LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 3

Phong trào đấu tranh

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG VÀ BƯỚC ĐẦU HÌNH THÀNH CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÂY DỰNG CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG

  1. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Ngày 01 tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bắn đại bác vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta. Hưởng ứng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Hồng Phước đã góp sức, hợp lực cùng với nhân dân Đà Nẵng, kề vai sát cánh cùng quân triều đình chống giặc, nhất là trong việc đóng đồn, canh giữ cửa biển “từ Hải Vân đến Cu Đê là một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành” [1] như chỉ đạo của vua Tự Đức lúc bấy giờ.

Sau khi Lê Đình Lý[2] trúng đạn bị thương nặng, và hy sinh sau đó, vua Tự Đức cử danh tướng Nguyễn Tri Phương vào thống lĩnh binh quyền tại mặt trận Đà Nẵng. Theo lời chiêu mộ[3] của Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm và Phạm Gia Vĩnh, nhân dân Hồng Phước đã tham gia các đoàn quân nghĩa dũng chống địch, từng bước đẩy lùi quân Pháp và quân Tây Ban Nha ra ngoài bãi biển Tiên Sa. Đến ngày 22 tháng 3 năm 1860, sau gần 2 năm đánh chiếm Đà Nẵng bất thành, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã phải rút khỏi Đà Nẵng. Cuộc kháng chiến bảo vệ thành Đà Nẵng của quân và dân ta giành thắng lợi.

Ngày 20 tháng 3 năm 1883, thực dân Pháp đưa thuyền chiến vào cửa biển Thuận An, trực tiếp uy hiếp kinh thành Huế. Khi quân Pháp đưa thuyền chiến vào cửa biển Thuận An, ông Mai Tấn Phát – người làng Xuân Thiều, rất được nhân dân Hồng Phước ngưỡng mộ, đang phục vụ trong đội hải quân của vua Tự Đức – được triều đình phong làm Tổng lãnh binh hải thuyền tại Kinh đô. Trong một đêm tối trời, ông đã cùng 6 vị tướng lĩnh khác chỉ huy quân lính tập kích vào chiến thuyền của quân Pháp. Quân Pháp phát hiện và chống trả. Cả 7 vị tướng đều tử trận. Phần mộ của ông Mai Tấn Phát và 6 vị tướng nêu trên đã được triều đình dựng tại núi Ngự Bình – Huế, đến nay vẫn còn.

Sau chính biến kinh thành Huế năm 1885, triều đình Huế đầu hàng và làm tay sai cho thực dân Pháp song trên khắp nước ta, hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, nhân dân ta đồng loạt nổi lên đánh Pháp. Tại Quảng Nam, hưởng ứng Chiếu Cần vương, vào tháng 9 năm 1885, Nghĩa hội Quảng Nam đã được thành lập do Tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ (Sau đó, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu thay làm Hội chủ). Nhân dân Hồng Phước đã hướng ứng phong trào Cần vương, trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của chiến tướng Hồ Như Học, người thôn Vân Dương (Hòa Vang). Đúng nửa đêm ngày 01 tháng 3 năm 1886, quân nghĩa từ Nam Ô tiến đánh đồn Nam Chơn giết chết tên đại uý Béc-xông và 6 tên lính Pháp khác, tạo nên một chiến công vang dội của phong trào chống Pháp thời bấy giờ.

Sang đầu thế kỷ XX, trước sự đàn áp đẫm máu và vơ vét bóc lột dã man của thực dân Pháp, ngày 11 tháng 3 năm 1908, khoảng bốn trăm nông dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã làm đơn kêu kiện, xuống toà Công sứ Pháp tại Hội An để đòi giảm sưu, giảm thuế làm dấy lên phong trào chống sưu cao, thuế nặng mạnh mẽ ở 7 phủ huyện Quảng Nam và 10 tỉnh ở Trung Kỳ, làm thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn hết sức sợ hãi. Tháng 5 năm 1908, thực dân Pháp đã đem Ông Ích Đường, một kiệt hiệt trong phong trào chống sưu cao, thuế nặng ra xử chém ở chợ Túy Loan. Trước lúc hy sinh, Ông Ích Đường đã dõng dạc tuyên bố: “Dân nước Nam như cỏ cú. Giết Đường này có trăm ngàn Đường khác sẽ nổi lên. Bao giờ hết mía mới hết đường”. Lời nói cuối cùng trước lúc hy sinh của Cậu Đường đã gieo vào lòng người dân Hồng Phước tham gia phong trào này một tình yêu nước sâu sắc.

Năm 1916, hưởng ứng cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân, nhân dân Hồng Phước đã cùng nhân dân các làng Hoà An, Trung Nghĩa, Đà Sơn, Đa Phước, Thuỷ Tú, Kim Liên, Xuân Thiều, Xuân Dương… thành lập các đội nghĩa binh, mỗi đội có từ 20 nghĩa binh trở lên, thường xuyên luyện tập võ nghệ, rèn sắm dao tu, may áo rằn để chờ ngày khởi nghĩa. Nhưng vào sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916 do bị lộ nên cuộc khởi nghĩa tại kinh thành Huế đã không diễn ra theo kế hoạch, việc đốt lửa trên đèo Hải Vân để phát đi tín hiệu cho nghĩa quân Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nổi dậy tiếp ứng do vậy cũng không xảy ra. Thực dân Pháp nhanh chóng đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu. Thái Phiên, Trần Cao Vân là hai chí sĩ yêu nước từng qua lại Hồng Phước và vùng đất cánh bắc Hòa Vang đã bị thực dân Pháp bắt và xử chém tại An Hoà (Huế). Vua Duy Tân bị chúng bắt đưa đi đày tận châu Phi. Cũng như tình hình chung của cả nước lúc bấy giờ, phong trào yêu nước ở Hồng Phước phải tạm thời lắng xuống.

  1. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng thời tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước nhằm chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 24 tháng 3 năm 1926, cụ Phan Châu Trinh đã qua đời. Phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh dấy lên trong cả nước. Tại các trường học tư thục và công lập ở các xã phía bắc Hòa Vang, một số công chức, giáo viên làm việc cho Pháp có tư tưởng tiến bộ đã vận động, tập hợp thanh niên, học sinh các thôn Vân Dương, Hưởng Phước, Hòa An, Trung Nghĩa, Hòa Phú, Hòa Mỹ (học ở  trường tư thục Quan Nam, Minh Huy, Hoà An và trường công lập Hòa Mỹ)… tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh. Phong trào này đã thực sự tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của nhân dân Hồng Phước.

Năm 1927, tại Nhà hội Quảng Nam ở Huế, Ban Vận động thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam đã được thành lập. Và đến tháng 9 măm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam đã được thành lập tại Đà Nẵng, gồm có các đồng chí: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi và Phan Long, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Đầu năm 1928, hội nghị thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam đã họp tại một địa điểm gần Giếng Bộng (Đà Nẵng). Ban Chấp hành Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam gồm có các đồng chí: Đỗ Quang, Nguyễn Văn Tường, Phan Long, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Nguyễn Thái, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Hội nghị đã cử đồng chí Lê Văn Hiến đi dự hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trung kỳ. Đồng chí Lê Văn Hiến và đồng chí Thái Thị Bôi là hai thanh niên yêu nước, được ảnh hưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên sớm nhất ở Hoà Vạng, có nhiều ảnh hưởng đến tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh ở các xã phía bắc Hoà Vang.

Ngày 03 tháng 2 năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, là một cột mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về tổ chức và đường lối cứu nước của cách mạng nước ta. Hơn một tháng sau, ngày 28 tháng 3 năm 1930, đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ Đà Nẵng cũng ra đời. Đây là mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó có nhân dân Hồng Phước.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong cao trào cách mạng 1930 -1931 cũng như trong thời kỳ đấu tranh khôi phục tổ chức và phong trào 1932 – 1935, phong trào cách mạng ở các làng xã phía bắc Hoà Vang, trong đó có Hồng Phước, đã bắt được nhịp chung của phong trào cách mạng ở Đà Nẵng, Hòa Vang; ảnh hưởng của Đảng ngày càng thể hiện rõ trong các tầng lớp nhân dân.

Ngay sau khi thành lập, trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5, ngày Quốc tế chống chiến tranh 1.8, Tỉnh uỷ Quảng Nam và Thị uỷ Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh việc treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn cách mạng, kêu gọi nhân dân tham gia đấu tranh ủng hộ Liên bang Xô viết, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang nổ ra và ngày càng trở nên quyết liệt. Lúc bấy giờ, tại các xã phía Bắc Hoà Vang, trong  dịp lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5, đồng chí Trần Kim Bảng, người ở thôn Hoá Ổ-Tân Hiệp đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm tại động Xuân Dương và trụ đèn pha biển Phú Lộc. Đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Nguyễn Như Đãi, Nguyễn Sỹ Huân đã tổ chức một số thanh niên ở Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa An, Hưởng Phước, Đa Phước, Hồng Phước… kẻ khẩu hiệu, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi trong vùng.

Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (1936 – 1939), nhân dân Hồng Phước đã tham gia các tổ chức biến tướng như: hội tương tế, hội ái hữu, hội lương bằng, hội vòng công đổi công, hội truyền bá chữ quốc ngữ… từng bước tập dượt đấu tranh công khai, hợp pháp với thực dân, phong kiến.

Đầu năm 1937, phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp do Gô-đa (J. Godart) dẫn đầu đã sang Việt Nam để điều tra tình hình Đông Dương. Ngày 28 tháng 2 năm 1937, phái bộ Gô- đa từ Huế đáp tàu lửa vào Đà Nẵng. Nhân dịp này, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động nhân dân trong tỉnh xuống đường “đón Gô-đa” để đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Được sự vận động của nhóm thanh niên tiến bộ ở trong vùng, nhân dân Hồng Phước đã tích cực hưởng ứng cuộc biểu dương lực lượng thông qua hình thức đón phái bộ Gô-đa này. Khi Gô-đa đến Đà Nẵng, hàng vạn quần chúng đứng dọc đường Cuộc-bê (Quai de Courbet – nay là đường Bạch Đằng, dọc bờ tây sông Hàn), từ Ga Chợ, Sở Bưu điện đến Toà đốc lý, hô vang các khẩu hiệu đòi chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp mở rộng các quyền dân sinh, dân chủ. Báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng tường thuật sự kiện này như sau: “Hàng ngàn người trực tiếp gặp Gô-đa để đưa “dân nguyện”, tố cáo nỗi cực khổ của anh em công nhân đang làm việc trong sân bay Cẩm Lệ và tình cảnh sưu cao thuế nặng mà nhân dân Hòa Vang đang phải chịu”[4].

Tiếp theo, tháng 8 năm 1937, Viện dân biểu Trung Kỳ tổ chức bầu cử dân biểu khóa III. Trung ương Đảng chủ trương đưa nhà trí thức yêu nước Phan Thanh (người Bảo An, phủ Điện Bàn) ra tranh cử tại hạt bầu cử Hoà Vang – Đại Lộc. Phát huy kết quả của cuộc biểu tình “đón Gô-đa”, nhân dân Hồng Phước đã tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động bỏ phiếu cho Phan Thanh và gạt ứng cử viên của do thực dân và phong kiến đưa ra. Kết quả bầu cử, trên cả địa bàn Hòa Vang và Đại Lộc, ứng cứ viên Phan Thanh do Đảng đưa ra đã chiếm số phiếu tuyệt đối. Cuộc vận động bầu cử cho Phan Thanh một lần nữa trở thành phong trào vận động cách mạng rầm rộ ở Hòa Vang nói chung và Hồng Phước nói riêng.

Từ sau cuộc bầu cử Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi, cũng như các địa phương khác ở phía Bắc Hòa Vang, phong trào chống sưu, chống thuế đã tiếp tục diễn ra ở Hồng Phước dưới hình thức không chịu đi làm xâu, hay tham gia ký đơn phản đối dự án tăng thuế thân của thực dân, phong kiến.

Tháng 5 năm 1939, Phan Thanh bị bệnh nặng và qua đời tại Hà Nội. Viện Dân biểu Trung kỳ tổ chức cuộc bầu cử bổ sung dân biểu thay thế cho Phan Thanh tại hạt bầu cử Hoà Vang – Đại Lộc. Trong tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định đưa học giả Đặng Thai Mai – người Nghệ An vào tranh cử với ứng cử viên Lê Huân do thực dân Pháp và phong kiến tay sai giới thiệu. Để vận động cho Đặng Thai Mai, hiệu sách Việt Quảng do vợ chồng đồng chí Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi thành lập, đã in và phát hành bài “Vè Phan Thanh” xuống tận các làng xã ở Hoà Vang và Đại Lộc, cổ động cử tri ở hạt bầu cử này bỏ phiếu cho ứng cử viên Đặng Thai Mai. Nhiều người dân ở Hồng Phước đã đọc được bài vè này:

Cử tri nên hãy tính nhanh

Người nào ở số Phan Thanh thì bầu

Dẫu người khác quận khác châu

Đủ tài đức sức nên cầu họ ra

Làm cho tỏ mặt dân ta

Cử người xứng đáng không kể xa kể gần…

Cuộc vận động bầu cử dân biểu bổ sung vào Viện Dân biểu Trung Kỳ giành thắng lợi, học giả Đặng Thai Mai đã thắng cử với số phiếu áp đảo ứng cử viên Lê Huân do thực dân đưa ra.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Đó cũng là khoảng thời gian 2 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hòa Vang lần lược ra đời:  Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ và Chi bộ Trung Nghĩa – Phú Lộc. Sự ra đời của hai Chi bộ Đảng này là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng ở các xã phía Bắc Hoà Vang, trong đó có quê hương Hồng Phước.

Tháng 5 năm 1941, trong bối cảnh phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta bị một cổ hai tròng là thực dân Pháp và phát xít Nhật, tại Pắc Bó – Cao Bằng, Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương Tám, xác định cách mạng Việt Nam lúc này phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên cao hơn hết thảy, các nhiệm vụ khác phải phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội được thành lập, gọi tắt là Việt Minh, trở thành ngọn cờ hiệu triệu, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào cứu quốc, tiến tới chớp lấy thời cơ, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 3 năm 1944, hai thanh niên người làng Xuân Thiều là Nguyễn Văn Anh, sếp ga xe lửa Đà Nẵng và Nguyễn Văn Luyện – sinh viên trường Cao đẳng Huế đã bỏ học về quê cùng với Mai Xuân Hoàng, Mai Tấn Phúc, Mai Tấn Cơ  và Nguyễn Văn Nho đang hoạt động tại địa phương thành lập tổ Truyền bá Quốc ngữ, tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ tại Xóm Cồn, Thạch Sơn, Xóm Nà, Trung Sơn và Vân Dương, Hồng Phước. Các trường Truyền bá Quốc ngữ này vừa dạy học chữ Quốc ngữ (chủ yếu là xóa nạn mù chữ), vừa tuyên truyền chủ trương và chính sách của Mặt trận Việt Minh, từng bước tiến tới tổ chức các đoàn thể Cứu quốc để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Ở Đa Phước có 2 lớp học Truyền bá Quốc ngữ; một lớp ở Hóc Lon do Phạm Đình Hiển, Phạm Đình Cử phụ trách và một lớp ở xóm Hồng Phước do Lê Quang Tích và Lê Mùi phụ trách. Cả 2 lớp học đều thu hút được nhiều học sinh. Ở Thanh Vinh phong trào Truyền bá Quốc ngữ cũng phát triển rất mạnh. Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Thanh Vinh do ông Phan Văn Thành phụ trách.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, tuy nhiên, phát xít Đức -Ý- Nhật ngày càng bại trận. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh. Phát xít Nhật ở Đông Dương bị bao vây, uy hiếp nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, vào ngày 13 tháng 8 năm 1945, nhận được tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, Trung ương Đảng ta đã phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Ở cánh Bắc Hòa Vang, Uỷ ban bạo động cướp chính quyền tổng Thái Hòa được thành lập do đồng chí Phạm Đình Long làm Chủ tịch và đồng chí Trà Văn Chu làm Phó Chủ tịch.

Lúc bấy giờ, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở các thôn Đa Phước (bao gồm cả Hồng Phước) rất khẩn trương. Nòng cốt cho cuộc vận động cứu quốc và khởi nghĩa giành chính quyền ở thôn Đa Phước lúc này, tiêu biểu là Ngô Văn Lưu, Lê Quang Lịnh, Lê Quang Tích, Lê Quang Toản, Võ Trịnh, Nguyễn Tịch, Lê Quang Tuấn, Ngô Xuyên, Hà Bài, Lê Quang, Lê Mùi, Nguyễn Định, Phan Văn Thành, Phan Văn Long, Ngô Yến, Võ Tịnh, Võ Kiên, Phạm Đình Hiển, Phạm Đình Anh, Lê Chiến, Phạn Đình Trọng… Lực lượng khởi nghĩa trong thôn khẩn trương sắm cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ cùng gậy tầm vông, dao rựa, giáo mác, mã tấu… để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Đêm 17 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban bạo động cướp chính quyền tổng Thái Hòa tập trung tại nhà đồng chí Phạm Đình Dục (Phạm Đình Ứng) ở Trung Nghĩa để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền vào sáng hôm sau. Trong lúc đó, khoảng hơn 100 thanh niên Hòa An, Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa Phú tập họp tại vườn nhà đồng chí Phạm Đình Long và được đồng chí Đỗ Xuân Mai, Nguyễn Như Cương, Nguyễn Kim Toàn huấn luyện quân sự.

Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tổng Thái Hòa đã nổ ra. Lực lượng tự vệ được trang bị vũ khí thô sơ: gậy tầm vông, dây thừng, rựa, dao phay, mã tấu…làm nòng cột cho lượng lực khởi nghĩa. Đoàn đến làng nào, thì nhân dân ở làng hàng ngũ chỉnh tề kéo theo, tạo thành một đoàn người nối tiếp nhau rất dài. Cụ thể, đoàn đi qua các làng: Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc, Đà Sơn, Khánh Sơn, Đa Phước, Xuân Thiều, Kim Liên, Trung Sơn, Nam Ô, Vân Dương, Quan Nam. Khi lên đến Quan Nam thì đã lên đến trên 3000 người. Khí thế khởi nghĩa như nước vỡ bờ, việc giành chính quyền tại các làng diễn ra mau chóng, không đổ máu, bởi ngay trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa nhiều chức sắc ở các làng đã ngã về phía cách mạng, vì vậy, khi lực lượng khởi nghĩa đến làng nào thì hương chức làng đó đều giao nộp sổ sách, ấn triện, trong đó quan trọng nhất là địa bạ của làng.

Tối ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân tổng Thái Hòa tập trung về tại Hòa Phú để dự mít tinh mừng thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tổng Thái Hòa nói chung và tại thôn Đa Phước nói riêng giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn.

[1] Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Nxb Thuận Hoá, tr342.

[2] Danh tướng nhà Nguyễn, vị tướng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

[3] Chiêu mộ, hay chiêu tập, là tìm người ở khắp nơi và tập hợp lại để làm việc nghĩa, cụ thể ở đây là để kháng chiến chống quân Pháp và Tây Ban Nha, bảo vệ thành Đà Nẵng.

[4] Tiếng Dân, số ra ngày 9.3.1937

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây