LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 7

phong trào cách mạng ở Hồng Phước

CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC PHÁT HUY VAI TRÒ CĂN CỨ TIỀN PHƯƠNG, GÓP PHẦN ĐÁNH CHO MỸ CÚT, NGỤY NHÀO, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1965 – 1975)

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước từ buổi đầu quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng đến Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Hồng Phước đang trên đà phát triển thuận lợi, thì vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, quân viễn chinh Mỹ ào ạt đổ bộ vào Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung và tăng cường lực lượng cán quét, chiếm đóng, mở rộng “vành đai trắng” xung quanh Đà Nẵng nhằm đẩy lực lượng của ta ra xa thành phố để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự của chúng. Từ đây, Mỹ – ngụy chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” trên toàn chiến trường miền Nam.

Hòa Khánh là của ngõ phía Tây Bắc của Đà Nẵng. Quân Mỹ và quân ngụy đã xây dựng ở đây một hệ thống đồn bót dày đặc; quân số tăng lên đột biến, lúc cao nhất có 1 sư đoàn bộ binh Mỹ, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 14 tiểu đoàn quân ngụy, 1 sư đoàn bộ binh ngụy, 1 trung đoàn công binh ngụy, 1 căn cứ hậu cần, 1 sân bay; đều là những đơn vị chủ lực, thiện chiến. Nếu tính tỷ lệ đầu người thì lúc này ở Hòa Khánh cứ 1 người dân có đến 7 tên lính Mỹ, chưa kể lính ngụy. Cùng với xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần, quân Mỹ và quân ngụy đã sử dụng xe bọc thép M113, xe cày, cày ủi làng mạc, nhà cửa dọc đường Quốc lộ 1A từ Chơn Tâm đến Xuân Thiều, đẩy dân vào các khu dồn và xúc dân từ các vùng nông thôn vào các khu dồn này để kìm kẹp, kiểm soát.

Trong bối cảnh quân Mỹ vừa đổ bộ vào, tình hình khó khăn gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy Quận Một đã quyết định tiếp tục bám trụ chắc căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước nhằm xây dựng ở đây thành căn cứ bàn đạp để chỉ đạo xây dựng các lõm chính trị trong nội thành, phát triển phong trào cách mạng, đưa lực lượng, vũ khí vào thành phố để tiến công địch trong tình hình mới: đánh Mỹ, diệt ngụy.

Về công tác xây dựng Đảng, tháng 1 năm 1965, Quận ủy Quận Một[1] quyết định thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hòa Khánh gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thị Liên, đảng viên, cơ sở cách mạng nòng cốt của thôn Hồng Phước làm Bí thư. Lúc đầu Chi bộ có 3 đảng viên; về sau phát triển thêm nhiều đảng viên mới như: Nguyễn Duy Đằng, Hà Thị Mau, Đào Thị Thanh… Các đồng chí Hà Thị Mau, Đào Thị Thanh đều là những cán bộ cơ sở nòng cốt của Hồng Phước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy Quận Một và Chi bộ Hòa Khánh, phong trào cách mạng ở Hồng Phước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước phát huy vai trò, vị thế của một căn cứ bàn đạp, làm chỗ dựa, đi về, để các lực lượng của ta thọc sâu xây dựng các căn cứ lõm trong nội thành của Quận Một, Đà Nẵng. Công tác xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng ở Hồng Phước tiếp tục được chú trọng; những gia đình ở Hồng Phước có địa thế thuận lợi đã  tiếp tục đào nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang; các gia đình không có điạ thế đào hầm thì tham gia bảo đảm cơm nước, các nhu cầu thiết yếu và nắm tình hình địch để cung cấp cho cách mạng, làm giao liên đưa thư từ, tài liệu, đưa đón lực lượng, vận chuyển vũ khí trang bị vào thành phố và kịp thời phát hiện bọn tề điệp góp phần bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ về hoạt động…

Do địa hình ở đây đất cát, lại gần căn cứ pháo binh địch nên các cơ sở xây dựng hầm bí mật theo kiểu hầm nổi, tầng dưới dùng để tránh bom, pháo, tầng trên làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ (để khi địch pháo kích không bị lún, sụt gây sụp hầm). Đây là cách làm táo bạo, địch chỉ xem đó là hầm tránh đạn của dân, không biết tầng trên lại có hầm bí mật. Tiêu biểu phong trào đào hầm bí mật giai đoạn này như:

– Gia đình bà Phạm Thị Miên có 7 căn hầm bí mật, trong đó có một căn hầm hai tầng, tầng dưới dùng để ẩn nấp, tránh bom đạn, còn tầng trên là hầm bí mật,  tầng hầm này có thể nuôi giấu 6 cán bộ, chiến sỹ.

– Gia đình bà Phạm Thị Dĩ có 4 hầm bí mật, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Quận Nhì như: Tăng Ngọc Phương, Đặng Đình Vân, Lê Thị Tính, Phan Văn Tải, Hồ Phúc Ngôn, Nguyễn Thanh Tuấn. Lê Bá Lai…

– Gia đình bà Nguyễn Thị Liên đào 3 căn hầm bí mật để nuối giấu cán bộ, bản thân bà là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Hòa Khánh. Đây là một nơi thường tổ chức các cuộc họp quan trọng của Quận ủy và Quận đội quận Nhì để chuẩn bị cho các trận đánh địch.

– Gia đình bà Hà Thị Mau đào 3 căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Khi vừa sinh được 15 ngày, sức khỏe kém, không chịu được mùi hôi, nhưng với tin thần cách mạng, bà đã đồng ý để cho một đồng chí thương binh của ta vào ẩn nấp ngay trong căn buồng của bà để cán bộ y tế của ta hằng ngày đến chăm sóc vết thương cho đồng chí thương binh.

– Gia đình  bà Lê Thị Cảnh (Bà Hoài) có 2 căn hầm bí mật ở sát khu hậu cần của quân Mỹ.

Dù nằm trong vòng kìm kẹp của địch, ngay sát nách căn cứ quân sự và hậu cần của địch, nhưng những căn hầm bí mật này đã không một lần bị lộ, vẫn giữ được bí mật và là nơi nuôi giấu an toàn cán bộ cách mạng. Có được điều đó phải kể đến yếu tố lòng dân Hồng Phước, cách ứng phó thông minh, gan dạ, can trường của các cơ sở cách mạng ở nơi đây, như những trường hợp của bà Phạm Thị Miên, bà Lê Thị Cảnh (Hoài)…

Một lần địch kéo quân đến bao vây, đào bới, xăm hầm bí mật (hầm bí mật 2 tầng) của nhà bà Phạm Thị Miên; 6 đồng chí của ta nấp dưới hầm đã lên nòng súng và rút chốt an toàn lựu đạn, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Song trên nhà, bà Phạm Thị Miên giả ngất xỉu, nằm giữa sân nhà, một mặt nhằm gây tiếng động, báo với anh em trong hầm yên tâm là bà vẫn ở tại nhà, không đi đâu, không khai báo, có chết bà cùng chết với anh em, mặt khác làm phân tán sự chú ý bọn địch đang chia phiên nhau tìm hầm… Kết quả là qua 7 hiệp đào bới, bọn địch vẫn không tìm ra căn hầm bí mật ở nhà Bà Miên. Chúng không ngờ rằng căn hầm bí mật lại nằm ở bên trên căn hầm tránh bom đạn bình thường.

Trường hợp ở nhà bà Lê Thị Cảnh (Hoài): một hôm trời mưa lạnh, có 2 tên lính đang đi do thám, thấy trong nhà có người liền xông cửa vào nhà; 3 cán bộ chiến sỹ của ta vừa lên khỏi hầm và đang ngồi họp trong nhà liền tiêu diệt một tên, một tên chạy thoát, và đem xác tên bị diệt ra vùi ngoài ruộng lúa rồi rút về căn cứ. Bọn địch đến bao vây và phá nhà bà Hoài nhưng không phát hiện được hầm bí mật.

Cùng với những căn hầm bí mật an toàn đó, các điểm “Chong đèn” ở nhà bà Phạm Thị Dĩ, Nguyễn Thị Liên…vẫn đều đặn phát tín hiệu cho cán bộ, chiến sỹ ta từ căn cứ về hoạt động, giống như hình ảnh trong bài thơ Những ngọn đèn đứng gác của Nhà thơ Chính Hữu: Trên đường ta đi đánh giặc/Ta về Nam hay ta lên Bắc/Ở đâu/Cũng gặp/Những ngọn đèn dầu/Chong mắt/Đêm thâu…

Mặc dù nằm trong vùng địch kiểm sát, kìm kẹp, đời sống vô cùng khó khăn nhưng cán bộ, nhân dân Hồng Phước luôn nhường cơm sẻ áo, hết lòng nuôi dưỡng, bảo vệ, che chở cho cán bộ, chiến sỹ về đây hoạt động. Không những thế, nhân dân Hồng Phước đã tích cực tham gia, phối hợp với các đơn vị đặc công, biệt động tổ chức nắm địch, chuẩn bị chiến trường, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tạo điều kiện để bộ đội, du kích của ta đánh vào các mục tiêu quan trọng của địch và bảo vệ căn cứ, trong đó, một trong những trận đánh lớn, nổi tiếng của quân ta trên địa bàn Thanh Vinh – Hồng Phước, có sự đóng góp trực tiếp của nhân dân Hồng Phước là trận tiêu diệt trận địa pháo Thanh Vinh của quân viễn chinh Mỹ trong chiến dịch Xuân Hè năm 1966.

Trong bối cảnh lịch sử lúc này, quân Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng thành khu liên hợp quân sự lớn của chúng; phong trào “Ra Hòa Vang đánh Mỹ” sôi nổi khắp Quảng Đà, Thành ủy và Thành đội Đà Nẵng quyết định thành lập Tiểu đoàn Đặc công 89, là tiểu đoàn hậu cứ của thành đội Đà Nẵng. Tiểu đoàn có nhiệm vụ chuyên trách đánh cứ điểm sân bay, bến cảng, kho hàng và cơ quan đầu não, tên lửa, pháo binh, kho xăng dầu, bom đạn của địch.

Đúng như dự kiến, ngày mùng 5 tháng 11 năm 1965, Tiểu đoàn Đặc công 89 được thành lập, đồng chí Hồ Phúc Ngôn, một người con của quê hương Hồng Phước, làm đại đội phó của Đại đội. Một thời gian ngắn sau, đồng chí Ngôn được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 89 của Thành đội Đà Nẵng. Tháng 5 năm 1966, trong lúc phong trào đấu tranh chính trị “76 ngày đêm làm chủ thành phố Đà Nẵng” của nhân dân Đà Nẵng vừa kết thúc, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 89 được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường và trực tiếp chiến đấu tiêu diệt trận địa pháo Thanh Vinh của quân Mỹ. Trận địa pháo này của địch chỉ cách thôn Hồng Phước khoảng 250m về phía Nam.

Nhận nhiệm vụ, Đại đội 1 đã chọn 6 đồng chí:  Ngôn, Bân, Ngưu, Qui, Tỉnh và Chuyên, do đồng chí Ngôn, đại đội trưởng chỉ huy, đi điều tra căn cứ pháo binh của địch ở Thanh Vinh. Từ căn cứ miền núi, tổ trinh sát xuống đồi Hố Chuối (Kim Liên), vượt qua sông Thủy Tú và hướng về mục tiêu. Khi đến gần Thanh Vinh thì đã 4 giờ sáng. Đồng chí Ngôn đã dẫn cả tổ về nhà Mẹ Xiềng – mẹ của đồng chí Ngôn để trú ẩn. Đây cũng là lần đầu tiên sau khi đi tập kết ra Bắc rồi về lại miền Nam chiến đấu, đồng chí Ngôn về lại nhà và gặp lại mẹ của mình. Sau những giây phút cảm động, mọi người trong nhà tròn xoe con mắt ngạc nhiên và người mẹ “chỉ biết đứng nhìn và từng giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má đầy nếp nhăn nheo”, bà Xiềng và những người trong nhà đã “khẩn trương ngụy trang, biến ngay hầm trú ẩn bom pháo Mỹ của gia đình thành hầm bí mật” cho tổ trinh sát. Mẹ Xiềng còn hướng dẫn cho 6 đồng chí cách “cơi nới thêm hầm, làm thêm ngách để bảo đảm đủ nằm, vì vách hầm đã có sẵn bao cát” và căn dặn: “Các con dưới hầm cứ bình tĩnh ngủ yên, đừng lo lắng. Trên này có động tĩnh gì để một mình mẹ đối phó” [2]. Với sự giúp đỡ của gia đình Mẹ Xiềng, tổ trinh sát phân công nhau mỗi người một hướng, đột nhập vào trận địa pháo Thanh Vinh quan sát và nắm tình hình, quy luật hoạt động của quân Mỹ ở căn cứ này. Trên đường về lại hậu cứ, tổ trinh sát gặp được các đồng chí Nguyễn Duy Đằng, Phan Văn Tải, Phan Văn Bảy cung cấp thêm những chi tiết và quy luật hoạt động của địch ở trận địa pháo này. Khi về đơn vị, tổ nhanh chóng vẽ sơ đồ và đắp sa bàn trận địa pháo của địch, thông qua phương án chiến đấu và được Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn phê duyệt, đồng thời giao nhiệm vụ cho đồng chí Hồ Phúc Ngôn trực tiếp chỉ huy trận đánh này.

Ngày mùng 10 tháng 6 năm 1966, đại đội chọn 60 đồng chí, tổ chức thành 3 mũi, tấn công căn cứ địch. Mũi thứ nhất, là mũi chủ yếu, do đồng chí Hồ Phúc Ngôn trực tiếp chỉ huy từ hướng Tây đánh xuống. Mũi thứ 2 do đồng chí Bân phụ trách, từ hướng đông đánh lên. Mũi thứ 3 do đồng chí Chuyên phụ trách, từ hướng bắc đánh vào. Ngoài ra, còn một đội hình dự bị có thể chi viện kịp thời khi có tình huống ngoài dự kiến xảy ra. Lực lượng của ta được trang bị các loại vũ khí gồm B40, B41; thủ pháo, lựu đạn, 7 khối bộc phá 5kg bằng thuốc TNT, 3 bộc phá ống dùng để phá rào.

Đúng 14 giờ cùng ngày, đại đội bắt đầu hành quân. Mỗi cán bộ chiến sĩ của đơn vị thể hiện quyết tâm bằng cách cắt dán câu: “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lên báng súng AK của mình. Đến 23 giờ, đơn vị bắt đầu triển khai các hướng để tiếp cận mục tiêu và 30 phút sau, các mũi nhanh chóng tiến hành cắt rào đưa hỏa lực lọt vào bên trong căn cứ địch. Và đúng 24 giờ, tức giờ G, cả 3 mũi quân của ta đã bắn B40, B41 dồn dập vào trận địa pháo của địch, đánh sập hai lô cốt đầu cầu, tiến vào khu trung tâm. Quân Mỹ, sau những giây phút hoảng loạn lúc đầu đã đánh phản kích ta dữ dội, tuy nhiên, chúng bị ta áp đảo và tiêu diệt.

Sau 30 phút chiến đấu, các mục tiêu cơ bản đề ra trong phương án đều thực hiện được. Các chiến sĩ đặc công của ta đã làm chủ hoàn toàn trận đánh và biến trận địa pháo đầy uy lực của quân viễn chinh Mỹ thành một biển lửa. Sở chỉ huy của Mỹ trung tâm thành phố Đà Nẵng báo động và cho máy bay Đa-co-ta thả đèn sáng, bắn rốc két, nhưng không thể cứu vãn được tình thế. Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt gần 200 lính Mỹ, phá hủy 7 khẩu pháo 105 ly, 7 xe kéo pháo, 20 nhà bạt cùng công sự, lô cốt hầm ngầm, thu 4 đại liên M60 và một số súng đạn, quân trang quân dụng.

Có thể khẳng định, đây là một trong những trận đánh Mỹ đầu tiên và là một trận đánh hay của cán bộ chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 89 Đà Nẵng. Và trong thắng lợi đó, có phần đóng góp tích cực của căn cứ địa cách mạng Hồng Phước, từ trong quá trình nắm tình hình địch đến trong và sau trận đánh, tiêu biểu như mẹ Xiềng và người trong gia đình của mẹ đã nuôi giấu, che chở cho tổ trinh át khi đi chuẩn bị chiến trường; hay như các đồng chí Phan Văn Tải, Nguyễn Duy Đằng, Phan Văn Bảy, đang hoạt động tại căn cứ dẫn đường đi trinh sát nắm địch, cung cấp tình hình về bố phòng bên trong và quy luật hoạt động của địch để bộ đội xác định kế hoạch chiến đấu. Hay như, trong khi chiến đấu, một chiến sĩ của ta chạy lạc vào nhà của bà Nguyễn Thị Chính (nhà ở gần căn cứ Thanh Vinh của Mỹ) trong khi quân Mỹ đang lùng sục, được bà đón vào nấp trong căn hầm bí mật của nhà bà, sáng hôm sau đi chợ may quần áo cho mặc, cải trang thành chăn trâu, dẫn đi xuống ngõ Xuân Thiều nhằm đánh lạc hướng địch rồi đưa về căn cứ an toàn. Các gia đình cơ sở cách mạng tại Hồng Phước cùng với nhân dân Đa Phước, Thanh Vinh đã bảo đảm cơm nước phục vụ bộ đội chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu như vận chuyển thương binh, chôn cất tử sĩ…

Tiếp sau trận tiêu diệt trận địa pháo Thanh Vinh, tháng 7  năm 1966, một tổ đặc công do đồng chí Hồ Phúc Ngôn chỉ huy về Căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước tổ chức trinh sát nắm địch, chuẩn bị chiến trường và phối hợp với các đồng chí Phan Văn Tải, Nguyễn Duy Đằng, Phan Văn Bảy, cán bộ của Quận Một, hoạt động tại Hồng Phước cùng lực lượng du kích mật của căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước tập kích đại đội công binh Mỹ tại Hố Chùa (Đa Phước) diệt 50 tên Mỹ, phá hủy 40 xe tăng, thiết giáp (M41 của quân Mỹ).

Tiếp theo, vào tháng 6 tháng 1967, Mỹ – ngụy cày ủi, xúc đất tại Hố Sâu, cách Hồng Phước khoảng 1km về phía Tây Nam. Để bảo đảm an toàn cho căn cứ, thực hiện mệnh lệnh của Quận ủy, Quận đội Quận Một, đồng chí Phan Văn Bảy, cán bộ an ninh Quận Một, hoạt động tại căn cứ tổ chức gài 2 quả mìn tiêu diệt 1 xe Mỹ, 4 lính công binh Mỹ và bị thương 2 tên. Hai ngày sau đó, đồng chí Phan Văn Bảy cùng du kích mật Hồng Phước gài lựu đạn tiêu diệt 2 tên sĩ quan Mỹ và 1 xe Jeep tại Gò Dưa giữa ban ngày. Tháng 10 năm 1967, đồng chí Lưu, du kích mật Hồng Phước tiếp tục chặn đánh xe Mỹ tại Gò Dưa tiêu diệt 1 xe và bọn lính trên xe.

Lúc này, để tăng cường cán bộ cho Quận Nhất, chuẩn bị cho phương hướng mới của Đảng, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã điều động đồng chí  Lê Thị Tính, Đặc Khu ủy viên, Huyện đội phó huyện Điện Bàn ra làm Bí thư Quận ủy Quận Một. Được sự chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Một, đang hoạt động tại Căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước dùng xe Jeep vào Điện Thắng, Điện Bàn để đưa đồng chí Lê Thị Tính, Đặc Khu ủy viên, Huyện đội phó Điện Bàn được điều động ra làm Bí thư Quận Một – Đà Nẵng. Đồng chí Lê Thị Tính cải trang thành nhà tư sản, đồng chí Phan Văn Tải cải trang thành người giúp việc, cùng ông Phan Chính, cơ sở mật của ta làm lái xe và đồng chí Phạm Thị Tài, giao liên tại căn cứ cải trang thành người hầu bưng quả, đưa đồng chí Tính đột nhập vào nội thành Đà Nẵng để nắm tình hình và kiểm tra các cơ sở của ta trong nội thành, sau một tuần đưa về Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước an toàn.

Trong những ngày đứng chân hoạt động tại Hồng Phước, từ kinh nghiệm của nhân dân Điện Bàn, đồng chí  Lê Thị Tính hướng dẫn đồng chí  Phan Văn Tải và các cơ sở cách mạng của căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước cách đào hầm bí mật trong lòng cát và chỉ đạo làm một hầm thí điểm tại nhà ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ. Từ đó ngoài những hầm bí mật đào nổi 2 tầng, tại Hồng Phước, Đa Phước còn phát triển thêm loại hầm bí mật mới, chìm trong cát, kiên cố, không bị sụt lún.

Đồng chí Lê Thị Tính là một Bí thư Quận ủy trẻ, gan dạ. Đồng chí thường xuyên đi kiểm tra cơ sở, xây dựng phong trào. Chiều ngày 13 tháng 11 năm 1967, đồng chí cải trang làm người đi chợ về, từ Hồng Phước đi lên Phái 6 Quan Nam ( Hòa Liên), lúc chưa qua khỏi cầu Xóm Thổ Trại (Hòa Vang) thì bị địch phục kích và đồng chí đã anh dũng hy sinh. Tuy thời gian hoạt động của đồng chí Lê Thị Tính trên cương vị là Bí thư Quận ủy Quận Một và trên mảnh đất không nhiều nhưng đồng chí để lại những dấu ấn trong xây dựng tổ chức và phong trào cách mạng ở đây, nhất là với sáng kiến và kinh nghiệm xây dựng hầm bí mật kiên cố trong cát của đồng chí vẫn còn tiếp tục phát huy tác dụng cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 11 năm 1967, trước khi bước vào chiến dịch Tết Mậu Thân lịch sử, Khu ủy 5 đã quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đặc Khu ủy Quảng Đà chia huyện Hòa Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III) và thành phố Đà Nẵng thành 3 quận (Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba); theo đó Quận Một được đổi tên thành Quận Nhì[3] gồm có 7 khu phố, trong đó 4 khu phố nội thành được chia thành 8 khu vực và được quy định gọi theo mật danh để giữ bí mật gồm: A1 (Thanh Khê), A2 (Hà Khê), A3 (An Khê), A4 (Xuân Đán), A5 (Phục Đán), A6 (Thạc Gián), A7 (Chính Trạch), A8 (Thạch Thang); 3 khu phố phía Tây là Hòa Khánh, Hòa Minh và Hòa Phát có 12 khu vực được quy định gọi theo mật danh gồm: B1 (Hồng Phước), B2 (Đa Phước), B3 (Đà Sơn), B4 (Khánh Sơn), B5 (Hòa Mỹ), B6(Hòa Phú), B7 (Phước Lý), B8 (Trung Nghĩa), B9 (Hòa An), B10 (Phước Tường), B11(Đông Phước), B12 (Nghi An). Từ đây căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước được mang mật danh B1, cán bộ ta gọi tên mật danh gắn liền với địa danh là “B1 Hồng Phước”, vì vậy, chính thức thời gian này, căn cứ cách mạng Hồng Phước có tên gọi đầy đủ là  “Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước”. Đặc khu uỷ Quảng Đà quyết định điều đồng chí Nguyễn Thanh Năm (tức Năm Dừa), uỷ viên thường vụ Đặc khu uỷ giữ chức Bí thư quận uỷ Quận Nhì[4] thay đồng chí Lê Thị Tính vừa mới hy sinh. Tháng 12 năm 1967, đồng chí Nguyễn Thế – Bí thư Khu I – Hòa Vang hy sinh, đồng chí Nguyễn Thanh Năm (tức Năm Dừa) – Bí thư Quận Nhì (Đà Nẵng) được Đặc khu uỷ Quảng Đà phân công kiêm chức Bí thư  Khu I – Hoà Vang. Tình hình ở Quận Nhất – Đà Nẵng và Khu I – Hòa Vang vào các tháng cuối năm 1967 hết sức ác liệt, địch ném bom (trong đó có 2 lần ném bom B52 vào Khu I – Hòa Vang), càn quét, xúc tác, tập trung dân quyết liệt; nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh, nhưng phong trào cách mạng tại địa phương vẫn phát triển. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các xã, thôn vẫn kiên cường trụ bám quê hương, thực hiện phương châm: “một tấc không đi, một ly không rời”.

Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt như vậy càng nhận thấy sự tồn tại của căn cứ lõm B1 Hồng Phước là cần thiết cho phong trào cách mạng ở Khu I- Hòa Vang và Quận Nhì Đà Nẵng lúc bấy giờ. Các căn hầm bí mật ở Hồng Phước vẫn không bị lộ. Hồng Phước tiếp tục là căn cứ bàn đạp tiến sâu vào Quận Nhì – Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Thành Năm, Bí thư Quận Nhì – Đà Nẵng kiêm Bí thư Khu I – Hòa Vang đã thường xuyên về Hồng Phước để chỉ đạo phong trào ở hai địa phương.

Các gia đình cơ sở cách mạng ở căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tùy theo hoàn cảnh và nhiệm vụ được giao đều đã không ngại hy sinh, thử thách, đã tham gia và đóng góp sức người, sức của, và cả xương máu cho cách mạng. Tất cả các gia đình ở Hồng Phước, mà cụ thể là: gia đình bà Nguyễn Thị Liên, gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Chương Dương, gia đình bà Hà Thị Mau, gia đình bà Phạm Thị Miên, gia đình bà Lê Thị Cảnh, gia đình ông Phạm Được, gia đình bà Phạm Thị Ngật, gia đình bà Đào Thị Thanh, gia đình ông Lê Tuyên, gia đình ông Lê Ký, gia đình ông Lê Tấn, gia đình ông Lê Vinh, gia đình ông Đào Khánh, gia đình ông Lê Chữ, gia đình ông Lê Kiệt, gia đình ông Lê Thí, gia đình ông Lê Đại, gia đình ông Trần Hoài, gia đình bà Đỗ Thị Kỉnh, gia đình ông Lê Diện, gia đình bà Phạm Thị Lạc, gia đình bà Huỳnh Thị Mở, gia đình bà Huỳnh Thị Cường, gia đình ông Lê Cừ, gia đình bà Phạm Thị Bé, gia đình ông Trịnh Toại, gia đình ông Đinh Như, gia đình bà Nguyễn Thị Hoanh, gia đình ông Đặng Thê, gia đình ông Lê Ngạn, gia đình bà Lê Thị Ngân, gia đình bà Võ Thị Thụy, gia đình ông Phạm Đôn, gia đình bà Phạm Thị Mực, gia đình ông Huỳnh Phúc Hậu, gia đình ông Trịnh Tấn, gia đình bà Lê Thị Thường, gia đình ông Đặng Văn Kỷ, gia đình ông Đào Yên, gia đình ông Trần Đồng, gia đình ông Phạm Ngộ, gia đình bà Phạm Thị Trí, gia đình bà Phạm Thị Quế, gia đình ông Trần Sành, gia đình ông Huỳnh Phúc Mẹo, gia đình bà Huỳnh Thị Báng, gia đình ông Phan Tới, gia đình ông Nguyễn Quyển, gia đình ông Nguyễn Loan, gia đình bà Phạm Thị Liễu, gia đình ông Đinh Điểm, gia đình ông Nguyễn Văn Quỳ, gia đình ông Lê Suất, gia đình ông Đỗ Lưỡng, gia đình ông Bùi Lăng, gia đình ông Đinh Thí, gia đình ông Trần Khoai, gia đình ông Nguyễn Phụng, gia đình bà Trần Thị Pho, gia đình bà Dương Thị Văn, gia đình ông Phan Chít, gia đình ông Nguyễn Loan, gia đình ông Đỗ Nhị và gia đình bà Hồ Thị Khoăn (Mẹ Xiềng, mẹ của Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn)… đều là những gia đình cơ sở trung kiên, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của các lực lượng cách mạng.

Tháng 12 năm 1967, căn cứ vào sự thắng lợi của quân và dân miền Nam trong 2 mùa khô 1966-1967, Bộ chính trị đã quyết định chủ trương: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nổ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đặc khu ủy Quảng Đà tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn toàn khu, mà mục tiêu chính là thành phố Đà Nẵng.

Để thực hiện kế hoạch trên, Đặc khu uỷ Quảng Đà đặt ra nhiệm vụ chung cho toàn tỉnh là: “Tập trung sức tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quân Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã nhiều quân nguỵ, kiên quyết chống phá âm mưu lấn chiếm, xúc tát dân của địch, giữ vững vùng giải phóng, đồng thời đẩy mạnh phong trào thành thị, mở phong trào ở vùng yếu, xây dựng và phát triển thực lực ta về mọi mặt ở 3 vùng, để chuẩn bị đón thời cơ giành chiến thắng quyết định”.

Thực hiện sự chỉ đạo trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ Khu I –  Hoà Vang và Quận uỷ Quận Nhì, các xã tích cực chuẩn bị sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân với tinh thần: “Tất cả để đuổi Mỹ, lật nguỵ, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”.

Để chuẩn bị cho kế hoạch Tết Mậu Thân, trên địa bàn xã Hòa Khánh (lúc bấy giờ thuộc Quận Nhì -Đà Nẵng) gồm 4 khu: B1 (Hồng Phước); B2 (Đa Phước); B3 (Đà Sơn); B4 (Khánh Sơn) đã đón gần 100 cán bộ, chiến sĩ từ các quận của Đà Nẵng về để nhận kế hoạch tiến công và nổi dậy. Đoàn cán bộ tiền trạm do đồng chí Lê Thị Tích dẫn dầu đã về Hồng Phước để chỉ đạo xây dựng hầm bí mật, đón cán bộ và chuẩn bị khởi nghĩa. Kế hoạch cụ thể được xác định như sau:

– Hướng 1 do các đồng chí Đỗ Thị Kỷnh (Kỉnh), Lê Văn Khi, Phan Văn Bảy, Lê Đại, Nguyễn Trà, Lê Thị Ngân… chỉ huy. Hướng này có nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng tại nhà đồng chí Phạm Thị Kỷnh (thôn Đa Phước), nổi dậy phối hợp với đồng bào Xuân Thiều tiến công địch tại Nam Ô, chặn đứng và tiêu diệt địch tại đây.

– Hướng 2 do các đồng chí Nguyễn Thị Liên, Mai Bộ, Lê Thị Xí, Phạm Thị Miên, Phạm Chữ chỉ huy, có nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng tại nhà đồng chí Nguyễn Thị Liên (thôn Hồng Phước), phối hợp với đồng bào Nam Ô và Xuân Thiều.

– Hướng 3 do đồng chí Đặng Thị Vân, Nguyễn Duy Đằng, Phan Thị Phiến, Lê Đức Ngọ chỉ huy, có nhiệm vụ nổi dậy làm chủ xã Hòa Khánh, ngăn chặn không cho bọn địch ở đây tháo chạy về Đà Nẵng.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã nổ ra trên toàn miền Nam, giáng một đòn mạnh mẽ vào đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền bọn tay sai. Ở Khu I -Hòa Vang và Quận I – Đà Nẵng, cuộc tiến công và nổi dậy đã hòa một nhịp với các địa phương khác, đúng kế hoạch đã được vạch ra.

Nhân dân Hồng Phước đã tích cực tham gia cùng nhân dân Xuân Thiều, Nam Ô, nơi diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt và anh dũng của bộ đội Khu I Hòa Vang. Tại Hòa Hiệp, vào sáng mồng một Tết, nhiều đồng bào ở Hồng Phước đã tham gia đoàn biểu tình để “nhập thị” vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đoàn biểu tình kéo đến ngã ba Hòa Khánh thì bị địch chặn lại; đoàn biểu tình liền quay lên Nam Ô làm công tác hậu cần cho cuộc tiến công và nổi dậy ở đây. Trong những ngày này, “Tiếng trống Nam Ô” đã thúc giục nhân dân các xã cánh Bắc Hòa Vang xuống đường, nổi dậy tiến công địch.

Qua Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã đứng vững, không bị lộ, nhưng lực lượng có những hao tổn. Trung đội du kích mật và một số cán bộ của căn cứ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, song đối diện với kẻ thù, các đồng chí đã kiên quyết không khai báo với địch một điều gì có hại cho cách mạng, cho căn cứ. Chúng tra tấn đồng chí Trần Thị Vấn, Trung đội trưởng trung đội du kích mật đến chết; nhân dân Hồng Phước đã kéo xuống quận đấu tranh để lấy thi thể của đồng chí về an táng. Những đồng chí khác do không đủ chứng cứ kết tội nên buộc chúng phải thả về và tiếp tục tham gia hoạt động…

Tuy có một số hy sinh, tổn thất về lực lượng, nhưng nhìn chung, qua chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 vai trò căn cứ địa của B1 Hồng Phước thể hiện rõ, từ công tác chuẩn bị cho đến việc tham gia chiến dịch. Tuy lực lượng khởi nghĩa không thể nổi dậy đúng như kế hoạch, cuộc tổng tiến công và nổi dậy không đạt yêu cầu đề ra, nhưng qua tham gia vào chiến dịch quy mô trên toàn miền Nam này đã mang lại cho nhân dân Hồng Phước những bài học quý báu trong bảo vệ, xây dựng căn cứ và tổ chức lực lượng đấu tranh chống địch.

[1] Từ “Quận Một” có người viết là “Quận I”, nhưng về phát âm phải đọc là “Quận Một”, chỉ sau này khi Quận Nhì đổi tên thành Quận Nhất mời đọc là “Quận Nhất”.

[2] Hồ Phúc Ngôn: Chuyện người con Hồng Phước (Nguyễn Sỹ Long thực hiện), Nxb QĐND, HN, 2012, tr 109.

[3] Ngược lại Quận Nhì (gồm địa bàn Quận Hải Châu hiện nay) được đổi tên thành Quận Nhất. Riêng Quận vẫn giữ tên như cũ.

[4] Từ tháng 12.1967, sau khi đồng chí Nguyễn Thế bị địch ném bom hy sinh, đồng chí Nguyễn Thanh Năm (tức Năm Dừa) – Bí thư quận Nhì (Đà Nẵng) được Đặc khu uỷ phân công kiêm chức Bí thư  Khu I – Hoà Vang. Lúc này, Phó Bí thư Khu I là đồng chí  Nguyễn Hồ (người Điện Sơn) được cử thay đồng chí Tốc.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây