng, đồng bào các thôn Quan Nam, Thủy Tú, Xuân Thiều vẫn kiên quyết không dỡ nhà đi và cùng với lực lượng du kích chuẩn bị chống trả sự khủng bố của địch. Hết thời hạn quy định, địch cho một toán lính đi lùng sục, dọa dẫm đồng bào. Du kích đã bố trí sẵn tiêu diệt toàn bộ toán lính địch. Thực dân Pháp càng điên cuồng, huy động một lực lượng lớn từ các đồn kéo về thôn Quan Nam, Xuân Thiều đốt cháy 58 nóc nhà, giết chết 13 đồng bào và bắt tất cả mọi người phải lên đồn Quan Nam làm chòi để ở. Du kích và đồng bào lại tiếp tục thiêu hủy khu tập trung, kéo về làng cũ. Lần này, sau khi về, đồng bào đào hầm hào, che tạm lều để ở tránh địch đốt nhà, nhất định không chịu về khu tập trung. Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt liên tiếp trên nửa tháng. Nhân dân Thanh Vinh, Đa Phước, Hồng Phước và nhiều thôn khác đã góp gạo, mắm, tranh, tre ủng hộ đồng bào Quan Nam, Thủy Tú, Xuân Thiều. Cuối cùng, trước sự kiên quyết đấu tranh của đồng bào cùng với những hoạt động chống càn, tiêu diệt một số tên ác ôn của du kích, bọn địch phải nhượng bộ. Đồng bào Quan Nam, Thủy Tú, Xuân Thiều dựng lại nhà trên thôn cũ của mình và tích cực đào hầm hào bí mật, tổ chức lại lực lượng, chuẩn bị đối phó với những thủ đoạn khủng bố của địch. Cuộc đấu tranh chống tập trung, dồn dân của nhân dân ta ở Quan Nam, Thủy Tú, Xuân Thiều bước đầu thu được thắng lợi.

Cũng vào khảng thời gian này, do đặc điểm về địa hình, địa bàn tổ chức kháng chiến, đặc biệt để chuẩn bị cho sự thống nhất lãnh đạo, thống nhất lực lượng, đáp ứng cho sự chỉ đạo trong tình hình mới, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến – Hành chính huyện Hoà Vang đã chủ trương hợp nhất các xã ở đồng bằng trong huyện thành 6 xã lớn: Hòa Thắng, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Quý và Hòa Hiệp.

Trong 6 xã, Hòa Liên là một xã lớn có tới 45 thôn, trong đó có thôn Hồng Phước, địa bàn của xã nằm trọn trên chiến trường tây bắc Hòa Vang, được chia làm hai vùng rõ rệt. Vùng tây Hòa Liên là căn cứ của ta. Tại đây có khoảng hơn 10.000 đồng bào sống rải rác trên một vùng đất rộng. Vùng này trở thành bàn đạp và là địa bàn tập kết của bộ đội, du kích trong các trận phục kích diệt địch trên đèo Hải Vân. Vùng đông Hòa Liên, từ Tùng Sơn – Quan Nam trở xuống, nằm trong phạm vi chiếm đóng của địch. Tại đây,  thực dân Pháp thực hiện âm mưu dồn dân từ khi mới chiếm đóng và ngày càng gay gắt, ác liệt, chúng chủ trương cướp sạch, giết sạch. Làng xóm, nhà cửa bị thiêu hủy, đồng bào bị giết, bị đói, đau, chết chóc rất nhiều. Mặc dù đau thương, tang tóc nhưng đồng bào vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua khó khăn, phong trào dần dần được khôi phục.

Ngày 4 năm 11năm 1950, phong trào chống địch dồn dân nổ ra rất mạnh mẽ ở Hòa Liên. Lực lượng du kích mở cuộc đột kích mạnh vào các cứ điểm Nam Ô, Xuân Thiều, đốt phá “hàng rào chống Việt Minh” do địch xây dựng, tiêu diệt bọn Việt gian nguy hiểm và thanh toán các hình thức bù nhìn. Quần chúng khắp nơi nổi dậy tìm bắt bọn tề ngụy lẩn trốn. Được sự vận động của cán bộ địa phương, các gia đình ngụy quân, ngụy quyền đã lên đồn gọi người thân của mình trở về. Ta tuyên bố giải tán ngụy quyền bù nhìn, tịch thu toàn bộ sổ sách, giấy tờ của chúng. Nhân dân ở khu tập trung dồn dân quanh đồn Phò Nam hoàn toàn được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của địch.

Trong tình hình đó, nắm vững thời cơ thuận lợi, ta phát động đồng bào ở tất cả các vùng tập trung đều kéo lên đồn bót địch đòi về làng cũ. Bọn địch không chấp nhận yêu sách của đồng bào nhưng cũng không dám khủng bố. Quy mô phong trào mở ra khá, nhưng ta tập trung giải quyết tốt ở một số vùng trọng yếu. Các đơn vị võ trang tuyên truyền và du kích đột nhập vào vùng theo đạo Thiên chúa tổ chức lại cơ sở bị vỡ, đồng thời thu hút sự chú ý của địch tại đây, tạo điều kiện cho các nơi khác nổi dậy. Được sự hỗ trợ mạnh của lực lượng vũ trang, nhân dân ở khu dồn dân Nam Định – Trường Định nổi dậy đốt cháy toàn bộ nhà cửa ở đây. Ngọn lửa cháy rực sáng đêm ngày 18 tháng 11 năm 1950, đã quét sạch ách kìm kẹp của địch. Bộ đội, du kích hỗ trợ cho đồng bào chuyển hết tài sản, lương thực qua sông, kéo về làng cũ sinh sống. Trong cao trào phá khu dồn trở về quê cũ ở xã Hòa Liên lúc này, Hồng Phước vẫn đảm bảo là một địa bàn đứng chân an toàn, để từ đây cán bộ ta tỏa ra đi hoạt động, lãnh đạo phong trào ở các địa bàn xung quanh.

Mùa Thu năm 1951, hạn hán kéo dài, nạn đói xảy ra cho đến năm 1952 mới chấm dứt. Để cứu đói cho dân, nhiều nơi cán bộ, bộ đội, đảng viên phải bớt phần ăn để cứu đói cho dân càng làm cho tình quân dân thắm thiết. Tuy gặp lúc khó khăn, song các căn hầm bí mật – những công sự của lòng dân ở Hồng Phước – vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Các gia đình cơ sở cách mạng ở Hồng Phước vẫn một lòng kiên trung với với cách mạng và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Các điều kiện để xây dựng thành một căn cứ lõm cách mạng ở trong vùng bị địch chiếm đóng cũng bước đầu hình thành.

Vào mùa thu  năm 1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, thực dân Pháp cử tướng Na-va sang Đông Dương và vạch ra một kế hoạch quân sự Pháp – Mỹ mà chúng gọi là “Kế hoạch Na-va”. Bọn chúng đặt hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành được một số chiến thắng, buộc ta phải đàm phán theo điều kiện có lợi cho chúng, nếu không chúng sẽ tiếp tục tiến công và tiêu diệt ta. Trên chiến trường Liên khu V, thực dân Pháp mở một chiến dịch lớn gọi là “Chiến dịch Át-lăng” nhằm tấn công toàn diện vào vùng tự do của ta. Chúng cho rằng thành bại của chiến dịch Át-lăng sẽ quyết định một phần quan trọng toàn bộ “Kế hoạch Na-va”.

Ngày 27 tháng 1 năm 1954, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 ra lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Tây Nguyên.Trong lúc bộ đội chủ lực theo hướng Tây Nguyên mà tiến thì mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng được lệnh mở màn chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 nhằm đánh lạc hướng địch, tiêu diệt và giam chân chúng, phối hợp và hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính của Liên khu.

Trong bối cảnh đó, vào ngày 25 tháng 2 năm 1954, nhân dân Hồng Phước đã tham gia cuộc đấu tranh lớn ở cánh Bắc Hòa Vang: hàng ngàn người dân ở Hòa Liên đã đấu tranh chống địch bắt lính và cướp tài sản của nhân dân. Quần chúng đã kéo vào các trụ sở của ngụy quyền tay sai, bao vây các đồn bót của quân địch, hô vang các khẩu hiệu chống chiến tranh, đòi thả chồng con bị chúng bắt đi lính, chống cướp bóc tài sản. Phong trào chống địch bắt lính diễn ra sôi nổi ở xã Hòa Liên, trong đó có Hồng Phước.

Tiếp đến, ngày 20 tháng 3 năm 1954 là trận đánh địch thắng lợi của trung đội công binh do Bùi Chát chỉ huy trên đèo Hải Vân càng tiếp sức cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân. Đêm 25 tháng 5 năm 1954, quân ta tiêu diệt hàng loạt mục tiêu trong nội ô Đà Nẵng, quân Pháp chống đỡ trong thế bị động, bất ngờ.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin hỏa tốc dồn dập đưa về các địa phương: Quân Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, hàng ngàn quân Pháp kéo cờ trắng ra hàng, ta bắt trọn ổ Bộ chỉ huy quân Pháp; Tướng Đờ Cát, chủ soái cứ điểm Điện Biên của quân Pháp bị ta bắt sống. Đón nhận tin chiến thắng Điện Biên, nhân dân khắp nơi trong cả nước, từ già trẻ,  gái trai đều vui mừng, hoan hỉ. Ai cũng bay bổng trong niềm vui chiến thắng.

Trong bối cảnh đó, vào ngày 19 tháng 7 năm 1954, được sự hỗ trợ của nhân dân Hòa Vang, Đại Lộc và Điện Bàn, bộ đội chủ lực của ta đã tiến công tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

Thế là, qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như  nhân dân cả nước, nhân dân thôn Hồng Phước đã viết thêm một chương sử vàng chói lọi của quê hương. Truyền thống cách mạng dày hơn; tinh thần và nghị lực của nhân dân tăng thêm. Kinh nghiệm đánh địch, bảo vệ căn cứ nhiều hơn. Đó là cơ sở để nhân dân Hồng Phước bước vào cuộc kháng chiến gay go và ác liệt  chống Mỹ, cứu nước, với một vị trí, vai trò mới: vị trí và vai trò của một căn cứ lõm cách mạng.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,1945 – 1946, Nxb Chính trị Quóc gia, Hà Nội, 1995, trang 480.

[2] Độc đạo là con đường chỉ có một lối đi, không có đường đi, lối đi nào khác.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây