LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 8

cách mạng B1 Hồng Phước

CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC PHÁT HUY VAI TRÒ CĂN CỨ ĐỊA, TÍCH CỰC GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1968 – 1975)

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hè (Chiến dịch X1) và Chiến dịch Thu (Chiến dịch X2), chủ trương tiếp tục tiến công vào các đô thị ở miền Nam. Quân Mỹ và quân ngụy phản công ta rất quyết liệt. Phong trào cách mạng trên cả ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị) đều gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Trên chiến trường Quảng Đà, cuộc chiến trở nên vô cùng ác liệt.

Tháng 4 năm 1968, các đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó, đồng chí Mai Thị Trại, Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận, đồng chí Phan Văn Bảy (tức Bảy Mót)  lúc này làm Trung đội trưởng du kích Hồng Phước thay đồng chí Trần Thị Vấn và 9 đồng chí giao liên tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Thị Liên (Năm Liên) để triển khai kế hoạch làm hầm bí mật chuẩn bị cho chiến dịch Hè năm 1968 (Kế hoạch X1). Trong lúc đang họp thì bị lực lượng Mỹ và nghĩa quân ngụy đi tuần bao vây nhưng nhân dân trong căn cứ đã khôn khéo đấu tranh với bọn địch tạo sơ hở để các đồng chí của ta chạy thoát. Riêng đồng chí Phan Văn Bảy bị trúng đạn hy sinh, nhân dân đã chôn cất đồng chí tại căn cứ. Sau đó địch phá nhà bà Năm Liên nhưng không phát hiện được hầm bí mật, chúng bắt bà giam cầm, tra tấn nhưng bà vẫn một mực không khai, bảo vệ an toàn cho căn cứ, sau đó không đủ chứng cứ kết tội chúng đành phải thả về và tiếp tục hoạt động tại căn cứ.

Tháng 5 năm 1968, địch cày ủi mở đường vành đai xung quanh Tổng kho Hậu cần Bàu Mạc sát Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Để bảo đảm an toàn cho căn cứ, đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó quận Nhì phụ trách căn cứ cùng đồng chí Dương Tâm, du kích mật tại căn cứ bí mật sử dụng thuốc nổ chế tạo thành mìn, đột nhập vào vành đai Tổng kho Hậu cần của địch cài đặt 2 quả mìn trên con đường địch đang cày ủi. Sáng hôm sau bọn lính công binh Mỹ chở quân đi làm bị vướng mìn nổ làm phá hủy 2 xe GMC, 1 máy phát điện, giết và làm bị thương 31 tên Mỹ, trong đó có một tên kỹ sư công binh Mỹ.

Ngày 12 tháng 5 năm 1968, đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó Quận Nhì, hoạt động tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, đi qua Xóm Nà (Xuân Thiều – Hòa Hiệp) để cải trang đột nhập vào nội thành Đà Nẵng bằng con đường hợp pháp. Đêm đó đồng chí Phan Văn Tải ngủ lại nhà ông Cửu Khả (cơ sở của ta) cùng với đội du kích Hòa Hiệp, nhưng không đủ chổ ngủ nên đồng chí nằm ngoài hiên nhà. Bất ngờ, bị trung đội lính Mỹ đi tuần tra phát hiện, chúng bắt đồng chí  đưa về giam tại chi nhánh CIA ở đồn Xí Bì, gần Tổng kho Hậu cần Bàu Mạc để tra tấn, khai thác. Chúng dùng nhiều thủ đoạn dã man như: đổ axít vào miệng, tra điện, rút móng tay… và đánh đập đến ngất xỉu rồi đem ra xối nước nhưng đồng chí kiên quyết không khai báo để bảo vệ căn cứ và lực lượng ta. Sau 10 ngày tra tấn, chúng thấy đồng chí chết đi sống lại nhiều lần nên chúng chủ quan. Đêm 22 tháng 5 năm 1968, lợi dụng lúc bọn địch đang ngủ, đồng chí dùng dây thép và dây giày (nhặt được khi chúng áp giải đồng chí đi vệ sinh), thả qua kẻ hở trên cửa phòng giam, móc vào thanh gỗ chốt bên ngoài cửa để mở cửa ra ngoài, sau đó chốt cửa lại như cũ. Đồng chí lần ra phía sau chui xuống căn hầm của chúng (đồng chí để ý phát hiện căn hầm khi đi vệ sinh), nhặt được 1 xẻng bộ binh và 2 quả lựu đạn, sau đó bò ra hàng rào phía trước vượt qua 3 lớp hàng rào bùng nhùng để ra ngoài. Tình huống nếu địch phát hiện đồng chí sẽ sử dụng 2 quả lựu đạn để chiến đấu và hy sinh. Sau khi vượt ra ngoài đồng chí về nhà ông Nguyễn Quế, một cơ sở của ta tại xã Hòa Minh, được gia đình cơ sở băng bó, điều trị các vết thương và đưa vào hầm bí mật. Hôm sau, dù còn rất yếu nhưng đồng chí liên lạc với vợ mình, là cơ sở bí mật của ta tại Trụ Vôi, Hòa Minh để báo cho các cơ sở của ta biết là đồng chí đã vượt ngục và không khai báo để các cơ sở hoạt động trở lại bình thường[1].

Tháng 10 năm 1968, lực lượng đặc công quận Nhì hoạt động tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước do đồng chí  Đặng Đình Vân, Quận đội trưởng chỉ huy, phối hợp với du kích mật tại căn cứ tiến công trụ sở ngụy quyền Hòa Minh, đánh sập nhà thông tin, cơ quan cảnh sát, tiêu diệt tên ác ôn Châu Lân, xã phó, làm bị thương 5 dân vệ.

Qua 3 đợt tiến công vào thành phố trong năm 1968, về cơ bản ta đã đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; chúng phải chuyển qua “Phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm từng bước rút quân Mỹ về nước và “thay màu da trên xác chết”, “dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng đẩy mạnh các hoạt động quân sự, tiếp tục đẩy ta lên miền núi, tiến hành chốt điểm trên cao nhằm khống chế, bịt kín các hành lang tiếp tế của ta. Lúc này, vị trí, vai trò và sự tồn tại của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước càng trở nên quan trọng hơn đối với cách mạng, khi mà đường dây liên lạc vào thành phố Đà Nẵng bị đứt, một số cơ sở ở nội thành bị lộ, các lực lượng của ta từ thành phố rút về hậu cứ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu gạo, thiếu thuốc men, vũ khí đạn dược; hằng ngày phải đối phó với “đói, đau, đạn, địch”. Trước tình hình đó, Quận ủy Quận Nhì nhận định: nếu ta không nhanh chóng nối lại đường dây liên lạc, không bám chắc được nhân dân thì còn thiệt hại, phong trào cách mạng sẽ dẫm chân tại chỗ. Theo đó, hoạt động thu mua lương thực, thực phẩm, chôn giấu để vận chuyển về căn cứ miền núi trở thành một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, cũng như của các thôn lân cận: Đa Phước, Xuân Thiều, Kim Liên, Thủy Tú…

Đến năm 1971, sau khi nắm lại tình hình ở Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, Quận ủy Quận Nhì phân công đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó, về đứng chân tại Hồng Phước để các đồng chí Bùi Đức Cửu, Phạm Phú Long[2] (cán bộ an ninh quận) và đồng chí Hấn (người quê Hải Phòng, là cán bộ đặc công) tăng cường cho Quận Nhì về Hồng Phước, trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ làm bàn đạp để tiếp tục đưa lực lượng về chắp nối, xây dựng lại cơ sở trong nội thành. Lúc này, nhờ căn cứ bảo đảm bí mật, an toàn và nhờ kinh nghiệm hoạt động hợp pháp trong lòng địch, nhân dân cán bộ, cơ sở và nhân dân Hồng Phước đã tìm mọi cách gom góp nhiều tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hóa về chôn giấu tại căn cứ để các lực lượng ta vận chuyển về hậu cứ phục vụ bộ đội, du kích. Cũng từ Hồng Phước các lực lượng ta tiếp tục gây dựng lại các đường dây hoạt động và vận chuyển lực lượng, vũ khí, đạn dược vào thành phố để tiếp tục đánh địch.

Việc vận chuyển vũ khí, đạn dược vào thành phố lúc này không dễ dàng vì phải đi qua nhiều bót gác của địch, nhưng cán bộ, cơ sở giao liên Hồng Phước có nhiều sáng kiến như: đục lỗ các khúc củi lớn rồi nhét thuốc nổ, đạn, lựu đạn;  rồi đập cho các đầu củi toe ra để xóa dấu vết, đưa lên xe lam “chở củi” vào thành phố, hay tháo rời vũ khí đưa vào các thanh gường tre để chở vào thành phố; hoặc bỏ đạn, lựu đạn vào thùng thiết rồi hàn lại, bên trên đổ dầu phụng, ngụy trang như những thùng dầu phụng, gánh vào thành phố để “bán”; và nhiều cách làm sáng tạo khác nữa, nên đã qua mặt được hệ thống bót gác dày đặc của địch, đưa được hàng chục tấn vũ khí vào cất giấu tại các cơ sở trong thành phố. Từ Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước ta thiết lập các trạm giao liên, các hộp thư chết để liên lạc với các cơ sở bên trong nội thành, từ đó dần dần mở rộng ra được nhiều cơ sở ở Thanh Khê, Xuân Hà, Xuân Đán, Thạc Gián…

Tuy không tìm được hầm bí mật của ta tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước nhưng Mỹ – ngụy vẫn đưa địa bàn Hồng Phước vào điểm đen để theo dõi[3]. Nhiều lần chúng đưa lực lượng có cả xe tăng, xe ủi và chó becgiê vào cày ủi, càn quét, lùng sục tại khu vực căn cứ nhưng chúng đều không tìm được gì. Cứ mỗi lần như vậy, các cơ sở ta giả tỏi cho vào lỗ thông hơi các hầm bí mật nên chó becgiê không thể phát hiện được. Trong sự bố ráp, cày ủi của địch, Căn cứ lõm cách mạng B1Hồng Phước là nơi đứng chân an toàn của Quận ủy, Quận đội Quận Nhì, các đơn vị đặc công 487, 489, đặc công biệt động quận Nhì, và đơn vị Minh Khai K700 thuộc Ban Lương thực Quảng Đà…; vẫn là bàn đạp tiến công địch của ta, là nơi dung trú an toàn của nhiều cơ quan, đơn vị dân chính, quân sự…ở Quận Nhì – Đà Nẵng, Khu I- Hòa Vang  và Quảng Đà.

Tháng 3 năm 1971, lực lượng du kích mật Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước do đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó Quận Nhì trực tiếp phụ trách đã  phối hợp với lực lượng đặc công Quận Nhì, do đồng chí Đặng Đình Vân, Quận đội trưởng Quận Nhì chỉ huy, tập kích ấp chiến lược Xóm Mới (cách căn cứ 1km) tiêu diệt 1 trung đội địch, bắt sống 2 tên và tập kích ấp chiến lược Đa Phước tiêu diệt 1 tiểu đội dân vệ địch phá tan ấp chiến lược, treo cờ cách mạng tại trụ sở địch.

Tháng 4 năm 1972, các đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó Quận Nhì cùng các đồng chí Nguyễn Bá Siêu, Ngô Văn Đức, cán bộ Quận Nhì hoạt động tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước lên phát động phong trào tại Đa Phước và trú tại hầm bí mật nhà ông Trùm Nhờ – cách căn cứ 1 km nhưng bị bọn cảnh sát phát hiện bao vây, các đồng chí đã nổ súng chiến đấu tiêu diệt 5 tên cảnh sát và cơ động về Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, được cơ sở nuôi giấu, bảo vệ, địch lùng sục nhưng không phát hiện.

Tháng 5 năm 1972, một đoàn cán bộ Tổng hội sinh viên ở Huế tổ chức đấu tranh ly khai chế độ Sài Gòn, chống bắt lính và quân sự học đường… bị địch đàn áp, vây bắt nhưng nhờ có đường dây của cấp trên nên chạy thoát vào Đà Nẵng gồm các đồng chí: Nguyễn Thanh Minh, Trần Hoài, Huỳnh Phước, Thái Ngọc San… Nhận mệnh lệnh của Đặc Khu ủy Quảng Đà và Quận ủy Quận Nhì, lực lượng vũ trang Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước do đồng chí Phan Văn Tải chỉ huy đã bí mật cải trang đi đón các đồng chí về Hồng Phước để nuôi giấu.  Bọn địch theo dõi, phát hiện. Chúng huy động cả một sư đoàn hỗn hợp gồm có các sắc lính và cảnh sát bao vây Hồng Phước nhưng không đạt kết quả. Đoàn cán bộ của Tổng Hội sinh viên Huế được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hồng Phước đón về  nuôi giấu trong hầm bí mật 3 ngày, sau đó Đặc khu ủy Quảng Đà đã tổ chức đưa các đồng chí lên căn cứ miền núi an toàn[4].

Nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày sinh của Bác Hồ, phát huy các thắng lợi trong năm 1971, vào tháng 4 năm 1972, Đại đội đặc công quận Nhì được giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Hoa Lư (còn gọi là căn cứ Hòa Mỹ” của quận ngụy đóng tại Ngã ba Hòa Mỹ (Hòa Minh), bao gồm các mục tiêu: Đây là một căn cứ lớn, đầu não, chỉ huy các cuộc càn quét, bình định, là nơi đóng căn cứ của Tiểu đoàn vận tải, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 và Tổng hành dinh Sư đoàn 3 ngụy; đồng thời cũng là đầu mối vận chuyển tiếp tế vũ khí, trang bị, nhu yếu phẩm cho các đơn vị của địch ở chiến trường Quảng Đà và chiến trường Trị-Thiên.

Nhận được mệnh lệnh, Đại đội Đặc công quận Nhì do đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Quận đội phó trực tiếp chỉ huy cùng các đồng chí Hồ Ngọc Xảo, Lê Đức Cưu, Đặng Tôn đã về tại Hồng Phước, phối hợp với lực lượng biệt động, du kích mật của Quận Nhì do đồng chí Phan Văn Tải phụ trách, tổ chức trinh sát nắm địch, chuẩn bị chiến trường.

Sau một thời gian chuẩn bị, vào đêm 12 tháng 5 năm 1972, Đại đội đặc công Quận Nhì đã tấn công căn cứ Hoa Lư của địch, tiêu diệt Tổng hành dinh Sư đoàn 3 ngụy, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 ngụy, một tiểu đoàn vận tải thuộc Sư đoàn 3 ngụy đóng tại đây; loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên sĩ quan và binh lính địch, phá hủy 200 xe các loại và 1 khu nhà kho vũ khí, quân nhu. Đây là trận  đánh có hiệu suất chiến đấu cao, sự chỉ huy sâu sát, tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đặc công quận Nhì thành phố Đà Nẵng lúc trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo kế hoạch, sau tiêu diệt căn cứ Hoa Lư của địch, Đại đội đặc công Quận Nhì sẽ tổ chức lui quân về căn cứ ở Tây Bắc Hòa Vang, nhưng do Sư đoàn 3 địch đóng tại Sũng Mây và lực lượng địch từ Đà Nẵng cơ động đến chi viện nên đại đội đã không thể thực hiện theo kế hoạch đề ra. Trong tình hình đó, lực lượng du kích, biệt động của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước nổ súng nghi binh địch, tạo điều kiện để Đại đội biệt động Quận Nhì rút quân về núi Thanh Vinh, cho đến tối hôm sau, tức tối ngày 13 tháng 5 năm 1972, mới hành quân về giấu quân tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước an toàn.

Trong trận tiêu diệt căn cứ Hoa Lư của địch, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hồng Phước, ban đêm tham gia dẫn đường cho bộ đội đi trinh sát, ban ngày cải trang nắm tình hình địch, bảo đảm cơm nước, tham gia chiến đấu và tải thương, chôn cất liệt sĩ.

Lúc này, trên địa bàn các xã cánh Bắc Hòa Vang có một trường hợp đặc biệt xảy ra. Mùa Hè năm 1972, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Bộ máy ngụy quyền các cấp của địch tan rã và tháo chạy vào Đà Nẵng và thành lập  chính quyền Quảng Trị “lưu vong”, đóng trụ sở tại khu vực Bàu Tràm (xã Hòa Hiệp, Hòa Vang) dưới sự bảo vệ, che chở của Tổng kho hậu cần Mỹ – ngụy ở khu vực này, nằm cách Đại đội công binh độc lập ngụy 200 mét về phía Đông Bắc và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía Bắc. Mục đích của Mỹ- ngụy trong việc lập chính quyền “lưu vong” của Quảng Trị trên đất Đà Nẵng là nhằm tiếp tục quản lý, sử dụng một bộ phận nhân dân, ngụy quân, ngụy quyền tháo chạy vào Đà Nẵng chờ thời cơ để hồi hương “tái chiếm” lại lãnh thổ như chúng rêu rao. Đối với ta, việc tiêu diệt mục tiêu này nằm trong kế hoạch của chiến dịch Xuân – Hè năm 1972. Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, vào lúc 24 giờ, ngày 22 tháng 8 năm 1972, Đại đội đặc công Quận Nhì nổ súng tiến công tiêu diệt mục tiêu Tỉnh đường Quảng Trị “lưu vong” và đại đội công binh ngụy; hơn 200 tên địch chết, bị thương và bị bắt sống[5], thu 4 trung liên, 1 M79 và một số súng tiểu liên bị ta thu. Trận đánh đã gây một tiếng vang lớn, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Hè – Thu năm 1972 trên chiến trường Quảng Đà.

Tiếp sau hai trận đánh lớn vào căn cứ Hoa Lư và Tỉnh đường Quảng Trị “lưu vong”, vào tháng 9 tháng 1972, các đồng chí Đặng Đình Vân, Quận đội trưởng, cùng các đồng chí Đặng Ngọc Xảo, Đại đội trưởng và Lê Đức Cưu, Đại đội phó Quận đội quận Nhì đã chỉ huy, phối hợp với du kích mật tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước do đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó, phụ trách Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, đã đột nhập vào ấp Đa Phước để phá hàng rào ấp chiến lược và tiêu diệt tề, ngụy. Phá ấp chiến lược Đa Phước là ta phá được thế chia cắt của địch, bảo đảm cho sự an toàn của căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

Tháng 9 năm 1972, đồng chí Đinh Viết Theo và đồng chí Lê Văn Lô, cán bộ Quận Nhì đang đi công tác, lúc đến bến đò Thủy Tú thì bị địch phục khích nên quay về Hồng Phước trú trong một căn hầm bí mật. Chị Lê Thị Bích và Lê Thị Thia (con của mẹ Hà Thị Mau) đem cơm nuôi hai đồng chí nhưng không may bị bọn địch đóng đồn sát bên nhà mẹ Mau phát hiện; chúng đuổi bắn, nhưng hai đồng chí Theo và Lô chạy thoát được; chúng liền bắt chị Bích và chị Thia đánh đập rồi đem ra bàu nhận nước. Khi hai chị bị ngạt nước, ngất xỉu chúng liền khiêng về đồn, rồi lại bịt mắt chở về Chi khu cảnh sát Hòa Vang để tra hỏi, khai thác tình hình; nhưng hai chị đã một mực không khai. Một tuần sau, qua một người quen làm cảnh sát, hai chị đã lót cho bọn chúng hai cây vàng để chúng thả hai chị ra. Khi về lại Hồng Phước, hai người con gái của mẹ Hà Thị Mau lại tiếp tục nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, du kích. Bọn cảnh sát ở Hòa Khánh bấy giờ gọi  chị Bích và chị Thia là “Trưng Trắc, Trưng Nhị của Hồng Phước”.

Tháng 10 năm 1972, lực lượng Đặc công Quận Nhì hoạt động tại Hồng Phước do đồng chí Đặng Ngọc Xảo, Đại đội trưởng chỉ huy, phối hợp với du kích mật Hồng Phước do đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó chỉ huy, đã tấn công trụ sở Hội đồng ngụy quyền Hòa Minh lần thứ 2, bắt sống 1 tên đại úy cảnh sát và bắn bị thương 1 tên khác, thu 3 súng các loại.

Cũng trong tháng 10 năm 1972, tại nhà bà Lê Thị Cảnh (bà Hoài, nhà có 2 hầm bí mật nằm sát khu hậu cần Mỹ, đang nuôi giấu các đồng chí Nguyễn Đình Khôi, Bí thư xã Hòa Khánh, đồng chí Bùi Đức Cửu, cán bộ an ninh quận Nhì và đồng chí Trương Thị Bợ, giao liên tại căn cứ. Trong lúc bà Hoài đi đón con học tại trường Nam Ô và các đồng chí Khôi, Cửu, Bợ từ dưới hầm bí mật bước lên nhà thì bị bọn lính nghĩa quân đi tuần tra phát hiện; chúng gõ cửa nhà, các đồng chí không kịp xuống hầm. Biết đã bị lộ, tuy nhiên, quan sát thấy toán lính đi tuần đã đi qua nhà, đứng trước cửa chỉ có 2 tên nên các đồng chí liền mở cửa và khi 2 tên này vừa vào nhà, thì đồng chí Cửu nhanh tay đánh chết 1 tên, thu 1 súng, tên còn lại chạy thoát. Các đồng chí nhanh chóng đem xác tên lính vùi xuống bùn ngoài ruộng lúa và rời khỏi Hồng Phước. Bọn lính nghĩa quân quay lại bao vây và phá nhà bà Hoài, nhưng chúng vẫn không phát hiện được hầm bí mật. Các cơ sở ta đón mẹ con bà Hoài tại Xuân Thiều và đưa về hậu cứ để tiếp tục hoạt động. Khi mẹ Hoài và con trai lên căn cứ miền núi, con gái của mẹ là chị Đinh Thị Lữ, lấy chồng ở Đa Phước đã về Hồng Phước để tiếp tục làm nhiệm vụ nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, du kích cho đến ngày quê hương giải phóng. Nhiều gia đình ở Hồng Phước dù khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn âm thầm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho cán bộ, bộ đội, du kích về hoạt động. Đêm đến cán bộ ta lên khỏi hầm bí mật đi hoạt động, các mẹ, các chị phải thức trắng đêm để cảnh giới, chờ các đồng chí về xuống hầm để đậy nắp hầm, xóa dấu vết rồi mới đi ngủ… Những hiểm nguy bao giờ cũng như đang rình rập với họ nhưng họ vẫn một lòng, một dạ âm thầm phục vụ cách mạng, phục vụ chiến đấu.

Tháng 12 năm 1972, nhận mệnh lệnh của Đặc Khu ủy Quảng Đà, Quận ủy quận Nhì giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Văn Tải, Quận đội phó, phụ trách Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đột nhập vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy để phối hợp với Tổ Binh vận tại đây, do đồng chí Lê Kim Phương (là trung sỹ, Thư ký Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn I) phụ trách. Đồng chí Phan Văn Tải và Tổ binh vận được ta cài cắm sâu vào Bộ Tư lệnh Quận đoàn I ngụy có nhiệm vụ sẵn sàng khống chế và thủ tiêu tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn, nếu viên tướng này không chịu đầu hàng. Đồng chí Phạm Phú Long, cán bộ an ninh Quận Nhì, hoạt động tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước làm giả Sự vụ lệnh của Quân đoàn I để đồng chí Phan Văn Tải đóng giả lính ngụy đột nhập vào Quân đoàn I, bắt liên lạc với đồng chí Lê Kim Phương. Khi đồng chí Phan Văn Tải đột nhập vào Quân đoàn I và cùng với đồng chí Lê Kim Phượng chờ lệnh của Đặc khu ủy, song chờ  mãi không nhận được lệnh, hộp thư chết không liên lạc được và bị bọn an ninh nghi ngờ, Tổ binh vận ở đây liền đưa đồng chí Phan Văn Tải ra ngoài để về lại căn cứ. Đồng chí Lê Kim Phương bị chúng gọi lên viết tường thuật. Biết đã bị lộ nhưng địch chưa đủ chứng cứ để bắt nên tối hôm đó đồng chí Lê Kim Phương đã vượt rào ra ngoài, được cơ sở ta đón, đưa về Hồng Phước và sau đó đưa ra hậu cứ.

          Cuộc chiến đấu giữa ta và địch càng trở nên quyết liệt, đi vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội song Mỹ – ngụy đang ở thế thua và không thể tránh khỏi sụp đổ. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris ký kết. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân Mỹ làm lễ cuốn cờ rút về nước. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam mở ra. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, Mỹ – nguỵ đã âm mưu phá hoại Hiệp định Pari. Được sự hỗ trợ tối đa về phương tiện chiến tranh của Mỹ, quân ngụy thực hiện cái gọi là “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da beo và ”đẩy cộng sản lên biên giới”… Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu còn trắng trợn tuyên bố: “tất cả mọi việc của ta, luật lệ của ta, hành chính của ta y như trước không có gì thay đổi”. Trong bối cảnh đó, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng: “con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, bất kể tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[6]. Phong trào cắm cờ, giành đất, giành dân phát triển rất mạnh. Ta với địch giằng co nhau, ban đêm ta cắm cờ, ban ngày địch nhổ đi… Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước càng phát huy vai trò là một căn cứ tiền phương của các lực lượng cách mạng.

Tháng 2 năm 1973, lực lượng an ninh vũ trang Quận Nhì và du kích mật tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước gồm 9 đồng chí do đồng chí Nguyễn Bá Siêu chỉ huy, tổ chức tập kích mâm hội đồng địch tại Thanh Vinh, do tên Phan Văn Thí làm ấp trưởng. Lúc này, ở tại Hội đồng Thanh Vinh còn có cả lính địa phương quân, nghĩa quân và dân vệ; chúng thường xuyên lùng sục, đánh phá vào địa bàn Hồng Phước và phục kích lực lượng ta từ núi Thanh Vinh xuống Hồng Phước hoạt động. Khi lực lượng du kích của ta tiếp cận mục tiêu nhà tên Thí thì bị con chó becgiê của tên này phát hiện, đồng chí Nguyễn Bá Siêu liền nổ súng. Thí (ấp trưởng) cùng tên ấp phó chạy thoát, ta thu được một số tài liệu quan trọng và 1 đài radio. Tuy thoát chết nhưng từ đó bọn chúng hoang mang, lo sợ không dám lùng sục và phục kích lực lượng ta như trước.

Tháng 8 năm 1973, Đặc Khu ủy Quảng Đà giao nhiệm vụ cho Quận Nhì tổ chức đánh và tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh của địch, cách Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước khoảng 500 mét về phía Đông Nam, nhằm cắt nguồn lương thực của địch chi viện cho các chiến trường ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây nguyên. Đây là mục tiêu rất khó tiếp cận vì nằm trong khu vực căn cứ hậu cần của địch, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Mặt khác, để tiêu hủy hàng ngàn tấn gạo trong 7 kho tại đây cũng rất khó vì nếu đốt cháy thì gạo cũng chỉ cháy rất chậm, địch có thể huy động xe chữa cháy đến dập tắt. Chuẩn bị cho trận đánh này, Quận ủy, Quận đội quận Nhì giao cho Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tổ chức trinh sát nắm địch, vẽ sơ đồ, đề xuất phương án tác chiến và phối hợp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Để tổ chức trinh sát, nắm địch và vẽ sơ đồ kho gạo, đồng chí Nguyễn Bá Siêu, Đội phó Đội Công tác quận Nhì, hoạt động tại Hồng Phước giao nhiệm vụ cho anh Dương Thành Thị[7], lúc này mới 12 tuổi, là con ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ, cơ sở bí mật của ta tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, dắt trâu đi ăn để tiếp cận kho gạo, nắm địch, vẽ sơ đồ. Sau nhiều buổi tiếp cận mục tiêu, anh Dương Thành Thị đã vẽ được hoàn chỉnh sơ đồ kho gạo và nắm được lực lượng trực tiếp bảo vệ tại kho gạo: gồm một trung đội lính địa phương quân. Chỉ huy căn cứ báo cáo với quận và đề xuất cách đánh là tiêu diệt trung đội địa phương quân và dùng thuốc nổ gắn kíp hẹn giờ, liên kết mỗi quả nổ với một canh xăng để đặt vào từng kho, sao cho mỗi quả mìn nổ cách nhau từ 10 đến 15 phút để bọn địch không dám vào chữa cháy. Quận ủy đồng ý phương án và giao nhiệm vụ cho một trung đội đặc công biệt động quận do đồng chí Võ Đình Nhơn[8], Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy về trú quân bí mật tại Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước phối hợp với lực lượng tại căn cứ tổ chức chiến đấu. Kết quả trận đánh ta đã tiêu diệt một trung đội lính địa phương quân ngụy bảo vệ kho và đốt cháy hàng ngàn tấn gạo suốt đêm và buổi sáng ngày hôm sau. Đúng như dự kiến, địch huy động xe đến chữa cháy nhưng đành đứng ngoài vì các quả nổ của ta lần lượt nổ kèm theo xăng bốc cháy nên chúng không dám vào. Trong trận đánh này Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đóng vai trò quan trọng, vừa là lực lượng tham gia chiến đấu, trinh sát nắm địch, đề xuất phương án, vừa là lực lượng phục vụ chiến đấu, mua xăng, nuôi giấu lực lượng, bám đường, tải thương…

Cuối năm 1973, Đặc khu uỷ Quảng Đà quyết định chia lại địa giới hành chính một lần nữa. Lúc này, Quận Nhì được chia làm 2 quận khác nhau là Quận Nhì và Quận Tư[9]. Đồng chí Lê Quân làm Bí thư Quận ủy Quận Tư. Đồng chí Võ Thanh Hùng làm Bí thư quận Quận Nhì. Tháng 10 năm 1974, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định phân chia lại đơn vị hành chính, hợp nhất Quận Nhì và Quận Tư lại như cũ lấy tên là Quận Nhì do đồng chí Lê Quân làm Bí thư và đồng chí Lê Trọng Tài làm Phó Bí thư; chuyển 3 xã Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Phát về lại Khu I – Hòa Vang nhưng Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vẫn trực thuộc Quận Nhì – Đà Nẵng.

Lúc này, ngụy quyền Sài Gòn đã đi đến chỗ bế tắc. Bọn sĩ quan ngụy đã bắt đầu chiến dịch vơ vét của cải để phòng thân, bọn nhân viên hành chính thì lo bớt xén công quỹ, mua vàng, đổi đôla để chờ ngày “chế độ ông Thiệu bị diệt”. Trên khắp các chiến trường miền Nam, ta liên tiếp tổ chức tấn công, tiêu diệt địch; lợi thế so sánh giữa ta và địch thay đổi nhanh chóng, phần thắng nghiêng hẳn về phía ta. Trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 7 tháng 10 năm 1974 đã hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong khoảng năm 1975-1976, tuy nhiên, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 23 tháng 3 năm 1975, Thường vụ Khu ủy 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà đã họp và nhận định: thời cơ lớn đã đến, phải nắm cơ hội “ngàn năm có một” này, dù chủ lực chưa đến kịp thời, lực lượng vũ trang địa phương cùng lực lượng chính trị vẫn cương quyết nổi dậy theo phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã“. Các quận, huyện, thị và thành phố ở trên địa bàn Quảng Đà đẩy mạnh « 3 mũi giáp công », mở ra từng khu vực, chuẩn bị thực lực giành thắng lợi lớn khi thời cơ đến.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn với đòn đánh của quận chủ lực của ta vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 24 tháng 3 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, địch quyết định bỏ Quảng Trị. Ngày 24 tháng 3, ta giải phóng Tam Kỳ. Ngày 25 tháng 3, giải phóng Huế. Địch tập trung lực lượng về cố thủ Đà Nẵng. Đòn đánh vào Đà Nẵng thắng lợi sẽ báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước càng trở nên quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo Quận ủy, Quận đội Quận Nhì- Đà Nẵng và Khu 1- Hòa Vang về đứng chân đứng chân tại Hồng Phước để chỉ đạo các lực lượng cách mạng giải phóng kịp thời giải phóng quê hương và nhằm phối hợp tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, các mũi tiến công của quân ta từ các hướng hành tiến về phía Đà Nẵng, trong đó ở  hướng tấn công phía Bắc và Tây Bắc, bộ đội Quân đoàn 2 chia hai mũi: Mũi thứ nhất theo đường số 1 qua đèo Hải Vân vào; mũi thứ hai theo đèo Bạch Mã vào đường 14B nối dài (nay là đường 602) Tà Lang, qua đèo Mũi Trâu xuống Quan Nam siết chặt vòng vây quân địch tại Đà Nẵng[10]. Quận uỷ Quận Nhì chỉ đạo các lực lượng cách mạng tại các khu phố nhanh chóng thành lập các Ban khởi nghĩa để chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền.

Trong ngày 28 tháng 3 năm1975, bọn địch tại Đà Nẵng ở trong tình trạng rối loạn tột độ ; chúng vứt bỏ quân trang, quân dụng dọc đường quốc lộ 1A để chạy thoát thân. Vào lúc 16 giờ ngày 28 tháng 3 năm1975, chiếc máy bay cuối cùng chở quân địch rời khỏi phi trường Đà Nẵng. Nhiều tên lính nguỵ bu bám trên máy bay rơi xuống biển trước sự chứng kiến của nhiều người.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975, khi bộ đội chủ lực của ta đã tiến vào Nam Ô, Xuân Thiều, lực lượng vũ trang và nhân dân Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã nổi dậy làm chủ, chiếm Hội đồng xã Hòa Khánh và kho gạo Xuân Thiều. Các đồng chí Phạm Đình Khôi, Dương Thành Thị trong đội công tác của B1 Hồng Phước đã chiếm lĩnh cơ quan Hội đồng xã của ngụy, hạ cờ “3 que” của địch xuống và treo cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ ở trước sân Hội đồng. Đây là lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên cột cờ đầu tiên tại một cơ quan ngụy quyền vừa được quân ta chiếm lĩnh ở Đà Nẵng trong ngày giải phóng thành phố. Từ thời điểm đó, quê hương Hồng Phước và xã Hòa Khánh được hoàn toàn giải phóng. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng và vào lúc 15 giờ ngày 29 tháng 3 năm1975, các cánh quân của ta đã hội quân trên bán đảo Sơn Trà. Ta hoàn toàn làm chủ Đà Nẵng – khu căn cứ liên hiệp hải, lục, không quân lớn nhất của Mỹ – ngụy tại miền Nam đã bị đập tan. Cờ giải phóng phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính thành phố. Đà Nẵng được giải phóng sau 117 năm  “kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn”.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hồng Phước vui mừng, chào đón Ngày chiến thắng và bước vào trang sử mới của dân tộc.

[1] Sau 2 ngày, các cơ sở của ta đưa đồng chí Phan Văn Tải về căn cứ và được lực lượng tại đây khiêng về căn cứ của ta trên núi để đưa ra miền Bắc chữa trị nhưng đồng chí Phan Văn Tải đã xin tổ chức ở lại chiến đấu. Đến tháng 10 năm 1970, Đặc Khu ủy Quảng Đà điều động đồng chí về lại Quận Nhì, tiếp tục giữ chức vụ Quận đội phó.

[2] Đồng chí Phạm Phú Long là con trai của mẹ Lê Thị Dãnh, tức Mẹ Nhu, mẹ Dũng sĩ Thanh Khê.

[3] Theo Tài liệu của Trung tâm tình báo địch miền Trung và bọn Phượng Hoàng ta thu được sau năm 1975.

[4] Những đồng chí này hiện nay còn đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng.

[5] Số bị bắt sống ta thả tại chỗ.

[6] Dẫn theo Nghị quyết Khu uỷ V tháng 7.1973, tài liệu hiện lưu tại kho tư liệu Ban tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng.

[7]Ông Dương Thành Thị hiện nay là Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Liên Chiểu.

[8] Đồng chí Võ Đình Nhơn nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam

[9] Quận Nhì gồm có các khu phố: An Khê, Hà Khê, Thanh Khê, Phú Lộc, Xuân Đán, Phục Đán và Xuân Hoà. Quận tư gồm các khối phố Thạc Gían, Vĩnh Trung, Tân Chính, Tam Toà, Chính Gían.

[10] Phản ánh tình hình này, nhà báo Mỹ Giô-dép A. Am-tơ đã viết: “Đà Nẵng đã từng là căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất ở Nam Việt Nam nhưng nó đã nhanh chóng bị cô lập khi các lực lượng của Bắc Việt và Việt cộng từ trên rừng tràn xuống phía nam Đà Nẵng và tiến về phía biển, cắt tất cả các đường thoát thân trên bộ. Sự khiếp sợ lan tràn khắp thành phố ( “Lời phán quyết về Việt Nam”, Nxb QĐND, HN 1985, tr. 456.)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây