Một tác phẩm hay dành cho trẻ thơ – Tác giả: Nguyễn Đức Hạnh

Một tác phẩm hay dành cho trẻ thơ - Tác giả: Nguyễn Đức Hạnh

Tại sao vừa mới ra mắt độc giả đầu năm 2023, Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh lại khiến độc giả xôn xao tìm đọc, chào đón như vậy? Tôi nghĩ, tất cả đều có lý do của nó.

Trước hết, đây là tác phẩm chân thực, sinh động, hấp dẫn và đạt tới tính điển hình khi cho bao người đọc tìm lại bóng dáng cuộc đời mình, tâm hồn mình.

Với cách kể chuyện giản dị, chân thực tột cùng, tác phẩm được kết cấu với 9 sự kiện được “xâu chuỗi” trong quãng đời đi học của nhân vật Khang, từ lúc vào học lớp Vỡ lòng đến khi vào học cấp 3 (tức Trung học phổ thông). Chúng ta gặp lại  những điều đó qua hành trình “Tuổi thơ dữ dội” của nhân vật Khang. Có thể mượn nhan đề Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán để đặt tên cho thời gian đi học của Khang, với bao biến cố có nhan đề và qua 9 sự kiện lớn ấy, những âm vang bi tráng của thời đại vẫn dội vào kín đáo và trực diện, để lại những “vết hằn” không phai trong tâm hồn trẻ thơ. Ở sự kiện thứ nhất có nhan đề Vầng mặt trời, chúng ta gặp một khởi đầu dữ dội với gia đình Khang: – Cha tham gia Việt Minh bị tra tấn và bắt giam, nhà cửa bị đốt sạch; Mẹ sinh 6 lần cũng 6 lần chôn cất con thơ, để rồi: “Bu tôi mới lần mò, tìm từng nấm mộ chôn con mình, giang tay ôm ấp và sụt xịt hát ru cho từng nấm mộ một…” (Tr.14).

Ở sự kiện thứ 3, với nhan đề Nước mắt của Cha, việc đến lớp của Khang gặp bao đau khổ bởi cha của Khang đã xin ra khỏi Hợp Tác Xã. Với sự non nớt ngây thơ, Khang chưa thể hiểu nổi hậu quả ghê gớm từ hành động ấy của cha. Những giọt nước mắt đắng cay của ông gợi nhắc về bao ấu trĩ, duy ý chí của một giai đoạn lịch sử đã qua. Những giọt nước mắt ấy đã chảy vào kí ức của Khang và mặn chát cảm thương…

May mắn thay, bên cạnh những chi tiết nghệ thuật đắng chát đau buồn ấy, chúng ta vẫn gặp bao chi tiết thấm đẫm chất thơ, bay bổng đôi cánh lãng mạn, tạo được mĩ cảm, trong lòng độc giả nói chung, đặc biệt cho trẻ thơ nói riêng. Đó là hình ảnh và tâm trạng của Khang ngày đầu tiên tới lớp, nhà văn không miêu tả tỉ mỉ một cách trực tiếp, chỉ gợi tả qua cảm nhận của Khang về  mầu sắc mùi vị của chiếc bàn học, trong lần tiếp xúc đầu tiên: “… Chiếc bàn còn mới được đóng bằng thứ gỗ gì đó ngả mùi hăng hắc như mùi hoa xoan cuối xuân rụng tím góc sân nhà tôi tỏa ra trong mưa xuân giăng bụi trắng đục, giống như một chiếc khăn Voan màu trắng ngà mỏng tang phủ vắt ngang từ cây Xoan đào to một người ôm xuống tận góc sân, giáp ngay rặng cúc tần vàng xuộm ….” (Tr.34). Những sắc màu và mùi vị rạo rực ấy cũng chính là tâm trạng của cậu bé nhà quê lần đầu đến lớp, vừa quen vừa lạ, vừa thích vừa e ngại với bao khát khao khám phá.

Đó là những rung động đầu đời của Khang dành cho Khuê, một cô bạn cùng lớp xinh xắn, một trạng thái cảm xúc mơ hồ của tuổi mới lớn mà ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua: “Có lần, tôi bất chợt bị nó bắt quả tang tôi đang nhìn nó. Hai má nó bừng đỏ và đôi mắt to đen, hàng mi cong vút của nó ánh lên thứ ánh mắt sáng kì diệu làm tôi như bị hớp hồn. Đó là thứ ánh sáng lóe lên như tia chớp, lóe lên ám ảnh tôi mãi tới những năm sau này trong hành trình suốt cuộc đời tôi…” (Tr.169)

Bên cạnh những chi tiết nghệ thuật đau thương, hay giàu chất thơ còn có những chi tiết ngộ nghĩnh hài hước phù hợp với tâm lí và cá tính của lứa tuổi học trò hiếu động, thích thể hiện “cái tôi”, hiếu thắng của một thời: – Khang tắm ao bị giấu mất quần áo phải ngâm mình dưới nước. Thành lập “Đội chiếu bóng của lũ trẻ, bán vé bằng ngô, khoai. Do nhầm lẫn đã làm bẫy đổ cả thúng gio lên đầu thấy giáo…”. Nhưng có bao người tốt cùng sự thanh lọc kì diệu của văn học đã giúp Khang vượt qua hoàn cảnh thôn quê thiếu thốn, vượt qua những tật xấu trong chính mình để vươn lên thành con ngoan trò giỏi.

Điều quan tâm của độc giả, tiếp theo, chính là hình ảnh “Đôi mắt” – một biểu tượng nghệ thuật giàu sức gợi.

Trong tác phẩm, hình ảnh đôi mắt xuất hiện trở đi trở lại tới 17 lần, trở thành một biểu tượng nghệ thuật đầy ám ảnh. Nó vừa mang nghĩa hiển ngôn, gắn với một nhân vật trong một hoàn cảnh cụ thể, vừa mang nghĩa hàm ngôn sâu thẳm. Hình ảnh “Đôi mắt” xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm này, mang ý nghĩa thẩm mĩ cao đẹp, đầy sức gợi mở với ý nghĩa tượng trưng của nó.

Trước hết, nó phản ảnh tâm trạng của nhân vật trong những hoàn cảnh cụ thể và gợi tả về thân phận của nhân vật ấy: Đó là đôi mắt mơ mộng của bạn Yến nhìn ra cửa sổ trong lớp học cùng Khang (Tr.36); Đôi mắt của anh Phê hiểu biết, vị tha khi Khang mắc lỗi (Tr.165); Đôi mắt nghiêm khắc và chờ đợi sự tiến bộ từ Khang của thầy Hiệt (Tr.202); Đôi mắt mừng vui của bà ngoại khi Khang vào học cấp 3 (Tr.216)… Đặc biệt, có hình ảnh đôi mắt của một số nhân vật được lặp lại nhiều lần, biểu hiện sự chuyển đổi tâm thế từ đau buồn đến hạnh phúc, khi dõi theo sự trưởng thành của Khang. Đó là đôi mắt người cha được mô tả hai lần (Tr.57,204); Đôi mắt của mẹ được tái hiện hai lần (Tr.153,215); Đôi mắt thầy Năm khi còn sống và trong di ảnh của một người liệt sĩ (Tr.44,212); Đôi mắt của bác Bào gắn với thân phận xa quê và nỗi nhớ cố hương (Tr.29,111)… Đặc biệt nhất, đôi mắt của nhân vật Khuê được điệp lại tới 3 lần: – Lúc xa cách, lúc lo lắng, lúc mừng vui… Phải chăng “tình yêu” thủa học trò có sức ám gợi lâu bền nhất?

Có thể nói đây là một ý đồ nghệ thuật của nhà văn khi điệp lại nhiều lần hình ảnh “Đôi mắt” của nhiều nhân vật, đặc biệt là những nhân vật có quan hệ gắn bó, yêu thương đặc biệt với Khang. Ở lớp nghĩa hiển ngôn, hình ảnh “Đôi mắt” tượng trưng cho tâm trạng và thân phận của nhân vật trong những biến cố hệ trọng nào đó. Những đào sâu hơn vào lớp nghĩa hàm ngôn, hình ảnh “Đôi mắt” như những “khoảng trời” dõi theo ấy còn tượng trưng cho quê hương, cho gia đình thân thương, cho lòng nhân ái luôn tồn tại bền bỉ qua thử thách, cho quãng đời cắp sách đến trường đầy kỉ niệm vui buồn của Khang. Không có những “Đôi mắt” vừa nghiêm khắc vừa yêu thương ấy, Khang không thể tự hoàn thiện mình và trưởng thành.

Tác phẩm Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh là một tác phẩm hay dành cho trẻ thơ. Những chi tiết chân thật, sống động, những tình huống giàu kịch tính, mỗi nhân vật dù được khắc họa kĩ lưỡng hay sơ lược, đều được cá thể hóa sắc nét bằng một “nét vẽ” đặc sắc cho ngoại hình hay nội tâm… Tất cả được “chiếu rọi” bằng ánh sáng hướng thiện trong trẻo, phù hợp với tâm sinh lí của lứa tuổi trẻ thơ ở một giai đoạn lịch sử đã qua. Chính vì thế một số thế hệ độc giả sẽ tim thấy hình bóng cuộc đời, tâm hồn mình trong đó.

Tủ sách văn học dành cho lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên còn thiếu những tác phẩm xuất sắc. Đọc Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh, nhiều người cho rằng, tác phẩm là sự bổ sung kịp thời và thú vị cho sự thiếu vắng ấy. 

N.Đ.H

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây